Lạ lùng xứ “trai cứ lấy vợ... là ở rể” tại VN

Google News

(Kiến Thức) - Xã Tân Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình không chỉ một làng, mà có rất nhiều “làng ở rể”, sống tam, tứ, ngũ đại đồng đường với nhau...

Con rể là trụ cột gia đình
Ông Bùi Văn Thoa, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phong cho biết: "Chuyện ở rể ở xã này là điều rất đỗi bình thường và diễn ra phổ biến. Thậm chí, người dân nơi đây, cha mẹ vợ còn chiều con rể hơn là con cái ruột". Ông Thoa còn khoe, chính  ông cũng đang ở rể và được giao trọng trách là trụ cột của gia đình.
Ông Thoa dẫn tôi đến thăm gia đình ông Bùi Ngọc Nội, một trong những gia đình có "truyền thống ở rể" tại Tân Phong. Bản thân ông Nội cũng đi ở rể và hiện tại con trai ông cũng đang sống với gia đình nhà vợ. Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Nội hồ hởi chia sẻ những kỉ niệm vui buồn của gia đình mình. Gia đình ông có 4 người con (2 trai, 2 gái), hai con trai đã khôn lớn và đã lập gia đình. Nhưng ông không muốn sống cùng con trai mà cho 2 anh ra ở riêng và cho con rể về ở chung. 
"Ở đây, người ta không có quan niệm nặng nề về vấn đề ở rể như dưới xuôi đâu. Quý con nào, hợp con nào thì sống cùng con ấy, không phân biệt là con rể, hay con ruột đâu cháu ạ! Con nào cũng là con mà", ông Nội chia sẻ. 
Ông Nội bảo, ở quê ông mọi người không xem rể là khách mà coi rể như con trong nhà. Khi gia đình có con gái đi lấy chồng là họ muốn con rể về sống cùng. Vì thế, khi con rể không về ở, họ tỏ ra buồn bã. Ông Nội kể: "Có gia đình cùng xóm tôi có 2 con gái và 1 con trai còn nhỏ. Hai cô con gái đi lấy chồng xa nên hai anh con rể không anh nào chịu về Tân Phong sống cùng cha mẹ vợ. Điều này khiến vợ chồng ông ấy rất phiền lòng, hai ông bà cứ mong có một cậu con rể chấp thuận về sống cùng cha mẹ vợ để hương hoả, mà mong mãi vẫn không được như ý muốn".
Người dân xa Tân Phong sinh sống dưới triền núi. 
Về Tân Phong, sẽ rất khó nhận ra được đâu là gia đình có người ở rể hay là con ruột. Bởi từng cử chỉ, từng cách ứng xử của các thành viên thân thiết, gắn bó không hề bộc lộ một chút phân biệt nào. Trên đường dẫn tôi đến thăm một số trường hợp ở rể tại xã Tân Phong, bằng chính cảm nhận của một "người trong cuộc", ông Thoa tâm sự: "Được các cụ tin tưởng giao cho trọng trách trụ cột gia đình, thú thực tôi cũng tự hào lắm. Nhưng  cũng áp lực. Nhiều khi bận bịu công việc cơ quan, không bao quát hết được tình hình trong nhà, rồi lời ra tiếng vào, nhiều chuyện mệt mỏi. Thế nhưng, sau khi giải quyết hết những khúc mắc ấy, ngẫm lại, mình vẫn thấy rằng, gia đình nhà vợ vẫn yêu quý và tôn trọng mình lắm". 
Có anh bộ đội lên đây công tác, sau một thời gian, hiểu được nếp sống nơi đây rồi, mới thật thà chia sẻ rằng, trước đây anh ấy cũng yêu một cô trên này, nhưng khi gia đình cô gái đề nghị anh ở rể, sợ điều ra tiếng vào, anh vội từ chối, rồi sau đó vì nhiều khúc mắc, anh và cô gái ấy cũng chia tay. Nay quay trở lại Tân Phong, chứng kiến sự "chiều chuộng" của gia đình nhà vợ với những người con rể, anh mới ngậm ngùi nói: "Biết thế, con lấy vợ trên này, ở rể trên này có phải sướng không? Nhìn thấy bố mẹ vợ đối xử thân tình với con rể trên này mà thấy sướng quá", ông Bùi Văn Hội - một cao niên trong làng vừa cười vang, vừa  kể lại cho tôi nghe.
