Qua bàn tay và những câu thần chú bí ẩn, hiện vật đó trở thành thứ có sức mạnh vô song.
25 năm "nhập thần"
Thầy mo cả của xứ Mường Bi, ông Bùi Văn Lựng ở xóm Lầm, xã Phong Phú (Tân Lạc, Hòa Bình) hiện là thầy mo trẻ nhất, cũng là đại diện duy nhất của Việt Nam từng diễn xướng Mo Mường tại Sommelo (Phần Lan). Hiện, địa phương đang hoàn tất hồ sơ đề xuất phong nghệ nhân dân gian cho ông.
Là đời thứ 7 của dòng họ Bùi làm thầy mo cả, ông Lựng lấy làm tự hào lẫn trọng trách nặng nề là chăm sóc phần tâm linh cho bà con dân tộc xứ Mường bản địa. "Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động, cho nên làm thầy mo của xứ Mường Bi cũng không đơn giản chút nào. Từ phép thuật đến những nghi thức lễ khấn đều cẩn trọng và cao siêu hơn", ông Lựng cho biết.
Khi lên 5 tuổi, cậu bé Lựng bắt đầu theo ông nội lúc ấy là thầy mo thế truyền của xứ Mường đi khắp nơi. Trong khi ông nội làm lễ thì cậu bé Lựng ngồi dưới nhẩm theo những lời khấn dài hàng chục vạn từ. Thế mà, chỉ sau một vài năm cậu bé ấy đã thuộc làu, lại thuộc cả những nghi thức tống quỷ hay bùa yểm.
Thấy đứa cháu thông minh, trong tâm thức lại có căn cốt làm thầy nên ông quyết định truyền lại phép thuật cho cháu mình. "Suốt 25 năm, kể từ khi theo ông nội đi làm lễ tôi đã nhập thần. Vì có căn số nên khi đọc nhẩm lời khấn, cơ thể tôi cũng như đang lên đồng. 25 năm đó, cũng là thời gian được học hết các bùa chú của dân tộc Mường", ông Lựng tiết lộ.
Khi 30 tuổi, ông Lựng chính thức trở thành thầy mo. Những nghi lễ từ đám cưới, đám ma đến tân gia đều có sự góp mặt của thầy mo trẻ. Đặc biệt, những nghi lễ tống quỷ, trừ ma hay giải bùa chú mới đáng sợ. Bản thân thầy mo trước hết phải là những người biết bùa ngải, dựa vào các đặc điểm của người bị bỏ bùa để có thể giải được.
Thế nhưng, thời ấy vì "non tay" nên mấy lần thầy Lựng suýt chết. Gặp phải người bị bùa ngải sát nhân, ông Lựng chủ quan dùng công lực bản thân để giải nhưng bất thành. Vật vã suốt mấy tuần liền, cuối cùng ông Lựng phải dùng đến kiếm lệnh tống quỷ và một nắm thuốc đốt lấy than để giải mới thành.
|
Mỗi thầy mo đều có một túi khoát và khi xong việc, túi khoát phải được treo ở trần nhà. |
Xâu dao của người chết
Ở gần ban thờ phía Tây Bắc của ngôi nhà sàn, chúng tôi thấy hàng trăm những vòng tròn bằng sắt được xâu vào những chiếc que giắt dưới trần nhà. Thấy khách tò mò, ông Lựng giải thích: "Đó là những cái xâu dao của những đám ma. Mỗi đám ma tôi làm lễ tiễn linh hồn đều để lại một cái xâu dao. Xâu dao cũng là những vật dụng có sức mạnh rất lớn đối với thầy mo".
Theo ông Lựng, xâu dao treo dưới trần nhà là những linh hồn. Linh hồn ấy sẽ tăng sức mạnh cho thầy mo trong mỗi lần làm lễ được linh nghiệm. Đồng thời, những xâu dao đó còn được ví như những vòng tròn sinh tử. Con người có sinh ắt sẽ có tử. Có tử ắt sẽ hồi sinh, cho nên linh hồn người chết không bao giờ mất đi, mà chẳng qua là chuyển sang một thế giới khác.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Mường, ông Bùi Thanh Bình cho rằng, đối với người Mường Bi, xâu dao chỉ là một vật dụng bình thường. Nhưng khi qua đời thì xâu dao lại là thứ thiêng liêng vô ngần. Khi thầy mo làm lễ tiễn người chết, chiếc xâu dao sẽ được thầy mo gìn giữ. Đó cũng là gìn giữ linh hồn người chết, và người chết sẽ âm thầm tiếp thêm sức mạnh tâm linh cho thầy mo.
|
Răng hàm đười ươi hóa thạch. |
Sức mạnh của "túi khoát"
Trong các vật dụng hành lễ của thầy mo, "túi khoát" là thứ bí mật và thiêng liêng nhất, đồng thời là thứ không thể thiếu của một thầy mo đích thực. Đó thực chất chỉ là một chiếc túi có chất liệu từ lưới. Nhưng bên trong túi khoát là cơ số những vật quý giá, trong số đó có nhiều vật ông Lựng đã hiến tặng cho bảo tàng.
