(Kienthuc.net.vn)- Chuyện vợ chồng anh Vương Văn Sáng và chị Chu Thị Biên ở thị trấn Na Hang (Tuyên Quang) trồng được cam sành Hàm Yên trên ngọn núi Khuổi Sâu trong lòng hồ thủy điện Na Hang, tưởng như không thể đã trở thành hiện thực. Chỉ nay mai thôi, cặp vợ chồng "Mai An Tiêm" sẽ trở thành tỷ phú.
Chuyện trồng cam sành ở tỉnh Tuyên Quang với nhiều người đã "xưa như trái đất". Thế nhưng, ít ai biết loại cam sành khó tính ấy chỉ cho thu hoạch ở một số xã của huyện Hàm Yên do điều kiện thổ nhưỡng. Ngoài ra, ở các nơi khác khó có đất sống cho cây cam sành. Ấy vậy, mà vợ chồng anh Vương Văn Sáng và chị Chu Thị Biên đã biến điều không thể thành có thể. Người ta gọi vợ chồng họ là "Mai An Tiêm" của lòng hồ thủy điện. Và chuyện tình yêu của họ giống như một cuốn phim quay chậm.
Tình yêu tiểu thư với "anh chuột chù"
Để được nghe chuyện tình yêu của vợ chồng "Mai An Tiêm", chúng tôi phải chèo thuyền qua lòng hồ thủy điện Na Hang. Anh Nhữ Ngọc Dưỡng, Phó phòng Nông nghiệp huyện Na Hang bảo: "Trước đây cả vùng rộng lớn này là nơi dân cư sinh sống. Thủy điện Na Hang hình thành, dân phải sơ tán định cư ở nơi khác. Một vùng mênh mông toàn nước, phía đằng xa ngọn núi Khuổi Sâu nhô lên là nơi vợ chồng "Mai An Tiêm" sinh sống".
Thuyền cập mạn đã thấy một người phụ nữ da trắng tóc hoe vàng ra đón đợi. Đó là chị Chu Thị Biên vợ của anh Vương Văn Sáng. Anh Sáng không phải người Na Hang, quê gốc của anh ở tận xã Trung Môn (Yên Sơn). Vì gia đình nghèo khó, lại đông anh em nên mỗi người một ngả. Người lên Chiêm Hóa, người xuống Thái Nguyên, còn Sáng sống dọc sông Gâm theo đuổi ước mơ tìm vàng.
Thế nhưng, bao nhiêu năm ăn ngủ bên dòng Gâm bí hiểm anh vẫn chẳng thể tìm cho mình một lượng vàng nhỏ để đổi đời. Chán nản, Sáng lên bờ làm thợ mộc. Ở Na Hang, bao nhiêu ngôi nhà đẹp đều do cánh thợ mộc mà Sáng đứng đầu làm ra. Thế nhưng, cũng bằng ấy năm anh chỉ có một túp lều nhỏ làm chốn nương thân. Đúng như các cụ thường nói: Thợ mộc đẽo gỗ nghênh ngang/Cái nhà thợ mộc như hang chuột chù.
Trong một lần Sáng được mời tu sửa lại ngôi nhà cho một đại gia ở thị trấn Na Hang, anh đã phải lòng cô con gái chủ nhà. Đó là cô tiểu thư Chu Thị Biên người dân tộc Tày. Biên lúc ấy tuổi vừa 18, da trắng như nước suối và mái tóc hoe vàng sơn nữ. Họ yêu nhau lúc nào chẳng hay. Bây giờ nhắc lại, họ cũng không ngờ rằng đã yêu nhau. Vì Sáng có gì đâu ngoài đôi bàn tay khéo léo và thân phận một "anh chuột chù".
|
Chị Chu Thị Biên phấn khởi vì cam được mùa. |
Ra “hoang đảo” trồng cam
Khi lòng hồ thủy điện Na Hang hình thành vào năm 2006 cũng là lúc vợ chồng anh Sáng nghĩ đến cách làm giàu trên núi Khuổi Sâu. Việc họ quyết định bỏ phố ra sống ở hoang đảo đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ gia đình hai bên.
Ra “hoang đảo”, việc đầu tiên mà vợ chồng họ nghĩ đến là phải dựng một căn nhà nhỏ làm nơi tá túc. Khi nhà được hoàn thành, nhiều đêm vợ chồng họ mất ngủ vì không biết phải trồng cây gì nuôi con gì để đem lại hiệu quả kinh tế.
