Thi vị, nhắc tới điều này thì cũng phải giới thiệu “bên lề” một chút về nhân vật. Ông Nguyễn Khánh Hòa ở phố Linh Lang (Hà Nội) tốt nghiệp Đại học La Habana, Cu Ba. Về nước, ông công tác tại Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước và từ năm 1980, ông chuyển về Bộ Ngoại giao nên có điều kiện được đi nhiều nước, nhất là các nước Mỹ Latinh.
Những cảm hứng thiên di ấy đã khơi nguồn cho tâm hồn nhà ngoại giao trở thành thi sĩ. 136 thi phẩm trong tập “Ngọn gió lang thang” đã đưa bạn đọc khám phá những vùng đất xa xôi, giãi bày suy tư và góc cạnh tâm hồn người xa xứ. Nhưng thôi bởi đó là chuyện của thơ, còn hôm nay tôi muốn nhắc tới chuyện của rượu.
Bắt chước văn hào Neruda
Trong ngôi nhà nhỏ ở phố Linh Lang mà chủ nhân là ông Nguyễn Khánh Hòa, nhà ngoại giao đã về hưu, bày la liệt những cổ vật lạ, những bức tứ quý, đĩa ngũ quả bằng đá và cả những chiếc mặt nạ đủ kiểu đủ màu. Nhưng, những thứ đó không khiến người xem ngỡ ngàng lẫn tò mò bằng những bình rượu lạ mà tôi nghĩ rằng, nó là thứ độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
|
Bình rượu thiết kế giống như ống nhòm. |
Ông Hòa bảo, trong các cuộc tiệc tùng, chiêu đãi ngoại giao, rượu ngon là thứ không bao giờ được phép thiếu. Tuy ông không nghiện rượu nhưng không phải vì thế mà không có quyền sưu tầm rượu. Đó là thú vui giống như kiểu sưu tầm trà, sách hay bất kỳ một thứ nào khác.
“Đại sứ quán Việt Nam lập ở Chi Lê năm 1970 nhưng đến năm 1973 thì ta rút về do đình chỉ quan hệ ngoại giao. Khi nền dân chủ được vãn hồi tại nước này thì lúc đầu Đại sứ quán của ta tại Ác-hen-ti-na kiêm nhiệm Chi Lê. Lúc đó, tôi là Phó đại sứ nên phải qua lại thường xuyên. Và từ đây, quê hương của Đại văn hào Pablo Neruda, người được giải thưởng Nobel văn chương năm 1971 đã khơi nguồn cho tôi về thú vui sưu tầm bình rượu”, ông Hòa bật mí.
Trong thời gian sang công tác Chi Lê, ông Hòa đã dành thời gian khám phá đất nước xinh đẹp này. Điểm đầu tiên để tìm hiểu Chi Lê chính là các ngôi nhà của văn hào Neruda, một nhà ngoại giao tài ba. Nhưng Neruda không chỉ có vậy. Người ta còn biết đến một Neruda chịu chơi với cổ vật.
Ông Hòa bảo: “Trong dinh thự riêng rất độc đáo của văn hào, khắp nơi đều trưng bày cổ vật mà khi có tiền, ông đã bỏ ra mua. Nhưng tôi ấn tượng nhất với tủ trưng bày những bình rượu độc đáo ở góc nhà. Và không hiểu sao, những bình rượu ấy ám ảnh tôi đến thế”.
Mèo nhỏ bắt chuột nhỏ
Từ những ám ảnh, mê dụ về những bình rượu có hình dáng kỳ lạ, độc đáo... đã khiến vị Phó Đại sứ của Việt Nam đi theo một quyết tâm: Sưu tầm bình rượu đẹp. Bởi không có sức bắt chước Neruda trong thú chơi sưu tầm các cổ vật lớn nên ông chọn bình rượu - là thứ khả dĩ với sức mình. Giống như mèo nhỏ chỉ đủ sức rình bắt chuột nhỏ.
Nhưng quyết tâm nào cũng cần phải được nuôi dưỡng từ việc đầu tiên là... tiền đâu. Nhất là khi đã lao thân vào thú chơi vốn không dành cho người ít tiền, thì việc mua được những bình rượu đẹp là điều quá khó.
Trong cái khó lại ló cái khôn. “Tôi không mua rượu mà chỉ mua vỏ bình rượu. Vậy là, vào những ngày nghỉ tôi đi lang thang khắp các chợ đồ cổ, đồ cũ tại các nước sở tại để dò hỏi và tìm kiếm những vỏ rượu có hình dáng độc đáo”, ông Hòa cho biết.
Theo ông Hòa, Ác-hen-ti-na là đất nước của cổ vật. Điều này có lý do của nó. Trước đây, nước Đức dưới thời cầm quyền của chủ nghĩa phát xít cũng là nước “trùm sò” sở hữu những cổ vật quí. Gần thời điểm phát xít bại trận, nhiều người Đức đã di cư sang Ác-hen-ti-na đem theo nhiều đồ quý. Trong số đó, có cả các loại bình rượu.
