Kẻ ngộ rừng và thủ lĩnh 9 bãi vàng xứ Thanh

Google News

(Kiến Thức) - Sau khi rũ bỏ cuộc sống cắm lều trong núi đào vàng, Cầm Bá Tuấn mất hơn hơn 20 năm cải tạo đất đồi núi trọc, trồng rừng.

Cách đây 4 năm tôi từng gặp hắn ở dưới thị trấn Thường Xuân, tay xách ca táp như một đại gia phố núi, nhưng rồi hắn mở ca táp ra toàn là giấy tờ. Sau mấy năm gặp lại hắn già đi nhiều, nhưng phong cách ăn mặc, khí phách thì vẫn như xưa.
Anh Tuấn mong ước sẽ biến trang trại của mình thành nơi du lịch sinh thái. 
Chia vàng cho thiên hạ
Cầm Bá Tuấn (bản Dài, xã Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) cái tên đã nổi tiếng trong vùng, bởi hắn có nhiều điều đặc biệt. Xét về học hành xưa kia hắn cũng thuộc dạng nhất nhì trong vùng. Hắn bảo, tầm tuổi hắn xưa kia ở bản chỉ có mỗi hắn đi học. Cái sự nghèo đói, khổ sở thì như nhau cả nhưng với sự ham học kỳ lạ, ý thức học hành để thoát khỏi đói nghèo sớm nung nấu trong sâu thẳm tâm hồn hắn. Thế nên, dù khó khăn thiếu thốn đến đâu hắn cũng cố gắng đến trường. Sự vươn lên trong cuộc sống của gã được đền đáp bởi những điểm số cao trong học tập, từ hồi học phổ thông đến học chuyên nghiệp hắn đều có thành tích cao trong học tập. 
Ước mơ trở thành thầy giáo, mang cái chữ đến cho dân bản cũng dần được thực hiện khi hắn ra trường và được phân công giảng dạy ở  trường tiểu học xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân. Nhưng rồi với tính cách của một người đề cao lòng tự trọng nên hắn đã rời xa mái trường. “Ngày đó tôi xin nhà trường nghỉ phép về thăm gia đình, khi lên đi làm trở lại thì bị nhà trường kỷ luật, buộc thôi việc một cách phi lý. Sau này, Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Thanh Hóa mời tôi trở lại đi dạy tôi đã từ chối. Như thế là quá đủ đối với tôi, khi người ta không trọng dụng, tin tưởng tôi nữa, tôi sẵn sàng ra đi”, anh Tuấn nhớ lại.
Anh Tuấn thái chuối cho cá ăn. 
Nhà nghèo nhưng chia vàng cho thiên hạ
Người dân trong vùng thường gọi hắn là hâm là gàn dở, đến vợ hắn cũng nói hắn bị ngộ. Bởi trên đời này người bình thường hiếm ai hành động như hắn. 
Chuyện hắn gàn dở bắt đầu từ khi hắn bỏ dạy học. Hắn tập hợp những người nghèo khổ trong vùng, thành lập đội quân vào rừng đãi đá tìm vàng. Khi đào được vàng hắn chia đều cho mọi người. Vợ hắn biết chuyện gào lên khóc lóc, tiếc nuối. Vì ở nhà vợ con nheo nhóc, đến cơm không có mà ăn. Thế mà hắn lại chia vàng cho thiên hạ. Tôi nghe câu chuyện đó cũng thấy bất thường, nhưng sau khi nghe hắn lý giải thì hắn hành động như thế mới xứng đáng là người thủ lĩnh của dân nghèo. 
Hắn bảo, của cải, vàng bạc thì ai cũng tham, nhưng ở nơi thâm sơn cùng cốc, chém giết lẫn nhau là chuyện hằng ngày thì không thể tham được. Việc chia chác vàng nếu không đồng đều dễ dẫn đến mâu thuẫn, gây hậu họa về sau. Thế nên, hắn chịu thiệt một tý cũng không sao, quan trọng là giữ hòa khí với mọi người.
Sau nhiều năm làm lụng, cuối cùng anh Tuấn cũng xây cất được căn nhà. 
Đời thật là cay nghiệt!
