Người “gom” cổ vật Mường

Google News

(Kiến Thức) - Không chỉ nổi tiếng là một nhà nghiên cứu văn hóa Mường, ông Bùi Thanh Bình (TP Hòa Bình) còn nổi tiếng với kho báu cổ vật Mường độc nhất vô nhị.

Đó là những bảo vật của các quan Lang xứ Mường xưa để lại, nay ông Bình đã có duyên cất công đem về xây dựng một bảo tàng chung.
Từ xa xưa, Hòa Bình đã là cái nôi sống của nền văn hóa dân tộc Mường. Ở xứ này, tìm gặp một người nắm giữ cổ vật về dân tộc Mường thì không hiếm, nhưng để tìm được người nghiên cứu cổ vật về quan Lang xứ Mường thì chỉ có riêng mình ông, đó là ông Bùi Thanh Bình hiện nắm giữ bộ sưu tập đồ sộ, độc nhất vô nhị về quan Lang xứ Mường xa xưa.
Nguoi “gom” co vat Muong
  Chiếc cân cổ của người Mường.
Công việc không ai coi trọng
Khu bảo tàng của ông Bình nằm trên một ngọn đồi sau chợ Chăm ở phường Thái Bình, là nơi đang lưu giữ trên 4 nghìn hiện vật có giá trị của các quan Lang xứ Mường. Để có được bảo tàng này, không biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt ông Bình đã đổ ra nhằm phục vụ cho một lợi ích chung, là quảng bá văn hóa tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước.
Bản thân là người dân tộc Mường, lại sinh ra và lớn lên ở vùng Mường Động Kim Bôi nên những phong tục cổ đã tự ngấm trong ông ngay từ thuở nhỏ. Sau khi tốt nghiệp trường văn hoá nghệ thuật, chàng trai trẻ xứ Mường bắt tay vào công việc quảng bá “cơm lam Mường Động”.
Thế rồi, trong một lần nghe ai đó nhắc đến câu ca “nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động” thì ông chợt giật mình nhớ đến cuộc sống và phong tục xưa cùng những nếp nhà, vật dụng cha ông xứ Mường cứ mất dần như một viên đá bị nước bào mòn. Nếu không nhanh chóng giữ lại, gom lại thì chỉ nay mai thôi, ngay đến cái nơm úp cá, cái cối xay gạo cũng sẽ chẳng còn.
Sau rất nhiều đêm trằn trọc lẫn toan tính cách lưu giữ những vật dụng của “bố mế ải êm”, ông Bình mới quyết định bắt tay vào công việc mà chẳng ai coi trọng, đó là đi gom những vật dụng cũ. Đi đến bất cứ đâu, thấy bất cứ thứ gì bà con bỏ đi là ông nhặt về. Có những thứ giá trị, ông không tiếc bỏ tiền ra mua. Có những thứ người ta không bán, ông đặt tiền lại để khi nào muốn bán thì gọi cho ông.
Nguoi “gom” co vat Muong-Hinh-2
Bình ếch của người Mường. 
30 năm băng rừng, lội suối
Vốn chỉ là một anh cán bộ quèn của Hà Sơn Bình thời kỳ khó khăn với đồng lương ba cọc ba đồng, nhưng vì đam mê sưu tầm các vật dụng cổ mà nhiều lúc, cả sức lực và tiền tài ông còn không được “một nhúm”. Ngay cả vợ con ông cũng can ngăn, không để ông phung phí tiền của vào những thứ cũ kỹ, bỏ đi như vậy. “Đúng là không ai có thể ủng hộ tôi được. Vì khi đó, con ốm còn không có tiền uống thuốc, uống sữa trong khi mình cứ đi vay mượn để mua về mấy cái chiêng sứt mẻ, mấy cái bát thủng trôn”, ông Bình thổ lộ.
Người ta thường nói, nếu đam mê chở bạn đi thì hãy để lý trí nắm dây cương. Thế nhưng, với ông Bình lúc này lý trí đã không đủ sức nắm được dây cương nữa, bởi ông muốn giữ lại những di sản của cha ông nên tìm mọi cách bươn chải. Tiền kiếm được để nuôi gia đình còn chưa đủ, lấy đâu ra tiền nuôi đam mê. Vậy là ông làm ngược lại, dùng tiền nuôi đam mê rồi mới đến nuôi gia đình.
