Thời gian gần đây, dân vùng Tây Bắc truyền tai nhau câu chuyện mang đầy màu sắc thần bí: Một con rắn hổ chúa dài tới hơn 4m, đen sì bỗng dưng tìm đến ở tại nhà dân ở xã Tông Lạnh, Thuận Châu, Sơn La. Hoảng hốt trước sự viếng thăm lạ lùng này, gia chủ đã lập miếu cho rắn ở và ngày ngày chăm bẵm, phụng thờ hết sức tôn nghiêm, thành kính.
Tin đồn ấy bùng phát, khiến cả ngàn người từ rất nhiều nơi tìm về Tông Lạnh mong được “diện kiến bà chúa rắn” để thỏa chí tò mò và xì xụp hương khói “mong bà phù hộ”. Sự mê muội, hiếu kỳ của cả ngàn người ấy không những khiến đời sống của người dân ở xã miền núi này xáo động mà còn khiến gia đình khổ chủ mệt mỏi, đau đầu…
Lũ lượt kéo nhau đi xem “bà rắn linh thiêng”
Nhà ông Đinh Văn Hùng, nơi “bà rắn” đang “cư trú” ở Tiểu khu 7. Đến Thuận Châu, hỏi nhà ông Hùng, ai cũng biết. Thậm chí, nhiều người sau khi đã vẽ đường rõ ràng xong còn tận tình dặn chúng tôi nhớ mua hương, hoa vào “dâng bà chúa rắn” nếu không “bà”… giận, không chịu ra để cho… xem mặt.
Vòng vèo mãi thì chúng tôi cũng tìm được tới nhà người đàn ông “bỗng dưng nổi tiếng” ấy. Biết chúng tôi là nhà báo, ông Hùng mừng ra mặt.
Ông bảo: “Các anh đến thật may cho gia đình tôi quá! Nhờ các anh giải quyết giúp gia đình chúng tôi chứ thế này tôi cũng mệt mỏi lắm! Ngày nào gia đình tôi cũng phải tiếp rất nhiều người đến thăm, xem mặt “bà rắn”. Rồi mọi người còn cúng bái, hương khói nữa”. Ông Hùng vừa nói vừa chỉ tay về phía nhóm người đang đứng ngồi lố nhố ở ngay sát miếu thờ “bà chúa”.
|
Ngôi miếu nhỏ là nơi ở của "bà rắn". |
Theo ông Hùng, thời gian này còn đỡ, chứ trước đây, có ngày gia đình ông phải tiếp đến cả mấy trăm người. Họ kéo từ khắp mọi nơi, người đến để cầu cúng, người thì bởi hiếu kì muốn được tận thấy rắn chúa khổng lồ.
Tại nhà ông Hùng, hôm đó chúng tôi có gặp mấy người ở mãi Than Uyên, Lai Châu lặn lội “bám theo tin đồn” xuống… thăm “bà rắn”.
Chị Lò Thị Thoan, trong nhóm người đó bảo, chị vượt 200 km đường rừng xuống. Chị bảo, theo tin đồn thì “bà rắn” có mào đỏ chót và có tới… 2 đuôi nên chị tò mò lắm.
Tới nơi, biết đó chỉ là tin đồn nhưng tận thấy con rắn lớn chưa từng thấy ấy chị cũng thấy… vô cùng thích thú. Lần này về, chị sẽ thu xếp công việc để đưa một người thân đang bị bệnh nan y xuống để nhờ “bà” phù hộ, giải bệnh hạn cho.
Theo quan sát của chúng tôi, miếu nơi “bà chúa” đang “ngự” nằm ngay trong sân nhà ông Hùng. Người dân tự đặt bát nhang, hương hoa la liệt, khói hương nghi ngút cả một góc sân.
Có người, chẳng biết do tò mò hay muốn lụy phiền “bà” việc gì đó mà thò cả mặt vào trong cửa miếu rồi hét toáng: “Bà rắn ơi, bà quàng vào cổ con đây này. Con nguyện hầu hạ bà suốt cõi đời…”.