Nhờ một người em họ tư vấn, anh Sáng quyết định đem 1.000 gốc cam sành Hàm Yên về trồng thử nghiệm. "Không ngờ, ông trời đãi kẻ khù khờ, cam tôi trồng lớn nhanh như thổi, thậm chí còn phát triển vượt trội so với một số nơi của huyện Hàm Yên", anh Sáng cho biết.
Theo chị Chu Thị Biên, việc khai hoang trên núi Khuổi Sâu là một kỳ công. Cả một vùng đất rộng mênh mông toàn cỏ mây và dứa dại, hai vợ chồng khai phá không biết đêm ngày. Nhiều lúc phát mây bị gai cứa tóe máu, gánh đất lên núi tòe cả đôi bàn chân.
Nhưng đất không phụ người. Vụ đầu tiên vợ chồng "Mai An Tiêm" trồng cam thử nghiệm đã đem lại thành công lớn. Trừ tất cả chi phí họ thu lãi trên 100 triệu đồng từ cam. Vụ thứ hai họ thu được 20 tấn cam sành, bán ra thị trường thu về gần 200 triệu đồng.
Chưa hết, hàng chục con bò được vợ chồng họ thả phía sau núi cùng gần 2.000 con gà giống lớn nhanh như thổi đã và đang đem lại kết quả. Nhiều khách du lịch trên lòng hồ thủy điện Na Hang khi qua núi Khuổi Sâu đã không khỏi ngỡ ngàng, họ như ngỡ lạc vào một vườn cam cổ thụ.
Anh Sáng bảo: "Cam trồng ở núi Khuổi Sâu rất nhanh lớn, thân to hơn ở Hàm Yên, chất lượng cam lại rất ngon. Tôi không dám tự nâng cao sản phẩm của mình nhưng nhiều người đánh giá vị cam nhỉnh hơn hẳn so với cam trồng ở Hàm Yên".
Sau hai vụ cam thành công rực rỡ, lúc này họ hàng hai bên của vợ chồng "Mai An Tiêm" mới thực sự yên tâm. Chị Biên bảo: "Nói không quá, chứ tình yêu có thể làm đất nở hoa. Lúc đầu, anh quyết định ra hoang đảo tôi cũng chỉ biết theo vì sợ phải xa chồng".
|
Ngoài trồng cam, vợ chồng "Mai An Tiêm" còn nuôi bò và gà. |
Sẽ thành tỷ phú
Chúng tôi đi tham quan vườn cam của vợ chồng "Mai An Tiêm" mới thấy công lao họ bỏ ra là thực sự là một bài ca vỡ đất. Ngọn núi địa hình hiểm trở, toàn đá tai mèo lởm chởm, thế mà hàng nghìn gánh đất được họ gánh lên đổ ngập trên đá. Một nghìn gốc cam ban đầu giờ đã tăng lên hai nghìn gốc.
Cam của vợ chồng "Mai An Tiêm" cây nào cũng sai trĩu quả. Chị Biên cho hay: "Mỗi cây sẽ cho tròn 1 tạ cam, 2.000 cây sẽ cho ra khoảng 200 tấn", tôi nhẩm tính, vậy là 200 tấn sẽ đem về cho vợ chồng "Mai An Tiêm" trên 1,5 tỷ đồng tiền lãi.
Anh Sáng khẳng định: "Năm nay kiểu gì vợ chồng tôi cũng sẽ thu về trên 2 tỷ đồng, vì còn tính cả bò, gà và cây giống. Giờ đây, không chỉ bán cam sành, chúng tôi còn nhân giống và bán cho những ai có nhu cầu. Chắc chắn, tôi sẽ giàu, "Mai An Tiêm" sẽ không chịu phận "chuột chù" mãi được".
"Việc vợ chồng "Mai An Tiêm" trồng cam sành quy mô lớn thực sự là mạo hiểm nhưng cũng rất may mắn. Tôi cũng không ngờ là thổ nhưỡng của núi Khuổi Sâu lại hợp với cam sành đến vậy. Đến nay ở Na Hang, mô hình trồng cam của vợ chồng họ là duy nhất, chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng và nhân rộng mô hình phát triển kinh tế này".
Anh Nhữ Ngọc Dưỡng (Phó phòng Nông nghiệp huyện Na Hang) |
Trần Hòa