Suốt 30 năm băng rừng, vượt núi, cóp nhặt cồng chiêng, cóp nhặt tinh hoa văn hóa dân tộc Mường, cho đến nay ông đã có trên 4 nghìn hiện vật để trưng bày trong khu bảo tàng của mình. Các nhà nghiên cứu, nhà sử học hầu như ai cũng đã từng ghé qua đây, bởi chỉ nơi đây mới lột tả đầy đủ một thời đã qua của văn hóa xứ Mường Hòa Bình.
Theo ông, trong số 4 nghìn hiện vật thì bộ cồng chiêng cổ cùng nhiều vật dụng của quan Lang người Mường là đáng chú ý nhất. Trong bộ cồng chiêng mà ông nắm giữ có đủ các loại kích cỡ với những dòng chiêng âm vọng khác nhau. “Không chỉ sưu tầm chiêng cổ Lang Mường, tôi còn hiểu chiêng đó để làm gì, phục vụ gì cho tục lệ xưa kia và ý nghĩa của từng loại chiêng đối với đời sống con người”, ông Bình chia sẻ.
Chú trọng việc quảng bá văn hóa Mường đến người dân, nên trong công trình xây dựng của mình, ngoài khu trưng bày những hiện vật cổ về văn hóa nói chung, ông Bình còn xây dựng khu trưng bày riêng về những đồ vật cổ của quan Lang. Bởi trong kho tàng hiện vật mà ông có được, rất nhiều đồ trang trí, trang sức và sinh hoạt hàng ngày của tầng lớp xưa kia được chế tác thủ công nhưng vô cùng tinh xảo, mà ngày nay dù có dùng máy móc hiện đại cũng không thể làm được như vậy.
Báu vật vô giá
Bên cạnh việc giới thiệu về những tấm gương của tầng lớp quan Lang trí thức, nhiều dũng tướng xả thân vì Tổ quốc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi, qua đó ông cũng muốn thay đổi lại tư duy, suy nghĩ của mọi người về tầng lớp quan Lang xưa. Bởi thành kiến một thời và cho đến nay trong tiềm thức nhiều người vẫn nghĩ quan Lang là xấu và tàn ác, giống như quan niệm địa chủ là bóc lột. Tuy nhiên, thực tế không phải quan Lang nào cũng tàn ác, xấu xa mà có rất nhiều người tốt, sống vì dân và chết cũng vì dân.
“Những ai sống ở vùng có người Mường trú ngụ, đặc biệt ở Hòa Bình đều biết về câu ca: Khát nước xuống suối/Đói lòng thì đến nhà Lang. Vì vậy, qua những hiện vật ở bảo tàng, tôi muốn nhắn nhủ thông điệp tới mọi người về nhận thức về tầng lớp quan Lang xưa với công lao giúp đỡ dân lành”, ông Bình cho biết.
Trong số những hiện vật ấy, có rất nhiều thứ nói nên một thời vàng son của người dân tộc Mường. Ví như dấu chiện hay vòng tay của một quan Lang. Hoặc như chiếc bình vôi của một người dân nhưng được tráng men và có hình điêu khắc đắp nổi tinh xảo. Hay như tẩu thuốc đầu rồng của một người có vai vế xưa kia ở xứ Mường đều được ông Bình “gom” lại.
Những báu vật vô giá ấy từng được rất nhiều tay buôn nước ngoài đến trả giá cả tỷ bạc để được sở hữu. Tuy nhiên, không phải vì lợi lộc trước mắt mà ông Bình bán đi. Bởi theo ông, làm cái gì cũng cần có tâm, làm nghề sưu tầm văn hóa thì cái tâm bị xây xát chút ít là coi như vứt. Văn hóa là không tì vết, không ố tạp cho dù hiện vật kia có đang nứt nẻ, bong tróc đi chăng nữa.
“30 năm đi sưu tầm hiện vật cổ người Mường đã cho tôi nhiều bài học. Rằng nếu chúng ta không mau chóng giữ lại thì mai kia cổ vật văn hóa sẽ biến mất. Hiện vật không còn thì tục lệ cũng chẳng giữ nổi. 4 nghìn hiện vật tôi có chỉ là số lẻ trong vô vàn thứ đã bị biến mất. Nhưng có một nỗi buồn muôn thuở là chính người Mường đang làm mất đi những giá trị xưa cũ của dân tộc mình”, nhà sưu tầm Bùi Thanh Bình. 

Nhà sưu tầm Bùi Thanh Bình
Nhà sưu tầm Bùi Thanh Bình
Trần Hòa