Kỳ lạ ’giếng vua’ sát biển vẫn ngọt mát quanh năm

Google News

Chia sẻ những câu chuyện thiêng liêng từ giếng cổ, nhiều người dân địa phương lên Miễu Bà cúng lễ cho biết: "Đây là giếng vua".

Ẩn mình trên triền đồi thuộc Phường 5, TP. Vũng Tàu, khu di tích Miễu Bà, Giếng Ngự được nhiều khách viễn du biết đến như một địa điểm thiêng liêng. Sự thiêng liêng trên ít nhiều đến từ cái giếng đặc biệt với những giai thoại ly kỳ: Giếng Ngự.

Giếng nước đặc biệt


Chia sẻ những câu chuyện thiêng liêng từ giếng cổ, nhiều người dân địa phương lên Miễu Bà cúng lễ cho biết: "Đây là giếng vua. Chính nước giếng này đã giúp vua Gia Long tin vào khả năng phục quốc. Đặc biệt, gần biển như vậy, nhưng nước giếng rất ngọt, rất mát. Đặc biệt, người xưa còn truyền rằng: Sinh con trai mà dùng nước giếng này tắm giúp đứa trẻ khỏe mạnh, uy nghi và thông minh như hoàng tử. Sinh con gái, dùng nước này tắm sẽ khiến đứa trẻ sau này đẹp như những công chúa. Thế nên giếng được người xưa truyền từ đời này qua đời khác, không bao giờ bị hoang phế, vùi lấp".

Nói về nguồn gốc của giếng thiêng tại Miễu Bà, chị Linh,  người có hơn chục năm làm công quả tại đây cho biết: "Ở đây ai cũng thuộc truyền thuyết về sự ra đời của cái giếng này. Theo đó, nó được ông Gia Long dùng kiếm thiêng đào để nuôi quân sĩ khi ông chạy trốn quân Tây Sơn qua đây". Các bậc cao niên sống dưới chân Miễu Bà còn kể thêm: Sau khi thua trận,  Nguyễn Ánh đã dùng thuyền lớn theo đường biển chạy dài vào Vũng Tàu này. Tại đây, để tránh nắng, củng cố số tàn binh còn lại, Nguyễn Ánh bèn cập thuyền, cho lính lên rừng  ẩn náu. Tuy nhiên, bốn bề xanh ngắt một màu nước biển, tàn quân khát nước khô môi mà tìm mãi không thấy nguồn nước ngọt.
Giếng nước linh thiêng.
Giếng nước linh thiêng.

Trong lúc tuyệt vọng, Nguyễn Ánh bật dậy, rút gươm thiêng chỉ lên trời rầm rầm khấn rằng: "Nếu ta còn mệnh thiên tử, còn mệnh phục quốc xin cho nước ngọt để nuôi quân sĩ”. Sau lời khấn, ông cắm gươm sâu xuống lòng đất trước mặt. Ít phút sau, quả nhiên có nước rỉ ra nơi ngọn kiếm. Uống thử thấy ngọt, ông lệnh cho quân sĩ đào sâu xuống nơi kiếm vừa đâm làm giếng trữ nước. Càng đào nước càng trong và dâng mãi không vơi. Từ đó, lính tráng có nước uống, sinh hoạt, vượt qua được điều kiện tiên quyết để tồn tại.

Sau đó, Nguyễn Ánh quyết định dừng chân nơi đây củng cố lại binh lực. Chia sẻ thêm về việc này, anh Thành Tâm, người thường xuyên có mặt tại Miễu Bà khẳng định: “Xa xa về phía Nam giếng này là nơi khu vua cho binh sĩ nuôi ngựa chiến và tập binh. Nhưng theo tôi được biết, ông không ở đây lâu mà chỉ trú tạm rồi lại kéo binh chạy dài xuống phía Nam vào Gia Định”.

Lý giải việc bằng cách nào người xưa có thể xác định đây chính là giếng thiêng của vua Gia Long sau này, chị Linh cho biết: "Tôi cũng chỉ nghe người xưa khẳng định đây là giếng thiêng của vua và phải giữ gìn từ đời này sang đời khác. Cứ như thế, giai thoại được truyền miệng qua nhiều thế hệ đến bây giờ. Sau này, Nhà nước cũng đã công nhận đây là di tích văn hóa. Nghe nói, trước khi kéo binh đi, ông Nguyễn Ánh có dùng gươm thiêng khắc vào đá núi mấy chữ Nho để nhớ ơn cái giếng cứu mình thoát chết và nguyện sau khi phục quốc sẽ quay lại sắc phong cho giếng thiêng và cắt người trông giữ giếng. Nhưng lâu quá nên tảng đá đã không còn. Chuyện cũng chỉ được người xưa kể lại, tam sao thất bản thế nào cũng không ai rõ nữa".

Dùng nước giếng cổ để xin... số đề


Di tích Giếng Ngự ở TP. Vũng Tàu nằm trong khuôn viên của Miễu Bà - Bãi Dâu. Sự hình thành của Miễu Bà cũng ít người nắm rõ. Theo chị Linh, từ rất lâu, dân trong vùng đã biết đến Miễu Bà. Miễu này trước kia vốn chỉ là một cái am nhỏ, sau này được mở rộng thêm ra. Do có tiếng linh ứng và có thêm Giếng Ngự, khách đến viếng ngày càng đông.

