Phố cổ Hà Nội: Bốn đời giữ nghề làm hương

Google News

(Kiến Thức) - Khởi nghiệp từ khi nghiệp đoàn sản xuất hương trầm vẫn còn thịnh vượng, cho đến khi nghiệp đoàn tan rã thì ở phố cổ Hà Nội vẫn còn một gia đình giữ được nghề làm hương truyền thống.

Đó cũng là một trong những gia đình hiếm hoi giữ được nghề gia truyền.
Thời của nghiệp đoàn
Sau mấy lần đặt lịch, chúng tôi mới gặp được nghệ nhân Mai Lộc ở số nhà 26 phố Đồng Xuân. Cụ Lộc năm nay đã bước sang tuổi 82, là nghệ nhân làm hương duy nhất của Hà Nội còn sống và lèo lái con thuyền nghề gia truyền vốn rất tròng trành trong thời buổi người khôn của khó.
Cụ Lộc cho hay: "Thời nay máy móc sản xuất ra nhiều nên hương trầm cũng theo đó mà gia tăng về số lượng. Tôi chưa nói đến chất lượng sản phẩm, mới chỉ xét đến cung cách tổ chức sản xuất sản phẩm hương đã thấy rất lôm côm. Nghĩa là cơ sở sản xuất nào mạnh thì sống, yếu thì chết dẫn đến việc hương trầm cũng bị thật giả lẫn lộn".
Trong trí nhớ của cụ Lộc, ngày trước ở phố cổ Hà Nội, nghiệp đoàn sản xuất hương trầm được thành lập và hoạt động rất quy củ, gần như có một "hiến pháp" riêng đối với người làm nghề. Vì thế, không có chuyện hương bị làm giả dẫn đến sự độc hại, cũng không có chuyện sản phẩm hương sản xuất tùm lum như bây giờ.
 Hiện chỉ còn duy nhất một hiệu hương trầm ở phố cổ còn sót lại.
Những cái tên nổi tiếng của Hà Nội xưa trong nghề làm hương phải kể đến cửa hàng Vạn Anh, Tân Mỹ Thành, Đông An Dương, Vạn Lợi và Quảng Thái. Đây là 5 trong số vài chục thành viên trong nghiệp đoàn hương trầm Hà Nội đem lại vinh quang cho nghề. "Họ sản xuất hương rất điệu nghệ, không dùng chất hoá học, tất cả đều thủ công và dùng thảo mộc ướp tẩm nên người Trung Quốc, Thái Lan đều biết đến. Hương trầm phố cổ cũng từng được các lái buôn nước ngoài nhắm tới. Nhà buôn Bạch Thái Bưởi cũng mang hương phố cổ quảng bá đi khắp nơi", nghệ nhân Mai Lộc cho hay.
"Hiến pháp" của nghiệp đoàn hương trầm Hà Nội khá nghiêm ngặt. Họ quy định luật lệ cho các cơ sở sản xuất để giữ uy tín và cạnh tranh với các làng nghề khác trong cả nước. Vì thế, chỉ những thợ giỏi, những người có tâm với nghề mới tồn tại được với nghề làm hương trầm ở phố cổ. Tuy vậy, khi nghiệp đoàn tan rã, các gia đình chuyển đổi sang mô hình hợp tác xã thì nghề làm hương trầm bắt đầu mai một. Cho đến bây giờ, khi thị trường mở cửa thì người ta mới ngơ ngác nhìn lại những tên tuổi sáng giá trong nghề làm hương. Phố cổ vẫn còn đó, nhưng chỉ còn lại mỗi biển hiệu Tân Mỹ Thành trụ vững ở giữa phố Đồng Xuân trầm mặc. 
Anh Mai Anh là thế hệ thứ tư giữ nghề làm hương gia truyền. 
Bốn đời giữ nghề
Chẳng cần phải đắn đo, nghệ nhân Mai Lộc khẳng định, gia đình mình đã 4 đời giữ được thứ nghề này ở phố cổ. Bốn thế hệ, tính ra đã trên một trăm năm gia đình họ Mai gắn bó với "chiếc cầu nối tâm linh". Cụ Lộc bảo: "Chúng tôi vốn người Dốc Lã ở Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Mẹ tôi tên là Đọi, khi 9 tuổi đã theo chân người cậu ruột từ quê ra Hà Nội lập nghiệp. Trước đó, ông nội và bố tôi cũng đã gia nhập nghiệp đoàn hương trầm. Bây giờ con trai tôi nối nghề, vì giữ được thương hiệu lâu năm nên cũng đỡ vất hơn so với các nghề khác ở phố cổ này".
