Nghiệm thu đạt yêu cầu, tháp truyền hình vẫn đổ?

Google News

Biên bản nghiệm thu công trình tháp truyền hình cao nhất miền Bắc đều khẳng định chất lượng công trình đạt yêu cầu kỹ thuật.

Biên bản nghiệm thu công trình xây dựng, lắp đặt tháp truyền hình cao nhất miền Bắc của Đài PTTH Nam Định đều khẳng định, chất lượng công trình đạt yêu cầu kỹ thuật. Tuy nhiên, nó vẫn bị đổ dù tốc độ gió của cơn bão số 8 vẫn ở dưới mức thiết kế cho phép.

Đạt yêu cầu kỹ thuật!

Theo “Biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng” ngày 28/6/2010 đối với công trình Xây lắp móng tháp anten + lắp dựng tháp anten đứng cao 180m – Đài PTTH Nam Định tại KĐT Hòa Vượng (T.p Nam Định), biên bản nghiệm thu khẳng định: công trình đạt yêu cầu kỹ thuật.
 
Tháp truyền hình Nam Định bị đổ sập dù biên bản nghiệm thu khẳng định đạt yêu cầu, chất lượng thiết kế, và tốc độ gió của bão số 8 vẫn ở dưới mức thiết kế cho phép.
Tháp truyền hình Nam Định bị đổ sập dù biên bản nghiệm thu khẳng định đạt yêu cầu, chất lượng thiết kế, và tốc độ gió của bão số 8 vẫn ở dưới mức thiết kế cho phép.

Thành phần tham gia nghiệm thu gồm đầy đủ đại diện của các bên: chủ đầu tư (Đài PTTH tỉnh Nam Định), tư vấn thiết kế (Cty CP Tư vấn đầu tư và Phát triển Công nghệ AIC),  tư vấn giám sát (Cty TNHH NN MTV Kiểm định An toàn & Tư vấn xây dựng), nhà thầu (Cty TNHH NN MTV Công trình Viettel).

Các tài liệu làm căn cứ nghiệm thu gồm có các văn bản pháp lý của Chính phủ về việc quản lý dự án đầu tư và xây dựng công trình; hồ sơ thiết kế được duyệt; hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu; các biên bản nghiệm thu công việc xây dựng; báo cáo doanh nghiệp về chất lượng xây dựng công trình của nhà thầu, bản vẽ hoàn công, nhật ký thi công…

Các bộ tiêu chuẩn được áp dụng đối với công trình này được trích dẫn tại Biên bản nghiệm thu gồm: TCVN 286-2003 (đóng và ép cọc – Tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu); TCXD 4447-1987 (công tác đất – tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu); TCVN 4453-1996 (kết cấu bê-tong cốt thép toàn khối); TCVN 1987-1989 (kết cấu thép).

Tại thời điểm nghiệm thu, chất lượng hạng mục công trình xây dựng được đánh giá đạt yêu cầu kỹ thuật. Chủ đầu tư đã chấp nhận nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng; các bên trực tiếp nghiệm thu chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định nghiệm thu; nhà thầu thực hiện chế độ bảo hành…
 
Điểm đứt gãy trên cột tháp.
Điểm đứt gãy trên cột tháp.

Ngoài biên bản nghiệm thu này, còn có một biên bản khác có nội dung: Biên bản bàn giao nghiệm thu kỹ thuật hệ thống tháp anten cao 180m tại Đài PTTH Nam Định.

Biên bản này được ký ngày 12/8/2010 giữa bên A (Đài PTTH Nam Định) và bên B (Tổng Cty Truyền thông Đa phương tiện VTC).

Theo đó, ngày 24/8/2007, TCty VTC đã tiến hành bàn giao cho đài PTTH Nam Định giai đoạn 1 hệ thống tháp anten cao 180m của hãng LeBlanc (xuất xứ Malaysia) theo tiêu chuẩn xuất khẩu của nhà sản xuất với số lượng chi tiết (có bản chi tiết tất cả các thiết bị bàn giao).

