Phát hành mẫu tem về Nguyễn Thị Minh Khai

Google News

Nền tem là lá cờ Đảng thể hiện lý tưởng, hoài bão cho những người cộng sản chân chính mà Nguyễn Thị Minh Khai là một người tiêu biểu.

Ngày 23/11, nhân dịp kỷ niệm 72 năm ngày Nam Kỳ Khởi Nghĩa (23/11/1940 – 23/11/2012), Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Thành ủy và UBND TP.HCM phát hành bộ tem “Chiến Sĩ Cộng sản Nguyễn Thị Minh Khai (1910 - 1941), để tỏ lòng ghi nhớ cuộc đời phấn đấu không mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng và giải phóng dân tộc của bà.

Mẫu tem “Chiến sĩ Cộng sản Nguyễn Thị Minh Khai” được thể hiện bằng ngôn ngữ đồ họa đặc trưng và phối hợp màu chặt chẽ, cung ứng trên mạng bưu chính công cộng từ 23/11/2012 đến 30/6/2014.

Nổi bật trên tem là hình ảnh chân dung Nguyễn Thị Minh Khai, với nét mặt kiên định, thể hiện ý chí cách mạng, nhưng cũng giản dị, mộc mạc. Phía dưới là vòng nguyệt quế thể hiện sự tôn vinh những công lao và sự hy sinh cả cuộc đời của bà cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân Việt Nam.
Mẫu tem được khắc họa chân dung người chiến sỹ cách mạng yêu nước Nguyễn Thị Minh Khai (1910 - 1941)
Mẫu tem được khắc họa chân dung người chiến sỹ cách mạng yêu nước Nguyễn Thị Minh Khai (1910 - 1941)

Nền tem là lá cờ Đảng thể hiện lý tưởng, hoài bão cho những người cộng sản chân chính mà Nguyễn Thị Minh Khai là một người tiêu biểu. Hình ảnh tượng đài tại Khu tưởng niệm ở Ngã ba Giồng (Hóc Môn) gắn liền với cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở phía sau là một điểm nhẫn cho mẫu tem.

Nguyễn Thị Minh Khai tên thật Nguyễn Thị Vịnh (1910 tại xã Vĩnh Yên, TP.Vinh - Nghệ An). Bà là nhà cách mạng Việt Nam tiêu biểu; nữ chiến sĩ cộng sản Việt Nam và quốc tế kiên cường, bất khuất; một trong những cán bộ lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương, tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân Việt Nam.

Tháng 7/1940, bà bị thực dân Pháp bắt, kết án tử hình. Ngày 28/8/1941, cùng với các đồng chí của mình như Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu… Nguyễn Thị Minh Khai bị xử bắn tại Ngã Ba Giồng, nay thuộc huyện Hóc Môn, TP.HCM.

Theo Khám phá
[links()]