Thần kỳ lời nhắn trong mơ của người vợ lính

Google News

Niềm hạnh phúc đã vỡ òa khi ông “từ cõi chết trở về” đoàn tụ cùng gia đình, viết lên cái kết có hậu cho câu chuyện tình yêu bất tử, thủy chung, son sắt...

‘’Đất nước hòa bình, anh lại về với em’’- lời hẹn trước khi ra trận đó đã trở thành sức mạnh kỳ diệu giúp người vợ có niềm tin tất thắng, vượt qua tất cả để chờ chồng, dù đã 4 lần bà nhận giấy báo tử của chồng gửi từ mặt trận.
Luôn linh cảm chồng còn sống
Đó là câu chuyện "từ cõi chết trở về" cảm động của ông Đỗ Trọng Ngoạn (86 tuổi) và bà Nguyễn Thị Thất (84 tuổi) ở phường Khương Trung, quận Thanh Xuân (Hà Nội). Mặc dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng tình yêu của họ dành cho nhau vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu.
Giở lại những bức thư, bức ảnh và kỷ vật đã úa màu thời gian, ông bà ôn lại những kỷ niệm về mối tình đã đi qua khói lửa của bom đạn. Câu chuyện tình ấy bắt đầu từ 70 năm về trước. Đó là thời kỳ đất nước còn chiến tranh, cuộc sống người dân đói khổ.
Ngồi trong căn nhà, ông Ngoạn nhớ lại mối tình đẹp xưa kia của ông cùng vợ rồi kể rằng, năm 16 tuổi ông đã tham gia hoạt động cách mạng ở quê nhà Sơn Động, Bắc Giang. Trước Cách mạng tháng Tám thành công, ông xin nhập ngũ, tham gia cách mạng. “Ngày đó tôi biết chữ nên được giữ chức vụ tiểu đội phó và còn nhận nhiệm vụ dạy văn hóa cho anh em, hồi đó gian khổ nhưng lòng vui lắm vì đã được cống hiến công sức của mình cho đất nước” - ông Ngoạn nhớ lại.
Ngày đó, bà Thất là bạn thân của em gái ông, thường xuyên lui tới nhà nên được các thành viên trong gia đình rất yêu mến. Ông Ngoạn thường đi xa nhà nhưng lần nào về cũng nhìn thấy bà Thất hiền lành, nết na nên ông đem lòng thương từ khi nào không biết. “Bà ấy kém tôi 2 tuổi, là bạn thân đứa em gái trong gia đình, lại hiền lành, ngoan ngoãn nên được cả gia đình tôi yêu quý”.
Năm 1955, đám cưới của ông bà được tổ chức trước sự chứng kiến, chung vui của hai bên gia đình, họ hàng. Hết kháng chiến chống Pháp, ông Ngoạn lại tiếp tục tham gia kháng chiến chống Mỹ. Năm 1967, ông Ngoạn phải vào chiến trường Quảng Trị tăng cường cho tiền tuyến. Trong thâm tâm, bà không muốn chồng đi bởi những năm tháng chiến tranh khói lửa ấy có biết bao người ra đi không bao giờ trở về.
Thế nhưng bà Thất cũng đành nuốt nước mắt vào trong để cho chồng yên tâm cất bước, hoàn thành nghĩa vụ với đất nước. Hàng ngày, bà vẫn miệt mài lao động, làm nhiệm vụ may quần áo gửi ra mặt trận cho bộ đội, nuôi các con ăn học, mong chờ ngày chồng trở về, gia đình được đoàn tụ.
Trong những ngày chiến trường miền Nam bị địch tập kích, bộ đội ta thương vong rất nhiều, bà Thất mong chờ tin tức của chồng, nhưng thêm thời gian mà tin tức của ông ngày càng chẳng có, bà Thất lo lắng, đợi chờ. Đến năm 1968, bà nhận được tin chồng hy sinh ngoài mặt trận. Tin báo tử của chồng là cú sốc mạnh với bà. “Lúc đó, có người gửi cho tôi tờ giấy báo tử thông báo ông Đỗ Trọng Ngoạn đã hy sinh trong một trận truy quét của địch. Lúc nghe tin ấy, tai tôi ù, nói không nên hơi, không cầm lòng được rồi ngất lịm đi”.
Không lâu sau, trong lần bà đang nằm điều trị tại bệnh viện thuộc Tổng cục Hậu cần quân đội, bà lại được nhận ba lô, quần áo của chồng, lại thêm lần nữa nhận giấy báo tử của chồng, bà tuyệt vọng. Vết thương xưa chưa lành, lại thêm lần nữa nỗi đau cứa sâu vào lòng người vợ trẻ.
Sau đó, liên tiếp hai lần có bộ đội mang giấy báo tử cho gia đình. Trong những ngày tháng tuyệt vọng đó, bà vẫn nhớ lời dặn của chồng, thay chồng làm tròn chữ hiếu. Bà cố gắng mạnh mẽ hơn để làm chỗ dựa tinh thần, giúp gia đình vượt qua mất mát đau thương.
Than ky loi nhan trong mo cua nguoi vo linh
 Niềm vui của ông bà là hàng ngày ngồi kể chuyện cùng nhau và thấy con cháu lớn khôn, thành đạt
Bằng linh cảm và niềm tin, bà vẫn hy vọng chồng mình vẫn còn sống. Nhiều lần, bà mơ thấy chồng bảo rằng: “Anh sẽ trở về”. Chính niềm tin bất tử đó khiến bà kiên tâm thủy chung chờ đợi, kể cả khi đã cạn nước mắt nhang khói phụng thờ chồng.
Cổ tích giữa đời thường
Và điều kỳ diệu đã xảy ra, năm 1969, ông đã trở về trong sự vỡ òa ngạc nhiên, hạnh phúc của bao người. Thật bất ngờ khi ông vừa vào tới nhà, vợ ông, bà Thất đã hét toáng lên vì nghĩ ông là ma. Ông bà kể đến đây đã không giấu được cảm xúc. Niềm hạnh phúc ngày nào vẫn vẹn nguyên trong giọng nói của bà Thất.
Ông Ngoạn nhìn vợ âu yếm rồi nói xen vào: “Những năm đó cuộc chiến rất ác liệt, thư từ, tin tức thất lạc, nhầm lẫn về sự hy sinh của tôi cũng là chuyện bình thường”. Theo lời kể của ông, đã nhiều lần ông tưởng mình sẽ không thể qua khỏi. Có lần, ông mắc bệnh sốt rét ác tính, tưởng như vô phương cứu chữa.
“Đầu óc tôi lúc ấy vẫn vang vọng lời gọi của vợ, con và rồi tôi lại vượt qua được cơn bạo bệnh. Lại một lần khác, đơn vị tôi bị tập kích. Tôi ngất đi, tỉnh lại thấy nằm bên sông, miệng ngậm cỏ, xung quanh đầy xác người, cả ta lẫn địch. Ngay chính tôi cũng không tin mình được trở về đoàn tụ ấy, vậy mà vợ tôi vẫn tin và đợi chờ” - ông Ngoạn nói.
Ngày ông trở về, cả gia đình được đoàn tụ, dân làng đến chúc mừng, họ thì thầm bàn tán về sự chung thủy của bà, về sự trở về bình an của ông, về sự kỳ diệu như chuyện cổ tích giữa đời thường. Một câu chuyện với một kết thúc có hậu mà người ta thường chỉ thấy trên phim ảnh, những tình cảm đã gắn kết họ qua biết bao thăng trầm của thời thế ấy vốn không thể nói được bằng lời.
Sau những ngày trở về từ chiến trường, ông Ngoạn tiếp tục tham gia các công tác khác nhau và đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, ông luôn đứng về phía bảo vệ quyền lợi của người dân nên được nhiều người tin yêu, quý mến. Hiện nay, dù ở cái tuổi xưa nay hiếm song hai ông bà vẫn luôn yêu thương nhau, giúp nhau trong những sinh hoạt hàng ngày. Có những đêm ông ốm hay những tối mất ngủ, bà Thất lẳng lặng luộc quả trứng, cái bánh cho ông.
“Bà ấy đã hi sinh nhiều cho tôi, nhìn 4 đứa con trưởng thành nhờ bàn tay bà chăm sóc khiến tôi càng thêm tự hào về người vợ”, ông Ngoạn tươi cười nói. Hiện ông bà đều đã nghỉ hưu, mỗi khi có tâm sự ông đều chia sẻ với bà, còn bà Thất luôn hạnh phúc với sự lớn khôn và thành đạt của con, cháu.
Theo Báo Pháp Luật