“Ông Hai tia chớp” kể chuyện bắt cướp

Google News

(Kiến Thức) - Có thâm niên sửa xe vỉa hè hơn 20 năm, bắt hơn 300 vụ cướp giật và tóm được 350 tên cướp giao cho công an xử lý, ông Phạm Công On được mệnh danh là “ông Hai tia chớp”.

Khi bắt cướp ông thể hiện được thân thủ bất phàm của mình qua những động tác nhanh, mạnh chính xác đến nỗi tên cướp không kịp trở tay.
Cướp nó liều, tôi liều hơn nó
Vũ khí duy nhất và hữu hiệu nhất được ông Phạm Công On sử dụng là chiếc xe đạp cà tàng đạp đi khắp hang cùng ngõ hẻm. Đến chỗ nào gặp người dân tri hô cướp, không ngần ngại ông đứng lại nhấc bổng chiếc xe quăng vào bọn cướp, rồi nhanh nhẹn lao tới khóa tay chúng.
Cách đây hơn mười năm, đang sửa xe vỉa hè ông thấy người ta xúm lại xem một tên cướp dùng dao uy hiếp con tin mà không dám làm gì. Thấy vậy, ông chen vào xem nhưng cầm theo chiếc ghế gỗ. Bất ngờ ông tiến gần xoay người đập thẳng vào mặt tên cướp rồi lao vào khoá tay hắn lại. Bị đánh bất ngờ tên cướp không kịp trở tay. Sau này, cơ quan công an vào cuộc điều tra mọi người mới biết đó là vụ cướp gây chấn động ở chung cư Cửu Long đường Hai Bà Trưng, TP.HCM.
Một lần khác đang đạp xe ngang qua vòng xoay Điện Biên Phủ - Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông nghe tri hô và nhìn thấy hai tên cướp mang theo mã tấu, ống tuýp nước. Nhanh trí ông lấy xe đạp quăng mạnh vào chúng rồi lao vào quật ngã tên cầm mã tấu, lột xoẹt cái áo hắn mặc làm vũ khí trói tay tên cướp. Nhìn cảnh ông bắt cướp mọi người hoảng hồn hú vía vì thấy ông gầy gò, trong tay chẳng có gì mà vẫn tóm được hai tên cướp. Những lúc như thế, ông bảo, cướp nó liều còn tôi liều hơn nó, muốn bắt được cướp phải ra đòn chính xác, nhanh và mạnh rồi tung đòn đấm thẳng vào mặt chúng. 
Không ít lần va chạm với bọn cướp làm ông trật tay, đau nhức mình mẩy nhưng ông chỉ dùng dầu nóng trị thương.
Ông Hai On đang kể lại chuyện bắt cướp. 
Khóc vì được đền ơn
Trong nhiều năm bắt cướp, thi thoảng ông Hai On nhận được những món quà cảm ơn từ những người bị cướp nhưng ông đều từ chối. Ông muốn sống một cuộc đời nghèo nhưng có ý nghĩa, làm ơn cho ai đừng mong họ hậu tạ hoặc biếu xén gì.
Một lần ông đang ngồi lề đường sửa xe thì có một chiếc xe hơi dừng lại. Từ trên xe bước xuống một người đàn ông lịch lãm. Sau vài câu hỏi thăm, ông khách mời ông lên xe để tới tham quan một chỗ, từ chối mãi nhưng vị khách này năn nỉ nhiều quá, cả nể nên ông đi. Trên đường đi ông nghĩ chắc ông khách này thấy mình ngồi lề đường nên làm phước mời đi ăn. Nhưng không phải, xe đỗ trước cửa một siêu thị và ông khách xin được tặng ông một chiếc tivi và đầu máy. Xúc động trước sự quan tâm, ông chỉ biết khóc ròng. 
Một lần khác có cô gái đến dúi vào tay ông phong bì rồi nói: Thưa ông, con biếu ông tiền uống nước, cảm ơn ông đã lấy lại túi xách của con từ tay bọn cướp. Ông Hai về mở ra mới ngớ người "trời ơi, tới cả triệu đồng". Với ông nó là số tiền rất lớn mà ông chẳng bao giờ dám nghĩ đến người ta trả công cho mình, nếu biết nhiều như vậy ông cũng không nhận. Thật ra ông có bao giờ nhớ họ là ai, chỉ biết là bắt được cướp lấy lại đồ rồi trả về cho khổ chủ. Chỉ có hình ảnh nghĩa hiệp của ông được họ nhớ và năm khi mười họa có người ghé thăm cảm ơn.
Ông Hai On sinh năm 1950, nay là 64 tuổi rồi, sống như người độc thân vì vợ con ở xa. Hồi trước làm ăn khó khăn nên ông dắt vợ con về Bạc Liêu kiếm sống. Sau đó, ông lại trở lại Sài Gòn làm nghề sửa xe dạo còn vợ ông ở nhờ nhà chị trên Bình Dương nuôi đứa con bị tật từ nhỏ. "Cuối tuần tôi về thăm nhà một lần, gom góp được bao nhiêu tiền thì đưa bà mua gạo nấu, cả nhà cũng ở thuê thôi. Giờ già rồi, tôi làm bảo vệ cho Văn phòng Đoàn Luật sư quận 3 (TPHCM), tối khó ngủ lại lấy xe đạp chạy ngoài đường thấy chuyện trái tai gai mắt thì ra tay giúp", ông Hai On bộc bạch. 
Quỳnh Anh