Nước mắt mùa sứa

Google News

Đảo Cô Tô mọi năm vào dịp này sôi động vì vào vụ sứa, tàu bè tấp nập. Còn năm nay, cũng vì sứa mà người dân trĩu nặng nỗi buồn.

- Đảo Cô Tô (Quảng Ninh) mọi năm vào dịp này sôi động lắm, không chỉ bởi lượng khách du lịch mà vì vào vụ sứa, tàu bè tấp nập. Ngư dân í ới gọi nhau thu gom sứa về chế biến xuất khẩu. Còn năm nay, cũng vì sứa mà người Cô Tô trĩu nặng nỗi buồn.

Xưởng sứa vắng như nhà hoang

Trong chuyến tàu cao tốc từ cảng Cái Rồng ra đảo Cô Tô, chúng tôi trò chuyện với một đồng chí sĩ quan biên phòng về cuộc sống của người dân trên đảo Cô Tô hiện nay. Anh thở dài chia sẻ, không như mọi năm, năm nay mất mùa sứa. Người dân Cô Tô làm nghề sứa buồn lắm. Mùa sứa không có sứa, chỉ có nước mắt.

Nói đoạn, anh đưa chúng tôi ra mạn tàu chỉ xuống biển nói: "Các anh chú ý, thỉnh thoảng lại có xác sứa chết nổi, với lại năm nay sứa không về, ngư dân không thu gom được gì, các xưởng chế biến sứa ở đảo đang vắng như nhà hoang".

Khi đặt chân lên đảo, chúng tôi đã liên lạc với ông Bùi Văn Điển, Chủ tịch Hội nghề cá kiêm Chủ tịch Hiệp hội Chế biến sứa Cô Tô. Vừa nhắc tới sứa, ông Điển đã lắc đầu ngao ngán: "Chưa năm nào như năm nay, mất mùa sứa, các xưởng phải bỏ hoang, nhiều hộ vay tiền ngân hàng để mở xưởng chế biến đang phải lo từng giờ từng phút để trả nợ".

Theo chân ông Điển đến các xưởng chế biến sứa, một khung cảnh hoang vắng, hiu hắt hiện ra với những xưởng chế biến sứa siêu vẹo, tan hoang trước gió biển, những đống máy móc hoen gỉ... Khu chế biến sứa rộng bao la dọc theo bờ biển không một bóng người. Những ngôi nhà lợp pro xi măng hay phủ bạt tạm đều đóng cửa kín mít. Các bể chứa sứa cạn khô nước hoặc chất đầy rác biển. Máy móc, trang thiết bị phục vụ cắt - sấy - khuấy sứa đều đắp áo mưa, phủ kín bạt.

Ông Điển chỉ vào một chiếc máy cắt đang hoen gỉ mà nói: "Không được sử dụng máy hỏng hết rồi. Cứ tình hình này, lại phải đầu tư máy móc thì còn đâu quyết tâm bám biển".

Theo quan sát của chúng tôi, tại khu chế biến sứa, nhiều xưởng mới được xây dựng chờ ngày hoạt động nhưng do sứa mất mùa nên cũng đành bỏ không hoặc chủ xưởng để mặc cho gió mưa.

Ông Điển cho hay: "Vào tháng 12 năm trước cho đến tận tháng 4 năm sau dọc theo bãi biển là hàng nghìn chiếc thuyền to nhỏ đến bán sứa cho các xưởng, bất kể đêm ngày đông như hội, các xưởng chế biến sứa nhộn nhịp, đông đúc, thậm chí có năm các xưởng sứa hoạt động đến tận tháng 5, tháng 6 mới thôi".
Những chiếc ghe, thuyền đánh bắt sứa "đắp chiếu" chờ vụ sau.
Những chiếc ghe, thuyền đánh bắt sứa "đắp chiếu" chờ vụ sau.

Thời hoàng kim của sứa

Ông Vũ Đức Lợi, Chánh Văn phòng UBND huyện Cô Tô kể lại những thời điểm hoàng kim của sứa: "Cô Tô từng được mệnh danh như là đảo sứa, hàng năm số lượng sứa được chế biến và xuất khẩu với số lượng khổng lồ. Cũng nhờ sứa mà ngư dân ăn nên làm ra, các chủ xưởng trở nên giàu có".

Đơn cử, không nói đâu xa, ngay như gia đình nhà ông Bùi Văn Điển với một xưởng chế biến sứa hoạt động đêm ngày đến nỗi phải đầu tư mở thêm hai xưởng sứa khổng lồ khác với chi phí vài ba tỷ đồng mới "kham" nổi lượng sứa ngư dân mang về.

