Lạc vào thế giới người điên ở Đà Nẵng

Google News

Có người cầm bất cứ vật gì cũng đưa lên rồi hô “công an đây, đầu hàng đi”; có bệnh nhân nữ hễ thấy đàn ông là chạy đến ôm rồi hôn hít; cũng có người tâm thần làm thơ rất hay và xúc động…

Tại bệnh viện tâm thần Đà Nẵng, khi hỏi các bệnh nhân là ai, tên gì, quê ở đâu, người ta đều chỉ nhận được những tiếng cười khanh khách, họ lắc đầu và đi lắc lư. Và những bước chân ấy như đang lạc vào một thế giới riêng, một thế giới mà đến ngay chính bản thân họ cũng không thể nào biết được. Cầm tập hồ sơ bệnh án do bệnh viện tâm thần Đà Nẵng cung cấp, chúng tôi không khỏi giật mình về những con người bất hạnh nơi đây.

Mỗi bệnh nhân là một hoàn cảnh thương tâm.

Ngoại trừ những trường hợp tâm thần bẩm sinh, thì đa số bị bệnh vì gặp khó khăn hay một kích động nặng nào đó trong cuộc sống. Ông Lê Thanh C. (78 tuổi, ngụ Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng), nguyên là thiếu tá công an, do uống rượu nhiều nên mắc chứng rối loạn thần kinh, bây giờ bị mất trí hoàn toàn. Điều đặc biệt ở bệnh nhân này là luôn cầm bất kỳ vậy gì để làm “súng săn đuổi tội phạm” rồi hô “công an đây, đầu hàng đi”. Những bài hát về đảng, cách mạng thì anh thuộc đến từng nốt nhạc. Hay bệnh nhân Nguyễn Hoàng D. (quê Tam Kỳ, Quảng Nam) phải vào viện do thời sinh viên thường xuyên dùng thuốc lắc và ma túy.

Còn bạn Lê Thị T., (quê Đà Nẵng), do bị người yêu phụ tình nên vào bệnh viện tâm thần trong tình trạng nửa tỉnh, nửa mê... Trước đây T. có mối tình đẹp với chàng trai cùng quê tên Đại, nhưng do gia đình bạn trai ngăn cản vì nhà T. quá nghèo nên đường ai nấy bước. Rồi đến khi nghe tin Đại lấy vợ, T. trở nên lầm lì, ngây ngô, vô cảm. Do bị ám ảnh về mối tình dang dở, lúc nào T. cũng nhắc đến Đại. Trong bệnh viện, cứ thấy bóng dáng đàn ông là T. lại chạy theo gọi: “Đại ơi! Đợi em với…”.

 Bác sĩ bệnh viện tâm thần Đà Nẵng cho bệnh nhân uống thuốc.

Mới đây, chúng tôi tình cờ gặp ông Trần Quang C. (ở Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) đang ủ rũ nghĩ về tương lai của đứa con trai độc nhất. Theo ông C., anh Trần Chiến (con ông C.) bị bệnh tâm thần phân liệt nhiều năm qua.

“Năm 19 tuổi, Chiến tự dưng phát bệnh. Qua nhiều lần chạy chữa, bệnh của nó có thuyên giảm, nhưng mỗi lần hồi gia thì bệnh lại tái phát. Lúc Chiến lên cơn thì ngang ngược không ai chịu nổi, nó muốn cái gì thì phải đáp ứng ngay và dỗ ngọt thì mới xong”, ông C. cho biết. Trong căn nhà nhỏ của ông C., Chiến như một “con thú điên”, lúc thì khóc, lúc thì cười và 2 tay thì liên tục sờ soạng vào không gian vô định. Thấy chúng tôi có vẻ sợ, ông C. liền dỗ ngọt đứa con tội nghiệp “các anh ấy hỏi thăm sức khỏe rồi tìm cách chữa bệnh cho con đấy”. Trong một lần ít ỏi tỉnh táo nói chuyện với chúng tôi, anh Chiến thốt lên: “Sợ, sợ lắm, sợ những con ma trắng...”.

