(Kienthuc.net.vn) - Ít ai biết rằng, ở một thị trấn nhỏ như Tân Bình (Yên Sơn, Tuyên Quang) lại có nhiều người đi lao động nước ngoài đến vậy. Không chỉ đi Li-bi, người dân nơi đây còn đi khắp thế giới kiếm ngoại tệ.
|
"Phố Li-bi" ở Tuyên Quang. |
Nơi có 300 người đi Li-bi
Trụ sở UBND thị trấn Tân Bình nằm sâu trong cổng của doanh trại quân đội, thế nên bất kỳ ai ra vào khu vực này đều phải xuất trình giấy tờ, xuống xe dắt máy. Tò mò, chúng tôi hỏi ông Bùi Văn Tuyên, Bí thư Đảng ủy thị trấn Tân Bình, ông Tuyên bảo: "Đây là khu vực của quân đội nên việc ra vào cũng nghiêm ngặt hơn, vì thế mà an ninh cũng rất tốt. Người dân được đi Li-bi cũng là nhờ sự hợp tác bên quân đội".
Thị trấn Tân Bình là nơi "đóng đô" của Công ty Cơ khí hóa chất 13 thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Theo lời ông Tuyên, hầu hết người dân địa phương đều làm công nhân cho công ty nên đời sống của bà con khá ổn định.
Từ những năm 1989 theo chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Li-bi, các công nhân ở Tân Bình mới sang Li-bi làm việc. Tổng tất thảy có 3 đợt xuất khẩu lao động nên ở Tân Bình, số người sang Li-bi lên tới trên dưới 300 người.
Ông Trần Kim Chung, Chủ tịch UBND thị trấn Tân Bình cho biết một cách tỉ mỉ: "... địa phương có 1.238 hộ dân với trên 4.000 nhân khẩu gồm 6 dân tộc sinh sống. Phố Li-bi thuộc tổ 3 và tổ 6, chạy dài từ km13 đến km16 ven Quốc lộ 2 đi Tuyên Quang".
Ông Chung cũng cho biết, người dân ở tổ 3 và tổ 6 Tân Bình tập trung lao động tại Li-bi rất đông, hầu như nhà ai cũng có người tham gia. Ngay cả bố ông Chung là cụ Trần Thái Học cũng là một trong những công nhân xuất khẩu lao động thời kỳ hợp tác Việt Nam - Li-bi. Cụ Học về nước và nghỉ hưu từ năm 1993 cho đến nay.
Ông Bùi Văn Tuyên, Bí thư Đảng ủy thị trấn Tân Bình trước kia cũng từng đi lao động tại Li-bi. Sau khi về nước, ông mới tiếp tục công việc xã hội. Ngoài ông Tuyên, còn ông Hoàng Xuân Toàn hiện đang là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh và ông Nguyễn Hữu Hoàn, Chủ tịch HĐND thị trấn cũng từng đi Li-bi kiếm ngoại tệ.
Ông Tuyên bảo: "Ở đây gần như toàn bộ lao động là công nhân bên quân đội nên cơ hội đi xuất khẩu lao động theo diện hợp tác thì đếm không xuể. Đấy, anh xem cuộc sống người dân cũng khá lên từ đó".
|
Một hộ dân "phố Li-bi" chuẩn bị lễ tân gia. |
"Hàng nghìn người đi khắp thế giới"
Đó là bật mí của ông Trần Kim Chung, Chủ tịch UBND thị trấn Tân Bình. Vì theo ông Chung, nhiều lao động địa phương không chỉ đi Li-bi mà còn đi các nước châu Âu và các nước thuộc Liên Xô cũ.
Như ông Đặng Văn Diễn hiện đang là Tổ trưởng Tổ dân phố 2 từng đi Tiệp Khắc gần chục năm ròng. Ở khu phố 2 này cũng không ít người đi xuất khẩu lao động, họ sang cả Đức, Bungari...
