Lạnh người vào làng xây nhà bằng tiểu sành độc nhất VN

Google News

(Kiến Thức) - Đó là hệ thống tường, nhà cổ được xây toàn bằng tiểu sành dùng đựng xương người, mảnh sành vỡ và các vật liệu gốm thải...

Làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang vốn nổi tiếng là một trong ba trung tâm gốm lớn nhất Việt Nam. Đến nay, nghề gốm nơi đây đã chìm vào quá vãng, nhưng để lại cho hậu thế một lối kiến trúc rất lạ lùng, độc đáo...
Xây nhà bằng tiểu sành
Mặc dù đến nay, dấu tích về những ngôi nhà, bức tường cổ làm từ tiểu sành không còn nhiều như trước nữa. Nhưng ký ức về nó vẫn còn in đậm trong tâm trí của mỗi người dân làng gốm ven sông Cầu.
Dựa theo những tấm bia minh văn và tư liệu khảo cổ thì những bức tường làm từ tiểu sành có cùng thời với sự ra đời của làng gốm Thổ Hà từ thế kỷ XII. Thời điểm đó, gốm Thổ Hà được bán khắp nơi, quanh làng có hàng chục bến đò tấp nập thuyền buôn từ các nơi đổ về buôn bán. Trong quá trình nung gốm, những sản phẩm chất lượng kém, hỏng, vỡ được người dân tận dụng để xây nhà, làm ngõ... điều này đã vô tình tạo nên nét truyền thống riêng biệt của làng Thổ Hà so với những nơi khác.
Ông Cáp Trọng Việt, Trưởng thôn Thổ Hà kể lại: "Trên đất nước Việt Nam, có lẽ chỉ duy nhất làng Thổ Hà mới có những ngôi nhà được xây dựng từ tiểu sành, mảnh sành vỡ chứ không phải bằng gạch. Truyền thống này có từ xa xưa, cho đến khi nghề biến mất, người dân mới chuyển sang xây nhà bằng gạch chỉ. Nói vậy là để mọi người hình dung ra nghề gốm trước đây phát triển mạnh mẽ đến nhường nào. Hồi  những năm 1980 - 1984, nghề gốm vẫn còn thịnh hành lắm. Ven làng Thổ Hà, cứ cách vài chục mét lại có một lò nung gốm. Những sản phẩm thải, vỡ đều được tận dụng để làm vật liệu xây dựng. Có thời điểm, người Thổ Hà xây nhà không hết phải đổ đi".
 Một góc tường được xây dựng từ tiểu sành.
Theo chỉ dẫn của ông Việt, chúng tôi tìm đến những đoạn tường cổ được xây bằng tiểu sành. Trải qua nhiều năm, nhưng những bức tường này không hề vỡ, mục mà càng thêm rêu phong, cổ kính. Hiện ở Thổ Hà không một ngõ nào xây bằng tiểu sành còn giữ được nguyên vẹn vì người dân đập bớt đi xây tường mới bằng gạch chỉ. Những đoạn tường cổ còn lại dài nhất chỉ khoảng 10m. Với những ngôi nhà cổ có lịch sử lên đến 300 năm thì những bức tường này cũng không còn nguyên vẹn, chủ nhân những ngôi nhà này đã phá một phần để trùng tu tôn tạo phá vỡ lối kiến trúc bản nguyên.
Ông Việt tiết lộ: "Trước đây, trong số nhiều sản phẩm gốm Thổ Hà có tiểu sành dùng đựng xương người trong những lần bốc mả, sang cát... được nhiều nơi ưa chuộng. Người dân các tỉnh từ Thanh Hóa, Nghệ An cho đến Quảng Ninh, Hải Phòng tìm đến mua buôn với số lượng lớn. Việc sản xuất tiểu sành nhiều đến mức cả làng làm ra nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Một lẽ tất yếu là khi sản xuất nhiều thì lượng tiểu sành bị lỗi cũng nhiều thêm và số đó lại dùng vào việc xây tường rào, nhà cửa. 
