Sư trụ trì chùa Trăm Gian Thích Đàm Khoa đã nhận tất cả trách nhiệm trong sự việc vi phạm vừa qua tại di tích lịch sử cấp quốc gia này trong cuộc họp tại địa phương chiều 4/9.
Cuộc họp “Bàn thực hiện thông báo kết luận về tình hình chùa Trăm Gian của Chủ tịch UBND TP Hà Nội” do Huyện ủy, UBND huyện Chương Mỹ tổ chức. Cuộc họp có sự tham dự của Bí thư huyện ủy Chương Mỹ, Chủ tịch huyện Chương Mỹ, Trưởng ban Quản lý di tích chùa Trăm Gian và sư trụ trì chùa Trăm Gian.
|
"Vì lời kêu cứu của tôi suốt 4 năm trời không được đáp ứng nên tôi cũng đành liều" - Sư thầy giải thích |
Sư Thích Đàm Khoa đã khóc trong cuộc họp, thừa nhận những sai phạm trong việc tháo dỡ, hạ giải và xây mới hai hạng mục là gác khánh và nhà tổ trong thời gian qua.
Sư thầy khẳng định: “Tại tôt tất. Không liên quan gì đến các lãnh đạo xã và huyện. Vì lời kêu cứu của tôi suốt 4 năm trời không được đáp ứng nên tôi cũng đành liều. Nếu chờ thì không biết chờ đến bao giờ”.
Theo sư thầy, trong 4 năm qua, nhà chùa đã làm đơn lên các cấp xin được tu bổ, tôn tạo hai hạng mục kể trên do xuống cấp nghiêm trọng. Cụ thể là mái nhà tổ trong tình trạng sạt một góc lớn, cột chống đã mục, phải dùng nhiều cột chống tạm sơ sài, một con hoành đã bị rơi hẳn xuống nhưng may mắn không gây thiệt hại về người. Tuy nhiên, những lá đơn của nhà chùa đã không được đáp ứng kịp thời, dẫn đến hành vi tự động tháo dỡ, hạ giải, trùng tu theo kiểu “phá di tích” như báo chí đã phản ánh.
Sư thầy Thích Đàm Khoa cũng cho biết số tiền 5 tỷ đầu tư cho công trình có 2 tỷ là tiền công đức của nhà chùa, 3 tỷ còn lại sư thầy đi vay tiền công đức ở các chùa lân cận.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch xã Tiên Phương Vũ Văn Doãn cũng thừa nhận những yếu kém trong khâu quản lý, khẳng định “để ra sai sót là do UBND xã thiếu năng lực”.
Ông Doãn cho hay, trong quá trình tu bổ, hạ giải và xây mới chùa Trăm Gian, sư trụ trì đã có đơn gửi lên xã từ tháng 2/2012, nhưng xã không báo cáo lên huyện.
Theo Phó Chủ tịch huyện Chương Mỹ Vũ Văn Đông, trên địa bàn huyện Chương Mỹ hiện nay có 327 di tích, trong đó có 146 di tích được xếp hạng. Số di tích xếp hạng này có 32 cấp quốc gia và 114 cấp thành phố.
“Với 114 di tích cấp thành phố, huyện nắm rất chắc và quản lý sát sao. Nhưng 32 di tích cấp quốc gia huyện không nắm rõ do quy trình phân cấp quản lý rất chung chung” – ông Đông bày tỏ – “Với di tích cấp quốc gia, ủy ban huyện chỉ có quyền trông nom về các vấn đề an ninh trật tự, quản lý diện tích thửa đất, còn vấn đề tu bổ, trùng tu thì huyện không có thẩm quyền”.
Các lãnh đạo huyện Chương Mỹ cũng chia sẻ những bức xúc trong việc bất cập phân cấp quản lý di tích hiện nay. Theo đó, các dự án tu bổ di tích mà Sở VHTTDL làm chủ đầu tư không bao giờ thông qua huyện, nhưng khi hỏng lại đổ tội cho huyện.
Bí thư huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Thị Tuyến đề xuất trong tương lại phải có thành phần cán bộ huyện, xã tại địa phương có di tích nằm trong Ban dự án để có thể nắm bắt tình hình di sản tốt hơn.
“Vụ việc chùa Trăm Gian không chỉ là bài học của riêng huyện Chương Mỹ, mà còn là bài học cho các di tích khác và các cơ quan quản lý di tích” – bà Tuyến khẳng định.
Tại cuộc họp, lãnh đạo huyện Chương Mỹ cam kết sẽ khẩn trương tiến hành đánh giá, kiểm tra toàn bộ cấu kiện, kiến trúc cũ của chùa Trăm Gian, lên phương án bảo vệ kết cấu vật liệu, đồng thời phối hợp với Sở VHTTDL, Cục Di sản cùng các cơ quan liên quan lên phương án phục hồi trong thời gian sớm nhất.
Trước mắt,ngày 6/9, UBND huyện Chương Mỹ sẽ mời đại thành phố, các sở ban ngành cùng phối hợp kiểm kê, phân loại hiện vật, thống nhất giải pháp và xây dựng lộ trình phục dựng lại hạng mục thềm đá trước sân tiền đường, gác khánh và nhà tổ.
(Theo Tổ Quốc)
[links()]