Ông Lựng làm lễ xong, đem túi khoát từ trên ban thờ xuống, mở ra cầm trên tay một nắm nanh, sừng thú hoang, ông bảo: "Những nanh, sừng này phải được nhặt trong rừng, từ con thú đã chết. Nó có thể chết già, hay bị dã thú lớn giết hại, thịt xương tan đi, nanh sừng để lại. Nếu bẫy hay bắn chết thú để lấy sừng nanh của chúng thì khi làm phép không có tác dụng. Đặc biệt, chỉ chọn chiếc sừng hoặc nanh bên trái vì vía của nó mạnh hơn sừng, nanh phải gấp ba bốn lần".
Nói đoạn, ông Lựng chỉ cho chúng tôi xem những dấu vết sần sùi nguyên vẹn của một chiếc sừng để chứng tỏ nó đã tự rụng ra khỏi xương sọ chứ không bị cưa cắt. Ở chiếc nanh lợn lòi to dài cong vút cũng dễ dàng nhận thấy nó đã rơi ra tự nhiên, còn nguyên chân gốc.
Thậm chí, trong túi khoát của ông Lựng còn có cả một chiếc răng hàm hóa thạch của đười ươi. Đây là bảo vật, cũng là vật dụng có vía mạnh nhất trong vô số những nanh vuốt lạ đời khác trong túi khoát. Đã có người trả giá chiếc răng hóa thạch này với giá cả chục triệu nhưng ông Lựng từ chối bán.
|
Nanh, vuốt, sừng thú là những thứ có vía mạnh. |
"Đối với những con thú, thì nanh vuốt và sừng là những thứ có sức mạnh lớn nhất. Thầy mo thường dùng những vật dụng này để trấn áp sức mạnh âm binh hoạc dùng để chữa bệnh rất có hiệu quả", ông Lựng cho biết.
Ông Lựng kể thêm, năm ngoái trong vùng có phụ nữ bị sản hậu giật đùng đùng. Lạ nhất là chị ta nói mê sảng, nhưng nói đến con gì là con ấy chạy lồng lên. Nói đến lợn thì lợn kêu eng éc, nói đến trâu thì trâu phá chuồng húc sừng vào tường nhà. "Khi đến nơi, tôi mới dùng nanh hổ và răng đười ươi ngâm nước sạch và chút gừng tươi. Tôi đọc vài câu thần chú rồi ngậm nước đó phun vào người chị ta, một lúc sau thì bệnh nhân mới khỏi", ông Lựng tiết lộ.
Ngoài những nanh, sừng, vuốt trong túi khoát, ông Lựng còn giới thiệu về những miếng đồng từ cổ xưa, thậm chí cả những viên đá hình thù kỳ quặc. Đó là những hiện vật mà theo ông Lựng: "Rất quý giá cả về tâm linh lẫn giá trị về lịch sử. Bởi vì, từ cái túi khoát này, nhiều nhà khảo cổ đã tìm thấy những bằng chứng để chứng minh vùng văn hóa Mường từ thời xa xưa".
Thầy mo Bùi Văn Lựng: "Thầy mo không phải là một nghề, nhưng là một nhiệm vụ quan trọng của những người được truyền. Những bùa phép, thần chú của thầy mo là một bí mật không dễ thổ lộ. Nhưng tôi khẳng định, đó không phải là trò mê tín, càng không phải là trò lừa đảo. Nó thuộc một phạm trù khác, phạm trù của niềm tin".
Ông Bùi Thanh Bình (nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Mường): "Cho đến nay chưa có bất cứ một kết luận chính xác nào sức mạnh thực sự của các thầy mo. Rất nhiều nhà khoa học cũng đã vào cuộc để tìm hiểu nhưng không kết luận được. Nhưng chúng ta đã biết, dân tộc nào cũng có những bí quyết và bí mật riêng mà chúng ta cần trân trọng".
Trần Hòa