Nhìn cảnh ấy, chúng tôi chân tay rụng rời, còn ông Hùng thì giãy nảy chạy đến lôi kẻ quá khích ấy ra. Nói dại, “bà” mà nổi cơn điên, bà bổ cho một nhát vào mặt thì không biết thế nào!
Theo ông Hùng, ban đầu, thấy người dân hiếu kỳ tụ tập đến xem, gia đình ông cũng lấy làm vui thích. Tự dưng nhà có thêm nhiều khách, câu vào câu ra cũng xôm cửa xôm nhà.
Thế nhưng, khách mỗi lúc một nhiều, tiếp không xuể, cuộc sống gia đình bị ảnh hưởng. “Người ta đến thăm chốc lát rồi đi thì không sao, đằng này có nhiều người còn trải chiếu trước miếu nhỏ, cương quyết ngủ lại với hy vọng sẽ được bà rắn “ban phước lành”! Đêm hôm, họ xục xạo, gia đình tôi không thể nào ngủ được! Ngay cả việc phải kể lại chuyện “bà rắn” xuất hiện như thế nào, tại sao lại xây miếu cho “bà” ấy cũng đủ mệt, chả còn thời gian mà làm ăn nữa!”, ông Hùng mệt mỏi phân bua.
Bà Lý, vợ ông Hùng có lẽ là người mệt nhất. Bà kể, từ hôm con rắn về nhà bà ở, bà đã bị sút mất 4 kg, mặt mày lúc nào cũng phờ phạc như người ốm dậy.
“Người ta kéo đến cứ mang hương vào miếu. Tôi đã yêu cầu họ không được mang hương vào vì việc này chẳng khác nào người ta đến… phúng mình. Gia đình đóng cửa để đi ngủ, họ xô đổ cả cổng, trèo rào vào xem. Cả nhà tôi mất ăn, mất ngủ vì “bà rắn”. Không những vậy, chính quyền huyện, tỉnh yêu cầu nhà tôi viết hết giấy tờ này đến giấy tờ khác…”, bà Lý giãi bày.
Không những thế, nhiều người biết “bà rắn” chỉ nghe lời bà Lý nên nhiều khi không “mời” được “bà” ra, họ lại viện đến bà. Khi đó, thấy người ta vật nài, dù không muốn nhưng bà Lý vẫn phải miễn cưỡng chiều khách.
Mãng xà 2 lần về nhà xin “tạm trú”
Chờ khi mọi người về vãn, ông Hùng mới tĩnh tâm kể lại quá trình “bà rắn” đến cư ngụ tại nhà mình. “Đó là chuyện rất khó tin các anh ạ. Chính bởi khó lý giải nên tôi mới lập miếu làm nơi ở cho “bà rắn” này”, ông Hùng bắt đầu câu chuyện.
Theo đó thì cách đây vài năm, vợ chồng ông chuyển về khu đất ven suối Muội để làm ăn, buôn bán. Năm 2011, ông quyết định mở nhà hàng ăn uống trên nền đất mà mình khai phá. Đến giờ, ông Hùng vẫn nhớ như in chuyện xảy ra cách đây đúng một năm trời.
Hôm đó, chừng 3 giờ chiều (ngày 17-3-2011, âm lịch), khi anh em công nhân chuẩn bị hạ thổ xây quán thì bỗng em gái ông hét lớn: “Anh Hùng ơi, rắn! Nhà mình có con rắn to lắm!”.
Nhìn cô em gái mặt mày xám ngoét, ông Hùng vội chạy về phía gốc sung gần bờ suối nơi em mình đứng như trời trồng. Nhìn theo hướng tay chỉ của cô, ông cũng giật mình kinh hãi. Trước mắt ông là con rắn hổ mang to cỡ cổ chân người đang chầm chậm bò vào trong đống củi. Vài giây sau, khi đã hoàn hồn, theo phản xạ ông vớ cây gậy ở gần đó chẹn vào lưng con vật khổng lồ, gớm ghiếc ấy.
|
Rắn chúa nằm trong miếu. |
Vốn là người ở rừng nên ông Hùng có nhiều kinh nghiệm bắt rắn, ông tin rằng khi bị chẹn giữa lưng thì con rắn dù mạnh mẽ tới đâu sẽ thành vật vô hại. Thế nhưng, không ngờ dù đã dùng hết sức ấn cây gậy xuống mà con rắn vẫn cố trườn đi.
