Ông Nguyễn Bá Thanh kể chuyện húp cháo từ thiện

Google News

"Ước mơ của tôi là làm sao cán bộ, sau đó đến người dân Đà Nẵng cứ mỗi năm qua Bệnh viện Ung thư một lần để tầm soát"

"Ước mơ của tôi là làm sao cán bộ, sau đó đến người dân Đà Nẵng cứ mỗi năm qua Bệnh viện Ung thư một lần để tầm soát, có cái gì là xử lý ngay. 10 năm tới mà làm được điều này là đáng phấn khởi lắm rồi!" - ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thanh uỷ Đà Nẵng nói.
 Ông Nguyễn Bá Thanh tặng quà cho bà Trần Thị Minh Nguyệt, phụ nữ nghèo bị bệnh ung thư vú được Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng hỗ trợ chữa bệnh miễn phí
Ông Nguyễn Bá Thanh tặng quà cho bà Trần Thị Minh Nguyệt, phụ nữ nghèo bị bệnh ung thư vú được Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng hỗ trợ chữa bệnh miễn phí

"Bị" bệnh nhân nghèo gõ cửa lúc đêm khuya

"Giữa mùa thu năm 2002, tôi đang công tác tại Hội Từ thiện quận Hải Châu thì ông Nguyễn Bá Thanh lúc ấy là Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị tôi đứng ra sáng lập Hội Bảo trợ trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng" - ông Phạm Đình Hào, cán bộ hưu trí, nguyên Trưởng Ban vận động sáng lập Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng kể.

Ông nhớ lại ý tưởng của ông Nguyễn Bá Thanh lúc đó là một số gia đình có hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhiều trẻ em gặp bất hạnh, bị bệnh hiểm nghèo nhưng không có điều kiện chữa bệnh. Tuy Đảng bộ và chính quyền nhân dân TP đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng do ngân sách có hạn, còn phải tập trung xây dựng, phát triển, lo công tác an sinh xã hội chung của TP nên trẻ em nghèo bất hạnh còn phải chịu nhiều thiệt thòi.

"Nếu không có một tổ chức xã hội tập trung cứu giúp thì các em không thể vượt qua được những rủi ro. Vì vậy ông Nguyễn Bá Thanh nói cần thành lập Hội Bảo trợ với tiêu chí là một tổ chức quần chúng trực tiếp làm công tác từ thiện đối với trẻ em nghèo bất hạnh, được UBND TP cho phép hoạt động nhằm tập hợp những người có tấm lòng nhân ái, nhiệt tình, tự nguyện để hỗ trợ trẻ em nghèo bất hạnh trên địa bàn. Từ đó, Hội Bảo trợ trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng đã ra đời tháng 11/2002!" - ông Phạm Đình Hào kể.

Tuy nhiên, ít ai biết ý tưởng về việc thành lập Hội này lại đến với ông Nguyễn Bá Thanh sau một lần ông bị người dân dựng dậy lúc nửa đêm. Ông nhớ lại: "Hôm đó đã mười giờ rưỡi đêm rồi, có người gõ cửa nhà tôi nghe bức xúc lắm. Tôi ra thì thấy có một chị dẫn đứa con đến bảo anh nó mới chết cách đây mấy tháng, còn cháu này nếu không chữa trị thì cũng sẽ chết theo bởi vì cả hai đều bị bệnh tim, triệu chứng giống nhau.

Tôi hỏi ca mổ tốn bao nhiêu, chị ấy bảo 25 triệu đồng, lúc đó lớn lắm, nhưng nhà thì nghèo, không có cách gì lo được. Tôi có lấy tiền cho chị 30 triệu đồng nhưng sau đó tôi nghĩ trẻ con thì đông, mỗi sức mình lấy chi giải quyết nổi, nên mới nghĩ ra chuyện thành lập Hội Bảo trợ trẻ em nghèo mà tập trung là lo mổ tim, rồi mới mời anh Hào, anh Thành và các anh đến tham gia.

Sau môt thời gian hoạt động, thấy cũng tốt dần, có hiệu quả nên mới nảy ra ý định hỗ trợ cho phụ nữ nghèo nữa vì có nhiều hoàn cảnh bi đát lắm. Có chị tôi thấy tới 4 lần bị chủ nhà cho thuê đuổi đi vì không có tiền trả tiền nhà, dù chỉ là nhà xập xệ mà cứ phải chạy xà quần. Có những trường hợp biết chắc là người ta không có cách gì vượt qua được hết. Như gia đình có hai đứa con mà tôi nói hồi nãy đó, họ biết là sẽ chết nhưng họ cũng chịu thôi vì không có cách gì hết, mấy chục triệu bạc đối với họ xa vời lắm, có vay mượn cũng chẳng ai cho hết".

