“Lớp học há mồm” ở Nà Lốc

Google News

Nhiều em học sinh của trường tiểu học Nà Lốc thường hình dung lớp học thân yêu của mình với cái miệng của một con thú nào đó...

(Kienthuc.net.vn) - Giữa chiều, khi các em học sinh trường tiểu học Nà Lốc, xã Tú Xuyên, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn đang say sưa học bài thì cơn dông bất chợt ập tới khiến cả ngôi trường kêu răng rắc, ngả nghiêng, xiêu vẹo... Thầy Trương Văn Lộc, Hiệu phó trường tiểu học Nà Lốc chẹp miệng: “Chuyện thường ngày của thầy trò chúng tôi ấy mà! Chẳng biết bao giờ mới thoát khỏi cảnh này!”.

Nhiều em học sinh của trường tiểu học Nà Lốc thường hình dung lớp học thân yêu của mình với cái miệng của một con thú nào đó như hổ, báo... đang há mồm nhe nanh. Vì thế có em mới gọi lớp học của mình bằng cái tên rất ngộ nghĩnh là “lớp học há mồm”.

Gạt ngang những tâm sự còn dang dở, thầy Trương Văn Lộc dẫn chúng tôi vòng quanh những dãy lớp học ngả nghiêng. Tất cả những phòng học ở đây chỉ rộng chừng 22m2 và chỉ đủ chỗ ngồi cho khoảng 15 em học sinh. Trường học được xây dựng từ năm 1990 với ba dãy nhà ọp ẹp được làm từ gỗ nghiến, lí, bờ vách được trát bằng đất.

Do đã sử dụng trên 20 năm nay, những bức vách của lớp học bị nứt vỡ bung bét làm trơ lại khung vách làm từ những cành gỗ bé bằng cẳng tay. Giờ ra chơi, các em học sinh đùa nghịch làm cho bụi đất từ xung quanh bay mù mịt một góc lớp rồi mặt mũi, quần áo các em lấm lem vàng khè vì “nhuộm” đất. Vì lớp học được làm từ những cành gỗ lí tạm bợ mà phần mái lại được lợp từ ngói nặng nên mỗi khi em học sinh nào đó va vào vách đất thì ngay lập tức ngôi nhà lại rung chuyển.

Thầy Lộc kể: “Vách đất vỡ bung bét, những hôm trời lạnh học sinh run bần bật, chân tay mặt mày tím tái hết vì bốn bề lớp học đều trống hoác. Gió lạnh, mưa lùa thốc tháo khiến học sinh không cầm nổi bút. Trong khi đó, học sinh lại không được mặc đủ ấm vì thế nên nhà trường phải cho học sinh nghỉ học”.

Dù khó khăn nhưng thầy trò trường tiểu học Nà Lốc vẫn quyết tâm theo học con chữ.
Dù khó khăn nhưng thầy trò trường tiểu học Nà Lốc vẫn quyết tâm theo học con chữ.

Vào rừng chặt gỗ... dựng trường

Dừng chân bên một con dốc gần trường tiểu học Nà Lốc, chúng tôi gặp ông Lành Văn Khôi. Khi nghe chúng tôi hỏi thăm về trường tiểu học Nà Lốc, ông Khôi bảo: “Năm 1990 khi xây dựng trường, dân chúng tôi cùng với hơn chục cán bộ, giáo viên nhà trường đã phải lao tâm tốn sức vào tận rừng sâu để chặt gỗ nghiến, lí, lim về để dựng trường. Hồi đó dân bốn bản trong xã Tú Xuyên phải lặn lội gần một ngày đường để vào rừng chặt gỗ, dân cùng với cán bộ, giáo viên nhà trường phải đi đốn gỗ hơn nửa tháng trời mới đủ để dựng hai dãy lớp học. Rồi đến khi san nền dựng trường, lớp cũng do người dân làm.

Bây giờ ngôi trường đã trải qua hơn hai mươi mùa mưa nắng, trường đã hư hỏng trầm trọng, Nhà nước thì cấm rừng thành thử nếu nhà trường, chính quyền có vận động nhân dân sửa chữa trường, lớp thì chúng tôi có đến ba đầu sáu tay cũng không biết kiếm đâu ra gỗ mà làm. Con cháu ngày nào cũng đến trường để học nhưng chúng tôi thì lo ngay ngáy, không ai dám khẳng định là tính mạng của con cháu chúng tôi sẽ an toàn một khi trường không may sập khi chúng nó đang học”.