Ông Điển cho hay: "Làm sứa không mấy khi lỗ, mua vào khoảng 30.000đ/con sứa thì bán ra với giá cao hơn nhiều. Một thùng sứa khoảng 18 con, bán ra với giá 800.000 - 1,2 triệu đồng/thùng. Có khi một thùng lên tới 1,5 triệu đồng hoặc cao hơn nữa".

Theo ông Điển, những năm trước, sau mỗi vụ sứa gia đình ông trừ tất cả các khoản chi phí từ thuê nhân công đến tiền vật liệu thì số tiền lãi còn lại cũng ở mức 4 - 5 tỷ đồng. Nhưng năm nay gia đình ông chỉ thu được 2 tỷ đồng. Đó là gia đình ông không phải vay vốn ngân hàng, cũng không liên doanh với nước ngoài nên còn lãi để tái đầu tư vào vụ sau.

Ở xã đảo Thanh Lân có xưởng sứa của anh Mai Công Đàm cũng thuộc hàng làm ăn lớn. Nếu tính trung bình cứ 2 - 3 tháng thì ngư dân có thể kiếm hàng trăm triệu đồng và riêng xưởng sứa của anh Đàm đã cho thu nhập bằng 1/3 tổng thu nhập của xã đảo Thanh Lân cộng lại.

Theo tổng kết của ông Bùi Văn Điển, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến sứa Cô Tô, hiện tại Cô Tô có gần 31 xưởng chế biến sứa, mỗi xưởng trung bình rộng 1.000m2. Nếu được mùa, mỗi xưởng chế biến sẽ đem về hàng tỷ đồng, còn nếu mất mùa sứa, nguy cơ đóng cửa trả nợ ngân hàng cũng là điều dễ hiểu.
Những chiếc máy nổ dùng để chế biến sứa phủ bạt vì mất mùa sứa.
Những chiếc máy nổ dùng để chế biến sứa phủ bạt vì mất mùa sứa.

Bấp bênh vì sứa

Trao đổi với PV Báo KH&ĐS, ông Nguyễn Đức Thành, Bí thư Huyện ủy Cô Tô cho biết: "Chúng tôi không thể xác định chế biến sứa là một ngành kinh tế mũi nhọn vì lý do quá bấp bênh".

Lý do quá bấp bênh mà ông Thành đưa ra rất có lý khi con sứa di chuyển theo dòng nước. Hơn nữa, mấy năm trở lại đây, Cô Tô phát triển nghề sứa vì một số nước có nghề bắt và chế biến sứa cũng bị mất mùa giống như Cô Tô bây giờ nên đẩy giá sứa lên cao.

Theo các chủ xưởng chế biến ở Cô Tô, làm sứa rất bất ổn vì số nhiều các xưởng có liên doanh với nước ngoài. Khi giá sứa cao thì họ không rót vốn về vì bị ép giá. Còn ở nước ta, các khách sạn, nhà hàng hầu như không nhập sứa, nếu có thì chỉ là những bộ phận rẻ nhất của con sứa như óc hoặc nõn sứa nên ngư dân chẳng thể bán cho ai khi thị trường bất ổn.

Còn hiện tại, nỗi lo của ngư dân Cô Tô mới đáng phải bàn như gia đình ông Nguyễn Văn Ngọi ở khu 3 thị trấn Cô Tô, vừa đầu tư 2 tỷ đồng vào xây dựng xưởng sứa mà giờ chỉ biết thở dài, lo lắng.

Không chỉ ông Ngọi thất bại, mà 31 xưởng chế biến sứa kia cũng không thể khấm khá được. Đấy là chưa tính đến hàng trăm ngư dân đang bám biển tìm sứa mất đi một khoản thu nhập từ chính thứ nghề mưu sinh của họ.
Ông Nguyễn Đức Thành, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Cô Tô cho biết: Như năm ngoái giá sứa chỉ 15.000đ/con, nhưng năm nay giá sứa lên đến 30.000đ/ con, thậm chí có thời điểm giá sứa đội lên đến 80.000đ/con. Tuy nhiên, nghề này không bền vững vì phải phụ thuộc vào các thương lái Trung Quốc. Trong tương lai huyện sẽ tập trung phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá chứ không tập trung mạnh vào khâu đánh bắt sứa và cá.
Dương Hòa
[links()]