Lao động Nghệ An bị từ chối: Lãnh đạo Sở lên tiếng

Google News

"Trường hợp nếu doanh nghiệp nói mà có thì cũng chỉ là cá biệt. Không nên đánh đồng tất cả người Nghệ An đều có "vấn đề".

- Liên quan đến việc người lao động Nghệ An bị “từ chối”, ông Đặng Cao Thắng, Phó giám đốc Sở LĐTB và Xã hội tỉnh Nghệ An khẳng định: “Tôi sẵn sàng đối chất với doanh nghiệp. Họ đưa ra ví dụ cụ thể thì tôi mới tin”.

Một cán bộ phụ trách tuyển dụng ở công ty S, tại KCN Sóng Thần, Bình Dương nói: "Ở công ty chúng tôi trước đây cũng có nhiều lao động ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, nhưng những lao động này không có chí làm việc, lại thường xuyên có xích mích, đánh lộn hoặc chơi bời, quậy phá gây ảnh hưởng đến lợi ích của công ty hoặc quyền lợi của người lao động khác nên chúng tôi dần sa thải”.

Không nên “đánh đồng Nghệ An”
 
Ông Thắng cho rằng, về phía Sở chưa nhận thông tin chính thức từ các doanh nghiệp: “Tôi không biết đây là nguồn thông tin nào? Chứ người lao động thì đâu chẳng thế, cũng có người này người khác. Thu nhập mà không ổn định thì họ chạy sang doanh nghiệp khác thôi”.

Phó giám đốc Sở lý giải rằng: Trường hợp nếu doanh nghiệp nói mà có thì cũng chỉ là cá biệt. Không nên đánh đồng tất cả người Nghệ An đều có “vấn đề”.
 
“Nếu như tôi mà đối chất được với giám đốc doanh nghiệp A, doanh nghiệp B nào đó thì họ phải đưa ví dụ: tỷ lệ lao động Nghệ An từng đó, Hà Tĩnh từng kia, và anh phải có bằng chứng gì đó thì tôi mới chấp nhận ý anh. Chứ biết đâu lỗi lại do phía doanh nghiệp thì sao?”, ông Thắng nói.

Mặt khác, theo ông Đặng Cao Thắng, nguyên nhân doanh nghiệp từ chối có thể là do người lao động chưa chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
mh
Ông Đặng Cao Thắng, Phó giám đốc Sở LĐTB và Xã hội tỉnh Nghệ An.

Quyền của doanh nghiệp tuyển người

Phó giám đốc Sở LĐTB và xã hội Nghệ An trả lời sẽ đối chất nhưng doanh nghiệp thì ở trong Nam, mặt khác, hiện cũng chưa có một văn bản chính thức từ các doanh nghiệp nói thẳng việc không nhận lao động Nghệ An.

“Nếu có tin đó thì sẽ ảnh hưởng lao động lâu dài. Doanh nghiệp mà phát ngôn thì không nên đánh đồng. Trước hết, người lao động thì ở đâu chẳng thế. Không nên nói người Nghệ An khác người tỉnh khác được”, ông Thắng lý giải.

Cũng theo vị lãnh đạo này thì trước mắt hai bên (chủ sử dụng và người lao động) cũng phải hợp tác với nhau. Nên có những buổi tư vấn để người lao động học thêm những nội quy, quy chế và pháp luật về lao động.

“Tôi nghĩ trách nhiệm của người lao động là phải nắm chắc quy định của doanh nghiệp và hiểu biết nội dung cần thiết về pháp luật người lao động hiện nay. Chứ còn ký hợp đồng, thỏa ước rồi mà thích đi làm thì đi, không ưng thì bỏ rồi phát ngôn linh tinh là chưa được”, ông Đặng Cao Thắng khẳng định.

Tuy nhiên, ông Thắng cũng thừa nhận quyền của doanh nghiệp: “Làm kinh tế thì doanh nghiệp phải tính. Họ tuyển lao động vùng này tốt thì họ phát huy mà có “vấn đề” thì họ dừng lại. Chuyện này mình cũng không thể bắt buộc được họ.
 
Tuy nhiên, với trách nhiệm là cơ quan quản lý lao động thì chúng tôi vẫn khẳng định người lao động Nghệ An cần cù, hiếu học và chịu khó làm việc. Đời sống thấp thì cũng làm việc để phấn đấu”!

Gần 1 vạn lao động vào Nam làm việc/năm  

“Mỗi năm có hơn 3,5 vạn người ở Nghệ An đến tuổi lao động. Trong đó, có hơn 1 vạn là lao động sẽ đi xuất khẩu lao động, gần 1 vạn sẽ vào Nam và các tỉnh khác làm việc. Như vậy số lao động làm tại quê hương chỉ đáp ứng được 1/3.

Tuy nhiên, năm 2012 do nhiều nguyên nhân nên số lao động đi xuất khẩu lao động cũng giảm xuống còn hơn 6 ngàn người và đi vào Nam làm việc cũng xấp xỉ gần 7 ngàn. Nhưng nguyên nhân giảm này là do biến động của nền kinh tế chứ không phải do lao động Nghệ bị từ chối”.


Ông Nguyễn Đăng Dương (Trưởng phòng Lao động và Việc làm, Sở LĐTB và XH tỉnh Nghệ An)

Trọng Đức