Phi công Trung đoàn 919 thoát chết gang tấc khi trực thăng phát nổ

Google News

(Kiến Thức) - Khi trực thăng Mi-4 trúng đạn địch, phi công Lê Đăng Kiểm vừa đưa được mọi người thoát ra thì cũng là lúc chiếc trực thăng phát nổ, bốc cháy.

Từng thoát nạn trước khi trực thăng phát nổ
Vụ trực thăng Mi-171 số hiệu 01 của Trung đoàn không quân 916, Sư đoàn không quân 371 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân bất ngờ gặp nạn, sau đó rơi tại thôn 11 (xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội) vào lúc 7h53 sáng ngày 7/7 đã khiến 18 quân nhân hi sinh, 3 quân nhân vẫn trong tình trạng nguy kịch. Đây là những mất mát lớn không chỉ gia đình thân nhân các nạn nhân mà còn là mất mát của Bộ Quốc phòng. Bởi họ là những chiến sĩ nhảy dù xuất sắc nhất.
Ông Lê Đăng Kiểm.
Vụ tai nạn thương tâm trên cũng khiến không ít những người lính phi công đã từng cầm lái trực thăng gặp nạn của thế kỷ 20 hồi tưởng lại những giờ phút đấu tranh giữa sự sống và cái chết của bản thân và đồng đội. Trong đó, có người lính phi công già Lê Đăng Kiểm (SN 1942, phố Vương Thừa Vũ, Thanh Xuân, Hà Nội), từng công tác tại trung đoàn 919 những năm 60 của thế kỷ trước. Phi công Lê Đăng Kiểm cũng là người từng lái chiếc trực thăng loại Mi-4 bị tai nạn do trúng đạn của địch vào ngày 28/4/1966.
Kể lại thời điểm khi trực thăng Mi-4 gặp nạn, người lính già Lê Đăng Kiểm cho biết, đó là một ký ức không thể nào quên trong cuộc đời người lính phi công của mình.
 Hiện trường trực thăng Mi-171 bốc cháy.
“Ngày 28/4/1966, khi chi bộ đang họp, vào lúc 23h30 đêm cùng ngày thì có báo động phải đi cứu đồng chí Nguyễn Hồng Nhị ở Bắc Cạn (đồng chí Nhị sau này là TGĐ đầu tiên của hãng hàng không Vietnam Arlines). Thời điểm đó, tôi lái trực thăng Mi-4, chưa có ra đa. Khi đó tổ bay gồm có tôi lái chính, một lái phụ, một cơ giới, một dẫn đường và một người phụ nữ là bác sĩ. Trực thăng cất cánh từ Gia Lâm bám theo quốc lộ 3. Đến khu vực Thái Nguyên trực thăng được dâng lên ở độ cao 600 m. Bởi địa phận ở đây núi đồi rừng cây rậm rạp. Nếu địch dùng 14 li 5, 12 li 7 hoặc súng AK bắn thì mình cũng không lường trước được nên tôi luôn phải đề phòng. Bản thân tôi đoán được điều đó nhưng khi kéo từ 600 m lên độ cao 950 m thì bất ngờ bị địch bắn trúng. Động cơ trực thăng cháy, khói tràn đầy buồng lái. Lúc này phải xử lý nhanh nhạy không trực thăng sẽ nổ tung, khói cũng không thể thở được”, ông Kiểm kể lại.
“Tôi phải làm động tác chuyển động cơ, tách động cơ với cánh quạt. Nhưng khi đó cánh quạt không nâng lên được nữa mà phải hạ xuống. Sau đó, tôi mới tắt động cơ. Một lúc sau, động cơ dịu đi không còn khói nữa. Tôi liền tìm bãi đất trống để hạ cánh. Quan sát thấy vào khu vực sông Cầu có khe hở tốt nhất. Khi cho trực thăng vào khu đất đó khoảng 50 đến 70 m, tôi phát hiện có bãi đất trồng sắn đã dỡ, rộng khoảng 15m, dài khoảng 25m. Lúc đó, tôi tiếp đất và kéo cánh quạt ra. Tất cả diễn ra rất nhanh chóng. Vừa đưa được mọi người thoát ra khỏi trực thăng thì cũng là lúc chiếc trực thăng phát tiếng nổ lớn và bốc cháy. Sau vụ việc đó, tổ bay được tặng bằng khen, còn bản thân tôi được tặng chiến công hạng 3”, ông Lê Đăng Kiểm nhớ lại.
