Ông lão bán vé số với biệt tài 'đờn miệng' có 1-0-2

Google News

Không học qua trường lớp cũng chẳng biết sử dụng nhạc cụ, nhưng bằng lòng đam mê cùng sự dày công khổ luyện, ông lão bán vé số đã có biệt tài đờn ca tài tử bằng miệng độc đáo.

Khi PV hỏi thăm đường đến nhà ông Bảy On bán vé số, người dân nơi đây hào hứng giới thiệu: "Ông bán vé số biết đờn ca tài tử bằng miệng phải không?”. Sau đó, mọi người nhiệt tình dẫn chúng tôi đến tận nhà của ông On.
Ong lao ban ve so voi biet tai 'don mieng' co 1-0-2
 Ông On vui vẻ chia sẻ về khả năng đặc biệt (Ảnh: Thanh Thanh).
Trên đường đi, anh Phan Trọng Nhân (ngụ ấp 4, xã Mỹ An), người dẫn PV đến nhà ông On chia sẻ: “Ở đây, người nào cũng biết chú Bảy On đờn bằng miệng. Hàng xóm quý chú bởi sự giản dị, chịu khó. Nhà nào có tiệc đều gọi chú đến “đờn” góp vui. Chú rất nhiệt tình, nhiều người “hâm mộ” biệt tài của chú lắm!”.
Ông Bảy On tên đầy đủ là Trịnh Văn On (SN 1968, ngụ ấp 4, xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An), có dáng người to con, nước da ngăm đen, xuất thân trong một gia đình làm nông, không ai theo nghệ thuật.
Nhà nghèo, không ruộng đất nên khi xuất ngũ trở về, ông chọn gắn đời mình với nghiệp bán vé số dạo. Tuy vất vả, nhọc nhằn mưu sinh nhưng đam mê “Đờn ca tài tử” chưa bao giờ nguội lạnh trong ông.
Từ nhỏ, không tiền học hành bài bản, ông tự nghe băng đĩa và tự tập “đờn” bằng miệng. Mỗi ngày, ông tập một ít cho đến khi bài ca hoàn thiện.
Khi được hỏi về bí quyết rèn luyện biệt tài “có một không hai”, ông On cho hay: “Tất cả cũng nhờ đam mê cộng thêm năng khiếu. Trước tiên, tôi dùng miệng luyện tập cho âm thanh vang xa. Sau đó tập nín thở, giữ hơi làm sao phát ra tiếng “đờn” càng lâu càng tốt, đánh lưỡi như tiếng trống”.
Lần đầu tiên “đờn” bằng miệng, ông được bạn bè ủng hộ nhiệt tình. Ông nhớ: “Lúc tôi nói đờn bằng miệng và anh bạn khác sẽ hát, không ai tin điều đó. Đến lúc, tôi dùng miệng và hơi phát ra tiếng đờn hòa cùng giọng hát ngọt ngào của người bạn khiến ai cũng ngạc nhiên”.
“Từ đó, tôi có thêm động lực và tập luyện thêm nhiều bài khác. Sở trường của tôi là đệm vọng cổ nhịp 8/12, một số bài tủ củ như Vọng Kim Lang, Dòng sông quê em, …”, ông On bộc bạch.
Vài năm trở lại đây, ông Bảy On ngược xuôi khắp các nẻo đường cùng chiếc xe máy cà tàng, đeo cặp nhỏ chéo ngang hông vừa hành nghề bán vé vừa tranh thủ lên sân khấu của mấy đám cưới, hỏi... “đờn” cho người khác ca.
Nghe hay, mọi người ủng hộ ông bằng cách mua vé số. Có ngày, ông rong ruổi đến tận TP.HCM để bán nhưng số tiền lãi ít ỏi cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày
Khi được hỏi về ước mơ, người “nghệ sĩ đặc biệt” trả lời trong hy vọng: “Tôi vẫn mong được đào tạo bài bản để phát huy khả năng, được “đờn” cho anh em yêu tài tử ca và bán vé số không ế”.
Ông Bảy On giải thích cho ước mong giản dị: “Gia đình tôi đang sống cùng mẹ già trong ngôi nhà tình thương. Tôi bị đau cột sống nên không làm được việc nặng đành đi bán vé số. Vợ tôi làm công nhân cho công ty chế biến hạt điều để lo cho hai đứa con trai. Gần đây, người con trai lớn 16 tuổi của tôi vừa mới học hết lớp 8, phát hiện bị bệnh tâm thần, đứa nhỏ vẫn còn đang học mẫu giáo”.
Chị Nguyễn Thị Huệ, hàng xóm của ông Bảy On cho biết: “Nhà anh Bảy khó khăn, phải mưu sinh bằng cách bán vé số. Anh Bảy là người chịu khó và rất đam mê đờn ca tài tử, lâu lâu anh cũng có “đờn miệng” cho bà con trong xóm ca”.
Ông Dương Văn Bưởi, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ấp 4 (xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) cho biết: “Trước đây, hộ anh Trịnh Văn On gặp rất nhiều khó khăn, có người mẹ hay đau bệnh, 2 con trai trong tuổi ăn tuổi học.
Tuy nhiên, từ khi có biệt tài “đờn bằng miệng”, anh On bán vé số nhiều hơn, cuộc sống gia đình nhờ đó đỡ vất vả nhưng cũng vẫn nhiều gian nan. Bà con trong ấp rất quý mến và trân trọng tài năng đặc biệt của anh On. Nhà nào có đám tiệc đều mời anh đến đờn vọng cổ góp vui”.
Theo Thanh Thanh/ Người đưa tin