- Xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái lâu nay nức tiếng với những rừng chè san tuyết có tuổi thọ hàng trăm năm. Nhưng những rừng chè cổ thụ đang chết hàng loạt. Nhiều người lo ngại, với tốc độ chè chết như hiện nay thì chẳng bao lâu nữa toàn bộ rừng chè cổ ở Suối Giàng sẽ chìm sâu vào quá khứ.
Chè cổ chết quá nửa
Anh Vàng A Dê lái chiếc xe máy dẫn chúng tôi lóp ngóp bò qua mấy con dốc gập ghềnh phi vào tận núi Giàng Cao. Gặp một cây chè cổ thụ, anh Dê dừng lại và tấp xe dựa vào gốc, sức nặng của chiếc xe máy làm những cành chè khô mục gãy đôm đốp khiến anh Dê lại phải kéo chiếc xe đứng dậy rồi vứt chình ình giữa đường. Anh Dê bảo: Mấy năm nay chè chết nhiều quá. Hầu hết số chè bị chết là do mối ăn mòn. Lũ mối ăn rỗng lõi cây chè, rồi theo đó ăn lên đến tận cành cho đến khi cây chè chết hẳn chúng lại chuyển ăn cây khác.
Nhắc đến những cây chè hàng trăm năm tuổi chết thảm, nét mặt anh Dê tỏ rõ sự đau đớn. Anh lôi chúng tôi lên một mảnh rừng nằm ở lưng chừng núi Giàng Cao rồi vạch tường tận từng gốc chè mục nát. Anh Dê kể: Từ trước đến nay dân Suối Giàng toàn sống nhờ chè, nhà anh cũng vậy. Năm ngoái, rẫy nhà anh có 200 gốc chè san tuyết cổ thụ, mỗi ngày gia đình anh thu khoảng 1,5 tạ chè búp, bán được trên 20 triệu đồng. Nhiều hôm nhà anh còn phải mượn thêm người đi hái chè để bán. Nhưng sang đầu năm nay số chè cổ thụ chết quá nửa chỉ còn lại gần 80 gốc chè. Mỗi ngày gia đình anh thu được khoảng 80kg, với giá tiền là 8.000.000đ.
|
Anh Vàng A Dê bên cây chè cổ héo quắt. |
Mối ăn lên tận cành
Khi đã thấm mệt vì trầm mình dưới cái nắng gần 40o độ C anh Dê quăng người ngồi dưới tán một "cụ chè" sắp đổ mà miệng không ngớt than vãn, âu sầu: "Suối Giàng theo theo tiếng của người Mông có nghĩa là trời. Các cụ thường bảo chè trên "cổng trời" quanh năm sương phủ, không khí trong lành, đất cát phì nhiêu thì không thể có chuyện chè bị chết. Chúng tôi cũng tin là như vậy. Nhưng mấy năm nay chè chết nhiều quá khiến dân bản ai cũng lo lắng. Nếu không có chè thì dân Suối Giàng sẽ làm gì để lấy cái ăn? Năm nay nhà tôi chỉ còn 80 cây chè, lỡ sang năm chè lại chết nữa thì không biết lấy gì để sống".
Anh Giàng Bá Chư, một người dân ở xã Suối Giàng than thở: Cách đây vài tháng nhìn rừng chè cổ đều mướt mát một màu xanh thẫm, búp chè mập mạp. Nhưng sau đó ít lâu chúng tôi lại thấy lốm đốm vài cây ngả màu vàng rồi chết dần. Dân Suối Giàng trước đây chưa bao giờ thấy hiện tượng này. Nhiều người cứ tưởng là chè thiếu phân bón, thiếu chất dinh dưỡng nhưng không phải. Khi chặt ra thấy gốc cây nào cũng bị mối ăn rỗng bên trong, thậm chí mối ăn lên đến tận cành.
|
Phóng viên bên một cây chè cổ bị mối ăn mất nửa gốc. |
Chè cổ chết hết, lấy gì để sống?