“Lương của một cán bộ ngoại giao ngày trước chỉ khoảng 400USD/tháng, mà rượu thì không hề rẻ. Bởi vậy, có khi mình phải “rình” họ uống hết rượu thì mới đến lân la hỏi mua vỏ. Vậy là cứ như con kiến tha mồi, nay một chiếc mai một chiếc. Có chiếc bình đẹp phải mua tới 250USD, nhưng mang về đến nhà thì vỡ. Tiếc đứt ruột”, ông Hòa tâm sự.
Bị hiểu lầm là… trộm
Đường đường là một nhà ngoại giao, một nhà thơ, nhà sưu tầm nhưng cũng có lần ông Hòa bị hiểu lầm là... trộm. Bị hiểu lầm cũng vì ông theo đuổi những thứ mà nhiều người khác không biết, không thích.
|
Ông Hòa và 2 bình rượu hình cây đàn ghita. |
Ông Hòa kể, trong một lần dạo quanh phố cổ, khi đi qua một nhà hàng của Pháp, thấy người ta trưng ra một bình đựng rượu vang Pháp với hình chú gà trống Gô loa có chiếu đèn nhấp nháy, trông rất bắt mắt. Thích quá, nhưng ông không tiện vào hỏi mà cứ lảng vảng qua lại liếc nhìn.
Chủ nhà hàng thấy thế, nghi là kẻ gian nên nhắc nhân viên cảnh giác. Suốt hơn cả tiếng đồng hồ ông Hòa cứ đi qua đi lại khiến chủ nhà hàng phải đích thân ra mời ông vào hỏi cho ra nhẽ. Ông Hòa cười, bảo: “Tôi không thích gì, chỉ thích ngắm cái bình rượu hình con gà trống của ông”.
Đến lúc này, cả chủ lẫn khách cùng cười. Tuy không bán cái bình rượu ấy, nhưng chủ nhà hàng bảo ông Hòa: Khi nào nhớ, ông cứ đến đây mà ngắm tùy thích.
Cho đến nay, ông Hòa sở hữu trên 200 bình rượu độc, dị và lạ. 200 chiếc bình nhưng không chiếc nào giống chiếc nào. Chúng khác nhau về kiểu dáng, kích cỡ, màu sắc, nguyên liệu chế tác, cũng như xuất xứ. Chúng đến từ khắp các nơi, từ Anh, Pháp, Italia, Đức, Nga, Tiệp, Ba Lan, Mỹ, Canada đến các nước Mỹ Latinh, rồi Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, New Zealand...
Như bình rượu làm theo dáng vị thần Inca của Pêru, hay hình cây đàn ghi ta, hình ống nhòm, hình con hoẵng hoặc như chiếc điện thoại... tất cả đều thể hiện những đặc trưng văn hóa vừa lạ, vừa huyền ảo.
Mỗi một bình rượu lại có thể kèm theo một “lý lịch trích ngang” khá phong phú: Xuất xứ, nguyên liệu chế tác ra bình rượu, nguyên liệu làm ra rượu, phương pháp chưng cất, những đối tượng hay tiêu thụ, cách uống hoặc cách pha chế thành cocktail...
“Ở nước ta có quan niệm “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, cho nên ngay trong ngành sản xuất rượu cũng bị ảnh hưởng. Người Việt mình tự hào hơi nhiều về món “quốc lủi” nút lá chuối khô. Ta chưa hoặc không quan tâm đúng mức đến hình dáng bên ngoài nên để có một bình rượu đẹp của quốc nội là điều không dễ, đôi khi không thể”, ông Hòa chia sẻ.
Một phần trong hơn 200 bình rượu độc đáo này đã từng được ông Hòa và nhóm các bạn trong Câu lạc bộ thú chơi cổ ngoạn của người Hà Nội đem ra trưng bày tại một cuộc triển lãm nhân dịp Tết Nguyên đán. Rất nhiều người thích thú, có người muốn mua nhưng cứ xét, ai đã bỏ cả đời vào một thú vui thì chắc rằng, có đặt tiền chồng bạc nén cho trông thấy chửa chắc ông Hòa đã để cho một bình.
“Sưu tầm bình rượu khác với sưu tầm rượu. Bình rượu thì bao giờ cũng chú ý tới hình dáng. Cái tiêu chí “nhất dáng” là ở chỗ đó. Trên thế giới có nhiều hãng sản xuất rượu, nhưng cái hay là người ta để tâm chế tác ra những kiểu bình độc, dị và lạ. Nó không chỉ giới thiệu nét văn hóa mà còn thể hiện được khiếu thẩm mỹ tinh tế”.
Ông Nguyễn Khánh Hòa
Hòa Thế