Nam thanh niên khổ luyện nội công, đóng bàn đinh trên bụng

Google News

(Kiến Thức) - Nhờ khổ luyện nội công, Lê Chí Công có thể uốn lưng lơ lửng trên không, phía dưới là 3 ngọn giáo nhọn sẵn sàng đâm xuyên, trên bụng đặt bê tông, bàn đinh… 

Mới khổ luyện nội công chân không chịu lực được 4 năm nhưng Lê Chí Công (24 tuổi ở 339 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội) có thể uốn lưng lơ lửng trên không, phía dưới là 3 ngọn giáo nhọn sẵn sàng đâm xuyên, trên bụng đặt bê tông, bàn đinh… các võ sư ra sức quai búa tạ, đập vồ phá vỡ đá tảng, đóng đinh vào bụng… nhưng anh vẫn không hề hấn gì.
Đóng đinh vào bụng
Tôi không khỏi rùng mình khi BS.VS Nguyễn Văn Thắng, Chưởng môn phái Thăng Long võ đạo chỉ đạo một võ sư đã tu luyện ở mức “mình đồng da sắt” sẽ cùng ông dùng búa và vồ quai liên tiếp lên bụng anh Chí mới đang tu luyện “nội công chịu lực chân không sức mạnh”: “Đập càng mạnh càng tốt”. Sau 2 phút đề khí, anh Chí nằm cong như con tôm dưới đất, hơi ngẩng đầu được hai võ công bê đầu và chân đặt lên vai của hai võ công khác. Toàn thân người anh Chí không có điểm tựa, phía dưới lưng là 3 lưỡi giáo sắc nhọn dài 50cm sẵn sàng đâm xuyên. Hai viên đá lát và 5 viên ngói dày được đặt lên phía bụng anh Chí. BS.VS Nguyễn Văn Thắng dùng búa tạ quai mạnh, sau 1 tiếng hự, toàn bộ số ngói và đá vỡ vụn bắn tung tóe, bụng anh Chí không hề xây xước, chỉ hơi ửng đỏ.
Chưa kịp nghỉ lấy sức, anh Chí lại tiếp tục đề khí và lần này một khối bê tông cốt thép rắn chắc dày 35cm được đặt lên trên bụng anh. BS.VS Nguyễn Văn Thắng đứng 1 bên và một võ công khác đứng phía đối diện, thi nhau dùng búa tạ đập mạnh hết sức lên khối bê tông trên bụng anh Chí. Nghe tiếng búa đập liên hồi chát chúa, tôi sợ hãi không dám nhìn, hai võ sư thở dốc, mặt đỏ gay, khối bê tông chỉ bong tróc từng ít một, anh Chí bên dưới vẫn bình thản nằm im.
Nam thanh nien kho luyen noi cong, dong ban dinh tren bung
 
