“Sư già” teen nhất Sài Gòn: Tu tại gia gần 40 năm

Google News

Tụng kinh không phải cho phật nghe mà tụng kinh là để tâm tĩnh, tự soi xét lại mình, cầu cho con cái có sức khỏe hạnh phúc, mọi người được an lạc

 -  “Tụng kinh không phải cho phật nghe mà tụng kinh là để tâm tĩnh, tự soi xét lại mình, cầu cho con cái có sức khỏe hạnh phúc, mọi người được an lạc” - ông Khu Văn Bảy chia sẻ với PV Kienthuc.net.vn.

Tu vì nhân duyên

PV Kienthuc.net.vn đã tìm đến nhà ông Khu Văn Bảy ở khu phố Bến Cát, phường Phước Bình, quận 9 TPHCM để tìm hiểu về cách tu của “nhà sư” đặc biệt này.

Ông Bảy cho biết lý do ông đi tu... tại gia là vì ngày đó (ông hơn 30 tuổi, sang nhà hàng xóm làm hộ nhà thờ tổ) ông gặp một nhà sư. Trong buổi nói chuyện, nhà sư này giảng giải cho ông nghe về giáo lý nhà Phật và "tôi nghe thấy hay và có lý có tình".

"Tụng kinh không phải chỉ Phật nghe mà để tĩnh tâm tự soi xét lại mình...".

Tối cùng ngày trong giấc ngủ tự nhiên ông chiêm bao có người bảo ông rằng: “Con muốn đi tu không xuống tóc thì làm sao tu được?” rồi vị này nói thêm: “Con ở đâu thì tu ở đó, đương đầu tại nghiệp”

Từ buổi gặp và nói chuyện với nhà sư, về nhà lại có giấc chiêm bao nên ông nghĩ chắc mình có nhân duyên gì đó với nhà Phật nên quyết định đi tu... tại gia và đến nay đã được gần 40 năm.

Với tâm niệm: “Tụng kinh không phải cho phật nghe mà tụng kinh là để tâm tĩnh, tự soi xét lại mình, cầu cho con cái có sức khỏe hạnh phúc, mọi người được an lạc” nên hàng ngày ông vẫn đi lao động, làm kinh tế để còn nuôi con, tối về nhà thì đọc kinh niệm Phật.

Vì màu vàng rất có ý nghĩa với ông nên ngôi nhà nơi ông tu gần 40 năm nay chủ yếu có màu vàng

Sau khi con cái trưởng thành thì ông dành tất cả thời gian cho kinh Phật, hàng ngày ngoài thời gian đọc kinh ông còn đi trợ duyên cho các đám cúng, tang chay, cầu duyên, cầu an làm phúc.

Màu vàng là đất mẹ

Ngôi nhà, cũng là nơi ông tu, từ những vật dụng trong sinh hoạt đến trang phục, phương tiện…đều được “nhà sư” lựa chọn màu vàng, cũng vì sở thích này làm cho ông khác biệt với mọi người.

Ông sẵn sàng cười và nói chuyện dí dỏm với bất kỳ người nào vì thế mà có người nói ông rất xì-teen. Với tính cách và việc chọn gam màu làm cho ông trở thành người nổi bật thu hút nhiều ánh mắt tò mò khi đi ra đường.

Nhìn bề ngoài thì con người ông Bẩy có vẻ hài hước nhưng khi nói chuyện, nghe ông giảng giải mới biết sở dĩ ông chọn màu vàng vì màu này có 2 ý nghĩa đặc biệt.

Đến chiếc xe máy ông cũng lựa chọn màu mình yêu thích và có trang trí thêm hoa sen, hình bồ tát...

Theo ông ý nghĩa thứ nhất là: Màu vàng tượng trưng cho đất vì đất là nơi ta sinh ra, cung cấp cho ta đồ ăn, thức uống và mọi nhu cầu trong cuộc sống hàng ngày đến khi ta chết lại về với đất. Vậy hiểu rộng ra đất là mẹ của mình và màu vàng tượng trưng cho đất mẹ.

Còn ý nghĩa thứ hai là: khi nhìn thấy màu vàng là thấy mẹ của mình, mình không thể đòi hỏi mẹ nhiều thứ quá mà hãy tự bằng lòng với những gì mà mình có. Đạo phật có dạy rằng: Khi con đói cần có cái ăn để no, khi con khát cần có cái để uống, đơn giản là vậy chứ không cần hương vị cầu kỳ nhiều.

Nên ông chọn màu vàng như để nhắc nhở bản thân mình nên kiềm chế trước tệ nạn, cám dỗ của xã hội, không làm việc gì vượt ra ngoài khuôn khổ để bản thân phải hổ thẹn, đến khi vượt quá xa không thể kiểm soát được mình.

...vì ông muốn đi đâu cũng gieo hạnh bồ tát, tạo phúc lành.

Chính từ những ý nghĩa tốt đẹp đó mà sau khi các con có ý định mua xe cho ông thì ông bảo thích chiếc xe màu vàng. Từ chiếc xe ban đầu mua về ông trang trí thêm xung quanh xe là những bông sen đang nở.

Theo ông thì những bông sen này tượng trưng cho tầm cao và sự trong sạch mà bản thân ông cần hướng tới, bởi lẽ sen sống trong bùn mà chẳng bao giờ hôi tanh, vẫn nở hoa, tỏa hương và được nhiều người yêu thích. Bản thân ông cũng vậy, sống trong xã hội cái thiện và ác lẫn lộn nên cố gắng làm điều tốt để tích đức.

Ngoài hình bông sen còn có cả hình Bồ Tát, độc đáo hơn chiếc mũ bảo hiểm của ông còn có cả tượng phật Di Lặc vì ông muốn đi đâu cũng gieo hạnh Bồ Tát, tạo phúc lành.

Với sở thích của mình nên mỗi khi ra đường ông là tâm điểm chú ý của mọi người.

Chính vì thế mà có lần người bạn hỏi: Sao đồ của ông cái gì cũng màu vàng? Ông bảo: Tôi làm vậy để cầu cho mọi người được an lạc. Ông bạn này lại hỏi tiếp: Thân ông có chừng đó nhưng ông nguyện lớn thế, sao mà làm nổi? Ông trả lời: “Thân tôi nhỏ nhưng tâm tôi không nhỏ”, người bạn đó đành cười rồi quay đi.

Hứa Phương - Vũ Sơn

[links()]