Phi công Mi-171 đã bình tĩnh đưa trực thăng ra khu đất trống
Nói về những vụ tai nạn trực thăng, phi công Lê Đăng Kiểm cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến trực thăng gặp nạn như nổ động cơ, chim lọt vào làm chết máy, động cơ bị cháy hỏng. Nhưng nếu chỉ hỏng động cơ thì đơn giản vì còn một động cơ vẫn hạ cánh an toàn.
Bằng kinh nghiệm từng nhiều năm lái trực thăng của mình, khi trao đổi về việc phi công Mi-171 đã cố gắng đưa máy bay ra khu đất trống trước khi gặp nạn để tránh gây tổn thất cho người dân, phi công Lê Đăng Kiểm đánh giá đó là cách xử lý chính xác của phi công trực thăng Mi-171.
Trực thăng Mi-171.
“Tâm lý phi công bao giờ cũng phải tìm khu đất trống để hạ cánh, việc làm này khiến mức độ an toàn cao hơn nhiều khi tiếp đất. Khi máy bay gặp nạn ở trên không cần sự bình tĩnh xử lý của phi công. Tuy nhiên, khi ở trên không thì tâm lý rất khó bình tĩnh nhất là khi máy bay đang gặp nạn có nguy cơ nổ bất cứ lúc nào. Ở đây, phi công Mi-171 đã bình tĩnh xử lý tình huống. Theo dõi vụ việc có thể thấy căn cứ vào quỹ đạo cất cánh thông thường, máy bay gặp nạn đang ở vòng quỹ đạo 1, máy bay sẽ vòng qua bên trái đè trúng ngay khu chợ đông người . Vì thế, phi công đã cố gắng điều khiển máy bay vòng sang bên phải để đến được khu đất trống. Đó là một sự dũng cảm”, ông Kiểm cho biết.
Lý giải về việc, ở thời điểm gặp nạn, các chiến sĩ trên trực thăng Mi-171 không tìm cách nhảy ra ngoài để thoát thân, bởi không ít chiến sĩ có kinh nghiệm nhảy dù, ông Kiểm cho biết, khi máy bay Mi-171 gặp sự cố ở thời điểm đang lấy độ cao nên chưa đạt độ cao cần thiết, các chiến sĩ đã đeo dù cũng không thể nhảy được ra ngoài.
“Mi 171 có thể lấy độ cao từ dưới lên sau đó nhảy xuống nhưng ở độ cao thấp thì không thể nhảy được. Đó là nguyên nhân giải thích vì sao tất cả các chiến sĩ trên trực thăng Mi -71 gặp nạn vừa qua không nhảy ra ngoài trước khi máy bay tiếp đất và cháy nổ”, ông Kiểm giải thích.
Hải Ninh

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

Nguyễn Hưng -

nhiều thông tin cần kiểm chứng
Theo thông tin tôi được biết thì anh Nguyễn Hồng Nhị bị bắn rơi 2 lần:

1 lần trong chiến dịch Bolo ngày 2 tháng 1 năm 1967 và 1 lần vào Ngày 1 tháng 8, 1968.

Nguyễn Doanh Hòa -

Lạ quá!
"Ngày 28/4/1966, khi chi bộ đang họp, vào lúc 23h30 đêm cùng ngày thì có báo động phải đi cứu đồng chí Nguyễn Hồng Nhị ở Bắc Cạn"

Lạ quá! Năm 1966 thì miền bắc Việt Nam sao còn "Nếu địch dùng 14 li 5, 12 li 7 hoặc súng AK bắn thì mình cũng không lường trước được nên tôi luôn phải đề phòng. Bản thân tôi đoán được điều đó nhưng khi kéo từ 600 m lên độ cao 950 m thì bất ngờ bị địch bắn trúng." được nhỉ?

Hiển thị thêm bình luận