Đến giai đoạn 1986, khi Nhà nước bắt đầu xóa bỏ cơ chế bao cấp, nhiều doanh nghiệp tư nhân sản xuất các mặt hàng cùng loại giống như tiểu sành ở Thổ Hà với chất lượng kém hơn nhưng giá thành rẻ hơn nên đã thống lĩnh thị trường khiến cho tiểu sành Thổ Hà ế chỏng chơ, chất đống đầy làng, rồi sau đó số hàng ế này cũng được đem xây tường hết. Chính vì thế nên nhiều người khi nhìn vào những bức tường xây bằng tiểu sành liền nhớ ngay đến những thời khắc thăng trầm của kinh đô gốm một thời".
Ngoài tiểu sành, người dân Thổ Hà còn dùng những mảnh gốm vỡ để xây tường. 
Hàng rào ong
Khi tìm hiểu thông tin về ngôi làng lạ lùng bên bến sông Cầu, chúng tôi được nhiều người dân địa phương kể cho nghe những kỷ niệm thú vị mà chỉ nơi này mới có. Đó là bên trong những bức tường tiểu sành là đầy rẫy các loại ong, từ ong vàng, ong bầu, cho đến ong mật...
Ông Lê Công Lịch, một người dân làng Thổ Hà kể lại: "Trước đây, trên những bức tường ở làng Thổ Hà có nhiều ong lắm, chúng làm tổ bên trong những chiếc tiểu sành. Vì mỗi tiểu sành thường có 4 lỗ nhỏ như đầu ngón tay để thông hơi. Khi xây dựng nhà cửa, tường rào, người dân không bịt những lỗ này lại, nên ong chui vào bên trong làm tổ. Có những thời điểm hễ ngang qua những bức tường là nghe thấy tiếng ong bay ù ù bên tai, ong bay ra dày như vỏ trấu...".
Các loài ong thường trú ngụ trong những chiếc tiểu sành, trong tường cổ. 
Theo lời những bậc cao niên làng Thổ Hà thì cách đây mấy chục năm, người dân có thể dùng một chiếc ống tre hoặc nhựa luồn vào một trong 4 cái lỗ của tiểu sành để ngoáy cho mật ong chảy ra. Với những tổ ong trên cao, có người còn dùng áo lưới trùm kín mặt, rồi cắt tổ ong ra vắt được cả can mật. Trải qua nhiều năm, những loài ong bay đi nơi khác, bây giờ hiếm hoi lắm người ta mới thấy một đàn ong mật đậu trên những chiếc tiểu sành ở vị trí cao, khó với tới.
Ông Cáp Trọng Việt cho rằng, có lẽ do môi trường sống bị thay đổi khiến đàn ong bay đi nơi khác. Trước đây, quanh Thổ Hà còn nhiều cây hoang cỏ dại, nhưng nay xung quanh toàn nhà máy, xí nghiệp thi nhau nhả khói thì lấy đâu ra hoa, ra mật để ong làm tổ. Nguyên nhân khác nữa, đó là việc người dân chuyển từ nghề gốm sang làm bánh đa nem, phải tận dụng các bức tường làm chỗ phơi bánh đa nên môi trường sống của các loại ong bị biến động khiến chúng bay đi hết.
"Thỉnh thoảng, khách du lịch từ các nơi trong cả nước tìm đến làng Thổ Hà tham quan du lịch, vì nơi đây còn giữ được không gian sinh hoạt truyền thống là cây đa, bến nước, sân đình. Trong một số điểm di tích trong làng thì những đoạn tường xây bằng tiểu sành được nhiều người tìm đến nhất, bởi khi làng gốm Thổ Hà biến mất thì tường tiểu sành lại trở thành điểm nhấn thú vị của kinh đô gốm một thời. Do lượng khách du lịch tìm về nhiều nên thôn đã cử hẳn một người phụ trách việc đưa đón các đoàn tham quan đến khắp các ngõ ngách trong làng".
Ông Cáp Trọng Việt (Trưởng thôn Thổ Hà)
Quách Dương