Sợ bạn bè nhìn thấy
Khi chúng tôi hỏi về cái nghề mới nổi ở đất cảng, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc điều hành Công ty Thiện Phúc, bảo: "Trước đây tôi nghĩ đó là cái nghề cố cùng mạt hạng nhất trong xã hội. Tôi tự ti về bản thân mình đến nỗi, mỗi khi đi khâm liệm cho người chết tôi thường tìm cách ngụy trang để người thân, bạn bè không nhìn thấy. Nhưng giờ tôi lại nghĩ khác, đó là cái nghề bình đẳng với bao nghề khác và được mọi người kính nể".
Ông Sơn đến với nghề liệm xác cách đây 7 năm, khi đó gia đình gặp khó khăn về kinh tế, nợ nần chồng chất. Quá cực, ông liền nghĩ ra cách đi liệm xác thuê cho những gia đình có nhu cầu. Lúc đầu ông thấy công việc này thật ghê gớm, nhưng rồi sự trải nghiệm qua chiến tranh, phải đối diện với cái chết đã giúp ông gắng gượng vươn lên, bám trụ lấy cái nghề mà ông cho là bần cùng mạt hạng này để lấy tiền trả nợ.
Sau gần 4 năm làm nghề, ông Sơn dần trả hết nợ trong khi công việc vẫn rất bận rộn. Lúc này, ông nghĩ ra cách thành lập công ty chuyên về dịch vụ ma chay và trở thành một trong những người đầu tiên làm dịch vụ này ở Hải Phòng. Ông tập trung các anh em cựu chiến binh không có việc làm ở sư đoàn 304 trung đoàn 9 cùng tham gia. Ông cùng đồng đội đã góp tiền của, công sức thành lập một đội tang lễ, với hơn 10 người và trên 20 chiếc ô tô phục vụ tang lễ.
Nói về thời điểm mới thành lập, ông Sơn phấn khởi bảo: "Công việc nhiều đến mức hơn 10 anh em của sư 304 chúng tôi làm không xuể, tôi phải đi lục tìm khắp đất Hải Phòng để thuê thêm người vào đội tang lễ, lúc cao điểm phải huy động hơn 100 người...".
|
Một đám ma được tổ chức rình rang ở Hải Phòng. |
Xúc óc người bỏ vào hộp sọ
Qua nhiều năm làm công việc liệm xác, ông Sơn đã trải qua vô vàn khoảnh khắc rùng rợn đáng nhớ. Cách đây vài tháng khi ông đang ngồi uống cà phê cùng bạn bè thì nhận được một cuộc điện thoại của khách hàng từ Hà Nội gọi đến bảo có người nhà tự tử tại một dòng sông ở Hải Phòng, ông lập tức lên đường theo địa chỉ mà khách hàng đã cho. Ông lội xuống sông vớt xác người đang trong quá trình phân hủy bốc mùi hôi thối, giòi bọ lổn nhổn... Ông đưa xác người lên bờ rồi báo cho cơ quan chức năng đến để khám nghiệm tử thi theo quy định của pháp luật, sau đó mới tiến hành khâm liệm để đưa nạn nhân lên xe tang chở về Hà Nội.
Gần đây nhất là tháng 4/2013, ông nhận một trường hợp tai nạn giao thông ở TP Hải Phòng. Nạn nhân bị ô tô đâm đến nỗi thân một nơi đầu một nẻo. Sau khi cảnh sát khám nghiệm tử thi xong thì bàn giao xác cho gia đình nạn nhân. Khi tiếp nhận trường hợp này, đích thân ông phải dùng thìa cạo não nạn nhân rồi mổ hộp sọ cho vào và gắn với phần thân người để đưa vào hòm và cử hành tang lễ.