Điều đáng lo ngại, gần đây xuất hiện các trường hợp tội phạm trong các vụ án hình sự mắc bệnh tâm thần. Cách đây không lâu, tại P.Tân Thạnh (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) xảy ra một vụ đâm chém người dẫn đến cái chết thương tâm của một thanh niên trẻ mà thủ phạm chính là người tâm thần lang thang. Hiện đối tượng này đang điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần của tỉnh Quảng Nam. Mới đây nhất, trong lúc đang chuẩn bị ăn cơm thì người dân thôn Vân Dương 1 nghe tiếng kêu thất thanh của chị Phan Thanh H. (28 tuổi), con dâu bà Lê Thị Ng. (71 tuổi, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng). Mọi người vội chạy đến thì phát hiện cảnh tượng hết sức hãi hùng, bà Ng. nằm thoi thóp trên vũng máu với nhiều vết chém trên đầu, tay, mặt. Hung thủ ra tay sát hại bà Ng. chính là Phạm D. (36 tuổi), đứa con trai cả bị tâm thần của bà.

 Hung thủ ra tay sát hại bà Ng. chính là Phạm D (36 tuổi), người con trai bị tâm thần của bà.

Theo lời khai của chị Phan Thanh H., trong lúc bà Ng. đang làm thịt cá để chuẩn bị bữa trưa thì bất ngờ D. chạy đến với một con dao trên tay. Chưa kịp hiểu con mình dùng dao để làm gì thì bà Ng. đã bị D. chém nhiều nhát vào người khiến bà chỉ kịp la lên vài tiếng rồi gục tại chỗ. D. bị bệnh tâm thần từ nhỏ, gia đình đã mang đi chữa trị khắp nơi nhưng không khỏi. Vì kinh tế khó khăn và cũng thương con nên bà Ng. không đưa D. vào trại tâm thần mà để ở nhà chăm sóc nên mới xảy ra cơ sự.

Theo sự hướng dẫn của BS. Nguyễn Bá Lân, khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, chúng tôi vào khu tập thể của những người tâm thần. Mặc dù được trấn an từ trước nhưng khi chứng kiến cảnh la liệt người tâm thần nhảy múa, la hét chúng tôi có cảm giác như đang lạc vào thế giới của “ma quỷ”. Đến khi BS. Lân lên tiếng “không được đùa cợt nữa, mấy ảnh đến thăm các chú đấy” thì họ mới nhanh chân vọt vào phòng. Ở góc sân, giữa cái nắng gây gắt ai cũng đổ mồ hôi, có một chị áo quần lếch thếch đang ngồi sưởi nắng, hai tay run cành cạch, lảm nhảm nói cười một mình: “Trời lạnh quá. Cho tôi xíu lửa”.

BS. Lân cho hay: “Những người phải vào đây phần lớn là do động kinh, rối loạn, trầm cảm, tâm thần phân liệt, mất trí tuổi già... Họ suy nghĩ, nói năng lộn xộn, diễn đạt câu trước “đá” lời sau. Do tính chất bệnh lý, có trường hợp cơm không chịu ăn, thuốc không chịu uống... Thậm chí có người bị rối loạn tình dục nên gặp nữ hộ lý, điều dưỡng viên là trêu ghẹo. Làm trong môi trường này, nếu không có tâm thì khó trụ được”.

 Khi không lên cơn, bệnh nhân tâm thần có thể trọ chuyện bình thường với mọi người.

Những con người “không bình thường” xuất hiện trước mắt chúng tôi với những cảnh ngộ éo le, không ai giống ai. Ngoại trừ các đối tượng mắc bệnh từ nhỏ, còn phần lớn trước khi vào đây họ cũng có những chuỗi tháng năm bình thường. Trong những ngày thâm nhập vào thế giới của những người điên ở bệnh viện tâm thần Đà Nẵng, người mà chúng tôi ấn tượng nhất đó là anh Nguyễn Lương N. (quê Phú Ninh, Quảng Nam). Những lúc cơn điên không hoành hành thì anh N. làm thơ, viết nhật ký. Một tập thơ “điên” của anh N. còn lưu lại tại bệnh viện có những bài rất xúc động. Trong bài “Khi điên khi tỉnh” anh viết: “Phòng trống mình tôi đối với tôi/ Đối lòng, đối cảnh, đối cô đơn/ Khi điên càng thấy ham thèm sống/ Khi tỉnh nhìn xem chán mớ đời...”. Hay trong bài “Nhớ vợ”, anh có những câu rất đời: “Điên còn gia đình nên nhớ vợ/ Vợ chung tình hay vợ đã bỏ ta đi?/ Riêng vợ tôi thì nghèo nàn kham khổ/ Khi thăm nuôi vén đôi ổ bánh mỳ...”.

TIN LIÊN QUAN

TIN BÀI NỔI BẬT


Theo Infonet