Tôi hỏi ông Thoa một câu "nhạy cảm" rằng "có bao giờ ông thấy tự ti, hay bị mọi người dè bỉu, khích bác khi ở rể không? Ông cười bảo: "Trên này mọi người chẳng bao giờ khích bác nhau những chuyện ấy đâu cháu ạ. Trên mâm rượu chỉ có tiếng cười thôi. Vả lại, tính cả cái xã này, có đến hàng trăm hộ gia đình có người ở rể, khích bác là động chạm đến nhiều người lắm. Ai dại gì đem những chuyện này ra cạnh khoé nhau".
Ông Nội la gia đình co truyền thống ở rể ở xa Tân Phong. 
Ngũ đại đồng đường dưới một mái nhà
Không những có nhiều trường hợp ở rể, mà tại Tân Phong, chuyện nhiều gia đình ngũ đại đồng đường sống chung dưới một mái nhà cũng diễn ra cực kỳ phổ biến
Không giấu được chút tự hào thể hiện qua giọng nói, ông Thoa điểm qua cho tôi nghe một số trường hợp ông, bà, cha, mẹ, con, cháu... sống quây quần dưới một mái nhà đầm ấm, hạnh phúc. Như gia đình của ông Bùi Văn Biến sống 4 thế hệ, gia đình ông Bùi Văn Triệu 4 thế hệ, gia đình bà Bùi Thị Tâm sống 4 thế hệ, đặc biệt gia đình bà Bùi Thị Ký 5 thế hệ. Ngay cả gia đình của ông Thoa, Phó Chủ tịch xã Tân Phong cũng 4 thế hệ sống dưới mái nhà. Dù có nhiều thế hệ sống chung với nhau, nhưng những mái ấm này rất hoà thuận, hiếm khi xảy ra mâu thuẫn lớn.
"Sống tam, tứ đại đồng đường với nhau sẽ khiến mình có tinh thần trách nhiệm cao hơn, giữ được nét đẹp truyền thống, con cháu cũng được dạy dỗ cẩn thận hơn. Tuy nhiên, đó cũng là một "gánh nặng" trên vai mỗi thành viên, bởi các thành viên phải sinh hoạt thật khéo để chiều lòng mọi người, người trụ cột gia đình phải là trung tâm đoàn kết để giữ yên gia đình", ông Bùi Ngọc Nội chia sẻ cùng chúng tôi.
Bà Bùi Thị Tâm, một người phụ nữ sống trong đại gia đình bốn thế hệ, chia sẻ với tôi rằng: "Tôi thấy rất hạnh phúc khi được sống chung dưới một mái nhà với cha mẹ, chồng con và cháu chắt của mình, bởi tôi thấy mọi người yêu thương nhau lắm". Mẹ chồng bà đã già, năm nay cũng đã gần 90 tuổi, thế nên con cháu phải rất khéo léo để chiều lòng cụ. Bà và con dâu cũng xảy ra mâu thuẫn, tranh cãi gay gắt. Nhưng rồi với tinh thần đoàn kết, gia đình bà tìm được tiếng nói chung để hoà hợp cùng nhau. 
Bà Tâm cho biết: "Sống chung với nhau trong một gia đình nhiều thế hệ, mình học được chữ nhẫn cháu ạ! Trước đây, tôi cũng nóng tính lắm, nhưng rồi trở thành một người phụ nữ giữ vai trò trung tâm của gia đình, tôi học được sự nhẫn nhịn. Có như vậy tôi mới dạy bảo con, cháu mình được, mình không làm gương, thì sao dạy được người khác". 
Lời chia sẻ của bà Tâm thật chí tình, chí lý, có sống cùng nhau trong một gia đình đông đúc, các thành viên mới thấy rõ được tinh thần trách nhiệm, vai trò của bản thân và rèn luyện chữ "nhẫn" để hoàn thiện con người. Cũng có lẽ vì thế mà tỷ lệ người già sống neo đơn ở Tân Phong gần như là không có, số gia đình sống hai thế hệ cha mẹ và con cái thì cực hiếm, chủ yếu là ba thế hệ, phổ biến là bốn thế hệ, thậm chí là năm thế hệ sống dưới mái nhà đầm ấm.
Trong các phong tục truyền thống của người dân xã Tân Phong thì việc ở rể cũng thể hiện nét đẹp, tình cảm gia đình. Khi con gái đi lấy chồng, con rể về sống chung dưới mái nhà như người con đẻ trong gia đình. Anh em trong nhà đối xử với nhau hòa nhã, tương trợ lẫn nhau.
Ông Bùi Văn Thoa (Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phong)
Phúc An