Mới 22 tuổi, nhưng Đạt đã có chiều cao ''khủng'': 2,03m. Sợ tiếp tục cao, Đạt đã đến BV Nguyễn Tri Phương, TPHCM đề nghị bác sĩ (BS) tìm cách... dừng chiều cao của anh lại. Các BS đã tiến hành phẫu thuật và sau hơn một năm, Đạt đã dừng chiều cao.
“Peter Crouch” của Việt Nam
Đạt sinh tháng 3.1991. “Mẹ tôi bảo, lúc sinh tôi nặng 3,9kg. Từ cấp 1, tôi phát triển bình thường như các bạn khác cùng trang lứa. Có chăng chỉ cao hơn chút đỉnh. Tuy nhiên, đến năm học cấp hai tại Trường THCS Hồi Hương ở Long Khánh, chiều cao tôi bắt đầu trội lên hẳn và cao hơn các bạn cả cái đầu. Tôi ăn vào bao nhiêu thì cơ thể cứ tăng chiều cao chứ chẳng chịu nở bề ngang. Năm 19 tuổi tôi đã cao gần 1,9m và tiếp tục cao cho đến bây giờ. Chẳng biết chiều cao có chịu dừng lại hay không. Cứ cao đều đều như kiểu này thì khó khăn cho tôi quá” - Đạt tâm sự.
Gia đình có 3 anh em, Đạt là con út. Cả gia đình cũng có gen cao, nhưng không nổi trội như Đạt: Bố cao 1,75m, mẹ cao 1,6m, anh trai cao 1,8m, chị 1,6m.
|
Chàng trai "khổng lồ" chụp ảnh cùng phóng viên |
Đạt kể: “Vì cao quá nên đi đâu cũng tạo sự chú ý của mọi người. Thấy bất kỳ ai nhìn mình, em đều ngại. Em chỉ quanh quẩn ở nơi mình sống. Các bạn cùng lớp rủ đi chơi xa em đều từ chối vì sợ người khác nhìn thấy mình. Nếu có đi thường phải cúi gằm mặt và thậm chí đứng chùng chân, nhưng vẫn trội hơn một cái đầu giữa đám đông”.
Lúc đi học, bạn bè cùng trang lứa đặt cho Đạt biệt danh theo tên của chàng cầu thủ bóng đá người Anh cao nhất thế giới là “Peter Crouch”. Chàng cầu thủ này với chiều cao 2,01m, nhưng so với Đạt vẫn còn kém 2cm. Vật dụng phục vụ sinh hoạt cho Đạt cũng phải hơn người khác về kích thước.
Toàn bộ hệ thống cửa trong nhà đều được nâng lên mức 2,5m. Nằm ngủ trên giường dài 2m nên lúc nào Đạt cũng phải nằm xéo. Riêng giày dép, quần áo mỗi khi mua sắm là một cực hình. Bàn chân của Đạt dài 30cm. Riêng chiều dài quần đối người bình thường chỉ may khoảng 1-1,1m, nhưng với Đạt thì quần phải may 1,5m.
Cao đột biến... nghĩ ngay đến bệnh lý
Mặc dù cao 2,03m nhưng Đạt chỉ nặng 75kg. Thấy em mình cao một cách bất thường, người chị đọc báo và phát hiện ra đây là bệnh lý nên đã đưa đạt đến BV Nguyễn Tri Phương, TPHCM để khám. BS Trần Quang Khánh -Trưởng khoa Nội tiết BV Nguyễn Tri Phương, TPHCM - lúc mới nhìn thấy Đạt và nghe giọng nói ồm ồm đã nghĩ đến bệnh khổng lồ (Gigantism).
Sau đó, qua kết quả các xét nghiệm, các BS đã chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh khổng lồ, nguyên nhân là do khối u của tuyến yên tiết ra hormone tăng trưởng trước tuổi dậy thì ở trẻ (ở nam là dưới 11 tuổi). Bệnh nhân mang khối u não và chính khối u tuyến yên trên đã làm cho bệnh nhân có chiều cao đột biến.
Theo BS Trần Quang Khánh, bệnh này được gọi là to đầu chi, nếu chiều cao của người bệnh không tăng thì chỉ có mũi, cằm... to ra. Ở bệnh nhân mắc bệnh to đầu chi, bàn chân, bàn tay đều to ra, gò má, khuôn mày gồ lên, trên đầu sẽ có những bướu xương, hàm dưới nhô ra, răng thưa đi. Nếu bệnh diễn tiến lâu ngày không được chẩn đoán và điều trị, những người mắc bệnh khổng lồ có những biến chứng như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh viêm khớp, viêm cột sống dính khớp...
BS Khánh giải thích: "Triệu chứng của bệnh khổng lồ rất mơ hồ, thường khó phát hiện được cho đến khi có các triệu chứng của bệnh to đầu chi cùng triệu chứng chiều cao tăng lên".
Để can thiệp đối với ca bệnh “cao kều” này, các BS khoa ngoại thần kinh đã tiến hành phẫu thuật khối u tuyến yên cho bệnh nhân. May mắn là khối u của bệnh nhân này nhỏ hơn 10mm nên tỉ lệ thành công lên đến 97%. Các BS đã cắt bỏ thành công khối u có kích cỡ 7x7 mm trong tuyến yên, bằng phương pháp nội soi đường mũi. Theo các BS, nếu được phát hiện và phẫu thuật sớm Đạt sẽ không có chiều cao khủng như vậy.
Được biết ở Việt Nam, người hiện đang giữ kỷ lục về chiều cao là ông Trần Thành Phố, ở Bắc Giang, cao gần 2,5m. Ông Phố cao bất thường cũng phát xuất từ nguyên nhân bị cường tuyến yên. Tuy nhiên, điểm khác biệt ở đây, ông Phố cao bất thường sau 25 tuổi khi đã trưởng thành và xương đã hóa cốt. Ngược lại, Đạt có chiều cao đột biến ngay từ lúc dậy thì. Trên thế giới, người đang giữ kỷ lục Guinness cao nhất thế giới hiện nay là Sultan Kosen (sinh năm 1982, người Thổ Nhĩ Kỳ), cao 2,51m, cũng bị mắc chứng bệnh khổng lồ do một khối u trong tuyến yên gây ra.
Sau hơn một năm kể từ khi phẫu thuật, Đạt đã dừng chiều cao lại ở mức 2,03m và không còn bị tâm lý lo ngay ngáy về việc tăng chiều cao nữa. Tuy nhiên, theo các BS, trường hợp của Đạt cũng phải tiếp tục theo dõi để có phương án điều trị nhằm khống chế những rối loạn phức tạp bất thường trong cơ thể.
Theo Lao Động