|
Đống đồ cổ được bày trong nhà anh Trần Anh Vũ. |
Bán đồ cổ như rau
Tôi quen Trần Anh Vũ từ một năm trước. Gã làm nghề chạm bạc ở thị trấn Mậu A đã mấy chục năm nay. Theo thường lệ, gã tiếp đón chúng tôi trong xưởng chạm bạc chật chội, oi bức. Nhìn quanh đống đồ nghề của gã chúng tôi bỗng bất ngờ vì thấy những chiếc rìu đá được gom thành đống để trong tủ.
Vũ kể: Cách đây vài tháng, có một người dân tộc Dao ở trên khu vực Viễn Sơn, Mỏ Vàng đem xuống chợ đi bán. Gã liền gạ mua với giá năm triệu đồng đem về bỏ vào tủ làm cảnh. Dù không phải dân chơi đồ cổ nhưng gã vẫn cho rằng đó là những đồ vật quý giá, có ý nghĩa về mặt văn hóa, lịch sử và được dân chơi đồ cổ rất ưa chuộng nên gã mua về để đó, nếu có ai mua giá cao hơn thì bán.
Theo Vũ, khu vực ven sông Hồng có rất nhiều đồ cổ, từ rìu đồng, rìu đá, cho đến mũi tên đồng và đồ trang sức... Người dân ven sông Hồng thường xuyên đào được những chiếc rìu đồng. Khi đào được những món đồ này họ liền đem xuống chợ rao bán như mớ rau, mớ cỏ.
Theo quan sát của chúng tôi, trong đống đồ cổ mà gã thợ bạc mua được có những dụng cụ bằng đồng như rìu vai vuông, mũi tên đồng... tất cả đã bị oxy hóa gần hết và mục nát. Trên chiếc rìu đồng có một số hình khắc chìm như hình con hươu, hoẵng, hình chim và hoa văn zích zắc...
Ngoài những đồ vật bằng đồng, Vũ còn mua được những đồ vật bằng đá bé bằng ba ngón tay chụm lại...
|
Cận cảnh một chiếc rìu đồng có niên đại 2.000 năm. |
Theo dấu chân đồ cổ
Chúng tôi hỏi thông tin về những người đi bán đồ cổ, Vũ cười sằng sặc bảo rằng: "Người ta có thì họ đem đi bán. Mình hỏi địa chỉ của người đào được làm gì, vì nếu có thì họ đã đem xuống chợ rồi, cần gì phải hỏi. Nếu các chú muốn tìm hiểu cứ rong xe dọc sông Hồng mà hỏi, kiểu gì cũng có. Bằng không cứ lên vùng Viễn Sơn, Mỏ Vàng hỏi người dân kiểu gì người ta cũng chỉ dẫn cho mà tìm".
Lần theo sự chỉ dẫn mông lung của Vũ, chúng tôi tìm đến khu vực Mỏ Vàng và Viễn Sơn để tìm hiểu thông tin. Khi chúng tôi hỏi về những món đồ cổ hàng nghìn năm mà người dân đào được, nhiều người tỏ ra không có gì lạ lẫm và coi đó là chuyện cơm bữa.
Một người dân tên Triệu Hứa Phương ở xã Viễn Sơn cho biết: Nhiều người đã đào được đồ đồng, đồ đá trong vườn nhà mình, cũng có người đi rừng nhặt được những món đồ đó trên hang đá... Chính bản thân anh cũng nhặt được một chiếc rìu đồng trong một lần đi rừng năm 2007. Lúc đó anh đi hái củi thì gặp trời mưa, anh chạy vào một hang đá rộng bằng hai gian nhà để trú chân đợi mưa tạnh mới về.
Trong lúc trú mưa anh Phương vô tình dùng chân gạt đất, rồi thấy có vật gì vướng dưới chân. Anh cúi xuống nhìn thì thấy một chiếc rìu bằng đồng đã bị ghỉ sét xanh lè. Anh nhặt chiếc rìu đó về nhà và khoe với hàng xóm. Hôm sau có người bảo anh đem rìu đồng xuống chợ bán, anh đã nghe theo và đem đi bán cho một người buôn đồ cổ ở thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên với giá một triệu rưỡi.
Thấy bán rìu đồng được nhiều tiền, anh Phương đã trở lại hang cũ để tìm kiếm và nhặt được một chiếc rìu đá bé bằng bao diêm. Anh đã đem đi bán nhưng dân buôn đồ cổ trả giá thấp quá nên anh để ở nhà làm cảnh.
Rời Viễn Sơn, chúng tôi tiếp tục tìm đến khu vực Tân Hợp và Đông An theo dấu chân của những người đã từng mua bán đồ cổ.
Tại xã Tân Hợp, chúng tôi gặp một người tên Hùng chuyên thu mua đồ cổ của dân đào được rồi bán lại cho những người chơi đồ cổ. Hùng cho biết: Năm 2006 gã kiếm được 20 phi vụ đồ cổ với số tiền lãi trên 200 triệu đồng. Từ đó đến nay thỉnh thoảng mới có người đào được đồ cổ đem bán. Gã thường mua xong rồi bán qua tay cho dân chơi đồ cổ để kiếm lời. Có vụ gã mua được năm chiếc rìu cổ với giá bốn triệu đồng, và bán lại cho dân chơi đồ cổ với giá năm mươi triệu, còn những vụ ít gã cũng phải kiếm được trên 10 triệu đồng.
Một kinh nghiệm trong việc xác định sự đắt rẻ của đồ cổ không chỉ phụ thuộc vào niên đại, hình dáng mà còn phụ thuộc vào hoa văn in trên những đồ dùng đó. Chẳng hạn như loại hoa văn có in hình thú, hình quả trám thì có nhiều, nhưng một số roại đồ đồng có hoa văn zích zắc và một số hình dáng kỳ lạ thì không mấy khi tìm được. Những loại này có giá rất đắt, nếu khéo léo mua bán thì có khi lãi vài chục triệu/1 đồ vật là chuyện không quá khó khăn.
Ngoài ra, có một loại rìu đá quý hiếm được nhiều người săn lùng. Đó là chiếc rìu đá làm từ đá saphia có niên đại trên 2.000 năm. Nhìn bề ngoài của loại rìu này có màu trong như ngọc, kích thước chỉ bằng bao diêm. Hiện giá của chiếc rìu đá loại này là trên 100 triệu đồng/chiếc. Tuy nhiên, có thể thời gian tới giá còn cao hơn nữa.
|
Trần Anh Vũ kiểm tra hoa văn trên chiếc rìu cổ. |
"Loại rìu mà người dân mua được ở Yên Bái thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn cách đây 2.000 năm, trong đó có lẫn một chiếc rìu đá có niên đại sớm hơn. Tuy nhiên, những hoa văn in trên các dụng cụ bằng đồng lại rất lạ. Hoa văn giống như người ngồi trên thuyền, xung quanh lại được khắc bởi những đường zích zắc... Những hoa văn này ông chưa thấy bao giờ. Tuy nhiên, rất có thể những hoa văn này thể hiện nét văn hóa đặc biệt của một bộ phận cư dân miền núi phía Tây Bắc của Tổ quốc".
GS Nguyễn Lân Cường (Viện Khảo cổ học Việt Nam) |