Theo ông Nguyễn Bá Thanh, ngoài người già thì phụ nữ và trẻ em là hai thành phần khá yếu thế trong xã hội, thiệt thòi đủ chuyện và rất cần được Hội giúp đỡ. Từ đó mà Hội Bảo trợ trẻ em nghèo bất hạnh được đổi tên thành Hội Bảo trợ Phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng từ tháng 1/2007 để lo cho cả phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh.

"Quốc hội không thông qua là tôi ca sáu câu vọng cổ!"


Hồi đầu ông Nguyễn Bá Thanh giao các vị khác làm Chủ tịch Hội, còn ông chỉ làm Chủ tịch danh dự. Nhưng đến khi Hội vận động tài trợ xây dựng Bệnh viện (BV) Ung thư thì ông "báo cáo Thường vụ Thành uỷ rồi xông ra trận trực tiếp Chủ tịch thật luôn" vì công trình này quá lớn, quy mô 500 giường với vốn đầu tư hơn 1.300 tỉ đồng. "Cả cái dự án như thế mà mình toàn hô cái mồm chứ có đồng nào đâu, chỉ là vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đóng góp rồi dần dần cũng có được BV Ung thư lớn nhất nước chữa trị cho bệnh nhân ở miền Trung - Tây Nguyên" - ông Nguyễn Bá Thanh khẳng định.

Ông kể, trải qua mấy đời Thủ tướng, Bộ trưởng Y tế, ông đã nhiều lần đề nghị xây dựng cho miền Trung - Tây Nguyên một BV ung thư vì đây là khu vực chiến tranh ác liệt, hy sinh chịu đựng nhiều nhất, chất độc hoá học rải xuống đây ghê gớm nhất khiến tỉ lệ ung thư ở khu vực này cũng cao nhất nước. Nhưng chờ mãi vẫn không thấy nên Đà Nẵng phải tự đứng ra vận động quyên góp ủng hộ để làm.
BV Ung thư Đà Nẵng đã sẵn sàng mở cửa đón bệnh nhân
BV Ung thư Đà Nẵng đã sẵn sàng mở cửa đón bệnh nhân
"Bây giờ mình nhảy vô làm mới thấy trước đây người ta không làm cũng có cái lý. Xây dựng tốn kém đã đành nhưng nuôi bộ máy, nuôi BV cũng tốn kém ghê gớm. Tiền đâu để xây BV, tiền đâu trang thiết bị trên 500 tỉ đồng, tiền đâu nuôi bộ máy 500 - 600 bác sĩ, y tá, hộ lý, rồi tiền điện, tiền nước. Rồi tiền đâu mua thuốc cho bệnh nhân nghèo. Bệnh ung thư sau khi mổ vứt khối u còn phải uống thuốc từ 3 - 5 năm, mỗi ngày một viên từ 40.000 - 80.000 đồng, tiền đâu người nghèo uống. Không uống là tái phát, nổi u tiếp, lại phải phẫu thuật tiếp, tốn kém tiếp. Khó như thế nhưng lo cho dân thì không thể sợ tốn kém, chúng ta làm và chúng ta tự tin!" - ông Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh.

Để chia sẻ bớt khó khăn cho Đà Nẵng trong việc xây dựng BV ung thư đầu tiên cho miền Trung - Tây Nguyên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký văn bản quyết định hỗ trợ 351 tỉ đồng và khuyến khích nhân rộng mô hình này ở nhiều nơi khác trên tinh thần phát huy năng lực xã hội hoá. Nhưng sau khi Thủ tướng ký văn bản thì các Uỷ ban của Quốc hội cản lại vì khoản chi này nằm ngoài kế hoạch, không có trong Nghị quyết Quốc hội.

Ông Nguyễn Bá Thanh kể: "Nghe vậy, tôi ra họp và đề nghị đưa ra Quốc hội chứ các Uỷ ban không được cắt của tôi. Hôm đó tôi phát biểu căng lắm. Nếu ra Quốc hội mà quả thật Quốc hội cắt cái này thì tôi báo với các đồng chí là tôi đứng dậy ca sáu câu vọng cổ rồi tôi về, không bao giờ sinh hoạt Quốc hội nữa. Cuối cùng người ta đưa cái này ra Quốc hội và được hơn 80% đồng ý cho Đà Nẵng mấy trăm tỉ để tiếp tục xây BV ung thư. Trong tháng 11, BV bắt đầu mở cửa đón bệnh nhân và dự kiến đến tháng 1/2013 sẽ chính thức khánh thành".