Thấy đối phương chạy trốn, ông vừa hò hét người, vừa cố đi theo. Tuy nhiên, việc đó khiến con rắn nổi điên. Và, chỉ trong chớp mắt, ông toát mồ hôi khi thấy trước mặt mình là chiếc đầu con quái thú bạnh to cỡ cái quạt nan, đang nhe nanh, nhe vuốt hăm dọa.
Khi đó, bởi quá sợ hãi, ông đã bất động và đợi chờ đòn trả đũa sẽ cướp đi tính mạng của mình ấy. Nhìn cảnh tượng kinh hãi đó, những người có mặt đều toát mồ hôi, nín thở theo dõi.
Thế nhưng, kỳ lạ, con rắn cứ bạnh cổ, lè lưỡi đu đưa trước mặt ông chứ không chịu động thủ. Ông Hùng cũng không dám nhúc nhích, vẫn kiên nhẫn đợi chờ… cái chết sẽ đến với mình.
Lạ kỳ thay, con rắn bỗng từ từ hạ độ cao rồi khoanh tròn và nằm ngoan ngoãn. Nhìn quái thú bỗng dưng hiền từ, đám thợ đang làm việc ở nhà ông cũng mắt tròn mắt dẹt kinh ngạc.
Thấy con rắn đã nằm im, lấy hết can đảm, bằng một động tác rất chuyên nghiệp, ông Hùng đã lần tìm đuôi rắn và nhẹ nhàng túm lấy. Khi rắn đã nằm yên trong bao, ông Hùng và mọi người mới mừng rỡ cân thử “chiến lợi phẩm” mà mình vừa bắt được. Kim cân đồng hồ chỉ 4,2kg.
Khi ấy, mấy người thạo về loài vật này đều khẳng định, đó là rắn hổ chúa. Và, chỉ cần dính một xíu độc của con rắn này thì đến voi cũng chết bất đắc kỳ tử. Nghe mọi người nói thế, ông Hùng thấy lạnh sống lưng.
Ông Hùng kể, khi đó, cánh thợ cứ đòi “làm thịt” mãng xà. Nghĩ đến món thịt rắn thơm ngon, ông cũng khoái lắm, nhưng lại thôi. Sống ở rừng nhiều năm ông biết, nếu ai giết rắn hổ mang chúa thì thường gặp những chuyện không may.
Nghĩ thế, ông vội báo với chính quyền địa phương và kiểm lâm huyện. Các cơ quan đó đã quyết định cùng ông thả mãng xà đó vào rừng.
Ông Hùng kể, hôm thả rắn, ông trịnh trọng sửa hẳn cái lễ gồm, gạo, muối, hương, hoa, tiền vàng… để cúng thần rừng, mong thần rừng hãy tiếp nhận “đứa con lạc loài” của mình. Địa điểm ông thả con rắn là cánh rừng trước mặt, cách nhà ông chừng 2km.
Tưởng như chuyện chỉ có vậy, nhưng đúng 1 năm sau, lại là ngày 13-3-2012 (âm lịch) nhà ông Hùng tổ chức khánh thành nhà hàng. Quan khách, bà con ở khắp nơi nô nức đến chúc mừng.
Cũng đúng tầm 3h chiều mọi người trong nhà lại được phen tá hỏa khi người nhà ông Hùng phát hiện con rắn khổng lồ đang cuộn tròn trong góc bếp.
Vội vàng chạy xuống, ông Hùng đã giật mình khi thấy con rắn này có hình dáng y hệt mãng xà mà mình thả đi năm ngoái.