Ông Phạm Hùng Dũng, Cán bộ Văn phòng thị trấn Tân Bình từng đi Tiệp Khắc từ năm 1987 - 1991 kể: "Thời ấy, tôi đi sang nước nào cũng gặp các anh em lao động từ Tân Bình. Bên ấy tôi có nhiều đồng hương đến nỗi vui quên Tết".
Còn ông Nguyễn Văn Thọ, Tổ trưởng kiêm Bí thư Tổ 3 từng lao động 3 năm tại Li-bi cho biết: "Làm việc bên đó lương cao lại không vất vả như lao động ngoài diện hợp tác. Thế nên ai cũng béo tốt, về Việt Nam một thời gian ăn uống thất thường lại teo tóp lại".
Người giữ được nhiều kỷ niệm nhất thời lao động tại Li-bi phải kể đến ông Phan Văn Vinh hiện đang là Tổ trưởng Tổ 6. Ông Vinh cùng vợ mở tủ lấy ra cuốn album ảnh chụp từ những năm 1998. Đó là những bức ảnh chụp các anh em lao động từ Việt Nam sang, có bức lại chụp với những người bạn nước ngoài, bức khác lại chụp với những chú lạc đà giữa sa mạc cát.
Ông Vinh bảo: "Tôi đi từ năm 1998, đến năm 2001 thì về kết thúc hợp tác giữa Việt Nam và Li-bi. Vừa rồi ở khu phố của tôi cũng có người đi Li-bi lao động theo diện ngoài hợp tác nhưng không may mắn bởi nội chiến, về được Việt Nam là quá may mắn".
|
Không có đất, người dân tận dụng thùng xốp để trồng rau. |
Không một mảnh ruộng
Lời khẳng định của ông Trần Kim Chung, Chủ tịch UBND thị trấn Tân Bình chắc như đinh đóng cột rằng: "Thị trấn không có một mảnh ruộng nào, cũng không có rừng để làm lâm nghiệp. Chỉ có một số mảnh đồi, ai làm thì làm".
Lý giải về việc nông dân không đất canh tác, ông Chung cho hay, đó là vì từ lâu người Tân Bình đã làm công nhân cho bên Công ty Cơ khí hóa chất 13. Thị trấn có hơn 4.000 người thì đã có khoảng 1.000 người nghỉ hưu, 2.000 công nhân, còn lại là lao động tự do và học sinh sinh viên.
Quả thật, từ sự "không có đất" này đã khiến người dân phải vắt óc suy nghĩ kiếm đất trồng rau. Và một số đã nghĩ ra cách kiếm đất cho vào thùng xốp để trồng tất cả những loại rau hữu dụng. Bà Hoàng Thị Nhã ở Tổ 6 cũng có chồng đi Li-bi, cả hai vợ chồng đã nghỉ hưu nên bà vừa tận dụng thùng xốp trồng rau, vừa làm hoa pha lê để bán các cửa hàng.
Chính vì không có một mảnh ruộng nên Tân Bình cũng không thuộc đối tượng áp dụng trong Dự án Nông thôn mới. Tuy vậy, đường sá và cơ sở vật chất của Tân Bình lại khá ổn, thậm chí nhỉnh hơn các vùng khác như giải thích của ông Chủ tịch Thị trấn: "Vì họ có tiền và có ý thức".
|
Một số anh em ngườiTân Bình đón Tết tại Li-bi năm 2001. |
"Phố Li-bi" hiện nay tập trung làm dịch vụ buôn bán rất đa dạng. Những hộ làm dịch vụ nhỏ lẻ không tính nhưng có đến 56 hộ làm dịch vụ có nộp thuế môn bài. So với các nơi thì cuộc sống của người dân phố Li-bi cao hơn hẳn, thu nhập đầu người gần chục triệu đồng/tháng. Tuy sống ở nước ngoài nhiều nhưng người dân vẫn giữ những phong tục tập quán địa phương, điều đó tạo nên một khu phố vừa sầm uất lại giàu truyền thống".
Ông Trần Kim Chung (Chủ tịch UBND thị trấn Tân Bình) |
Trần Hòa
BÀI ĐỌC NHIỀU: