Con gián - vốn bị coi là loài côn trùng hôi hám, đáng ghét, ai thấy cũng tránh xa - lại đang là nguồn thu nhập chủ yếu của cả gia đình bà Trần Kim Anh, ngụ đường Hồng Bàng, quận 11, TP.HCM.
Như đã hẹn trước, đúng 20h ngày 25/11, chúng tôi có mặt tại nhà bà Trần Kim Anh nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Hồng Bàng để theo chân bà đi bắt gián. Đồng hồ điểm 21 giờ, bà Kim Anh chuẩn bị đồ nghề lên đường. Hành trang mang theo là một chiếc xe đạp cũ, một chiếc xô nhựa và giỏ đồ nghề.
Bà Kim Anh lượn vòng qua những con đường ngoằn ngoèo rồi dừng tại “thiên đường gián” là chợ Bình Thới (phường 10, quận 11). Trong khu chợ tối tăm với vài ánh đèn le lói phát ra từ những ngôi nhà hai bên hông chợ, không gian đặc quánh một mùi tanh nồng bốc ra từ những sạp thịt, sạp cá…
|
Bà Kim Anh bắt gián tại chợ Bình Thới |
Bà Kim Anh lấy hộp mạch nha dẻo quẹo trong túi ra, quét lên miếng vải đã được quấn sẵn trên cây gỗ nhỏ dài. Sau đó bà để cây gỗ có mạch nha trên một miệng cống. Tại một miệng cống khác bà để một miếng vỏ sầu riêng (cũng là món khoái khẩu của lũ gián). Trong khi chờ đợi, bà Anh tranh thủ dùng đèn pin bắt những con gián bò lổm ngổm trên các sạp thịt, trên tường, dưới đất…
Sau đó bà Anh đến các miệng cống để thu chiến lợi phẩm. Trên miếng vỏ sầu riêng và miếng vải quết mạch nha, hàng chục chú gián vẫn đang “say mồi”, bất chấp anh đèn pin rọi trực diện vào. Bà Anh cầm từng thứ cho vào xô rũ nhẹ, lũ gián rơi gọn vào xô đã được quét một lớp mỡ trơn, khiến chúng khó bò ra. Cứ lặp lại như vậy vài lần, bà Anh thu được hàng trăm con gián.
Bà Anh nói: “Hôm nay chỉ bắt thế thôi, khách họ đặt số lượng như vậy, bắt nhiều cũng chẳng để làm gì”.
Khách mà bà Anh nói ở đây chính là những “cần thủ”. Giới câu cá ở TPHCM đều biết đến tên tuổi vợ chồng bà Anh vì mức độ “sát gián”. Ông Hồ Hoàng Khanh (chồng bà Anh) cũng là một dân câu chuyên nghiệp, ông thường đi bắt gián làm mồi câu cá chim, cá tra, cá bông lau… Dần dần, do sự tín nhiệm của các bạn câu cộng với quan hệ rộng với nhiều “cần thủ” nên ông Khanh quyết định mở một cửa hàng bán đồ câu trên đường Tân Hóa (quận 11). Trong khi đó bà Anh vợ ông sẽ đi bắt gián để cung cấp cho khách hàng cần mồi câu.
|
Bẫy gián bằng vỏ sầu riêng |
Công việc có phần kỳ lạ này đã gắn bó cùng hai vợ chồng bà suốt 15 năm qua. Mỗi con gián bắt được bà Anh kiếm được 100 đồng, với vài trăm con gián mỗi đêm, bà thu được vài chục nghìn đồng, một món tiền không quá lớn nên cuộc sống của bà không mấy thoải mái.
Bà Anh tâm sự: “Việc bắt gián như đá thấm vào máu rồi, tiền nong là một phần nhưng quan trọng là kiếm được mồi cho mấy anh em đi câu cá vì họ quen biết với gia đình cả chục năm nay rồi”.
Theo ông Khanh, trước đây dân câu ở TPHCM dùng thịt bò tẩm ướp để câu cá bông lau, cá chim, cá tra. Nhưng khi dân câu phát hiện ra gián cũng là mồi câu hiệu quả không kém mà chi phí lại rẻ nên họ không dùng thịt bò nữa, chuyển sang dùng gián.
Những con gián dơ bẩn, hôi hám giờ đây đang được sử dụng một cách có ích và mang lại một nguồn thu nhập chính đáng cho một gia đình giữa lòng TPHCM nhộn nhịp này.
Theo Thảo Trần
Dân trí