Phố cổ Hà Nội: “Lột hồn” vào giấy

Google News

(Kiến Thức) - Éo le thay, sứ mệnh của những người truyền thần cho đến nay gần như vắng bóng, chỉ còn lại một họa sĩ già quanh năm suốt tháng suy tư với bức hình đen trắng.

Hà Nội thời Pháp thuộc và ngay kể cả thời bao cấp thì nhiếp ảnh là thứ quá xa xỉ với người dân. Vì thế, nghề vẽ truyền thần có đất sống và trở nên cực thịnh. Phố cổ cũng nhờ thế mà có thêm một nghề.
Dòng tranh Hà Nội phố
Một trong những cửa hàng truyền thần lâu đời nhất ở Hà Nội hiện nay phải kể đến số nhà 47 phố Hàng Ngang. Chủ nhân ngôi nhà là cụ Bảo Nguyên - một họa sĩ nức tiếng trong giới truyền thần cả nước hơn 50 năm qua. Cụ Bảo Nguyên gọi vui cửa hàng của mình là xưởng sáng tác. Gọi là xưởng nhưng thực chất ngôi nhà chỉ rộng tròn 8m2.
Ngồi trầm ngâm ngắm những bức hình đen trắng, cụ Bảo Nguyên nhận xét: "Truyền thần là một dòng tranh của Hà Nội phố, trước có cụ Bùi Xuân Phái vẽ tranh sơn dầu phố cổ nổi tiếng cả thế giới. Truyền thần xếp hàng thứ hai nhưng nổi tiếng cho đến bây giờ. Nhiều họa sĩ tài danh của nước ta cũng xuất thân từ vẽ truyền thần".
Họa sĩ Bảo Nguyên năm nay đã bước sang tuổi 79, thâm niên 53 năm trong nghề khiến cụ chẳng thể quên những thăng trầm của nghề truyền thần Hà Nội. Cụ cho hay: "Thời Pháp thuộc và thời bao cấp, ở Hà Nội rất hiếm hiệu ảnh. Mà nếu có thì không phải ai cũng có điều kiện chụp hình, nó là thứ xa xỉ nhất với người Hà Thành. Vì thế mà nghề truyền thần trở nên cực thịnh. Sau mỗi cuộc chiến, Hà Nội cháy rụi trong biển lửa thì người ta lại đem những bức hình còn sót lại đến các cửa hàng truyền thần để vẽ lại". 
Họa sĩ Bảo Nguyên là người cao tuổi nhất còn vẽ truyền thần. 
Họa sĩ Bảo Nguyên cho rằng, truyền thần ở Hà Nội chủ yếu chia ra làm hai trường phái mà người ta gọi là khô và ướt. Khô tức là dùng chì để vẽ, còn ướt là dùng mực Tàu để thể hiện. Những họa sĩ tài danh dùng mực Tàu để vẽ truyền thần cho đến nay không con ai. Chỉ còn lại đấy những tên tuổi như cụ Huân ở phố Hàng Quạt, cụ Thành phố Bà Triệu và cụ Thái ở phố Bạch Mai.
Trong trí nhớ của cụ Bảo Nguyên, Hà Nội xưa có đến hàng trăm cửa hàng truyền thần. Nhu cầu vẽ truyền thần của người dân rất nhiều và đa dạng như chụp ảnh bây giờ. Các thợ vẽ truyền thần ngày trước làm nghề rất nghiêm túc, không có chuyện mở cửa hàng ra chỉ để kiếm tiền. Họ làm nghề bằng đam mê và cái tâm rất trong sáng.
Khó vẽ nhất là những nếp nhăn
Nghề vẽ truyền thần rất kén người, theo họa sĩ Bảo Nguyên: "Là họa sĩ chưa chắc đã làm được truyền thần, nhưng đã vẽ truyền thần thì phải là một họa sĩ. Việc anh vẽ giống y đúc chưa nói được điều gì, việc anh lột được hồn cốt người khác vào giấy thì mới là thành công. Cái nghĩa của truyền thần là ở cái hồn cốt và thần thái".
Để trở thành một họa sĩ truyền thần, ngoài niềm đam mê và năng khiếu bẩm sinh, người họa sĩ còn phải am hiểu về con người và nội tâm người khác thì mới có thể thực hiện thành công tác phẩm. Cụ Bảo Nguyên cho biết: "Nghề này rất khó để truyền, mà cũng rất khó để học. Tôi hồi nhỏ hay lân la vẽ nghịch rồi xem các thầy vẽ thì mình học theo, nhưng thực sự làm nghề thì mãi đến năm 1960. Ở Hà Nội cũng có một số họa sĩ dạy vẽ truyền thần như thầy Ánh và thầy Văn Xương".
Theo họa sĩ Bảo Nguyên, "lột" được cái hồn của người khác ra tờ giấy trắng không phải là đơn giản. 