Con trai cụ Lộc, anh Mai Anh tuy chưa phải là một nghệ nhân trong nghề làm hương nhưng những bí quyết gia truyền thì anh nắm rõ trong lòng bàn tay. Ở cửa hàng số 26 bây giờ, cụ Mai Lộc trở thành cố vấn nghề, còn anh Mai Anh trở thành thợ cả. Vì là bí quyết nên người ngoài muốn học lỏm nghề làm hương cũng khó.
Tuy nhiên, anh Mai Anh cho hay: "Không phải ai muốn làm cũng làm được, có người không chịu được mùi hương, chỉ ba bẩy hai mốt ngày đã xin nghỉ việc. Tất nhiên, cũng có những người vào làm chỉ với ý định "ăn cắp" bí quyết. Nhưng chúng tôi tiếc gì mà không truyền, chỉ sợ họ về rồi dùng hoá chất tẩm hương thì bí quyết tự nhiên lại có hại".
Để làm được hương trầm thực thụ không hề đơn giản. Cụ Mai Lộc bật mí, trong hương liệu làm hương trầm phải có rễ cây hương bài. Nhưng rễ cây này rất hiếm, phải quen biết những người lâu năm trong nghề làm thuốc vùng Nghệ Tĩnh thì mới mua được. Ngoài ra, phải trộn với thảo quả, hoa hồi, quế chi, trầm xô, bã mía và một số thứ đặc biệt khác phải giữ kín.
Những bí quyết truyền đời đã khiến dòng họ Mai trở thành một trong những địa chỉ uy tín nhất trong nghề làm hương trầm ở miền Bắc nước ta hàng trăm năm nay. Cụ Mai Lộc cho hay: "Trước kia, ông nhà văn Nguyễn Tuân cũng hay ghé qua cửa hàng chơi và mua hương về đốt. Ông ấy đốt hương không phải để thờ, mà để thưởng thức cái hương thơm tự nhiên của đất trời. Nghe đâu, ông ấy vừa ngửi hương trầm vừa viết văn viết báo". 
Cửa hàng số 26 trải qua 4 đời làm hương. 
Chọn cửa hẹp
Bốn đời giữ được nghề làm hương và phát triển được cho đến ngày nay phải nói là một kỳ tích. Tuy nhiên, theo nghệ nhân Mai Lộc thì cửa hàng đã "chọn cửa hẹp" mà đi giữa thời hương trầm giả nhiều hơn hương trầm thật. Theo giải thích của cụ, từ khi Nhà nước thực hiện cơ chế mở cửa, các hiệu sản xuất hương trầm phố cổ chết dần chết mòn dù thương hiệu đã nức tiếng gần xa.
Nguyên nhân có nhiều, nhưng tựu chung lại là bởi các làng nghề đua nhau làm hương. Nhiều gia đình làm hương tẩm hoá chất, hoặc sản xuất theo lối ồ ạt giá rẻ nên hàng thật không tiêu thụ nổi. Một số hiệu sản xuất hương trầm chạy theo xu thế làm hàng kém chất lượng, cuối cùng thương hiệu bị mất, cạnh tranh không nổi đành sập tiệm.
Riêng thương hiệu hương trầm Tân Mỹ Thành do cụ Mai Lộc tiếp quản lại đi theo lối khác. Cụ Mai Lộc chủ trương sản xuất hương chất lượng cao theo bí quyết gia truyền. Hương tuy đắt, nhưng không độc hại và chỉ bán cho những người quen biết ở phố cổ. Thế rồi, tiếng lành đồn xa, dần dần cửa hàng trở nên đông khách. Có những người cách xa hàng ngàn cây số vẫn viết thư đặt hàng. Hay những cụ cao niên ở phố cổ trước ngày mùng 1 và 15 hằng tháng đều đến số nhà 26 mua cho kỳ được một bó hương trầm về thờ gia tiên.  
Nhìn cửa hiệu lúc nào cũng đông khách, chúng tôi tấm tắc khen ngợi nghề làm hương trầm có lẽ là thứ nghề phát triển nhất trong những nghề phố cổ. Nhưng cụ Mai Lộc lại lắc đầu, bảo: "Nhìn bề ngoài thế thôi chứ không phải cứ đông khách là phát triển. Để cạnh tranh, chúng tôi phải bỏ số tiền lớn để mua hương liệu cao cấp. Còn điều nữa, là dù con trai tôi đã nối được nghề nhưng chắc chắn các cháu tôi sẽ chẳng có đứa nào theo nghề gia truyền nữa. Chúng muốn ngồi bàn giấy và làm việc trong các văn phòng cao tầng".
Trần Hoà