Rùng mình nghề săn đá cảnh nơi rừng thiêng nước độc

Google News

Những người săn đá cảnh phải trèo đèo lội suối, trải qua nhiều hiểm nguy, thậm chí bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc để tìm được những viên đá có hồn.

Nghề chơi chẳng ít công phu
Một ngày đầu tháng 4, chúng tôi được đi cùng nhóm săn đá cảnh tại Di Linh (Lâm Đồng). Thị trấn thuộc cao nguyên Lâm Viên này là một trong những nơi thu hút người chơi đá cảnh, do sông suối chằng chịt, đồi núi đan xen thường là nơi ẩn mình của loại đá này.
Đoàn xe thồ chở chúng tôi băng qua những đoạn đường gập ghềnh, hiểm trở, đầy bụi đỏ của xứ sở cà phê. Địa điểm cả nhóm chọn lần này là bãi đá nằm dưới thác Khói, ngọn thác hùng vĩ thuộc sông Đại Đờn (thượng nguồn sông Đồng Nai).
Lưu Minh Trí, thành viên nhỏ tuổi nhất nhưng lại "máu lửa" nhất trong đoàn, cho biết: "Khi đã trót đam mê đá thì dù nơi ấy có xa và vất vả đến đâu, cũng quyết tìm đến cho bằng được. Có những chuyến săn đá tận rừng sâu, phải cuốc bộ cả ngày mới đến. Khi đó các thành viên phải mang theo lương thực, nước uống cắm trại luôn trong rừng. Những hiểm nguy nơi chốn "rừng thiêng nước độc" luôn rình rập những người săn đá. Năm 2013, cả hội vừa chia tay vĩnh viễn một người anh bị nước cuốn khi đi tìm đá. Vất vả, nguy hiểm là vậy, nhưng khi đã tìm được viên đá ưng ý thì bao mệt mỏi đều tan biến".
Gửi xe ở bìa rừng, chúng tôi vác ba lô cuốc bộ chừng 5km thì đến khúc sông đã chọn. Dòng sông vào đầu mùa mưa nước chảy cuồn cuộn, phù sa bazan sủi lên đỏ thẫm. "Nước chảy xiết quá, làm sao xuống mò đá được?". Nghe tôi thắc mắc, anh Lâm Trọng Tường - người lớn tuổi nhất trong đoàn - bật cười, vỗ vai: "Xuống sông lúc này khác nào tự vẫn. Đá cảnh phải tìm ở các nhánh suối đổ ra sông". Vừa nói anh vừa dẫn cả đoàn hướng về hạ nguồn con suối cách ngọn thác hơn 500m, nằm giữa hai vùng núi K Ben và K Ron.
Cuộc săn đá bắt đầu khi cả nhóm chọn được đoạn suối nông. Thấy tôi e dè, anh Tường khích lệ: "Không sao đâu, đoạn này cạn lắm, chú ý kẻo bị đá cắt chân". Dòng suối mát trong phút chốc đỏ ngầu vì bị "quấy rối". Các thành viên thi nhau mò hụp giữa con suối lổn nhổn đá, ai kiếm được viên đẹp là lại hú lên như Tazan.
Tranh thủ lúc nghỉ giải lao, anh Tường kể lại kỷ niệm đáng nhớ của mình. Năm 2000 trong một lần đi rừng, khi tắm suối vô tình nhặt được viên đá có hình thù như thiếu nữ đang nhảy múa trong đêm hội Tây nguyên. Thấy hay, anh đem về rửa sạch, đặt lên một gốc lũa và đặt tên là "Vũ điệu Tây nguyên". Năm 2003, tại Hội hoa xuân được tổ chức ở Đà Lạt, tác phẩm này đoạt giải nhất.
Lúc đó ông Bùi Đức Tầm - Chánh chủ khảo hội thi, một chuyên gia về đá cảnh của Việt Nam - ngỏ ý muốn mua lại, nhưng anh không bán. Tính đến nay, số lượng đá cảnh của anh đã hơn 400 - một "kho tàng" mà bất cứ tay chơi đá nào cũng mơ ước.

San da canh va nhung hiem nguy noi
 Người săn đá hụp lặn dưới sông Đại Đờn.
Hồn đá, hồn người
Anh Tường chia sẻ thêm: "Đá cảnh có rất nhiều trường phái như: Suiseki, Biseki, đá nghệ thuật, đá mài... Tuy nhiên, Suiseki được chuộng vì tạo hình từ sự bào mòn của nước ở các dòng sông suối, có độ cứng cao, bề mặt lạ, da bóng, phủ màu thời gian và điều quan trọng là hoàn toàn tự nhiên chứ không qua tác động của con người...
Mỗi viên đá cũng mê hoặc người chơi theo cách riêng của nó và đặt tên cho đá cũng là cách khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn ấy. Tên không chỉ mô tả hình thể, mà còn toát lên cái hồn và mang câu chuyện của đá. Sự hấp dẫn của viên đá nằm ở khả năng cảm nhận của mỗi người, chỉ cần đổi hướng nhìn và đế đặt là thay cả "linh hồn" của đá. Do đó, cùng một viên đá có thể có rất nhiều tên gọi khác nhau. "Gọi mưa", "Sơn thủy hữu tình" hay "Lòng mẹ”... là những cái tên mà người say đá âu yếm đặt cho những "đứa con" của mình.
Ông Đoàn Giàu, thành viên lâu năm của Câu lạc bộ đá cảnh Di Linh, cho biết: "Với người chơi đá, đó là vật "vô ngôn" nhưng lại rất "hữu tình". Đá có thể "trò chuyện" với người bằng vẻ yên lặng trong mỗi góc độ ánh sáng, vệt nắng. Đó cũng là nghệ thuật tìm về sự bình yên trong tâm hồn sau những bộn bề lo toan cuộc sống".
Với những người chơi đá cảnh, đá là linh hồn, là đứa con tinh thần của họ. Có những tác phẩm được dân mê đá hỏi mua vài chục triệu đồng, nhưng chủ nhân cương quyết không bán. Cũng có người kinh tế khá lên nhờ đá cảnh. Trước đây, anh Nguyễn Thái Lý là một nông dân chân lấm tay bùn. Sau khi "bén duyên" với đá, anh đầu tư xưởng gỗ chuyên làm đế cho đá.
San da canh va nhung hiem nguy noi
 
Một viên đá đẹp còn phụ thuộc rất nhiều vào đế của đá, dân trong nghề gọi là Daiza. Đó là phiến gỗ được khắc dựa theo mặt đáy của viên đá, ôm sát mép đến từng chi tiết. Nhờ chăm chỉ học hỏi và có hoa tay, nên anh Lý được nhiều dân chơi đá tìm đến nhờ làm "chân" cho tác phẩm của mình. Ngoài ra, anh còn chung vốn mở cửa hàng trưng bày, bán đá cho khách du lịch, nhờ thế thu nhập cũng khá hơn.
Theo Tiền Phong