Thấy con rắn nằm im thin thít, ông Hùng và mọi người đã dậm chân, vỗ tay, thậm chí dùng cả gậy gộc xua đuổi nhưng con rắn vẫn bất động. Mọi người xúm đông xúm đỏ vào xem sự kiện lạ lùng đó. Có người mách bảo, chắc là rắn thiêng, “rắn thần”, nên đừng ai có dại mà lấy bạo lực để xua đuổi, đánh đập.
Nghe mọi người nói vậy, ông Hùng vội vàng đốt mấy nén hương, cắm ở gần nơi rắn nằm và lẩm nhẩm cầu khấn: “Nếu ông đúng là ông rắn năm ngoái đã đến với gia đình chúng con thật thì ông hãy nằm gọn vào một chỗ, kẻo mọi người đánh phải”.
Lạ thay, ông Hùng vừa dứt lời thì rắn từ từ trườn lên cột bếp, rồi sang nhà và khoanh thành 7 vòng. Nó cứ nằm im một chỗ mặc lũ chó nhà sủa ầm ĩ.
Ông Hùng kể, sau khi khách tan, vào nhà ông vẫn thấy nó đánh đu trên hiên nhà mình. Lúc đó, quan sát kỹ ông thấy nó đúng là con rắn năm ngoái mà ông đã thả.
Sau này, khi đưa con rắn đó vào nơi ở mới, ông tranh thủ cân đo lại. So với năm ngoái, mãng xà đó nặng hơn gần 1kg (5kg) và dài hơn 4m. Đầu có hình chữ thập màu vàng, thân đen, cách 7cm lại có một vòng nhỏ màu trắng.
Xây miếu cho mãng xà trú chân
Lần thứ 2 bà rắn về nhà ông Hùng khiến gia đình ông Hùng vô cùng bất ngờ. Vốn là người làm ăn buôn bán nên ông Hùng tin rằng, có thể đây là một điềm lành.
Ông Hùng kể, khu đất nhà tôi nằm cạnh dòng suối Muội. Cách đây khoảng vài năm, tốp thợ dọn đá suối di chuyển đi nơi khác, ông phát hiện một hòn đá có hình thù con linh cẩu rất to. Tốp thợ định vứt đi, nhưng ông Hùng thấy đẹp nên giữ lại.
Nơi ông Hùng đặt miếu ở cạnh chỗ hòn đá mang hình con linh cẩu. Cửa miếu ngoảnh ra suối, lưng tựa núi. Miếu được làm 3 tầng, có cả ao bên cạnh cho “ngài” tắm. Cạnh miếu là khu vườn nhỏ, chỗ chơi của “ngài”. Miếu cho bà rắn ở được xây dựa thế “tựa sơn đạp thủy” nên ông Hùng rất ứng ý.
Ngày đầu chuyển nhà mới, “ngài” có vẻ ưng ý lắm. Ông Hùng kể, sở dĩ ông và mọi người phát hiện ra “ngài” là “bà rắn” là bởi một lần đứng xem “ngài” tắm, mọi người thấy xung quanh bà có 4 con rắn con giống ngài y tạc. Mỗi con to bằng ngón tay, dài khoảng gần 1m. Và, từ đó, ai cũng tôn kính gọi ngài là “bà rắn” hay “bà chúa rắn”.
Nói đến chuyện này, ông Hùng kể, khi mọi người hỏi không biết “chồng bà rắn” này ở đâu, sao không đến… đoàn tụ với “vợ con” thì ông đã vui miệng nói rằng, chắc bà ngoại tình.
Không biết có nghe được lời ông nói hay không hay bởi lý do gì mà đang phơi mình ngoài cửa miếu, “bà” bò tọt vào trong và ở tịt trong đó, mấy ngày sau mới thấy ló mặt ra.
Theo ông Hùng thì từ khi cho “bà rắn” định cư ở nhà mình, vợ chồng ông đã phát hiện ra “bà” có nhiều đặc tính rất đỗi lạ lùng.
