- Cổng trời Quản Bạ - Hà Giang ẩn chứa nhiều câu chuyện vui có, buồn có, lạ lùng cũng không thiếu. Ở phía bên kia, phía sau cổng trời trải ra một cuộc sống giản dị, dân dã và cũng thuần khiết hơn.
Nghề cũ nhắc lại
Đi săn là một nghề, với người bản địa ở cổng trời Quản Bạ thì đó là thứ nghề truyền thống và cao quý. Phải nhắc lại rằng, trước khi người Pháp xây dựng một bức tường bằng đá cùng một cổng bằng gỗ nghiến vào năm 1939 đánh dấu Quản Bạ là cửa ngõ dẫn vào cao nguyên đá Đồng Văn thì vùng sau cổng trời vẫn rất hoang sơ.
Nghề đi săn của người Mông trước đây là một nghề chính để sinh tồn. Những cánh rừng già trên núi đá tai mèo với chim muông thú dữ là nguồn thức ăn vô tận của người bản địa. Cụ Cháng Bá Tịn năm nay đã 89 tuổi ở xã Bát Đại Sơn kể rằng: Giống như nghề nông bây giờ, bà con dân tộc Mông thời trước dựa vào rừng mà sống. Họ săn bắn chim muông thú rừng để có nguồn thức ăn.
Theo cụ Tịn, hằng ngày đám đàn ông trong bản vào rừng săn thú bằng cung tên, nỏ đá. Tiện việc, họ đào sâu xuống đất lấy củ mài về làm lương thực.
Người Mông thực sự là những tay săn chuyên nghiệp. Một đứa trẻ cũng có thể trở thành những cung thủ tài ba. Chúng theo chân bố hoặc các anh vào rừng từ rất sớm. Từ việc nhìn dấu chân con mồi đến cách hạ gục muông thú đều rất thành thạo.
Ở sau cổng trời, chim là một trong những loại động vật khôn ranh, bay lượn giỏi nên cũng là con mồi khó khăn nhất với dân bản. Ấy vậy mà chúng cũng bị hạ gục bởi những cung thủ có kinh nghiệm. Có người dùng cung tên, có người lại dùng nỏ đá nhưng họ chung nhau ở mục đích săn mồi làm thức ăn sống qua ngày. Còn bây giờ, mục đích đi săn đã khác, cách săn cũng khác rất nhiều.
|
Tẩn Gia Páu và chú chim vừa bẫy được. |
Cải tiến cách săn
Một trong những cái khác ấy là cách săn chim. Họ không dùng cung tên cũng không dùng nỏ đá nữa. Tôi gặp Tẩn Gia Páu - một thợ săn trẻ người xã Cao Mã Pờ khi anh đang ngồi thu lu một mình ngay bên cánh cổng gỗ nghiến lên cổng trời.
Páu bảo: "Tao đang bẫy con chim rừng. Phải ngồi đây chờ cho chúng nó sập bẫy mình mới ra mặt bắt về được". Cách bẫy chim của Páu nhìn thì thấy giản đơn nhưng thật ra rất tinh tế và tỉ mỉ. Anh bật mí: Phải có cái lưới ghép đôi để dính chân dính cánh con chim. Sau đó chọn địa điểm thích hợp để giăng cái lưới ấy sát mặt đất. Ngồi nép mình vào một chỗ kín đáo, đưa 2 tay lên miệng giả tiếng chim kêu.
Páu bảo: "Học cái tiếng con chim khó lắm. Giống tiếng chim thì dễ thôi nhưng làm sao biết cách bắt chước tiếng chim gọi mồi. Con chim khi thấy thức ăn thường có tiếng kêu khác với lúc bình thường. Thế nên, mình phải nghe thật kỹ, tập thật giống mới gọi được bầy chim khác đến".
Ở phía mặt lưới bẫy, luôn có từ 1 - 3 con chim mồi đã thuần chủng. Khi Páu giả tiếng chim mồi, đàn chim rừng đang bay phía trên hay trú ẩn ở các vách núi nghe thấy đều sà tới. Có con dính bẫy, có con tinh hơn thì thoát nạn. Chỉ chờ có thế, Páu lao xuống thung lũng, phía đặt lưới bẫy để thu chiến lợi phẩm.
Vù Thanh Chuấn ở Na Tro Cai lại cải tiến cách săn rất khác biệt. Con mồi không phải là chim thuần chủng, cũng không cần phải giả tiếng chim. Chuấn dùng những con cá nhỏ bắt dưới suối làm mồi nhử. Cá được mắc vào một móc câu nhỏ nhưng cực sắc đặt bên ruộng ngô, dưới những vách đá. Chim thấy mồi, không biết là bẫy nên bị móc câu xuyên qua mỏ. Chờ có thế, Chuấn đến bắt chim, nhẹ nhàng tháo móc và bỏ chiến lợi phẩm vào một cái lồng hình chữ nhật.
Còn có những cách cải tiến bẫy chim khác như dùng keo dính chân chim hoặc quăng lưới chì từ trên cao xuống. Nhưng những cách này phức tạp và nguy hiểm nên ít được sử dụng.
|
Cá nhỏ làm mồi để bẫy chim. |
Sinh nghề, tật nguyền vì nghiệp
Tưởng ngày trước, khi người Mông săn thú rừng bằng cung tên, nỏ đá mới phải chịu cái cảnh "sinh nghề tử nghiệp". Nào ngờ bây giờ, cũng không ít tay săn bị tật nguyền chỉ vì bắt chim.
Không nói đâu xa, anh trai Tẩn Gia Páu là Tẩn Bá Hà cũng đã bị tật nguyền vì ngã núi. Hà cũng là tay săn chim giỏi có tiếng ở phía sau cổng trời Quản Bạ. Nhưng khi trèo lên đỉnh núi, treo mình bên những vách đá để bắt sáo, bắt họa mi thì bị ngã. Không chết nhưng thành tật, gẫy xương, sức khỏe giảm sút.
Theo Tẩn Gia Páu, năm ngoái cũng có 2 thanh niên trèo lên núi bẫy chim, không hiểu đặt bẫy kiểu gì mà bị ngã suýt chết. Người gẫy chân, kẻ gẫy xương sườn và xương quai xanh. Đi thầy lang bó thuốc, chỗ khỏi, chỗ thành tật nên cả hai phải bỏ nghề.
Theo một số tay săn chim sau cổng trời, ở Quản Bạ không ít thợ săn chuyên nghiệp bị tai nạn. Có khi chẳng phải ngã núi mà bị rắn hổ mang cắn hoặc bởi những nguyên nhân hết sức bình thường khác.
|
Khách qua đường mua chim. |
Không bán rẻ chim trời
Trong giới chơi chim, hầu như ai cũng muốn sở hữu một chú chim trời chính gốc ở cổng trời Quản Bạ. Chính thú vui này đã giúp các tay săn chim bản địa có "đất dụng võ". Nếu xưa kia, cha anh họ săn chim chỉ để phục vụ bữa ăn gia đình, thì bây giờ mục đích chính là kiếm tiền.
Ở cổng trời Quản Bạ, chim trời vô cùng đa dạng, từ họa mi, sáo, yểng, vẹt đến chào mào, chích chòe, vành khuyên... Với đặc trưng sống ở núi đá nên chim vùng cao nguyên cũng có những nét khác biệt. Giọng hót trong và vang hơn, màu lông đậm hơn, sặc sỡ hơn và cơ bản là sức sống mãnh liệt, dẻo dai hơn.
Chính vậy mà chim ở cao nguyên cũng có giá cao hơn. Theo các tay săn chim, ở đây không có chim giá rẻ. Một con chào mào thuần chủng cũng có giá từ 1 - 2 triệu đồng. Sáo và họa mi thì có giá cao hơn, nếu là cá thể đặc biệt, giá sẽ lên tới mức cả chục triệu đồng.
Chim ngay sau khi bị bắt thì được bán với giá rẻ hơn. Tuy nhiên, đó chỉ là những loài ít được dân chơi chim ưa chuộng. Mà chủ yếu, để bán cho khách du lịch, người qua đường hoặc chính những người bản địa.
Nghề săn chim trời ở Quản Bạ chỉ là tự phát, thích thì đi, biết thì làm chứ không có ai quản lý giám sát gì đâu. Làm cái nghề này vui nhưng nguy hiểm mà không giàu được. Bắt được con chim đã khó rồi, về nuôi cho nó quen với người thì mất thời gian lắm. Bán được vài triệu đồng thì lại đi uống rượu hết. Nhưng mà không săn bắt con chim thì không biết làm gì để có tiền".
Thợ săn chim Tẩn Gia Páu |
Trần Hòa
[links()]