Lửa thử vàng, gian nan thử... nhau

Google News

Nhìn ở khía cạnh tích cực, chính hoàn cảnh hiểm nghèo là phép thử để các cặp vợ chồng nhận ra tình cảm thực sự họ dành cho nhau.

- Khi trong hai vợ chồng bất ngờ một người gặp rủi ro, bất hạnh, theo các chuyên gia tâm lý, để vượt qua khó khăn không chỉ cần có sự nỗ lực của người trong cuộc mà sự cảm thông, chia sẻ của những người xung quanh cũng rất quan trọng. Và nhìn ở khía cạnh tích cực, chính hoàn cảnh hiểm nghèo là phép thử để các cặp vợ chồng nhận ra tình cảm thực sự họ dành cho nhau.

Sợ nhất những lời gièm pha, ánh nhìn soi mói

Khi tôi hỏi thăm đường vào nhà đôi vợ chồng anh Minh, chị Lam (Minh Tiến, Đoan Hùng, Phú Thọ) hầu như tất cả những người tôi gặp đều nói về họ bằng những lời nghi ngại: "Chẳng hiểu sao lại vậy. Hay tại cô Lam còn trẻ nên bồng bột, chỉ sợ sau này hối không kịp". Thuyết phục mãi, chị Lam mới đồng ý chia sẻ câu chuyện của mình, vì sợ người hiểu cho thì ít, kẻ đàm tiếu, bình phẩm thì nhiều.

Chị Ngọc Tân (Hà Nam) cũng buồn rầu tâm sự, từ khi chị quyết định gắn bó đời mình với người chồng tàn tật, không ít người mỗi lần nhìn chị chở anh đi học lớp dành cho người khiếm thị đã chỉ trỏ bàn tán, gièm pha sau lưng. Nhất là khi câu chuyện của chị được đăng trên truyền thông, có người còn nói thẳng trước mặt chị: "Đã như vậy rồi, có hay ho gì đâu mà còn đi kể nọ kể kia".

Đàm tiếu, gièm pha, bị nghi ngờ, bình phẩm... đó là nỗi ám ảnh của những người đã phải chịu nỗi mất mát, thiệt thòi từ người thân gặp nạn thì lại phải chịu thêm gánh nặng từ búa rìu dư luận. Điều này khiến cho nỗi bất hạnh của họ như bị nhân đôi. Vượt lên chính mình, là chỗ dựa cho nửa còn lại đã khó, lẽ ra, họ phải được  giúp đỡ, đồng cảm thì giờ lại bị chất thêm gánh nặng của sự mặc cảm, buồn tủi.

Chị Mùi (Hà Nội) đã chảy nước mắt khi nhắc đến chuyện có người nghi chị làm gái nuôi chồng. Không ít người vì thế rơi vào trạng thái ngại chia sẻ, từ chối sự giúp đỡ, sống thu mình, mất niềm tin vào tình người.
Nhờ tình yêu thương, chăm sóc của chị Tân, anh Đức sắp lấy được bằng bổ túc cấp 3.
Nhờ tình yêu thương, chăm sóc của chị Tân, anh Đức sắp lấy được bằng bổ túc cấp 3.

Nghĩ đến ngày tháng chia ngọt, sẻ bùi

Theo chuyên gia tâm lý Vũ Thiện, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, cuộc sống đang yên ổn, tự nhiên người bạn đời của mình bỗng dưng rơi vào tình trạng tàn phế mất khả năng lao động quả thật là một cú sốc nặng nề. Khi điều không may mắn đó xảy ra, cả hai dễ hoang mang, nảy sinh nhiều suy nghĩ tiêu cực... Để vượt qua cú sốc đó "nên nghĩ đến tình yêu mặn nồng mình đã có, những ngày tháng chia ngọt sẻ bùi cùng nhau tạo nên nghĩa vợ chồng sâu nặng, từ đó sẽ có thêm sức mạnh để tiếp tục ở bên để chăm sóc động viên, làm chỗ dựa vững chắc cho người kia".

Đối với những lời gièm pha, đàm tiếu, ThS Vũ Thiện khuyên: "Để khỏi cuốn theo những điều thị phi xung quanh, tốt hơn hết, nên tránh than vãn, phàn nàn với quá nhiều người, chỉ nên tâm sự với những người thực sự đáng tin cậy. Hãy cố gắng nghĩ tích cực rằng thời gian sẽ làm cho vấn đề trở nên phai nhạt, không còn là tâm điểm của dư luận nữa".

Sau biến cố, người bệnh thường bị hẫng hụt lớn về mặt tâm lý và sẽ có những mặc cảm nặng nề dẫn đến tính khí khác thường và thường là trái tính trái nết, cau có, bi quan, chán nản, dễ tủi thân. Lúc này người bạn đời phải có lòng quyết tâm rất cao, sự nhẫn nại và độ lượng. Đặc biệt, cần luôn tỏ ra lạc quan trước người ốm và luôn cho họ thấy rằng họ được quan tâm, được chia sẻ, được coi trọng. Hãy nghĩ đến khía cạnh tích cực của hoàn cảnh, cứ coi đây là một cơ hội để thể hiện tình yêu thương, giúp hiểu tấm lòng chân thật của nhau.

Tất cả những cố gắng đó sẽ giúp người ốm có được tâm trạng tốt để tiếp tục sống, thích nghi với hoàn cảnh.  
Mai Loan

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

Thu Ha -

Thu Ha
<p>Đáng được tôn trọng</p>

Hiển thị thêm bình luận