Thợ rừng không sợ cọp, beo mà chỉ sợ đụng phải heo lăn chai. Khi già, loài heo này chọn Virachey thuộc Campuchia giáp biên với rừng Chư Mom Ray (Kon Tum, Việt Nam) làm nơi an nghỉ. Những chiếc nanh heo từ khu nghĩa địa này được bán với giá hàng chục nghìn đôla.
Năm 2008, tại một cánh rừng dầu già cỗi ở Virachey thuộc lãnh thổ Campuchia giáp biên với cánh rừng Chư Mom Ray (Kon Tum, Việt Nam), nhóm T "fulro" phát hiện bãi xương heo rừng. Giới thợ săn gọi đó là "nghĩa địa heo" hoặc "mỏ heo". Sau một trận tử chiến để giành quyền khai thác mỏ heo Virachey, nhóm T "fulro" kết giao tình thân hữu và bắt tay làm ăn với Khay Tha, ông trùm kinh doanh nanh sản vật thú rừng ở Thái Lan.
Ở Thái Lan, nanh heo là một trong những sản vật quý mang tính tâm linh. Khay Tha và nhóm T "fulro" đi đến một thỏa thuận: Nhóm thợ rừng Thái Lan nhượng quyền khai thác cho nhóm T "fulro" với giá cả phải chăng (5 lượng vàng). Nhóm T "fulro" phải bán phân nửa số nanh heo, xương heo cho Khay Tha bằng giá thợ rừng. Khay Tha sẽ cử thợ rừng Thái Lan có vũ trang bảo vệ nhóm T "fulro". Với T "fulro", đó là chuyến khai thác sản vật rừng bi hùng nhất trong đời thợ rừng của mình.
Từ Chư Mom Ray (Kon Tum) cắt xuyên rừng đi thẳng thì phải 2 ngày đường mới đến mỏ heo ở vạt rừng dầu chai của Virachey (Campuchia). Nơi đó, giữa chằng chịt đá núi, bất ngờ một lõm bình nguyên toàn cây dầu chai cổ thụ. Hiện giờ, nếu ai đến vùng này sẽ thấy hiện tượng rừng cây cổ thụ nghiêng ngả như say rượu một cách kỳ bí. Những thân cây cổ thụ già cỗi nằm nghiêng đan vào như có một gã khổng lồ nào giẫm đạp. Có những gốc cổ thụ chu vi rộng đến 3-4 mét lộ gần trọn bộ rễ khỏi mặt đất.
Một số thợ rừng cánh Hạ Lào phán đoán cách nay hàng trăm năm, nơi đây trải qua một cơn động đất dạng sóng, có nghĩa là đất cuộn sóng như mặt nước. Vài người trong nhóm T. "fulro" không nghĩ như thế, bởi chính họ là tác nhân gây ra cơn sóng đất ở vạt rừng Virachey trong một đợt khai thác mỏ nanh heo.
Người Thái Lan gọi nanh heo rừng là Sukhoi ni Sunhk nhưng nanh heo quý thì gọi là Mụ Kheo. Mụ Kheo là những chiếc nanh của heo lục chiếc, còn gọi là heo lăn chai được các pháp sư ếm bùa vào. Theo tín ngưỡng phương Đông, nanh heo lục chiếc có công năng đem lại may mắn trong kinh doanh cho người đeo.
Thời chiến tranh Đông Dương, nhiều người lính lùng tìm những chiếc nanh heo Mụ Kheo đeo trên cổ để… đạn không xâm phạm. Họ tin rằng, ai đeo nanh heo Mụ Kheo, đạn bắn không trúng! Hiện nay, nhiều doanh nhân vẫn tin rằng, những chiếc nanh Mụ Kheo luôn đem lại khoản hợp đồng kinh tế có lợi cho họ. Vì vậy, việc khám phá ra một mỏ nanh heo rừng cũng giống như khám phá một mỏ vàng ròng.
Heo rừng có tên khoa học là Sus Scrofa, là giống vật du cư sống theo bầy đàn cùng bộ lông sọc vằn màu xám nâu đặc trưng. Khi trưởng thành, những con đực tách bầy nhưng vẫn đi lẩn khuất, lầm lũi song song với bầy để bảo vệ. Vì sự tách bầy độc hành này, các thợ rừng gọi nó là lục chiếc. Có người gọi sai là độc chiếc. Theo Hán nghĩa, lục có nghĩa là chai sạn, chiếc có nghĩa là duy nhất.
