Lên đồng và Chầu văn tham gia đề cử của UNESCO

Google News

Được sự tán thành của Bộ VHTTDL và Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam, 12 di sản văn hóa Việt Nam sẽ tham gia đề cử UNESCO thế giới.

Được sự tán thành của Bộ VHTTDL và Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam, 12 di sản văn hóa Việt Nam sẽ tham gia đề cử UNESCO thế giới.

Là một tín ngưỡng, tục thờ nữ thần (Mẫu) là thế giới quan, nhân sinh quan của cư dân nông nghiệp châu Á; đồng thời là triết lý về tinh thần yêu nước, về sức mạnh, đạo lý của các dân tộc. Trên phương diện văn hoá, tục thờ nữ thần là bức tranh đa dạng, sinh động về nghệ thuật diễn xướng dân gian, phản ánh nhiều giá trị văn hóa đã được sáng tạo, tích tụ và trao truyền từ đời này sang đời khác, làm nên sức sống vĩnh cửu của các Nữ thần và của Mẫu.

v
Một buổi hầu đồng (ảnh Internet)

Hội thảo khoa học quốc tế : "Văn hóa thờ nữ thần (Mẫu) ở Việt Nam và Châu Á- bản sắc và giá trị" là sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 750 năm Thiên Trường-Nam Định, nhằm tôn vinh giá trị của Đạo Mẫu, Lên đồng và Chầu văn- di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của Việt Nam và thực hiện chủ trương của Nhà nước về việc lập hồ sơ trình UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Cao Phong- Tổng thư ký Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.

Thưa ông, ông kỳ vọng gì về việc văn hóa thờ nữ thần ở Việt Nam sẽ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới?

- Tôi rất vui khi được thay mặt Uỷ ban UNESCO quốc gia đến tham dự buổi hội thảo này. Như các bạn đã biết, buổi hội thảo có sự góp mặt của rất nhiều chuyên gia cũng như các nhà khoa học đến từ các nước trong khu vực Châu Á.

Tôi kỳ vọng qua cuộc hội thảo này, chúng ta sẽ có những nghiên cứu, so sánh để làm rõ hơn nét đặc trưng của phong tục thờ nữ thần ở Việt Nam. Nếu chúng ta chứng minh được những nét riêng và điểm nổi bật của việc thờ nữ thần ở Việt Nam so với các nước khác trên thế giới, chúng ta sẽ càng cảm thấy trân trọng hơn những gì mà chúng ta đang có. Hơn bao giờ hết, chúng ta sẽ thấy tự hào nếu như hồ sơ di sản văn hóa của chúng ta được trình lên Chính phủ và được Chính phủ công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia. Đây chính là tiền đề để UNESCO công nhận nền văn hóa Việt Nam có thể trở thành di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.

v
Ông Phạm Cao Phong- Tổng thư ký Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam

Vậy chúng ta sẽ có kế hoạch như thế nào nhằm giảm bớt yếu tố tiêu cực, phát huy yếu tố tích cực để hoàn tất được hồ sơ trình Chính phủ?

- Đây là việc làm đòi hỏi sự cố gắng của các cấp, các ngành, đặc biệt là Ban Tuyên giáo Chính phủ. Ban Tuyên giáo Chính phủ và Bộ VH-TT-DL sẽ có những biện pháp tốt nhất để bảo vệ được yếu tố tích cực của hồ sơ. Xét về mặt khoa học, khi chúng ta chứng minh được đặc điểm riêng của nền văn hóa Việt Nam thì chúng ta sẽ làm nổi bật được mặt tích cực của giá trị toàn cầu.

Một hồ sơ đệ trình lên UNESCO có rất nhiều tiêu chí, trong đó có 1 tiêu chí làm rõ giá trị nổi bật toàn cầu. Giá trị đó sẽ chứng minh được sự khác biệt giữa văn hóa thờ nữ thần ở Việt Nam với văn hóa thờ nữ thần ở các nước trên thế giới. Chính điều này sẽ đóng góp và làm phong phú hơn nền văn hóa phi vật thể của nhân loại cũng như kho tàng tín ngưỡng thờ nữ thần ở các nước trên thế giới.

Hiện nay các nhà quản lý cũng như Nhà nước đã đặt ra nhiều vấn đề xung quanh việc quản lý hoạt động, thực hành tín ngưỡng thờ nữ thần và hát văn. Vậy theo ông, trong việc xây dựng hồ sơ, các nhà khoa học nên làm gì để tránh được những yếu tố tiêu cực của những tín ngưỡng này?

