Đây cũng là quần thể san hô 4 tia lớn nhất Việt Nam mà các nhà khoa học từng phát hiện.
Truy lùng san hô
Cuộc truy tìm các rạn san hô cổ đã được các nhà khoa học Việt Nam tìm kiếm từ rất lâu. Kết quả là đã phát hiện được nhiều mẫu vật cổ, có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với ngành nghiên cứu cổ sinh địa tầng mà còn cả với những ngành và lĩnh vực khác như thăm dò và khai thác dầu khí... Bởi những mẫu vật này giúp các nhà khoa học xác định niên đại địa chất, bối cảnh cổ địa lý kiến tạo, cổ môi trường, lịch sử tiến hóa của phụ lớp San hô 4 tia và địa tầng liên quan đến các "bẫy" chứa dầu và khí.
Trở lại với cuộc truy lùng san hô ở Việt Nam, TS Nguyễn Hữu Hùng, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cho biết: "Chúng tôi đã tìm kiếm hóa thạch san hô ở nhiều mức địa tầng, chủ yếu trong các trầm tích Paleozoi ở nhiều vùng khác nhau trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, những mẫu vật mà chúng tôi truy tìm được thường có kích thước nhỏ, mặc dù ý nghĩa khoa học của nó thì không thay đổi".
|
Cận cảnh quần thể san hô 4 tia lớn nhất Việt Nam. |
TS Nguyễn Đức Khoa (1996), một chuyên gia nghiên cứu hóa thạch San hô 4 tia của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã phát hiện một loài San hô 4 tia mới Nipponophyllum nikolaevae thông qua công tác xác định lát mỏng trong trầm tích Silur thượng thuộc hệ tầng Kiến An (S3-4 ka) lộ ra ở núi Xuân Sơn, huyện An Lão, TP Hải Phòng.
Năm 2009, các cán bộ của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã phát hiện được một quần thể San hô 4 tia lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay tại núi Xuân Sơn, trong tập đá vôi của hệ tầng Kiến An, lộ ra bên trái đường ô tô Kiến An đi An Lão. Qua công tác thẩm định nghiên cứu dưới dạng lát mỏng, TS Nguyễn Hữu Hùng cho rằng, chúng thuộc loài Nipponophyllum nikolaevae đã được TS Nguyễn Đức Khoa nghiên cứu trước đó. Phát hiện này sau đó được đưa vào Phòng trưng bày của bảo tàng nhằm mục đích nghiên cứu, trưng bày để khách thập phương đến tham quan.
|
San hô 4 tia chính là tổ tiên của các loài san hô ngày nay. |
Tổ tiên của các loài san hô ngày nay
TS Nguyễn Hữu Hùng cho rằng: "Loài San hô bốn tia Nipponophyllum nikolaevae trong đá vôi của hệ tầng Kiến An, lộ ra ở sườn bắc núi Xuân Sơn, huyện An Lão, TP Hải Phòng (tọa độ x= 20o49', y=106o35') thuộc giống Nipponophyllum Sugiyama, 1940; họ Holmophyllidae Wang, 1947, bộ Cystiphyllida Nicholson, 1889, phụ lớp san hô bốn tia (Tetracoralla) Milne-Edwards & Haime,1850; lớp Động vật hình hoa (Anthozoa) Ehrenberg,1834; ngành Sợi chích (Cnidaria) Hatschek, 1888".
Nipponophyllum nikolaevae là loài đặc hữu, mới chỉ gặp trong đá vôi của hệ tầng Kiến An (S3-4 ka). Các ổ san hô của loài này có dạng bán hình trụ, tiết diện ngang hình tròn hoặc gần tròn, đường kính từ 0,8 - 1,5cm. Chúng liên kết với nhau tạo nên quần thể dạng bó hoặc bụi cây, kích thước lớn trên 1m. Vách ngoài của ổ san hô có dạng gờ ráp. Cấu trúc trong ổ gồm 32 vách ngăn bậc 1 dạng gai, phát triển đến vùng gần tâm, chiếm 2/3 bán kính của ổ. Vách ngăn bậc 2 thường ngắn hơn, bằng 1/2 hoặc 2/3 vách ngăn bậc 1. Tấm đáy khá mỏng, xếp ngang hoặc xiên, liên kết với nhau tạo thành đới, giống như mô bọt ở vùng trục của ổ. Mô bọt phát triển mạnh mẽ ở vùng sát thành ổ, có dạng hình thấu kính xếp nghiêng, tạo thành các đới mô bọt, từ 1 - 3 hàng.
|
TS Nguyễn Hữu Hùng, người có nhiều tìm tòi về san hô 4 tia quý hiếm. |
Nipponophyllum nikolaevae được phân biệt với các loài khác của giống Nipponophyllum trong kỷ Silur bởi cấu tạo tấm đáy rất mỏng, xếp nghiêng, liên kết với nhau tạo thành các tấm mô bọt. Đặc biệt hơn, loài mô tả ở đây có kích thước quần thể lớn hơn nhiều so với các loài của kỷ Silur ở Australia, Nhật Bản, Tajikistan và Nga. Nó cũng được phân biệt với loài Nipponophyllum anmaense Khoa trong trầm tích Silur thượng thuộc hệ tầng Đại Giang (S3-4 dg) ở vùng núi An Mã, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình bởi cấu tạo tấm đáy và kích thước quần thể lớn.
Theo TS Nguyễn Hữu Hùng thì Nipponophyllum nikolaevae là hóa thạch chỉ đạo cho địa tầng Silur thượng, xác nhận niên đại 427 - 419 triệu năm trước cho các đá carbonat của hệ tầng Kiến An ở vùng Kiến An và An Lão, TP Hải Phòng. Là loài chỉ thị cho cổ môi trường vùng biển nông trên 30m, nước sạch, nhiệt độ không dưới 180C. Đồng thời nó chính là tổ tiên của các loài san hô biển ngày nay, nhưng đã tuyệt diệt từ 427 - 419 triệu năm trước. Đây cũng là loài sinh vật biển sống bám đáy, hình thành nên các rạn san hô, tạo môi trường dạng sinh học cho các nhóm sinh vật khác ở các vùng biển nhiệt đới của kỷ Silur.
"Trước khi phát hiện quần thể san hô 4 tia lớn nhất Việt Nam thì các nhà khoa học đã phát hiện một số đại biểu của giống Nipponophyllum ở nhiều nước khác trên thế giới và vùng núi An Mã, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Thế nhưng, những phát hiện đó chỉ thu được các mảnh nhỏ, phân tán chứ không tập trung với số lượng lớn như quần thể san hô 4 tia được trưng bày tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam".
TS Phạm Văn Lực (Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam)
Quách Dương