Sống giữa dân bản, thấy ai khó khăn hắn cũng dốc lòng giúp đỡ. Nhưng chính lòng tốt của hắn cũng bị người khác lợi dụng. Đó là khoảng thời gian hơn mười năm trước, vào một buổi chiều hắn gặp một nhóm người nằm bên đường đói khát. Họ nói rằng gia đình nghèo đói, nợ nần nhiều quá nên mới vào rừng khai thác gỗ. Họ chặt cả tuần được mấy cây gỗ quý, kéo mãi mới ra ngoài gần đường. Giờ mọi người đã kiệt sức không thể mang về được. Sau đó, họ đã ngỏ ý nhượng lại số  gỗ đó cho hắn với giá 10 triệu đồng lấy tiền về trả nợ. 
Thương nhóm người đó, hắn đã về nhà vét sạch tiền để đưa cho bọn họ. Khi hắn đang mang trâu lên kéo gỗ về thì bất ngờ lực lượng Công an huyện có mặt, cho rằng hắn đã phá rừng lấy gỗ. Do đó, họ còng tay hắn lại và đưa về trụ sở công an huyện. 
“Thương người quá nên tôi bị lừa. Đời thật là cay nghiệt! Công an huyện chưa hiểu rõ chuyện gì đã còng tay, đánh đập tôi. Thời gian sau, họ đã phải xin lỗi tôi vì những hành động đó. Sau này tôi mới hiểu, nhóm người đó đi chặt gỗ thuê cho ông chủ ở thị trấn. Bọn họ bán số gỗ đó đi để kiếm lời chia nhau”, anh Tuấn kể.
Suốt 20 năm qua anh Tuấn làm việc trên vườn đồi. 
“Trồng cây đến ngày hái quả”
Trên đường dẫn tôi về nhà hắn tấp vào hàng thịt lợn. Hắn bảo: “Cuộc đời lúc nào cũng tất bật công việc. Chú lên đây mấy lần nhưng anh chưa có lần nào mời chú được bát cơm, lần này, anh phải mời chú bằng được. Thịt lợn đã mua, về nhà làm thêm mẻ chài kiếm con cá tươi ăn cho ngon”.
Trước khi hắn nổi lửa nấu cơm, hắn dẫn tôi đi một vòng thăm “cơ ngơi” của mình. Căn nhà mái tranh xiêu vẹo trước đây của hắn giờ cũng đã được xây cất. Từ việc đóng gạch đến xây cất hắn đều tự tay làm. 
Vừa dẫn tôi thăm khu vườn đồi, hắn vừa khoe: “Sau bao nhiêu năm vất vả lam lũ, cật lực làm việc năm vừa rồi tôi mới được thu hoạch. Với tổng diện tích 63ha, tôi phân chia trồng nhiều các loại cây cối khác nhau. Kết hợp phát triển kinh tế theo mô hình vườn cây và ao cá. Năm vừa rồi tôi thu hoạch từ vườn mía, đồi keo và ao cá trừ chi phí đi cũng được 200 triệu đồng. Đó mới chỉ là những kết quả bước đầu sau thời gian thử nghiệm. Quan trọng hơn cả là với nỗ lực của mình, tôi chứng minh cho mọi người một chân lý: Dù đất đai cằn cỗi biết mấy có sức lực và  trí tuệ của con người cũng thành công”.
Hắn vui hơn khi mỗi vụ vào mùa thu hoạch mía, thu hoạch cây keo có thể tạo việc làm cho hàng chục lao động nông nhàn trong vùng. Để mọi người có thêm thu nhập, nâng cao đời sống hằng ngày. Hắn bảo, cuộc sống này nếu làm giàu cho bản thân mình thì không khó, lợi ích của bản thân phải gắn liền với dân bản. Vì thế, hắn thích làm những gì để dân bản trong vùng đều có lợi ích.
Ngắm nhìn hồ ao nuôi cá dưới đồi cây cối xanh tươi, hắn mong ước sau này sẽ biến nơi đây thành một khu du lịch sinh thái, điểm đến của người dân trong và ngoài tỉnh. “Mong ước của tôi hoàn toàn có cơ sở, bởi khu vực này hội tụ đầy đủ các yếu tố về không gian và cảnh quan. Năm trước có một số đại gia đã vào gặp tôi đề xuất sẽ chi khoản tiền lớn để giúp tôi đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng làm du lịch. Nhưng tôi đã từ chối, vì tôi không thích cách làm như vậy”, anh Tuấn kể.
Vợ con hắn đã quen với việc tiếp đón những vị khách xa lạ. Khi hắn đi chơi, về nhà thường dẫn theo một người bạn. Hắn thích những người trọng nghĩa, khinh tiền tài vật chất. Và mỗi khi nghe đâu có chuyện đánh chửi nhau hắn sẽ đến giải hòa. Nhờ thế mà hắn đi đến đâu cũng được nhiều người quý mến.
Đức Lợi