Khi nhắc đến việc những rừng chè san tuyết cổ thụ có tuổi thọ gần 300 năm đang trên đà lạc vào dĩ vãng, ông Sổng A Nủ, Chủ tịch UBND xã Suối Giàng cũng ngao ngán: Bây giờ các rừng chè ở Suối Giàng hầu như cây nào cũng bị mối mọt ăn khuyết gốc. Mấy năm nay chè chết thê thảm mà chưa có cách nào giải quyết. Rất nhiều lần huyện và tỉnh đến kiểm tra nhưng vẫn chưa đề ra được cách khắc phục.
Theo ông Nủ thì năm ngoái chè cổ Suối Giàng cho năng suất khoảng 500 tấn, thu lại số tiền trên 7 tỷ đồng. Năm nay chưa thể đưa ra dự đoán trước về năng suất chè san tuyết vì số lượng chè cổ bị mối mọt khá nhiều với tốc độ lây lan rất nhanh.
Cực quá, UBND xã Suối Giàng đã thử dùng thuốc diệt mối bơm vào gốc chè mong cứu diện tích chè còn lại. Sau vài tháng thử nghiệm, ở những gốc cây bị mục nát không còn hiện tượng mối ăn. Xã sẽ tiếp tục tiến hành diệt mối lần hai để diệt tận gốc các ổ mối có trong đất để bảo vệ chè khỏi tình trạng chết hàng loạt như hiện nay.
Khi bóng chiều chạng vạng, anh Vàng A Dê dắt chúng tôi lầm lũi đi qua từng rừng chè cổ ở ngọn núi Giàng Cao. Anh Dê than rằng: Chè chết, mình tiếc vô cùng. Rừng chè đã sống qua mấy đời người, chè đã nuôi sống nhiều thế hệ người Mông ở cổng trời này. Mấy đợt chè chết, có đoàn cán bộ đến khảo sát, chúng tôi hỏi có được phun thuốc không thì họ lại bảo là không được. Nếu phun thuốc trừ sâu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của chè. Thương lái mà không mua chè nữa thì dân Suối Giàng chúng tôi biết dựa vào đâu mà sống.
Cuối năm ngoái chè chết thảm quá, gia đình tôi phải chặt hạ hết số chè chết, vàng vọt để trồng cây mới. Nhưng trồng mới thì cũng phải năm bảy năm mới cho thu hoạch. Nếu mai mốt chè cổ chết hết thì không biết lấy gì để sống.
|
396ha chè san tuyết cổ đang chết dần chết mòn vì mối ăn. |
Quan điểm của tỉnh là phải giữ được toàn bộ diện tích chè san tuyết cổ ở Suối Giàng. Về vấn đề chè chết hàng loạt, tỉnh đã chỉ đạo cho huyện Văn Chấn và xã Suối Giàng mời các nhà khoa học, các viện nghiên cứu đến để phối hợp tìm cách khắc phục. Phải cố gắng hết sức để giữ lại vùng chè cổ. Ngoài ra, tỉnh cũng chỉ đạo địa phương phải nghiêm cấm việc người dân đào chè cổ bán đi nơi khác, tránh tình trạng “chảy máu” chè cổ. Mặt khác, Suối Giàng cũng là một địa điểm du lịch nằm trong chuỗi du lịch Bản Bon, Mường Lò, Suối Giàng, vì vậy, việc giữ rừng chè cổ có ý nghĩa quan trọng và là điểm nhấn nhằm thu hút khách du dịch đến tham quan.
Ông Tạ Văn Long (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái)
Từ đầu năm 2012 HTX đã đề xuất lên huyện và tỉnh nhằm tìm ra cách khắc phục. Ngoài ra, ở những chỗ chè cổ thụ bị chết, HTX sẽ cho trồng vá chè hạt... Tuy nhiên, mọi phương án nhằm cứu vãn chè cổ hiện vẫn chỉ nằm trên giấy tờ và vẫn chưa biết đến lúc nào thì tỉnh, huyện có phương án cụ thể. Nếu không thì vài năm nữa chè tuyết cổ sẽ biến mất nơi "cổng trời" Suối Giàng.
Bà Lâm Thị Kim Thoa (Chủ nhiệm HTX chè Suối Giàng) |
Quách Dương