Đó là tục lệ cho "ma" ăn tồn tại bao đời nay của tộc người Jrai ở làng Dip, xã Ia M’nông, huyện Chư Pảh, tỉnh Gia Lai.
Cho ma... ăn cơm, uống rượu
Tộc người Jrai nằm treo leo trên đỉnh đèo Sê San, phía dưới là dòng sông Sê San hùng vĩ, cách TP Pleiku gần 100 cây số. Dip là một trong những ngôi làng không chỉ cao mà còn hiểm trở bậc nhất của huyện Chư Pảh, rất hiếm khi có người dưới xuôi ghé đến. Bởi thế, nơi đây gần như tách biệt với thế giới văn minh.
“Khu “rừng ma” là nơi linh thiêng, là cấm địa của người Jrai, họ không bao giờ dám đặt chân đến, trừ khi đưa tiễn người chết hoặc mang đồ ăn, thức uống cho…ma. Thuyết phục được họ dẫn đến rừng ma khó lắm đấy. Mà nếu không có người dân bản địa dẫn đường thì không thể nào đến được”, anh bạn dẫn đường cho tôi cảnh báo.
|
Người phụ nữ này đang mang cơm cho người chết. |
“Thế lúc mang đồ cho ma, họ không sợ sao?”, tôi hỏi. “Đúng rồi, vì họ đi thăm nuôi mà. Còn không có việc gì mà đến thì con ma sẽ theo về làng, hại người”.
Đúng như lời anh bạn tôi nói. Chúng tôi gặp già làng R’Chăm Phiêu đề xuất nguyện vọng muốn vào rừng ma, nhưng già làng kiên quyết lắc đầu. “Nếu tự ý vào rừng, sẽ bị con ma rừng theo về làng, gây dịch bệnh cho nhiều người. Con ma này thầy cúng cũng không trừ được nó đâu”, già làng nói.
Giữa lúc đang bế tắc vì không thuyết phục được người làng dẫn đường vào rừng ma thì chúng tôi may mắn gặp được chàng trai ở làng bên cạnh làng Dip, tên R’Chăm Linh. Nghe chúng tôi kể lại mọi chuyện, R’Chăm Linh cười, bảo: “Tôi từng đi nhiều nơi làm thuê, biết nhiều rồi, nên không tin chuyện ma đâu. Nhưng già làng nói cũng có phần đúng đó. Có điều theo tôi nghĩ, không phải ma theo về, gây bệnh mà chính người vào rừng mang mầm bệnh về thôi. Vì trong đó rừng rậm, nhiều âm khí, nước độc, ô nhiễm lắm. Nếu người sức khỏe kém, vào đó rất dễ bệnh”.
|
Đường vào làng Dip, xã Ia M’nông. |
Giải thích xong, R’Chăm Linh đồng ý đưa chúng tôi vào rừng ma. Anh chỉ nhắc chúng tôi quan sát kỹ và hết sức thận trọng, chẳng may giẫm phải rắn độc thì nguy. Ngay sau đó, chúng tôi nhanh chóng theo chân R’Chăm Linh. Không biết hết bao nhiêu thời gian, chỉ biết rằng khi đôi chân tôi đã mỏi rã rời, R’Chăm Linh mới cho biết đã đến nơi. Đó là một khoảng đất trống, lẩn khuất bên những lùm cây rừng thưa thớt là lô nhô những ngôi nhà mồ. Bên trong những nhà mồ, các vật dụng như ché rượu, gùi, rìu, quần áo, cồng chiêng… nằm lăn lóc.
R’Chăm Linh bảo, theo quan niệm của người Jrai, chết không phải là hết mà là về với ông bà tổ tiên. Ở thế giới ấy, người chết cũng như người sống, cũng cần có rượu để uống, cần nhà để ở, cần có cái xà-gạc để đi rừng, cần người để làm bầu bạn, vì thế, mới có chuyện người chết được chia các loại tài sản có trong nhà với người sống.
