"Cuộc đời tôi có 18 cái lênh đênh"
Đón chúng tôi tại đảo Dừa xinh đẹp (xã Vầy
Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) , chúa đảo Nguyễn Đình Tuy bảo: "Người ta cứ nói là cuộc đời ba chìm, bảy nối chín cái lênh đênh. Nhưng đối với tôi thì nó lại lên tới 18 cái cái lênh đênh".
Ông sinh ra và lớn lên ở vùng đất xứ Đoài (xã Tân Hội, Đan Phượng, Hà Tây cũ). Bố mẹ ông Tuy sinh được 8 người con. Ông Tuy là con cả nên mọi việc lớn nhỏ trong nhà ông đều cáng đáng, nhưng đến giờ ông tiếc là không được cầm súng ra chiến trường, bởi hai người em trai ông đã cống hiến cả đời cho cách mạng.
Năm 1969, ông Tuy theo người họ hàng ngược dòng sông Đà lên vùng Đà Bắc để lập nghiệp, mang theo nghề rèn của cha ông. Nghề rèn vừa cho ông Tuy cơm ăn, áo mặc, vừa giúp cho ông lấy được người vợ xinh đẹp nết na. Những đêm hội của người con gái Mường Đà Bắc đã làm say lòng chàng trai xứ Đoài. Sau thời gian tìm hiểu cô gái Mường Đinh Thị Ninh xinh đẹp, ông đã quyết định tổ chức đám cưới và định cư luôn tại đây.
|
Ông Tuy trên chiếc tàu chở khách của mình. |
Sinh tử trên dòng Đà giang
Mắt nhìn xa xăm về phía lòng hồ sông Đà, ông Tuy cho biết: "Những năm 70 của thế kỷ trước, sông Đà chưa bị ngăn làm thủy điện, vốn là chàng trai chỉ quen tiếng đe tiếng búa, nhưng những khi rảnh rỗi tôi cũng bắt đầu đóng thuyền nan, thuyền gỗ để đánh bắt cá. Sông Đà ngày đó nhiều tôm cá vô cùng, chỉ cần mang chiếc te ngồi trên thuyền một đêm có thể hớt hàng yến tôm tép".
Thấy nghề đánh bắt tôm cá trên sông Đà kiếm sống tốt, thế là ông bàn vợ, dồn vốn đóng thuyền lớn để thuận lợi cho việc đi lại. "Tôi đã xuôi ngược khắp dòng sông này vài chục năm. Sông Đà ngày đó có nhiều thác nước với những mỏm đá nhấp nhô, hiểm trở. Vì thế, ai đi qua những quãng sông đó không có kinh nghiệm dễ bị các mỏm đá đâm cho lật thuyền. Đã có nhiều người tử nạn vì những khúc hiểm trở đó", ông Tuy cho hay.
Sau giải phóng miền Nam, nhìn thấy được tiềm năng về vận chuyển người và hàng hóa trên sông Đà, ông Tuy dồn vốn liếng của mình để mua thuyền công suất lớn. Trời cho ông sức khoẻ, ông bươn trải trên dòng sông Đà với nhiều nghề. Tuần hai lần ông chở khách từ Đà Bắc về TP Hòa Bình. Ngày bình thường ông chở vợ con ra chợ Bờ để bán tôm cá. Thế nên chả mấy chốc mà ông trở nên giàu có.
Năm 1982, Nhà nước có lệnh phải di dời dân để ngăn đập làm thủy điện sông Đà. Hàng nghìn người dân sống bên sông Đà phải di chuyển nơi khác sinh sống. Ông Tuy bảo, từ khi ngăn sông làm thủy điện, các tên làng, tên bản đều đã nằm sâu dưới nước. Nhiều người tiếc nuối khi phải rời xa mảnh đất của cha ông, rời xa con sông Đà đã là người bạn tri kỷ.
|
Ông Tuy bên những cây dừa xanh mướt trên đảo. |
Tán gia bại sản vì cờ bạc
Gia đình ông Tuy cũng như bao gia đình khác nơi đây, phải di dời nhà cửa, chuyển cả bàn thờ tổ tiên để đến vùng đất mới. "Di cư về TP Hòa Bình (khi đó là thị xã Hòa Bình) tôi được coi là người giàu có. Lúc đó với giá đất rẻ như bèo, tôi có thể mua được vài khu phố", ông Tuy cho hay.
