Vụ việc xảy ra tại chùa Bồ Đề (Hà Nội) khiến dư luận hoang mang, lo lắng không biết những ngôi chùa khác trên cả nước lâu nay với danh nghĩa “nhân đạo”, nhận sự giúp đỡ của người dân khắp nơi để nuôi dưỡng hàng ngàn trẻ em bị bỏ rơi liệu có thật sự là nơi đáng tin cậy…
Những ngày qua, Kiến Thức đã ghi nhận thực tế một số ngôi chùa nuôi dưỡng, chăm sóc nhiều trẻ em bất hạnh ở thành phố lớn nhất nước.
Chiều 12/8, PV ghé thăm cơ sở chăm nuôi trẻ bị bỏ rơi tại chùa Kỳ Quang II (số 154/4A, đường Lê Hoàng Phái, phường 17, quận Gò Vấp, TP HCM).
|
Hòa thượng Thích Thiện Chiếu bên những đứa trẻ bất hạnh được chăm nuôi tại chùa. |
Hòa thượng Thích Thiện Chiếu, trụ trì chùa và cũng là người sáng lập ra cơ sở chăm nuôi này cho biết: “Cơ sở được sáng lập từ năm 1994. Hiện nay chùa đang nuôi dưỡng 195 trẻ bị bỏ rơi, trong đó 80 trẻ bình thường, 85 bị bệnh thần kinh não, 30 trẻ bị khiếm thị. Tại cơ sở 2 có 80 trẻ bị khiếm thị, đặc biệt có nhiều em đã lớn và đã lập gia đình”.
Với tấm lòng nhân hậu và mong muốn thực hiện tâm nguyện “cứu khổ, cứu nạn kiếp nhân sinh”, những đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi ngay từ khi lọt trước cổng chùa đều được thượng tọa Thích Thiện Chiếu nhận về nuôi dưỡng, chăm sóc.
|
Chùa Kỳ Quang II hiện nuôi dưỡng 195 trẻ. |
Khi bước vào khu chăm sóc và nuôi dạy trẻ, chúng tôi xúc động nhìn cảnh các em bé với những khuôn mặt đáng yêu giơ tay lên như muốn được bồng bế, ôm ấp. Ai cũng hiểu lắm niềm mong muốn được vỗ về, được yêu thương của những đứa trẻ còn non nớt, sống ở nơi đông người nhưng lại rất cô đơn. Mỗi khi khóc đáng lẽ sẽ được cha mẹ dỗ dành, nhưng phần lớn sẽ phải tự nguôi ngoai trong nức nở.
|
Các trẻ em được nuôi dưỡng tại chùa Huyền Trang. |
Tại ngôi chùa Huyền Trang (huyện Nhà Bè, TP HCM), nơi đang nuôi dưỡng gần 50 trẻ mồ côi bị bỏ rơi, chúng tôi ghi nhận sự ấm áp, tràn đầy tình yêu thương của sư trụ trì và những người làm công quả chăm lo cho các đứa trẻ.
Hơn 20 em từ trên 10 tuổi, ngoài giờ được đi học ở những ngôi trường trên địa bàn huyện Nhà Bè, các em phụ giúp với các sư thầy, các mẹ lo cho hàng chục em nhỏ (từ vài tháng đến dưới 10 tuổi) như một đại gia đình.
|
Những trẻ lớn tuổi được nuôi dưỡng tại chùa Huyền Trang, hàng ngày các em được đi học ở những ngôi trường trên địa bàn huyện Nhà Bè. |
Thầy Thích Truyền Tứ, trụ trì chùa Huyền Trang (Ủy viên BCH Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) cho biết: “Từ khi thành lập trung tâm nhân đạo nuôi dưỡng các cháu mồ côi đã hơn 4 năm, nhiều cá nhân, tổ chức ngoài việc giúp đỡ vật chất, tinh thần để nuôi dưỡng các cháu còn có không ít người muốn nhận trẻ làm con nuôi. Tuy nhiên trung tâm đã không giải quyết bất cứ trường hợp nào chỉ trừ khi có người thân, ruột thịt của các cháu có ý muốn đón về nhưng cũng phải thực hiện đúng thủ tục mà pháp luật quy định”.
|
Chùa Pháp Võ, nơi nuôi dưỡng hàng trăm em nhỏ có hoàn cảnh bất hạnh suốt nhiều năm qua. Các em lớn dù đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng có việc làm ổn định nhưng vẫn không rời xa mái ấm ở ngôi chùa này để cùng chung tay nuôi dưỡng nhiều trẻ em không may khác. |
Nhìn các em nữ sinh trước giờ đi học vẫn thay nhau lo cho các em nhỏ tại Trường nuôi dưỡng trẻ mồ côi chùa Pháp Võ (đường Huỳnh Tấn Phát, huyện Nhà Bè) khiến ai cũng xúc động.
|
Ni sư Như Thảo, trụ trì và là hiệu trưởng trường nuôi trẻ mồ côi chùa Pháp Võ trong vòng tay yêu thương của những đứa trẻ mồ côi, bất hạnh. |
Ni sư Như Thảo, trụ trì chùa Pháp Võ cho biết: “Các em đều là những đứa trẻ mồ côi, bị bỏ rơi được nhà chùa nuôi dưỡng từ nhỏ. Cứ thế, những đứa lớn ngoài giờ đi học đều cùng nhau lo cho các em nhỏ sống tại trường”.
|
Các em lớn trước giờ đến trường vẫn không quên chăm sóc cho những đứa trẻ còn nhỏ. |
Nhiều em giờ đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng những vẫn không rời ngôi chùa thân thương đã cưu mang mình và tiếp tục gắn bó, cống hiến để giúp đỡ nuôi dưỡng các em mồ côi, bất hạnh.
Vũ Sơn - Thiên Dũng