Để tự tạo bộ giáp khí cho mình, heo lục chiếc thường mài nanh vào thân cây gỗ dầu chai. Để khi thân dầu chai tiết ra chất nhựa, chàng heo lăn bộ lông cứng vào chất dẻo đó (vì vậy thợ rừng còn gọi là heo lăn chai). Khi nhựa dầu khô, bộ lông heo trở thành một thứ giáp cứng để bảo vệ mình. Heo cái chỉ lo dẫn dắt heo con kiếm ăn, không quan tâm đến kẻ thù vì đã có heo lục chiếc bảo vệ từ xa.
Heo lục chiếc có bộ dáng rất ngầu, mông thấp, đầu to. Chiếc đầu quá khổ có cặp nanh cứng và sắc luôn dựng ngược lên chờ đối thủ. Nếu nói cọp là chúa tể rừng già thì heo lục chiếc là… dũng sĩ diệt chúa. Bởi, đối diện với một con heo lục chiếc trưởng thành, cọp thường cụp đuôi chạy thẳng sau một trận tử chiến. Với cặp nanh chĩa ngược kỳ quái và độ lỳ đòn kinh dị, heo lục chiếc thường hung hãn tấn công bất ngờ bất kỳ con vật nào ngay khi vừa giáp mặt. Khi đã chiến đấu thì nó không bao giờ bỏ chạy trước bất kỳ đối thủ nào, "chơi" đến chết mới thôi.
Thợ săn rừng khi gặp heo lục chiếc thường trèo nhanh lên cây rồi mới tìm cách bắn hạ. Nếu chậm chân, hiếm khi toàn mạng sau cú tấn công dũng mãnh đầu tiên của gã heo hiếu chiến, lỳ lợm. Thợ rừng chuyên nghiệp không sợ cọp, beo mà chỉ sợ bất chợt đụng phải gã heo rừng lãng tử, độc hành lục chiếc.
Không ai giải thích được vì sao những con heo lục chiếc già lại chọn vạt rừng dầu chai của Virachey (Campuchia) làm "viện dưỡng lão" cuối đời lãng du. Một số người đoán rằng, hàng trăm năm trước, tiếng súng chiến tranh đã lùa những chú heo rừng vào ẩn nấp dưới những vạt rừng le, tre ở cụm Virachey để vừa có cái ăn, vừa kín đáo khiến nơi đó biến thành một quần thể heo. Khi tàn hơi những chú heo già chỉ cần la lết thêm vài ngày rừng là đến nơi thâm sơn để trút hơi tàn. Hàng trăm năm trôi qua, hết lứa heo này đến lứa heo khác mò đến nơi này "dưỡng lão" đã tạo thành một nghĩa địa rộng lớn. Xác heo cũ, mới mục rữa chồng lên nhau, lá rừng rụng xuống che phủ.
Dân rừng khẳng định, trước khi chết, heo thường lấy hơi tàn cắm sâu cặp nanh giấu vào thân cây rồi mới chết. T. "fulro" khẳng định: "Heo cũng như người, gần chết thì sức đâu mà cắm nanh vào cây. Nó chỉ cắm nanh xuống đất thôi. Mà không phải cắm để giấu nanh đâu. Nó cắm nanh vì tàn sức. Heo là giống lỳ lợm, còn chút hơi là nó vẫn hoạt động. Đang ủi đất kiếm ăn thì sức lực cuối cùng chợt tắt, thì nanh không cắm vào đất mới lạ. Đó là lý do thợ rừng luôn thấy xác heo già mới chết đều cắm ngập mặt vào đất và họ thêu dệt thành câu chuyện heo giấu nanh trước khi chết. Lại còn giấu nanh vào thân cổ thụ nữa mới ghê".
Mỏ heo này, nhóm T. "fulro" và Khay Tha "khai quật" được hàng tấn nanh già và hàng chục tấn răng. Răng không có giá trị cao nhưng có thể chế tác thành những chiếc… nanh heo con. Có những chiếc nanh dài đến mức mũi cong chạm ngược vào gốc như một chiếc vòng, giá trị từ 5.000 USD đến hơn 10.000 USD một chiếc tùy theo mức… giả cổ.