Húp cháo từ thiện trong bệnh viện!


Theo ông Nguyễn Bá Thanh, với 3 chức năng chính là tầm soát, phát hiện sớm bệnh ung thư, chữa trị ung thư và nghiên cứu về ung thư, khi BV này đi vào hoạt động thì người bệnh trong khu vực sẽ được nhờ rất nhiều. So với hai BV ung thư ở Hà Nội và TP.HCM thì chỉ riêng tại đây mới có hai khu nhà dành cho người nhà đến chăm sóc bệnh nhân có chỗ ngủ qua đêm.

"BV Ung thư chỗ 48 Quán Sứ, Hà Nội ai bước vô thì có thể về nuốt cơm không nổi. Nhiều người chờ cả tuần lễ để được xạ trị, nằm vật vạ la liệt. Bệnh ung thư có phải chết ngay đâu, kéo dài nhiều năm lắm. Cho nên cầm cố nhà cửa thế chấp ngân hàng đi chữa bệnh. Cuối cùng rồi nhà cũng mất, người cũng chết. Người bệnh chết đã đành mà người đi chăm sóc cũng đổ bệnh theo vì dai dẳng quá, vất vả quá, lại nghèo nữa. Trải miếng nilon trên nền nhà để duỗi chân cho thẳng cũng không có chỗ. Còn ở mình có 2 toà nhà dành cho người nhà bệnh nhân, giường chiếu đầy đủ" - ông Nguyễn Bá Thanh nói.

Ở BV Ung thư Đà Nẵng còn có bếp ăn từ thiện phục vụ mỗi ngày 3 bữa cháo cho bệnh nhân nghèo. Về bếp ăn này, ông Nguyễn Bá Thanh nói vui: "Cháo này chắc tương đối ngon rồi, mấy lò mổ đóng góp xương vô, mấy đại lý gạo cũng góp vô. Nghe những chương trình như thế này thì người ta sẽ đóng góp. Có cháu mới 13 tuổi ở TP.HCM cũng đóng góp 1 tấn gạo với 15 triệu đồng. Có nhiều người nhà đi chăm sóc bệnh nhân nhịn luôn cả buổi tối vì nghèo quá, không có chi để ăn. Chờ đến sáng hôm sau Hội Từ thiện chở vô mấy nồi cháo thì mới có miếng cháo mà húp".

Rồi ông kể: "Tôi có thời gian chăm sóc bà cụ trong BV Đà Nẵng nên cũng đã húp những miếng cháo của Hội Từ thiện TP đem vô để coi ngon dở thế nào. Và cũng tiếp cận với những hoàn cảnh rất bi đát. Bây giờ ở BV Ung thư Đà Nẵng có bếp ăn từ thiện sẽ giúp giải quyết được khâu này".

Ông Nguyễn Bá Thanh khẳng định BV Ung thư Đà Nẵng hoàn toàn hoạt động phi lợi nhuận, không có chuyện tư nhân nhảy vô tham gia chung chạ máy móc rồi chia chác. Người nghèo được miễn phí hoàn toàn, người nào khá thì vẫn phải thu tiền, lấy của người khá để bù đắp cho người nghèo. Và công trình này cũng đánh dấu sự thành công lớn nhất của Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng sau 10 năm hoạt động.

Đồng thời ông "bật mí": "Có thể tôi còn ở Đà Nẵng công tác 3 năm nữa kết thúc nhiệm kỳ rồi tôi nghỉ hưu, mà cũng có thể ở trên điều động tôi ra Hà Nội công tác. Nhưng dù đi hay ở thì tôi vẫn là Chủ tịch Hội và tinh thần là sẽ làm việc lâu dài. Nghỉ hưu rồi tôi vẫn tiếp tục làm Hội này, tiếp tục chương trình này. Biết đâu được lên TƯ, gần đơn vị này, gần đơn vị kia mình lại xin tiền về cho dân mình dễ hơn. Ước mơ của tôi là làm sao cán bộ, sau đó đến người dân Đà Nẵng cứ mỗi năm qua BV Ung thư một lần để tầm soát, có cái gì là xử lý ngay. 10 năm tới mà làm được điều này là đáng phấn khởi lắm rồi!".

Theo Infonet
[links()]