Mẹ ốm, con ngồi tù
Khi hỏi về bà Chung, nhiều người xóm Thượng có thể kể vanh vách hoàn cảnh cùng lòng thương cảm đối với người đàn bà khốn khổ. Vì nghèo khổ, không lấy được chồng nên năm 1995 bà quyết định có con với một người đàn ông xa lạ và sinh hạ được một người con trai. Kể từ đó, hai mẹ con sống tạm trong ngôi nhà nhỏ của gia đình nhà cậu.
Nhìn mái nhà thì dột nát, ngày nắng thì không sao, ngày mưa thì hai mẹ con chỉ có ôm nhau mà ngồi, không thể nào ngủ được. Nay sức khoẻ bà Chung thì đã yếu nên không làm lụng được, hằng ngày chỉ biết lên nghĩa trang Yên Kỳ rộng bạt ngàn để nhặt túi nilon, đồng nát hay kiếm que củi.
Khi chúng tôi hỏi về hoàn cảnh gia đình, bà Chung thổn thức: "Ngày nào chịu khó đi làm thì tôi nhặt được vài cân túi nilon, đến chiều mang xuống núi cân cho người ta, có người thu tại chân núi luôn, mỗi ngày kiếm được hai chục nghìn nhưng chẳng đủ đong gạo ăn. Hôm 12/3, thằng con chẳng biết nó đi chơi bời cùng bạn bè thế nào mà lại đi cướp trên đường 32, sau đó bị công an bắt đi cả lũ".
|
Hằng ngày, bà Chung vẫn lang thang quanh nghĩa trang Yên Kỳ nhặt rác kiếm tiền nuôi con trong tù. |
"Tôi khổ tâm lắm!"
Gia đình bà Chung khó khăn nên ngay từ bé, con trai bà đã không có được một cuộc sống vật chất như những gia đình khác. Những lúc đi chơi về không được ăn uống đầy cậu con trai thường bực mình còn mắng mỏ cả mẹ. Con lớn, bà Chung cho cậu đi chăn bò giúp cậu mợ.
Nhà nghèo không có tiền cho cậu đi học nên năm lên 9 tuổi cậu mợ thấy thương mới đăng ký cho đi học lớp một. Cậu đã chứng tỏ là người nhanh nhẹn và thông minh, suốt 5 năm học cậu luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi, trên tường nhà còn treo rất nhiều giấy khen.
"Năm lên lớp 6, cháu nó bỏ học vì cậu mợ không đủ điều kiện chu cấp nữa, sau đó xuống Sơn Tây vác xi măng, trộn vữa thuê kiếm ít tiền về nuôi mẹ. Năm ngoái đi làm ra ít tiền mang về còn dành dụm mua được chiếc xe máy, hôm vừa rồi thấy nó tính ngày xuống để làm thuê tiếp thì đã bị bắt. Mẹ nó thì sức yếu, không cấy hái được gì, sống qua ngày qua tháng. Những hôm đi nhặt rác được thì còn kiếm được vài đồng, hôm nào đau yếu không đi được thì chẳng biết làm thế nào nữa," bà Tình, một người dân ở xóm Thượng cho biết.
Khi nói về đứa con trai, bà Chung giàn giụa nước mắt bảo: "Tôi khổ tâm lắm! Nhà có mỗi thằng con, nó không có bố nên không được nuôi dạy đến nơi đến chốn. Lúc còn nhỏ nó cũng bướng và không nghe lời mẹ. Nhưng từ khi đi làm thuê ở nhà cậu mợ nó biết thương mẹ hơn. Tưởng nó sẽ nên người ai dè lại theo lũ bạn đi ăn cướp giờ phải vào tù".
Bà Chung tính toán: "Bây giờ nó đi ở tù ruộng vườn không ai chăm sóc, tôi thì ốm đau suốt không có tiền đi khám bệnh. Trong khi đó mỗi ngày đi nhặt rác chỉ kiếm được mấy chục nghìn, trừ các khoản ăn uống, mắm muối hằng ngày, số tiền còn lại dành dụm lúc nào vào tù thì mua gạo thóc, quần áo và quà để nó ăn thêm cho đỡ đói, đỡ rét".
Nói đến đây, giọng của bà Chung lạc dần đi theo những tiếng nấc dài, bà lặng lẽ ôm mớ rác vừa nhặt được đi về phía quán thu mua phế liệu và lấy hai mươi ngàn dành dụm để vào tù thăm con.
TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU
Dương Thái