Gay cấn nhất là tiết mục đóng đinh trên bụng. Hai võ công khệ nệ bưng chiếc bàn đinh nặng chịch, chi chít những chiếc đinh nhọn dài 10cm đặt đâm thẳng xuống bụng anh Chí. Những quai vồ vung cao, đập mạnh xuống bàn đinh, cảm giác những chiếc đinh sắc nhọn đâm ngập bụng anh. Nhưng sau một hồi đập, chiếc bàn đinh cứ rung rung chệch ra, võ sư mệt nhoài, bụng anh Chí chỉ có những vết đinh hằn nhẹ, phía dưới 3 ngọn giáo nhọn cũng không đâm được vào cơ thể anh.
Khổ luyện
Anh Chí cho biết, anh quê ở Quảng Bình, từ nhỏ rất ham thích võ và đã học ở nhà được 2 năm. Lớn lên anh ra Hà Nội làm việc, một phần vì công việc đòi hỏi, hơn nữa cũng có điều kiện để theo đuổi lại ham mê võ thuật nên anh đi học lại võ năm 2009. Nhờ có tố chất và niềm đam mê nên anh được chọn luyện chuyên sâu nội công chịu lực. Anh Chí cười, luyện võ đã khó, luyện chuyên sâu còn khó và khổ gấp vạn lần. Để luyện chuyên sâu ngoài tố chất đòi hỏi võ công phải chịu khó, siêng năng, có thời gian thích hợp để tu luyện, còn cần võ công phải giỏi cả võ và khí công. Bởi mỗi lần tu luyện, võ công phải dành khoảng 4 – 5 tiếng đồng hồ để tập. Trước hết là tập các bài khởi động 30 phút rồi tập các bài quyền và tập khí bổ trợ sau mới tập đến nội công.
Hơn 4 năm qua, ngày nào anh cũng dành thời gian từ 20 – 24h, thậm chí đến 1 giờ sáng hôm sau để luyện. Đầu tiên là luyện khí và đặc biệt quan trọng là luyện khí vào đan điền. Tùy theo mỗi bài tập mà luyện cách lấy khi khác nhau, chẳng hạn như vận khí thái sơn công, thủ khí tại đan điền lấy đan điền làm trụ để luyện tập làm nền tảng đến mức khí tạo sức bền chịu lực. Thời gian tập luyện khí phải ngồi thiền, phải tĩnh, tinh thần thoải mái và rất cẩn thận, nếu chỉ lơ là, đưa khí sai chệch ra khỏi đan điền là bị choáng, chỉnh lại rất khó khăn và lâu, thậm chí nếu không chỉnh được, người tập bị loạn khí gây tẩu hỏa nhập ma.
Khi đã luyện được khí mới tiếp tục vừa luyện khí kết hợp với luyện công. Lúc này sẽ tập từ mức nhẹ lên nặng: đầu tiên là tự dùng đoạn côn, tay chém bụng cho rắn chắc rồi tự mình nằm ngửa trên bàn đinh, đề khí, rồi tự mình đánh bụng mình sau đó đặt dần các vật nặng lên dùng búa đập từ 5 - 10kg và hiện tại anh đang luyện ở mức 40 – 50kg. Anh mong muốn sau này mình sẽ luyện được “thiết bố sam”, toàn thân mình cứng hơn sắt thép, có thể đỡ được cả tảng đá 3 tạ cho người khác đập như võ sư Thắng, hoặc dùng nhíp ô tô 7mm vụt mạnh cơ thể vẫn không sao như võ sư Vân... Và như vậy, chắc chắn việc khổ luyện của anh phải kéo dài không chỉ 10 – 15 năm mà còn phải lâu hơn nữa.
Nguy cơ tẩu hỏa nhập ma
BS.VS Nguyễn Văn Thắng cho biết, muốn luyện được nội công chân không chịu lực, ngoài giỏi võ phải qua các khóa cơ bản về khí công, đạt ma chân kinh, biểu diễn được thiết bố sam - thân mình rắn như sắt thép và tập một số thủ pháp đề khí như vận công, hồ kinh công, song long thập chỉ công, la hán công, thái dương công... một cách công phu.
Khi muốn thể hiện được nội công chịu lực trên không, võ công phải chịu được các màn biểu diễn nặng ở mục nội công chịu lực dưới mặt đất và tập từ độ nhẹ đến nặng và từ ít nguy hiểm như từ đập gạch, ngói đến đập đá, nằm trên bàn đinh, thủy tinh... đến đập bê tông, đá tảng... Đặc biệt, không chỉ biểu diễn được ở phần bụng mà các võ công phải tập luyện toàn bộ các bộ phận trên cơ thể như ống chân, vế đùi, vai, tay, đầu...
Theo BS.VS Nguyễn Văn Thắng, luyện ngạnh công (bên ngoài) cho thân hình rắn chắc như thiết bố sam, thiết ngưu phanh thây đòi hỏi môn sinh phải khổ luyện với độ chính xác cao và sự khổ luyện kiên trì từng bộ phận trên cơ thể, từ tay, chân, vai, bụng... sau đó tiến tới luyện toàn thân. Đây là môn rất khó, phải luyện tập kiên trì 5 – 10 năm, thậm chí vài chục năm mới có thể chịu được lực tải như vậy.
BS.VS Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, không phải ai cũng tu luyện được những công phu đặc dị như vậy. Người tập luyện được trước hết là phải có căn cơ về võ thuật, nếu muốn khổ luyện môn này cần phải có chân sư giỏi hướng dẫn vì rất dễ gây nguy hiểm. Đặc biệt, việc đề khí sai, không chỉ dẫn tới nội thương mà còn bị tẩu hỏa nhập ma gây ra điên loạn.
Ngay cả môn phái “Thăng long võ đạo” vốn được làng võ coi là môn luyện tập khắc nghiệt, chuyên tạo ra những công phu đặc dị, võ sinh có tới vài ngàn người, thì số người đạt trình độ để luyện công phu đặc dị, đặc biệt là “thiết bố sam” cũng rất ít, đếm trên đầu ngón tay. Luyện môn này đòi hỏi luyện hằng ngày, bên trong vận nội công để tăng trưởng nội khí, bên ngoài luyện ngạnh công để tăng sức mạnh cân cơ xương để khoẻ bên ngoài. Hai cách luyện này sẽ bổ trợ nhau. Nội kiên để ngoại xương, ngoại cường để ngoại kiên – luyện nội khí bên trong để tăng trưởng sức mạnh bên ngoài, luyện ngoại lực bên ngoài để bảo vệ nội khí bên trong được bền vững. Đây là môn rất khó, nếu không cẩn thận, bắt chước... lúc tập không đề được nội khí sẽ gây chấn thương nội tạng bên trong, hoặc không phát được kình lực sẽ gây chấn thương nặng hoặc tử vong.
Thúy Nga