Chẳng là sợ “bà” đói, ông thả 2 con cóc, 3 con chuột và 3 con rắn khác vào cho “bà” ăn. Lạ thay “bà” chẳng động đến “món” nào. Sau mấy ngày ông mở cửa miếu, 3 chú rắn kia bò đi. Riêng lũ chuột và cóc ở lại, “bà rắn” coi chúng như bạn vậy.
Hằng ngày “bà” đẩy con cóc và chú chuột lên nóc miếu vui đùa. Chú chuột thỏa mái chạy trên lưng, “bà” còn gối đầu vào chú cóc ngủ ngon lành, trước sự ngỡ ngàng của mọi người chứng kiến.
Bà Lý cũng là người gắn bó rất thân thiết với con rắn hổ mang chúa này. Bà Lý kể, “bà rắn” này ở sạch lắm. Ngày nào cũng nhảy xuống cái ao cạnh đó tắm ùm ùm, quẫy cái đuôi dài, đầu ngụp lặn trong nước tỏ vẻ thích thú.
Có một chuyện đến nay ông Hùng rất khó giải thích là cán bộ đến kiểm tra hay xem xét về bà rắn, bà đều không chịu ra. Chẳng là ngày bà rắn về, ông Hùng có báo cáo lên xã, lên hạt kiểm lâm huyện rằng mãng xà lại đến nhà mình để xin cách giải quyết. Tuy nhiên, không biết có phải do những ý nghĩ tâm linh chi phối hay không mà những cơ quan đó chưa đưa ra cách xử lý rõ ràng. Bởi thế, mới có chuyện ông Hùng phải xây miếu làm nơi cho “bà” ở tạm.
Ông Hùng bảo, có lẽ sợ lại phải vào rừng nên “bà” đã không chịu lộ diện khi nhà chức trách tới nắm bắt tình hình.
Theo ông Phạm Quang Thanh, Trưởng Tiểu khu 7, việc con rắn hổ mang chúa xuất hiện tại nhà ông Hùng là có thật. Theo ông Thanh, con rắn có hiểu được tiếng người hay có những giác quan của con người cũng chỉ là chuyện… đồn thổi chưa được kiểm chứng.
“Nơi này có nhiều mó nước, suối và núi đá tai mèo nên có rất nhiều rắn. Riêng con rắn xuất hiện tại nhà ông Hùng là rắn hổ mang chúa, chứ chẳng phải thần thánh gì cả”, ông Thanh khẳng định.
Ông Thanh cho rằng, khi vợ chồng ông Hùng kè bờ suối Muội rồi san đất làm nhà, có thể vô tình họ đã làm mất nơi trú ẩn của con rắn chúa này. Do vậy ông Hùng làm xong nhà, vì quen đường cũ mà con rắn chúa vẫn về đây.
Còn chuyện vì sao con rắn này không cắn ông Hùng cũng có thể hiểu như sau. Trước ngày con rắn này vào nhà ông Hùng đã bị thanh niên ở quanh vùng săn bắt ráo riết. Người ném đá, kẻ đánh đuổi khiến mãng xà này phải chạy trốn. Khi nó nằm nghỉ để hồi sức tại gốc sung cạnh bờ suối thì ông Hùng phát hiện ra và không còn sức tấn công ông Hùng nữa.
Ông Thanh cho biết thêm, hiện tại, chỉ có những người dân ở nơi khác kéo đến “bà chúa rắn” chứ người dân địa phương ở đây ai cũng biết đó là một con rắn chúa bình thường.
Ông Quàng Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Tông Lạnh cũng khẳng định, đó chỉ là một con rắn bình thường, không có chuyện gì to tát, thần bí như nhiều người đồn thổi. Người dân nghe theo những ma mị nên mới hiếu kỳ kéo đến xem. Cũng theo ông Hà, tới đây, chính quyền xã sẽ làm việc với gia đình ông Hùng để đưa lại con rắn đó về rừng.
(Theo Gia Đình và Cuộc Sống)
[links()]