Ngày 12/8/2010, TCty VTC tiến hành bàn giao và nghiệm thu giai đoạn 2 của hợp đồng: hệ thống đèn chiếu sáng sơn đỏ trắng và sơn phản quang thân tháp.

Theo biên bản này, các thiết bị bên B cung cấp cho bên A theo HDKT số 10/2006 đúng tiêu chuẩn xuất khẩu của nhà sản xuất, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

Kèm theo biên bản này là danh mục các thiết bị kèm theo.

Những nội dung trong các biên bản nghiệm thu với thực trạng hiện tại, Giám đốc Đài PTTH Nam Định, ông Trần Anh Tú khá bối rối khi trả lời câu hỏi, nguyên nhân vì sao tháp bị sập: “Bản hợp đồng mua tháp anten với đơn vị cung cấp thiết bị là Tổng công ty Truyền thông Đa phương tiện (VTC) ghi rõ tháp được thiết kế chịu được tốc độ gió 120km/giờ. Trong khi đó, tài liệu từ Trung tâm dự báo khí thượng thủy văn TƯ thì sức gió đo được tại TP Nam Định vào lúc 20 giờ 23 phút tối 28/10 là 17m/s (cấp 7), giật 29m/s (cấp 11), tương đương 104 km/ giờ.”.

“Nếu như thế, chỉ có thể nhận định nguyên nhân do bên thi công xây lắp hoặc do lỗi của nhà thầu cung cấp thiết bị” – ông Tú cho biết.

Thiết bị đắp chiếu 2 năm mới được xây lắp?

Theo Biên bản bàn giao nghiệm thu kỹ thuật hệ thống tháp anten cao 180m tại Đài PTTH Nam Định (ký ngày 12/8/2010 giữa bên A (Đài PTTH Nam Định) và bên B (Tổng Cty Truyền thông Đa phương tiện VTC), ngày 24/8/2007, TCty VTC đã tiến hành bàn giao cho đài PTTH Nam Định giai đoạn 1 hệ thống tháp anten cao 180m của hãng LeBlanc (xuất xứ Malaysia) theo tiêu chuẩn xuất khẩu của nhà sản xuất với số lượng chi tiết (có bản chi tiết tất cả các thiết bị bàn giao).
 
Nguyên nhân sập đổ vẫn đang được tiến hành điều tra.
Nguyên nhân sập đổ vẫn đang được tiến hành điều tra.

Tuy nhiên, Hợp đồng giữa Đài PTTH Nam Định với Cty TNHH Nhà nước MTV Công trình Viettel – nhà thầu thi công xây lắp tháp anten tự đứng này được ký kết vào ngày 04/8/2009.

Điều đó có nghĩa, thiết bị được nhập từ Malaysia về nước bị “đắp chiếu” gần hai năm mới được lắp đặt.

Xác nhận điều này, ông Trần Anh Tú cho biết: có sự việc đó. Tuy nhiên, thiết bị nhập về được che chắn, bảo quản trong thời gian chờ đợi lắp đặt. Lý do của sự chậm trễ này, theo Giám đốc NTV: “Có sự khó khăn về kinh phí”.

Trong Báo cáo tổng thể về quá trình đầu tư xây dựng Trung tâm Kỹ thuật Phát thanh – Truyền hình Nam Định (ngày 31/10/2012) do Giám đốc Đài PTTH Nam Định ký) cho biết: dự án đã được điều chỉnh phê duyệt 03 lần.

Theo đó: Quyết định số 493/2003/QĐ-UB, UBND tỉnh Nam Định phê duyệt dự án xây dựng Trung tâm truyền dẫn phát sóng tỉnh Nam Định có tổng mức đầu tư là 18.467 triệu đồng.

Quyết định phê duyệt lần 2, tổng mức đầu tư được nâng lên 35.716 triệu đồng (Quyết định số 1766/2004). Quyết định số 128/QĐ-UBND phê duyệt lần 3 được ký ngày 17/01/2012 với tổng mức đầu tư của dự án là 77.927 triệu đồng (gấp hơn 4 lần mức đầu tư ban đầu).
 
(Theo VietNamNet)
 
Bài đọc nhiều:
 
[links()]