Theo thầy thầy Lộc thì toàn bộ học sinh cùng với giáo viên trường tiểu học Nà Lốc đang học trong điều kiện rất nguy hiểm. Chẳn hạn như chiều ngày 26/3/2012 vừa qua, khi nhà trường đang tổ chức cắm trại thì một cơn lốc bất ngờ ập đến, toàn bộ ngôi trường bị gió quật nghiêng ngả cứ kêu răng rắc, mái ngói bị gió hất tứ tung, phần vách đất cũng bị thủng, sấm sét nổ inh tai ngay cạnh trường... Khi đó, nhà trường phải sơ tán học sinh khẩn cấp vào một ngôi nhà kiên cố. Rất may trong khi mái ngói bị quật rơi tứ tung không có viên nào rơi trúng đầu học sinh, nếu không thì sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng của các em.

Dẫn chúng tôi vào căn phòng “kiên cố”, cô Nguyễn Thị Kiều, Hiệu trưởng nhà trường giới thiệu: “Đây là căn phòng dùng để hội họp và nơi để học sinh lẫn giáo viên trú khi có mưa bão”. Nhìn căn phòng hai gian chật chội kê đủ thứ đồ giảng dạy, phần mái thì dột nát, dưới gầm bàn thấy có ba, bốn chiếc xô, chậu loại to. Tôi hỏi những chiếc xô chậu dùng để làm gì? Cô Kiều ngượng ngùng đáp: “Cái đó dùng để hứng nước mưa. Mỗi khi có mưa các thầy cô giáo phải dùng xô, chậu đặt lên bàn hứng nước, nếu không thì nước dột ngập cả phòng”.

Một góc trường học... liêu xiêu.
Một góc trường học... liêu xiêu.

Quyết tâm đến trường

Mặc dù cơ sở vật chất, điều kiện học tập rất khó khăn, nhưng 4 năm trở lại đây, trường tiểu học Nà Lốc không có học sinh nào bỏ học. Các em học sinh ở đây rất ngoan và chăm học, có những em muốn đến trường phải vượt qua năm ngọn đèo, ba dòng suối nhưng vẫn không bỏ học hôm nào.

Em Hoàng Văn Linh, một học sinh lớp 2 của Trường Nà Lốc khoe: “Nhiều hôm đến trường bố mẹ cháu đùm cơm bỏ vào cặp cho cháu đi học ăn buổi trưa. Bố, mẹ bảo cháu không được bỏ học, nếu không sau này nhà sẽ nghèo không có cơm để ăn”.

Chúng tôi hỏi: “Lớn lên cháu thích làm gì?”, Linh nhìn chúng tôi chăm chú rồi ngần ngừ đưa tay mân mê chiếc máy ảnh. Linh bảo: “Cháu thích làm nhà báo như chú”. Sau đó cả lớp ào đến với chúng tôi đòi xem máy ảnh, rồi cả lớp bỗng trở nên tràn ngập tiếng cười. Trong lúc vui đùa, có em học sinh nào đó va phải cột nhà làm ngôi trường lung lay kêu răng rắc, rồi những tiếng cười im bặt vì sợ nhà... đổ.

Học sinh trường tiểu học Nà Lốc trong lớp học xập xệ.
Học sinh trường tiểu học Nà Lốc trong lớp học xập xệ.
“Cách đây 3 – 4 năm Nhà nước đã có kế hoạch đầu tư xây dựng trường Nà Lốc. Huyện đã san ủi mặt bằng nhưng ngay sau đó Chính phủ lại cắt vốn đầu tư khiến việc xây trường bị dang dở. Phía UBND huyện thì không có đủ tiền để làm, nguồn vốn cũng không biết huy động từ đâu cho nên đến nay học sinh trường Nà Lốc vẫn phải học trong những dãy nhà tạp ọp ẹp, xiêu vẹo”.
Ông Hoàng Văn Dũng (Phó chủ tịch UBND huyện Văn Quan)
 
Quách Dương
 
BÀI ĐỌC NHIỀU: