Khẽ xoay ánh đèn vào sát bàn tay của Vĩnh, tôi thấy một nắm xương đã bị vụn thành nhiều khúc, thử lần mò xung quanh tôi còn thấy vô số những mảnh xương khác và còn có cả tóc người còn vương lại.
Chôn người để bịt đầu mối về hang giấu vàng
Hang "Kim ngân thất thập táng” nằm ẩn mình trên ngọn núi Khăm Mả ở Bản Khuông, xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng. Từ lâu, câu chuyện về hang chứa tới 70 gánh vàng vẫn là điều bí ẩn được người dân nơi đây truyền tai nhau hết đời này sang đời khác. Lần theo con đường ngoằn nghèo uốn lượn quanh rừng tre rậm rạp, tôi tìm được đến nhà ông Nông Lưu Đồng, trưởng bản Khuông, đồng thời là người nắm rõ nhất về câu chuyện của chiếc hang kỳ lạ kia.
Ngôi nhà của ông Đồng ở ngay sát dưới chân núi và nằm ngay trước lối đi lên cửa hang, vừa hay lúc tôi vào nhà cũng là lúc nhà ông Đồng đang ngồi nhâm nhi chén rượu cùng mấy người bạn trong làng vì phải ngày mưa lớn không đi làm được.
Tôi khẽ nhấp chén rượu ngô ông trưởng bản trịnh trọng mời, vị nồng ấm ngay lập tức xua đi cái lạnh giá của cơn mưa rừng vừa xối xả vào thân thể trên suốt đoạn đường tới bản Khuông. Được hỏi về câu chuyện hang “Kim ngân thất thập táng”, ông trưởng bản khẽ một thoáng trầm ngâm mà rằng: “Hồi trước, ngọn núi Khăm Mả cây cối um tùm, rậm rạp lại lắm thú dữ thường xuyên gầm gừ, gào thét. Theo những gì tôi được nghe kể lại, chiếc hang chứa vàng bí ẩn được bắt nguồn từ một tay địa chủ giàu có gốc là người Tàu. Đến thời binh biến, lo ngại gia sản của mình có thể bị đánh cướp, người này đã nghĩ cách để giấu đống tài sản quý giá”.
|
Trưởng bản Khuông kể về hang "Kim ngân thất thập táng" |
Theo lời ông Đồng, tay địa chủ đã thuê thầy địa lý đi tìm một mảnh đất hợp phong thủy để giấu của. Sau khi xem xét, thầy phong thủy đã chọn một hang đá trên đỉnh “núi thiêng” Khăm Mả để chôn vàng. Kể từ đây, công cuộc chôn giấu kho báu bắt đầu, hàng đoàn công nhân được thuê mang theo ngựa lặng lẽ chở những hòm vàng bạc, châu báu rồi chui xuống hang để cất giữ. Đến gánh thứ 70 thì vừa hết chỗ để trong hang. Công việc xong xuôi, vì không muốn để bí mật về số tài sản quý giá lộ ra ngoài, tay địa chủ đã nhẫn tâm cho người vùi cửa hang, chôn sống những công nhân đã vận chuyển vàng trong hang để bịt đầu mối. Sau đó thuê thầy địa lý lập bia mộ và trấn bùa yểm để tránh kẻ xâm phạm.
"Bên ngoài cửa hang, tay địa chủ cho dựng một tấm bia khắc chữ Hán mà sau này có người dân đã đọc được và biết tên của hang là “Kim ngân thất thập táng” (chôn 70 gánh vàng). Câu chuyện này lan truyền đã khiến nhiều nhóm người ở khắp tỉnh Cao Bằng đến đây để tìm kho báu”, ông Đồng chia sẻ. Khoảng cuối những năm 80 của thế kỷ trước, một nhóm khoảng 13 người vùng Quảng Uyên cơm đùm cơm nắm, ăn dầm nằm dề ở đây tìm vàng. Hì hục đào xới khắp nơi nhưng họ không thu được gì ngoài một vài mảnh xương và túm lông dài đen nhánh như đuôi ngựa vì hang quá sâu và đường đi hẹp không thể tiến thêm vào được. Nhiều dân bản cho biết những cuộc tìm kiếm về sau chỉ cho kết quả tương tự, thậm chí có người bị thương vì đá lở. Tuy vậy, sức hấp dẫn của câu chuyện kho báu trong hang đá hàng trăm năm qua vẫn khiến nhiều kẻ dấn thân đến đây để tìm kiếm may mắn.
Thấy nhiều người dân từ thị xã lũ lượt kéo vào hang tìm vàng, một số người dân đã đào phiến đá khắc dòng chữ tên hang mang đi nơi khác và dùng cây cỏ bịt kín lối vào hang để tránh việc nhiều người đến đây nhòm ngó. Cho đến nay phiến đá đó đã không còn và những người mang phiến đá đó đi đều đã qua đời khiến cho sự thật về hang chứa tới 70 gánh vàng, bạc vẫn là một bí ẩn lớn với người dân ở miền sơn cước này.