Chỉ nghe kể lại những chuyện này đã khiến chúng tôi nổi da gà, vậy nhưng ông Sơn bảo: "Đó là chuyện cơm bữa, ngày xưa trong chiến trường tôi đã chứng kiến những cái chết ghê gớm hơn như thế, những người bạn của tôi bị trúng bom chân cẳng một nơi đầu một nẻo, ruột thì vắt vẻo ngọn tre... Thế nhưng, mình phải đối diện với nó để mà vượt qua".
Nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn ông cùng đồng đội không lấy một đồng tiền công nào, vì thế mà nhiều người gọi ông với biệt danh "Sơn điên". Vậy nhưng, ông Sơn lại rất tự hào về biệt danh đó. Ông khoe: "Tôi không lấy tiền của những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người ta đã phải bòn mót từng đồng lo hậu sự cho người chết rồi, đằng này lại phải lo một khoản tiền lớn để trả công cho chúng tôi thì thật là khổ sở. Tính ra tiền công cán mỗi đám cũng phải năm bảy triệu đồng. Số tiền này với những gia đình khó khăn thì phải đi vay lãi, rồi lãi mẹ đẻ lãi con... nên tôi không lấy".
Ông Sơn kể lại một trường hợp ông mới chứng kiến. Đó là hồi tháng 5/2013 ông đi phục vụ cho một đám ma ở TP Hải Phòng, gia đình này có 3 người con trai thì cả 3 đều nghiện ma túy. Gia đình này cám cảnh tới mức mà đến cả cánh cửa cũng bị phá đem bán, trong nhà chẳng có thứ gì đáng giá đến 100.000đ. Vậy nhưng ông và đồng đội vẫn hết mình giúp đỡ mà không lấy một đồng tiền công nào.
|
Nhiều người gọi ông Sơn là điên vì nhiều lần không nhận tiền công phục vụ đám ma. |
"Chất Hải Phòng"?
Ông Sơn cho biết: "Phong tục ma chay rình rang này chỉ ở đất Hải Phòng mới có, đó là thứ "đặc sản" về tính cách con người đất cảng, khác hoàn toàn với những nơi khác. Dù nghèo khổ, hay giàu có thì đám ma cho người chết phải được tổ chức hoành tráng vì người dân quan niệm đây là lần cuối cùng tiễn biệt người chết rời cõi dương gian nên lễ nghi phải chu đáo".
Lý giải về quan niệm trên, ông Sơn cho rằng, đó là "chất Hải Phòng", chỉ ở Hải Phòng mới có kiểu này. Gần 10 năm làm dịch vụ ma chay, ông nhận thấy người dân ở những nơi khác rất tiết kiệm trong lễ ma chay, thậm chí có nơi, người chết buổi sáng thì chiều đi chôn để tiết kiệm chi phí và giữ gìn vệ sinh...
Gần 10 năm lăn lộn với nghề, cũng có lúc ông Sơn cảm thấy buồn vì nhiều người không hiểu về văn hóa của cha ông nên có ý định tổ chức đám ma thật to với một dàn xe ô tô khủng đi đưa đám, bỏ hết mọi nghi thức dân gian, gây lãng phí... Gặp những trường hợp này, ông phải thuyết phục khách hàng tuân theo phong tục truyền thống, ví như phải lấy cây chuối làm bát hương, lấy dây chuối chít lên đầu vì lá của loài cây này khi chết không bao giờ rời khỏi thân cây mà rũ thẳng xuống gốc, tượng trưng cho "lá rụng về cội". Sau nghi nghe xong, nhiều người đã đồng ý làm lễ ma chay đúng với truyền thống cha ông như lời ông Sơn khuyên bảo.
"Thật khó lí giải về cội nguồn tính cách, suy nghĩ của người dân Hải Phòng về việc ma chay rình rang... Nhưng có lẽ một phần trong chuyện này đó là trào lưu "hoành tráng" của người Hải Phòng, lâu dần nó ăn sâu vào tiềm thức của con người và trở thành bản chất khó lòng thay đổi của người dân đất cảng...".
Ông Nguyễn Ngọc Sơn
Dương Lợi