- Để tránh được yếu tố tiêu cực đó, đầu tiên chúng ta phải phân biệt được rõ ràng tín ngưỡng với mê tín dị đoan. Hai yếu tố này có ranh giới rất mong manh, cho nên chúng ta phải tôn vinh, phải giữ lại nguồn gốc tốt đẹp của nghi lễ. Chúng ta cương quyết xóa bỏ mọi hình thức lợi dụng tín ngưỡng để làm công cụ mưu cầu lợi ích cá nhân, gây ảnh hưởng xấu đến nền văn hóa thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Nguồn gốc của thờ phụng không có yếu tố của mê tín dị đoan. Trải qua sự biến thiên của xã hội, một số người đã lợi dụng tín ngưỡng để làm xấu đi hình ảnh vốn rất đẹp của nền văn hóa Việt Nam. Trong nghiên cứu khoa học cũng như quản lý Nhà nước, chúng ta cần chống lại hiện tượng mê tín dị đoan, chống lại việc sử dụng tín ngưỡng thờ cúng dân gian làm công cụ chuộc lợi.

v
Hát văn trong nghi lễ thờ Mẫu (ảnh Bộ VHTTDL)

Một trong những nhu cầu cao của UNESCO đối với di sản là sự bảo tồn và phát huy trong cộng đồng. Vậy theo ông, việc bảo tồn và phát huy trong cộng đồng sẽ đặt ra tiêu chí như thế nào đối với việc công nhận thờ nữ thần ở Việt Nam trở thành di sản văn hóa phi vật thể thế giới?

- Bảo tồn trong cộng đồng là hình thức biểu đạt, diễn lại, là việc thể hiện trình bày nghi lễ thờ nữ thần đó. Những nghi lễ đó đã tồn tại trong dân gian rất nhiều nhưng quan trọng, chúng ta phải biết được đâu là nghi lễ gốc, đâu là nghi lễ đã được cải biến theo thời gian.

Đối với hát văn cũng vậy, có rất nhiều hình thức để biểu hiện hát văn nhưng cơ bản, chúng ta phải thấy đâu là văn bản hát văn chính, đâu là những bản văn cổ và đâu là những bản đã bị biến đổi theo thời gian. UNESCO không cấm chúng ta thay đổi lời hát văn nhưng chúng ta phải phân biệt được đâu là gốc chính và những lời thêm sau này. Chúng ta phải phân biệt rõ ràng vì bây giờ rất nhiều người hiểu hát văn nhưng họ không rõ đó là bản gốc hay bản mới, tại sao lại bản này hay hơn bản kia. Tôi nghĩ đây là nhiệm vụ của các nhà khoa học, họ nên phổ biến hơn nữa về nguồn gốc của hát văn, nguồn gốc của những bài hát đó. Và trên cơ sở bài hát gốc đó, chúng ta có thể phát huy và bổ sung phát triển nó lên nhưng tất cả sự phát triển đó phải dựa trên nguồn gốc là nền tảng cũ ngày xưa.

Hiện nay tỉnh Nam Định và Bộ VH-TT-DL đang phối hợp xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Theo ông, khi nào sẽ là thời điểm thuận lợi để chúng ta trình bộ hồ sơ này để công nhận văn hóa thờ nữ thần ở Việt Nam trở thành di sản phi vật thể thế giới?

- Tôi nghĩ việc này phải thông qua Bộ VH-TT-DL và Hội đồng di sản văn hóa quốc gia. Hội đồng di sản văn hóa quốc gia vừa rồi đã cùng với Uỷ ban UNESCO Việt Nam đã tổ chức cuộc họp nhưng cuộc họp đó cũng chưa quy định xếp các thứ tự ưu tiên.

Tôi nghĩ trong thời gian tới, các cơ quan chức năng của Việt Nam, Bộ VH-TT-DL và Hội đồng di sản văn hóa quốc gia sẽ xem xét cụ thể vấn đề này như thế nào. Nhưng trên hết, chúng ta phải chờ sự phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ với danh sách đề cử của Hội đồng di sản văn hóa quốc gia. Bộ VH-TT-DL đã trình Thủ tướng Chỉnh phủ và Uỷ ban UNESCO của Việt Nam cũng đã tán thành đối với kiến nghị này và trình 12 di sản văn hóa của Việt Nam vào danh sách đề cử UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!


(Theo VOV Online)