Để khai thác mỏ heo này, nhóm T. "fulro" phải thuê hàng chục người dân Campuchia đào từng len đất nhỏ suốt 3 tháng ròng. Có nhiều nơi, họ đào sâu hàng chục mét đất, đá vẫn còn tìm thấy nanh heo. Điều đó chứng tỏ, nghĩa địa heo này không phải hình thành từ cách đây một thế kỷ mà là nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, họ không tìm được những chiếc nanh hóa thạch nào.
Nhóm T. "fulro" trở thành thợ khai thác thuê cho Khay Tha nhưng phần lợi nhiều hơn vì Khay Tha trở thành đầu mối bao tiêu hoàn toàn. Nhóm T. "fulro" không phải cất công làm thủ tục hợp thức hóa số nanh heo khủng này. Thật ra, Khay Tha cũng không cần làm thủ tục gì cả vì ông ta là trùm… buôn lậu.
Trong những ngày khai thác mỏ nanh heo, một "thợ mỏ" người Campuchia bị đổ bệnh sốt rét được đưa về Phnôm Pênh chữa trị. Anh ta đã kể về mỏ nanh heo. Sự vụ lan đến tai nhà chức trách Campuchia. Một toán cảnh sát bảo vệ rừng của Vương quốc Campuchia được trang bị vũ khí nhập rừng để bắt quả tang nhóm T. "fulro". Khi T. "fulro" và hàng chục thợ khác đang bị trói gô chờ điệu ra khỏi rừng thì bỗng dưng có lệnh được thả. Sau này T. "fulro" được biết Khay Tha đã "thao tác" với vị "quan" nào đó của xứ sở chùa Tháp để cuộc khai quật trở thành hợp pháp.
|
Vòng tay nanh heo huyền thoại Ray A Mar hoặc Lay Mar của Khay Tha đang được một người ở Đà Lạt rao bán trên mạng. |
Khay Tha đưa hết nanh heo khai thác được về Thái Lan rồi thuê thợ chế tác từng chiếc một. Những chiếc nanh già, dài được phủ một lớp điêu khắc, chạm trổ hoa văn và ký tự lạ. Những chiếc nanh này còn được Khay Tha bọc thêm một "lớp" huyền thoại: Chiếc nanh này từng là vật sở hữu của một vị cao tăng Ấn Độ hoặc một tu sĩ ở ẩn nào đó. Giá bán 5.000 USD một chiếc. Những chiếc nanh có chiều dài hơn 15 cm, Khay Tha cho thợ bọc lớp bạc bên ngoài rồi nhúng vào hóa chất làm cũ, xưa. Giá bán chiếc nanh "cổ" này khoảng 100 USD một chiếc. Những chiếc nanh dài hơn 10 cm, Khay Tha "đóng" thành cặp "Mũi khoằm trái, mũi khoằm phải" rồi bán thô với giá 100 USD/cặp. Những cặp nanh nhỏ hơn, Khay Tha cho bán thô với giá 100 USD/kg.
Tất cả những điều trên là chuyện mua bán bình thường của giới kinh doanh đồ rừng. Tuy nhiên, chuyện hài hước đã xảy ra trong vòng quay mua bán.
Một chiếc nanh giả cổ được Khay Tha "phủ một lớp" huyền thoại có tên "chiếc vòng Ray A Mar". Ray A Mar là tên một cao tăng nào đó tu luyện phép ở một đỉnh núi hiểm trở mà chính Khay Tha cũng không biết. Khay Tha "tiết lộ" cho báo chí Thái Lan thông tin rằng, trong một dịp đi du ngoạn hành hương ở Ấn Độ, Khay Tha tình cờ gặp một vị cao tăng yoga hơn 100 tuổi vừa xuất núi. Trên cổ vị cao tăng này có đeo một chiếc nanh heo dài và cong đến nỗi mũi giáp gốc. Vị cao tăng vờ làm người đói khát, xin ăn. Thấy ông lão già nua hôi hám, không ai dám lại gần. Chỉ mỗi mình Khay Tha dám cõng ông lão về khách sạn cho ăn, cho uống, cho áo mặc và cho… massage.