Nhưng ông nghĩ chỉ cần mua đất làm nhà cho vợ con là đủ, có tiền để làm việc khác. Mua đất đai nhiều cũng không để làm gì. Chỉ cần vợ con có chỗ ở ổn định, hằng ngày ra chợ Phương Lâm buôn bán kiếm đồng ra đồng vào là tốt rồi.
Ở thị xã Hòa Bình một thời gian ông lại nhớ sông Đà, thế là ông cùng với đám bạn hùn vốn buôn bán gỗ trên sông. Ông Tuy cùng đám lâm tặc trực tiếp đi đến những cánh rừng Hòa Bình, Sơn La để khai thác gỗ. Ông Tuy bảo, ngày đó khai thác gỗ dễ lắm. Cứ có chút quà cho kiểm lâm thì gỗ sẽ lọt trạm gác dễ dàng. Tất cả các loại gỗ sẽ được tập kết dưới dòng sông Đà, đóng bè xuôi về sông Đuống để tiêu thụ. Mỗi tháng đều đặn một chuyến gỗ, trừ chi phí ông Tuy cũng thu về hàng chục triệu đồng. Việc làm ăn của ông chả mấy chốc mà phất. Nhưng rồi ông bắt đầu lao vào những cuộc đỏ đen. Và rồi của nả trong nhà cứ thế lần lượt đội nón ra đi.
Cờ bạc thua lỗ, những chuyến buôn gỗ bị lực lượng kiểm lâm bắt giữ. Tài sản trong nhà không còn gì, ông phải vay ngân hàng để trả cho bạn hàng. Thế là gia sản sau bao nhiêu năm tích lũy bằng mồ hôi nước mắt, ông Tuy lại rơi vào tình cảnh trắng tay.
|
Ông Tuy bên dãy nhà sàn của đảo Dừa. |
Trở thành chúa đảo Dừa
Ông Tuy lại rong ruổi trên lòng hồ sông Đà, vừa đi ông vừa ngẫm nghĩ giờ muốn làm gì cũng cần phải có đất đai. "Nơi đất đai màu mỡ thì có chủ cả rồi, tôi cập vào một hòn đảo hoang, cây dại mọc um tùm thấy mà ngao ngán. Biết làm gì trên mảnh đất này. Nhưng lúc đó cả gia đình tôi không chốn dung thân, đành đánh liều lên đảo để sống", ông Tuy nhớ lại.
Cả tháng trời 5 người trong gia đình ông Tuy làm quần quật mới dọn dẹp xong cây cối. Bắt đầu vỡ đất, trồng ngô, khoai để kiếm cái sinh nhai. Nhờ bàn tay cần mẫn của ông, từ một khu đảo hoang dần trở thành một khu sản xuất rau quả. Mùa nào thức đó quanh năm cây cối xum xuê. Cái ăn, cái mặc không còn lo nữa. Ông Tuy mang một trăm cây dừa ra đảo để trồng, thời gian sau cây mọc lên tươi tốt. Từ đó ông đã đặt tên cho hòn đảo hoang này thành đảo Dừa.
Ông Tuy bảo, phải mất gần 20 năm trời gia đình ông mới "tái tạo" được một hòn đảo Dừa như hôm nay. Khi khu du lịch Thung Nai hình thành thì đảo Dừa cũng là điểm đến của các du khách. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ông muốn xây dựng hòn đảo theo ý tưởng của riêng mình. "Vốn xây dựng đảo từ trồng trọt cây trái, chăn nuôi bò trong suốt hàng chục năm trời của gia đình. Để xây dựng những khu nhà trên đảo không phải dễ, giá vận chuyển vật liệu từ đất liền ra đảo gấp nhiều lần so với đất liền. Thế nên vốn có đến đâu tôi làm đến đó", ông Tuy cho biết.
Nhờ những nỗ lực của ông Tuy, cùng mọi người trong gia đình, từ một đảo hoang giờ đây đảo Dừa được xây dựng các dãy nhà sàn kiên cố. Khách du lịch đến đây được nghỉ dưỡng trong bầu không khí trong lành, xa lánh chốn đô thị ngột ngạt.
Ông Tuy tâm sự: "Cuộc sống tôi trải qua nhiều thăng trầm, tưởng chừng không thể gượng dậy. Nhưng nhờ sự nỗ lực của của bản thân và mọi người trong gia đình mới có ngày hôm nay. Giờ tôi vui khi hàng tuần có các đoàn khách du lịch chọn đảo Dừa là nơi nghỉ dưỡng. Được mọi người khắp nơi tìm đến, như thế là tôi mãn nguyện rồi".
|
Đức Lợi