Cũng theo người này, sự linh thiêng của Giếng Ngự ngày nay không còn được như trước nữa. Lý giải việc này, chị cho biết: "Trước đây, khách đến Miễu cúng viếng, xin xăm thường ra Giếng Ngự cầu may. Nhiều người đã ăn nên làm ra, họ thành công nên quay lại Miễu cúng dường, đóng góp xây dựng giếng, Miễu như hiện nay. Nhưng sau này, giếng không còn linh ứng như trước nữa do người dân tùy tiện lên chở nước về sử dụng vào việc chăn nuôi heo. Điều này làm nước giếng trở nên không ngọt và mát như trước".
Một "ma đề" xin số ở giếng Ngự.
Một "ma đề" xin số ở giếng Ngự.

Có mặt tại Miễu Bà vào một buổi sáng vắng khách thập phương, chúng tôi ghi nhận ngoài những ngày lễ lớn, dân địa phương vẫn thường xuyên lên Miễu tìm vận may. Những khách địa phương này thường nhân lúc Miễu vắng khách, tranh thủ lên Miễu xin xăm, cầu duyên và  số đề. Lợi dụng và vịn vào những câu chuyện thiêng liêng của khu di tích, nhiều tín đồ của thế giới tâm linh đã bày ra những phương thức xin số đề, xổ số một cách mê tín. Một trong những ước vọng được nhiều khách địa phương cầu nhất là xin số đề bằng cách đặt trứng. Theo đó, để xin thành công một con số bất kỳ, những ma đề cũng tự đặt ra những cách thức cầu khấn bí hiểm.

Có mặt tại khu vực Giếng Ngự, Miễu Bà, chúng tôi được chứng kiến cách thức cầu khấn xin đề bí hiểm trên. Theo đó, các "ma đề" trước khi lên Miễu xin số cần phải soạn lễ vật. Lễ vật có thể tùy tâm người xin và không bắt buộc là chay hay mặn. Tuy nhiên, các "ma đề" không được quên dụng cụ quan trọng là 3 quả trứng gà sống. Ba quả trứng gà này là vật cần thiết nhất trong việc xin số. Lên tới Miễu, cũng như những du khách bình thường, các “ma đề” tiến hành bày lễ, nhang khói các nơi cần thiết. Sau đó, những khách đặc biệt này sẽ lẳng lặng ra sau Miễu nơi có Giếng Ngự. Tại đây, có 2 bệ thờ nhỏ riêng biệt. Các con đề sẽ thắp nhang khấn trên 2 bệ thờ này trước khi tiến hành thao tác xin số.

Nhang khói xong, khách đặc biệt mở túi lấy 3 quả trứng đặt lên bàn thờ, tay thắp thêm lượt nhang để thần linh chứng giám. Sau đó, những người này dùng phấn kẻ lên mặt phẳng dưới bệ thờ 9 ô vuông. Trong 9 ô vuông trên được đánh dấu 9 con số bắt đầu từ 0-9. Sau khi khấn xong, người xin sẽ quỳ gối, dùng 3 quả trứng gà trên lần lượt đặt vào từng ô số theo chiều thẳng đứng. Từng quả trứng được dựng qua các ô số cho đến khi đứng thẳng, vuông góc với mặt phẳng và không ngã mới thôi. Cứ như thế, trứng đứng ở số nào thì sẽ được giữ  nguyên. Các “ma đề” tiếp tục dựng các trứng còn lại cho đến khi 3 trứng cùng đứng trên mặt phẳng coi như xin thành công. Các số tại vị trí trứng dựng đứng không ngã là số trúng.

Chia sẻ thêm về cách thức xin số bí hiểm này, chị Linh cho biết: "Trong khi xin, người cầu không được nói chuyện, không được để người ngoài làm ảnh hưởng đến mình. Đặc biệt là phải thành tâm khấn nguyện". Một "ma đề" tưởng chúng tôi lần đầu lên đây để  xin số liền "chỉ bảo": "Em muốn xin thì phải xuống núi mua trứng gà tơ mới đẻ mới được. Trứng chỉ được dùng một lần. Dùng xong không được mang ra khỏi Miễu mà phải đập ngay tại đây". Một khách địa phương khác hướng dẫn thêm: "Muốn thành công, khi soạn lễ nên dùng nước giếng thiêng để rửa tay, chân, mặt mũi. Nếu lễ là hoa quả phải được rửa sạch bằng nước giếng này. Đây là nước quý, nước chân mệnh thiên tử không phải ở đâu cũng có đâu”.

Mặc dù báo chí nhiều lần đã khẳng định và chứng minh chuyện xin số đề bằng trứng gà chỉ là trò bịp bợm nhưng không hiểu sao nhiều người vẫn tin vào. Và hiện tượng này đang làm mất đi vẻ đẹp của một di tích lịch sử văn hoá và đặc biệt là chiếc giếng cổ đặc biệt này.  

Theo Người Đưa Tin
[links()]