Sau khi ăn uống no say, ông lão ấy mới “hiện nguyên hình” là một vị cao tăng yoga tên là Ray A Mar. Ray A Mar kể cho Khay Tha nghe câu chuyện huyền bí: Ray A Mar theo sư phụ lên núi học tu tiên từ năm 15 tuổi. Học mãi đến năm 30 tuổi, Ray A Mar vẫn không luyện nổi một bài phép. Một ngày buồn, Ray A Mar ra rừng vắng ngồi khóc. Đang khóc, Ray A Mar nghe thấy đất rừng xáo động. Ray A Mar ngẩng đầu lên thì thấy một tia hào quang nhỏ lóe lên từ một gốc đại thụ. Tò mò, Ray A Mar đến xem thì thấy có một vật cắm sâu vào thân cây khiến nơi đó sần sùi. Ray A Mar chạy về lấy dao đục khoét thân cây suốt 3 ngày mới lấy ra được chiếc nanh heo.
Khi vừa cầm cái nanh, Ray A Mar bỗng dưng sáng suốt, bao nhiêu bài học từ thuở nào hiện về như in trong tâm trí. Ray A Mar đem chiếc nanh về khoe sư phụ. Sư phụ liền khắc vào nanh heo một loại bùa chú bằng cổ ngữ. Ray A Mar đeo chiếc nanh heo vào cổ, tự dưng bao nhiêu học thuật của sư phụ đều được thông ngộ trong đầu như người ta dùng USB chép dữ liệu vào máy tính. Sư phụ của Ray A Mar qua đời thành tiên. Ray A Mar tu luyện tiếp trên núi cho đến bây giờ mà không có truyền nhân. Biết mình sắp bước vào cõi chết để tái sinh, Ray A Mar giả làm người ăn mày để tìm truyền nhân. Bây giờ gặp Khay Tha là người tốt, Ray A Mar sẽ truyền thụ kiến thức thông tuệ của mình cho Khay Tha qua chiếc nanh heo. Dứt lời, vị cao tăng để chiếc nanh trên bàn rồi hô biến…
Chuyện tầm phào như vậy mà một vài tờ báo của Thái Lan cũng đăng tải. Sau khi báo đăng "Nguồn gốc chiếc vòng nanh heo Ray A Mar", một du khách Trung Quốc mua giá 10.000 USD. Du khách này bán lại cho người khác. Chiếc vòng nanh heo đi một vòng trái đất rồi hóa thành cái tên "Chiếc vòng Lay Mar" kèm theo truyền thuyết về một vị phù thủy ở... Brazil.
Một lần nghe đồng nghiệp truyền tai về chiếc vòng Lay Mar có giá 50.000 USD, Khay Tha đã đi máy bay tới tận Nhật Bản để lùng mua. Khay Tha phải tốn 500 USD mới được người sở hữu cho mắt nhìn, tay sờ. Khi vừa trông thấy chiếc vòng nanh heo Lay Mar, Kha Thay bật cười ngả nghiêng rồi lẳng lặng ra về. Thế là giới săn đồ cổ quốc tế cho thêm vào "lý lịch" chiếc vòng Lay Mar một dòng: Khi ông trùm đồ cổ Thái Lan vừa gặp chiếc vòng quý hiếm đã trở nên quẫn trí.
Giới săn đồ rừng cho biết, vào những năm 1980 trở về trước, ở Việt Nam nanh heo rừng rẻ mạt, không giá trị. Từ năm 1990 trở về sau, nanh heo bắt đầu có giá trị nhờ các doanh nhân đổ xô đeo nanh để thâu tóm thời vận.
Khi hỏi T "fulro", việc người đeo nanh heo khi bị bắn, đạn sẽ không trúng, có đúng không? T "fulro" cười ngất: "Trong chiến tranh, người lính nào đeo nanh heo, đạn sẽ không bắn trúng. Nhưng là không bắn trúng chiếc nanh heo, chứ người đeo thì trúng. Không tin thì hỏi những người chuyên liệm tử thi lính thì biết. Hàng đống tử thi vẫn còn lủng lẳng nanh heo trên cổ. Giới phong thủy thì xếp nanh heo vào vật linh khí có cung thủy, tức khắc hỏa. Vậy tui đề nghị mỗi anh lính phòng cháy chữa cháy nên đeo một cái nanh heo để diệt lửa".
Theo Công an nhân dân
Bài đọc nhiều: