Mối tình ôsin - đồng nát
Tối thứ 7, sau khi chị hoàn thành xong công việc nhà, chúng tôi bắt đầu xuất phát đến "thiên đường" tình yêu của những trái tim ôsin, phụ hồ, đồng nát… Một khuôn viên nhỏ hình tam giác tại góc đường Cao Văn Lầu - Phạm Đình Hổ (Q.6, TP.HCM), nơi chị Nguyễn Thị Hoài Yến và những người đàn ông đàn bà luống tuổi hẹn hò nhau.
Chị Hoài Yến (35 tuổi, quê Bến Tre) đang làm ôsin cho một gia đình giàu có ở quận 2 (TP.HCM). Cách đây hai tháng, chị tình cờ quen anh Phạm Thế Cường (cùng quê) hơn chị 2 tuổi đi mua ve chai ở khu vực nhà chủ chị làm.
Qua vài lần mua bán, thấy anh Cường hiền lành, đáng thương tự nhiên chị Yến cảm mến. Có lon bia, cái chai bỏ không chị nhét vào bao để dành cho anh. Hành động của chị tuy nhỏ bé nhưng làm ấm lòng người đàn ông xa xứ.
Chị là gái quá lứa lỡ thì, còn anh là người đàn ông chịu nhiều thiệt thòi. Anh từng có một đời vợ, có đứa con đến nay được 3 tuổi. Vợ anh trong một lần nghe theo lời xúi giục của người xấu đã bỏ sang Đài Loan rồi lấy một ông chồng đại gia. Được vài tháng, cô ấy về Việt Nam chính thức làm đơn ly dị với anh, bỏ lại cho anh của hồi môn là đứa con trai. Buồn khổ một thời gian, anh gửi con cho ba mẹ rồi chạy trốn xóm giềng lên Sài Gòn đi buôn đồng nát.
Anh kể cho chị nghe tất cả. Đêm hôm ấy, chị đã khóc thật nhiều vì thương anh. Mối tình ôsin, đồng nát manh nha lớn lên từng ngày. Chị chủ động mời anh đi cà phê một lần, sau thấy không gian ở quán xá chật chội, ngượng nghịu thế nào, anh đề xuất ra khu "chợ tình" này. Vì nhà anh thuê trọ ở gần đó, một vài người bạn khuyên anh có yêu đương ai thì ra đấy, trời cao gió mát tha hồ mà tâm sự.
20h, không khí ở công viên tam giác bắt đầu nhộn nhịp, dưới ánh đèn vàng vọt mờ ảo, những chiếc ghế đá hầu như không còn chỗ trống. Anh Cường xuất hiện với áo phông quần short mới toanh, chị Yến nhìn anh chợt đỏ mặt, ngượng ngùng cười. Rồi họ nháy mắt nhau đánh lẻ đi tìm một ghế đá trống trút bầu tâm sự.
|
Những người bán hàng rong cũng tranh thủ ghé "chợ tình" tìm bạn. |
Các cặp đôi, cặp ba ngồi chen chúc, thủ thỉ nói cười, bên cạnh là giỏ đồ ăn, chai nước suối mang theo để tiết kiệm chi phí. Tôi mon men ngồi ké trên chiếc ghế đá cùng người phụ nữ đang nóng lòng chờ một người bạn. Bên cạnh, chiếc xe máy vẫn còn treo lỉnh kỉnh chai, lọ, bọc bịch hàng hóa…
Chị Nguyễn Thị Thanh (37 tuổi, quê Quảng Ngãi) chỉ vào chiếc làn đựng đầy rau củ treo lặc lè ở trước xe cho biết: "Tôi đi siêu thị mua đồ rồi tranh thủ ra đây gặp anh ấy một chút. Gọi điện hẹn từ hôm qua rồi mà tối nay anh ấy vẫn tới muộn. Không biết có chuyện gì".
Chị Thanh vào Sài Gòn làm ôsin cho một nhà chủ ở quận 7 được hơn 2 năm. Cách đây vài tháng, chị tình cờ gặp anh Lê Thành Tâm (40 tuổi, quê Quảng Ngãi) đi phụ hồ ngay nhà chị ở. Sau vài lần chạm mặt, hỏi nhau vài câu xã giao thì phát hiện cùng quê, lại cùng cả xã nữa. Tình đồng hương đưa đẩy hai tâm hồn xa xứ xích lại gần nhau hơn.
Hoàn cảnh chị Thanh vừa bi đát vừa bất hạnh. Lấy chồng chưa ấm lưng thì phát hiện chồng nghiện ma túy, rồi tham gia trong một đường dây cướp giật, bị công an bắt. Giữa lúc bức bách thì chị phát hiện mình có thai, đành ngậm đắng nuốt cay một mình lam lũ chờ ngày sinh. Con được hai tuổi thì chồng mãn hạn tù, anh ta quay về hành hạ vợ con, tiếp tục ngựa quen đường cũ.
Chị Thanh đâm đơn ly hôn, vật vã mãi mà chồng không đồng ý ký. Chị định ôm con bỏ trốn thì được tin chồng sốc ma túy chết không kịp về nhà. Nỗi đau chồng nỗi đau, Thanh gửi con ở nhà bố mẹ đẻ làm một chuyến vào Nam tìm đường sống. Vào Nam, chị nhớ con quay quắt, nhưng chẳng biết làm sao.
Lê Thành Tâm có số phận hẩm hiu không kém. Vợ Tâm sinh được đứa con gái thì lâm bệnh hiểm nghèo, bỏ lại anh "gà trống nuôi con". Ở quê, không tấc đất cắm dùi, Tâm ôm con gái vào Sài Gòn làm phụ hồ. Từ ngày "quét" qua nhau, hai trái tim rách nát đã tìm thấy một nhịp đập. Sự đồng cảm đã xoa dịu những vết đau cắt cứa trong hai con người. Xong công trình, Tâm đã kịp gửi lại số điện cho cô ôsin nhà chủ.
Hai tuần trước, Tâm dắt con ra công viên dạo, chợt buồn thế nào mà anh bốc máy gọi cho Thanh. Thanh xin chủ đi siêu thị mua đồ cho ngày mai, rồi ù chạy ra công viên gặp Tâm. Đứa con gái của Tâm cũng tầm con trai Thanh ở quê, Thanh lao vào ôm đứa trẻ khóc nức nở. Thanh muốn đưa con vào Nam để hai mẹ con gần nhau, nhưng hoàn cảnh công việc của Thanh không cho phép.
Thanh làm ôsin phải ở trong nhà chủ, làm quần quật từ mờ sáng đến tối mịt mới xong việc. Hôm nay là lần thứ ba Thanh và Tâm hẹn nhau ở công viên này. Thanh cho biết, tối nay anh Tâm đã gửi được con bé ở nhà hàng xóm để đi tâm sự với chị. Ánh mắt chị lấp lánh khi nhìn thấy Tâm đang chạy chiếc xe cúp hoen gỉ từ ngoài vào. Chị nhoẻn miệng cười, chào chúng tôi rồi bước nhanh lại chiếc ghế đá còn trống.
Mơ một hạnh phúc
Những chiếc ghế đá xung quanh và cả thành bê tông vỉa hè khu "bến tình" đã chật kín các cặp đôi nam nữ luống tuổi. Thật khó để cắt ngang câu chuyên thân mật của họ. Thấy chúng tôi ngồi trơ trọi một mình, bà Đào Thị Ba, người bán nước ở công viên dí dỏm nói: "Thanh niên sao lại ngồi chỗ này, ở đây toàn tình già thôi".
|
Nhiều đôi đã tìm được bến đỗ ở chợ tình. |
Bà lén chỉ vào một cặp "đũa lệch" đang ngồi đong đưa tình tứ bên nhau, trong đó bà thì trẻ măng còn ông bụng phệ, đầu hói. Bà Ba vừa nói vừa che miệng cười: "Đôi đó hay lắm, ông S nhà ở gần đây còn cô T thì làm giúp việc nhà ở quận 1. Nghe đâu họ gặp nhau trong một lần ông S đến thăm bà con ở nhà T đang làm. Kẻ đơn thân người cô độc phải lòng nhau nhanh lắm. Cuối tuần nào chẳng dắt nhau đến đây tâm sự".
Từ câu chuyện của bà Ba, chúng tôi để ý thấy ông S khua chân múa tay túi bụi khi tâm sự với cô T. Chốc chốc, ông lại ho sùng sục rồi vớ chai nước treo sẵn trên xe tu ừng ực. Khoảng một tiếng sau, thấy cô T leo lên xe của ông S, vòng tay cô ôm chặt lấy bụng ông. Bà Ba mách rằng, đã đến giờ cấm, ông S phải chở cô T về nhà. Họ đang yêu nhau lén lút, chưa dám công khai.
Không ai biết rõ "bến tình" có từ bao giờ. Bà Ba bán nước nhớ thoang thoảng rằng, khoảng hai năm về trước, có cặp đôi ôsin - phụ hồ tổ chức đám cưới ở đây. Cô dâu tên Hương quê ở Thanh Hóa còn chú rể tên Hùng quê Hậu Giang. Sau vài tháng quen biết hẹn hò ở công viên, họ tổ chức đám cưới ngay tại đây để nhớ về nơi khởi nguồn của một tình yêu. Khách đến tham dự toàn là dân lao động và ôsin từ khắp các vùng quê, nghe chuyện tình của cô dâu chú rể ai nấy đều rưng rưng.
Từ đó, công viên trở thành điểm hò hẹn quen thuộc của những thân phận cùng khổ. Chị Hoài Yến cũng kể rằng, năm ngoái chị được tham dự đám cưới của cô bạn ôsin với anh chàng bán rau vỉa hè cũng tại công viên tam giác này. Không riêng gì chị Yến, mà những cảnh đời éo le, bất trắc đang tha phương cầu thực ở Sài Gòn đều có chung một khao khát là kiếm được tấm chồng đàng hoàng, tử tế để cùng nhau xây túp lều lý tưởng.
Bởi, ở những nơi vui chơi phồn hoa đô hội, thì chắc chắn họ không thể và cũng không dám bước chân đến. Vì vậy, "bến tình" này nghiễm nhiên là địa điểm tuyệt vời nhất. Chị Yến và anh Cường mỗi lần hẹn hò đều bảo nhau ăn cơm thật no ở nhà trước, đến đây chỉ mua chai nước hai người uống chung là xong.
Theo quan sát của chúng tôi, các dịch vụ ở công viên chỉ có vài xe nước bán rong, vài xe cá viên chiên đẩy qua đẩy lại mời chào với giá rất bình dân. Cặp nào sang thì mua một hộp cá viên chiên giá vài chục ngàn làm quà cho câu chuyện, còn đa số đều mang theo chai nước lọc.
Khoảng 21h, hầu hết các cặp đôi đều chia tay nhau, ai về nhà nấy. Chị Hoài Yến cho biết, tầm 22h trở đi ở khu vực thường xuất hiện các con nghiện dặt dẹo đi xin tiền nên ai cũng sợ. Hơn nữa, ôsin chỉ tranh thủ ra ngoài được hai tiếng thôi, phải về kẻo chủ nhà dị nghị.
Gió đêm Sài Gòn hiu hắt, lòng người se sắt chia tay nhau. Không có những cái ôm thật chặt, không có nụ hôn thật nồng nàn, lãng mạn như tình yêu thời hiện đại. Nhưng ở họ, mỗi lần phải chia tay, ánh mắt ai cũng chất chứa sự mòi mỏi, khát khao trực đợi chờ về một tổ ấm.
Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai cho rằng: "Điểm hò hẹn của những người lao động bình dị như một "vệt nắng đáng yêu" trong khung trời bình yên của cuộc sống hôm nay. Tất nhiên ở một góc xa nào đó, vẫn có kẻ lợi dụng cái gọi là "chợ tình" để làm điều xấu, lừa phỉnh những cô gái quê, gạ gẫm mua bán dâm.
Song con số đó chỉ là rất nhỏ và không làm mất đi hình ảnh đẹp của một tụ điểm, một nơi hẹn hò văn hóa rất riêng của người lao động. Ở TP.HCM hiện có nhiều sân chơi cho sinh viên, những diễn đàn cho công nhân để trao đổi, tìm hiểu, nhưng người phụ nữ giúp việc gia đình, phụ hồ, xe ôm… thì vẫn chưa được xã hội quan tâm".
Theo Cảnh sát toàn cầu