Quanh quẩn một hồi trong rừng ma, chúng tôi bất ngờ thấy một người phụ nữ đang ngồi lặng lẽ bên một nhà mồ. R’Chăm Linh bảo, đó là chị R’Chăm Lan. Nhà mồ đó là nơi ở của chồng chị, vừa chết vì bệnh chừng tháng nay. Chúng tôi tiến lại định hỏi thăm, nhưng chưa kịp chào, R’Chăm Lan đã vội vàng đứng dậy, đi như chạy ra khỏi rừng.
Kết nối với người chết bằng ông tre
Trở lại làng Dip, chúng tôi gặp lại già làng R’Chăm Phiêu để hỏi thêm mới biết, người Jrai tin rằng, người chết sau 1 tháng vẫn chưa thành ma. Vì thế, trong khoảng thời gian này, người thân phải đem cơm, thức ăn ra nhà mả cho người chết ăn.
“Khi mới chết, người chết chưa biến thành ma. Cái hồn của nó chưa về với ông bà nên người sống ăn gì, uống gì cũng phải cho người chết ăn như vậy. Nếu không cho nó ăn, nó biến thành ma đói, sẽ về làng tìm cái ăn, và quấy phá người sống, quấy phá người làng”. Tôi hỏi già làng R’Chăm Phiêu: “Nhưng cho ma ăn bằng cách nào ạ?”. Già đáp: “Ồ, dễ thôi mà, đổ cơm, rượu, thức ăn vào ống tre xuống dưới thôi mà”.
Theo lời kể của già làng R’Chăm Phiêu thì khi đưa người chết ra đến rừng ma, thầy cúng sẽ khấn để người chết nhập với làng ma. Đồng thời, một đoạn thân cây tre to, đã được thông các đốt thành một ống dẫn được cắm xuống đầu huyệt mộ, một đầu còn lại nhô lên khỏi mặt đất. Đấy là ống dẫn thức ăn cho ma.
|
Những phụ nữ này khi nghe chúng tôi hỏi về tục nuôi ma, đều tỏ ra e ngại. |
Sau thời gian 1 tháng nuôi ma hằng ngày, tuỳ điều kiện mỗi gia đình mà người thân của ma sẽ mổ trâu, bò hoặc heo, gà tại nhà mồ, mời dân làng đến ăn uống từ 1-2 ngày. Sau lễ này, người nhà sẽ không phải nuôi ma hằng ngày nữa. “Lúc đó thì vài tháng một lần, gia đình có người chết mới đến thăm nhà mồ, mới đem cơm, rượu, thức ăn cho ma ăn uống, đánh chiêng cho ma nghe… đến khi làm lễ pơ-thi (lễ bỏ mả - PV) thì mới thôi hẳn”, già làng nói.
Theo lời kể của già làng R’Chăm Phiêu, tùy theo điều kiện mỗi gia đình, sau từ 1-3 năm, gia đình người quá cố sẽ làm lễ bỏ mả (pơ-thi). Đây là một trong những lễ hội độc đáo nhất của tộc người Jrai và một số tộc người thiểu số khác ở Tây Nguyên. Lễ này gồm 3 giai đoạn là dựng nhà mồ, lễ bỏ và lễ rửa nồi (hay còn gọi là giải phóng linh hồn).
Sau khi làm lễ bỏ mả xong, mọi ràng buộc giữa người sống và người chết sẽ chấm dứt, người thân không bao giờ đến thăm mộ nữa. Họ có thể lấy vợ hoặc chồng, có thể tham dự những cuộc vui của cộng đồng. Cũng từ đây, hồn ma sẽ vĩnh viễn về với tổ tiên ở thế giới khác. Theo quan niệm của người Jrai, muốn cho người chết thanh thản ra đi, lễ bỏ mả phỉ làm thật chu đáo với sự đóng góp cả vật chất lẫn tinh thần của cả tập thể. Lễ bỏ mả có thể kéo dài cả tuần, hoặc lâu hơn.
Mời độc giả xem video tại đây
Nguồn: ANTV
Theo Nông Nghiệp Việt Nam