Mò xương dưới hang chứa vàng
Ông trưởng bản cho tôi biết, trước đây đường dẫn vào hang còn có lộ rõ một khe ăn sâu vào giữa các vách núi như là một căn hầm địa đạo. Tuy nhiên, do sự biến đổi địa chất, đường đi của hang giờ đây đã bị khép kín, còn lại rất hẹp. Vì đường vào hang chỉ vừa cho một người đi nên người tìm vàng thường chia nhau thành các tốp, dựng lều trại ở đây để tìm kiếm. Nhưng người cứ vào được một lúc lại phải ra ngoài vì xung quanh hang được lấp kín bởi những khối đá và cứ cách vài khối lại thấy tóc và xương người chết nên nhiều người cảm thấy bị ám ảnh không dám tiếp tục và đành từ bỏ giấc mơ chiếm đoạt được khối tài sản khổng lồ.
|
Cửa hang chứa vàng bị cây cỏ phủ kín |
Nghe ông Đồng kể hồi lâu, máu phiêu lưu dường như đã không thể kìm chế được lâu hơn, theo chân cậu con trai cả tên Vĩnh của ông Đồng, tôi đi ra phía sau nhà, men theo con đường đất dốc cao trơn trượt để được “mục sở thị” tận mắt hang “Kim ngân thất thập tang” xem hư thực ra sao.
Vì trời mưa nên đoạn đường trở nên lầy lội và cực kì khó đi, hai bên lại toàn vực thẳm, chỉ cần sơ sẩy là rơi xuống mất mạng như chơi, vừa đi cả Vĩnh và tôi đều phải lựa những mỏm đá hoặc những gốc cây vững chắc để làm chỗ bám. Do đã nhiều lần theo chân bố đi qua hang nên Vĩnh nhớ rõ khu vực miệng hang, khẽ vén đám cây cỏ rậm rạp bưng kín ra, Vĩnh chỉ tôi “Hang đây rồi anh ạ”.
Nhìn cái miệng hang bé tí, tối om, ẩm ướt không một chút ánh sáng lọt vào, lại thêm vắt từ đám cỏ đang xoắn mình, uốn éo khiến tôi không khỏi chùn bước. Ấy vậy nhưng đã đến đây chẳng thể nào bõ lỡ được, tôi đánh liều cầm chiếc đèn pin đã sạc điện của ông Đồng cho mượn nhảy xuống hang.
|
Lối dẫn vào hang lâu ngày đã bị thu hẹp |
Phía dưới hang không gian cực kỳ chật hẹp, đường dẫn vào không đủ thể đứng thẳng người, tôi phải khom lưng gần như bò mới có thể đi vào sâu, cũng vì con đường quá nhỏ nên muốn đi trở lại cũng chỉ có thể đi giật lùi mà thôi. Lúc này Vĩnh cũng đã trèo xuống hang đi ngay phía sau tôi, hai anh em cùng tiến sâu vào bên trong. Càng vào sâu, không gian càng thêm ẩm ướt, không khí quặn lên mùi vị tanh tưởi, dưới chân chúng tôi như có một lớp đất nhão nhét , nước từ đá thấm nhỏ ướt lạnh hết vai áo. Được khoảng chừng 50m từ cửa hang, cậu em Vĩnh bỗng bảo rằng “Có vật gì này anh ơi”. Khẽ xoay ánh đèn vào sát bàn tay của Vĩnh, tôi thấy một nắm xương đã bị vụn thành nhiều khúc, thử lần mò xung quanh tôi còn thấy vô số những mảnh xương khác và còn có cả tóc người còn vương lại.
|
Phía dưới lòng hang là lớp bùn nhão nhoét và một lối đi độc đạo phải khom người mới chui vừa |
|
Nắm xương được tìm thấy dưới lòng hang chứa vàng |
Sau một lúc định thần, chúng tôi quyết định trở ra vì con đường dẫn vào hang giờ đã quá nhỏ, có lẽ chỉ có những cậu bé khoảng 5 – 6 tuổi mới dễ dàng di chuyển. Trở lên được cửa hang, hít thở một hơi dài bầu không khí thoáng đãng nơi núi rừng Tây Bắc, tôi mới hiểu vì sao có biết bao nhiêu con người đã từng đến đây rồi lại đi, vì dù trong hang có là cả đống vàng bạc, châu báu hay là gì đi chăng nữa thì những mảnh xương người chết san sát đến ghê rợn cùng những khối đá hàng ngàn tấn vẫn là những thứ ngăn bước chân người từ bỏ vận may để bảo toàn mạng sống.
Cho đến nay, vẫn chưa có một người nào tìm ra kho báu khổng lồ nhưng nhiều người dân vẫn tin vào câu chuyện hang “Kim ngân thất thập táng”. Ông Lưu Hồng Sơn, Chủ tịch UBND xã Thông Huề cho biết: “Cũng không biết hang vàng có từ khi nào, tất cả chuyện về hang chỉ là những lời truyền miệng từ người này sang người khác chứ thực hư thế nào cũng chưa ai biết. Dù ngọn núi này có kho báu khổng lồ hay không thì chúng tôi vẫn cố gắng tuyên truyền động viên người dân yên tâm làm ăn, không để tin đồn hang thiêng có bùa yểm ảnh hưởng đến tín ngưỡng, tập tục của bà con và tránh kẻ xấu lợi dụng chuyện này gây mất trật tự an ninh”.
(Theo Infonet.vn)