Họa sĩ Bảo Nguyên cũng thẳng thắn rằng: "Người ta cứ nói với nhau vẽ truyền thần thì đôi mắt là quan trọng nhất. Tôi cho rằng không phải, cái quan trọng nhất và khó vẽ nhất là những nếp nhăn trên khuôn mặt con người. Hơn 50 năm qua tôi đeo đuổi nghề và nhận ra điều ấy chứ không phải là đôi mắt".
Quả thật, "lột" được cái hồn của người khác ra tờ giấy trắng không phải là đơn giản. Có nhiều cách vẽ khác nhau, như cách "thả mành mành" là vẽ từ trên xuống, có người lại vẽ mắt, mũi, miệng rồi mới đến tóc tai. Họa sĩ Bảo Nguyên lại vẽ tóc, phông nền, áo rồi mới đến mắt, mũi và xử lý các nếp nhăn sao cho thật tinh tế. Theo cụ Nguyên, cách vẽ này tuy không nhanh nhưng lại rất sắc nét.
Có lẽ vì thế mà suốt 53 năm theo nghề truyền thần, hàng nghìn tác phẩm được hoạ sĩ Bảo Nguyên thực hiện đều được trân trọng. Trong đó, có những tác phẩm vẽ chân dung của các chính khách trong và ngoài nước, những nghệ sĩ tài danh đều được thể hiện một cách tỉ mỉ. 
Cụ Nguyên bật mí: "Chính truyền thần và những bức vẽ trắng đen là chủ đề không thể thiếu của người phố cổ mỗi buổi sớm mai khi họ ngồi nhâm nhi uống cà phê vỉa hè hay tất bật việc buôn bán. Truyền thần trở thành một thứ nghề đặc biệt của Hà Nội cũng nhờ biết "lột" cái hồn của con người ra tờ giấy trắng".
Nhà 47 phố Hàng Ngang - cửa hàng truyền thần lâu đời nhất phố cổ. 
Nếu phố cổ không còn người vẽ truyền thần...
Theo họa sĩ Bảo Nguyên, hiện nay ở Hà Nội không còn nhiều người vẽ truyền thần. Số họa sĩ thực sự làm nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay, những cửa hàng còn lại thì "nửa nạc nửa mỡ", nhưng dù sao thì đó vẫn là tín hiệu vui cho Hà Nội khi nghề vẽ truyền thần đang dần vắng bóng.
Một trong những nguyên nhân khiến truyền thần rơi vào nguy cơ thất truyền là bởi thời "công nghệ số". Các hiệu ảnh mọc như nấm sau mưa, với giá cả rẻ lại nhanh chóng đã thu hút người dân. Nghề vẽ truyền thần quá công phu, giá cả lại không hề rẻ nên người dân ít có ai mặn mà. "Một tác phẩm chân dung khổ lớn tôi phải mất tới 5 ngày thực hiện, giá cả cũng lên tới 4 - 5 triệu đồng. Chỉ những người còn quá lưu luyến và hiểu được nghệ thuật truyền thần thì họ mới đến đặt hàng", họa sĩ Bảo Nguyên cho biết.
Có lần GS Vũ Khiêu, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc và họa sĩ Lê Thiết Cương có dạo quanh phố cổ và nhận xét với họa sĩ Bảo Nguyên rằng: Còn nghệ thuật truyền thần là còn phố cổ. Vậy, giả sử Hà Nội không còn truyền thần, thì phố cổ sẽ thế nào? Họa sĩ Bảo Nguyên thẳng thắn: "Nếu như phố cổ không còn người vẽ truyền thần thì phố cổ coi như không còn hồn cốt. Vấn đề bây giờ là thời gian. Liệu bao nhiêu năm nữa phố cổ sẽ không còn người vẽ truyền thần. Như tính toán của tôi thì sẽ chẳng được bao lâu nữa".
Những thợ vẽ truyền thần như cụ Bảo Nguyên không chỉ yêu nghề, sống chết với nghề mà còn coi truyền thần là nghệ thuật sống. "Ngày nào không vẽ, tôi cảm thấy rất nhớ và như thiếu một thứ gì đấy. Đã đa mang với nghề thì yêu nó là điều tất yếu. Nhưng với thợ truyền thần giỏi, mình không chỉ phải yêu nghề, mà còn phải tìm tòi, lọ mọ với nó thì mới mong sống được giữa thời hiện đại này", họa sĩ Bảo Nguyên thổ lộ.
"Con trai tôi là Nguyễn Bảo Lân cũng học nghề vẽ truyền thần nhưng xem chừng chẳng mặn mà cho lắm. Tôi cũng không rõ rồi con cháu mình có giữ được nghề truyền thần hay không. Biết đâu đấy sau này mình chết thì chúng sẽ cho thuê béng cái cửa hàng này đi kiếm mỗi tháng vài ba chục triệu".
Họa sĩ Bảo Nguyên
Trần Hoà