Thiếu nữ căng tai làm “chết mê” trai bản

Google News

Đeo trang sức càng lớn thì độ xinh đẹp, duyên dáng càng tăng. Lẽ dĩ nhiên, thiếu nữ căng tai làm "chết mê" trai bản chỉ qua một cái nháy mắt.

Đàn ông và phụ nữ phải có hàm răng được cưa bằng gần sát nướu và đen bóng mới được xem là người đẹp của bản làng. Riêng, phụ nữ còn có đôi tai, với dái tai rộng để đeo được trang sức bằng bạc to, nặng sẽ được xem là mỹ nhân. Đó là phong tục xưa có một không hai của người Pa Kô sinh sống trong dãy Trường Sơn hùng vĩ…
 Ông Vỗ Bảo giới thiệu về tục cưa răng của người Pa Kô và vật dụng để nhuộm răng đen.­
Tục cưa răng ở suối lớn giữa rừng già
Sau một buổi trèo núi, băng rừng, chúng tôi cũng đến được bản Vực Leng của đồng bào dân tộc thiểu số Pa Kô, thuộc xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Ở bản làng heo hút giữa đại ngàn Trường Sơn thâm u này hiện còn một cặp vợ chồng hiếm hoi còn giữ vẻ đẹp huyền bí từ tục cưa răng, căng tai của người Pa Kô xưa. Đó là vợ chồng ông Vỗ Bảo và bà Kăn Hươi…
Trong căn nhà sàn bạc phếch màu thời gian, đôi vợ chồng già đã ngoài tuổi 75, nhưng vẫn còn cứng cáp như cây lim, cây sến ngoài rừng. Bà Kăn Hươi cầm cái cây cời bếp than đang cháy đỏ giữa nhà, cười ngượng nghịu khi tôi khen bà đẹp… lão.
Bà bảo: "Ngày xưa mẹ (cách xưng hô thân mật của những người phụ nữ Pa Kô đã có con với khách - PV) đẹp gái nhất bản ni. Trai làng cứ xếp hàng dài. Biết sao không, nhờ cưa răng với có dái tai dài đó". Nói rồi bà Kăn Hươi há miệng, khoe hàm răng đen bóng đã cưa đều hóng cho chúng tôi xem.
Bà lại cười bảo: "Tục cưa răng để làm đẹp của người Pa Kô có từ lâu đời. Nó cũng cho biết được sự trưởng thành của mỗi người; thể hiện sự can đảm của đàn ông và sự cam chịu của đàn bà".
Ông Vỗ Bảo, giải thích cho chúng tôi rằng, theo phong tục của người Pa Kô ngày xưa, khi đến tuổi trưởng thành, phải chứng tỏ sự trưởng thành đó bằng cách dùng đá lấy từ con suối lớn giữa rừng để cà cho hàm răng sát nướu; hoặc dùng cây dao có răng cưa, cưa đi một nửa hàm răng cho bằng phẳng. Nếu ai đến tuổi trưởng thành không cưa răng thì sẽ bị dân làng chê cười là thiếu can đảm, đi sim không ai yêu. Và, tất nhiên hậu quả là trai không lấy được vợ, gái không lấy được chồng.
"Cái răng nó chắc lắm nên mình cưa mất nhiều thời gian. Thường thì mất một buổi, hoặc cả ngày mới cưa xong một hàm răng. Để việc cưa răng diễn ra an toàn, người cưa răng phải là người có kinh nghiệm và bản lĩnh. Khi cưa răng phải ngồi cạnh những con suối lớn trong rừng để Giàng chứng kiến rõ hơn sự can đảm của người được cưa răng", ông Vỗ Bảo nói về kinh nghiệm cưa răng theo phong tục của người Pa Kô.
Ngày nay, khi người ta nhổ một cái răng sắp rụng cũng cần có bác sĩ, bông băng thì ngày xưa, việc cưa răng hàng giờ đồng hồ của người Pa Kô diễn ra mà không hề có một viên thuốc tê hay bất cứ dụng cụ y tế nào. Tưởng tượng cảnh ngồi cưa răng cả ngày, chúng tôi cũng đã thấy rùng mình, sởn gai ốc.
 Cây rừng và vật vụng để nhuộm răng đen của người Pa Kô vẫn được ông Vỗ Bảo gìn giữ.
Bà Kăn Hươi lại đưa que cời đống than lửa cháy rực lên và góp chuyện: "Khi cưa răng, chân răng mình nó bị động nên chảy máu nhiều, hai hàm răng bị sưng to, đau nhức. Lúc bấy giờ chỉ húp cháo loãng, hạn chế nói chuyện và phải chịu đau đớn đến cùng cực. Nhưng cũng chính vì phải trải qua cơn đau khủng khiếp khi cưa răng mà nó thể hiện được sự can đảm của một con người…".
Bà lại bảo, sau khi cưa răng xong, người Pa Kô lấy rễ cây "Tì nù tù màu" ở trên đại ngàn Trường Sơn về đốt một đầu rồi cà vào thanh sắt cho ra một ít nhựa màu đen có vị cay. Sau đó dùng nhựa này hòa với tro bếp, rồi dùng que nhỏ đầu có quấn giẻ thấm nhựa cây vào và phết vào răng. Cách 3 đến 4 ngày phết chất nhựa vào răng một lần. Chừng nửa tháng sau, chất nhựa đó sẽ bám chắc vào răng làm cho hàm răng đen bóng không bao giờ phai nhạt. Người Pa Kô gọi đó là tục nhuộm răng.
"Người Pa Kô mình thích nụ cười duyên dáng với hàm răng ngắn và đen bóng. Chính vì vậy, đến tuổi đi sim, mình đã cưa, nhuộm răng và đã lấy lòng được nhiều gái bản", ông Vỗ Bảo nhìn bà Kăn Hươi rồi nháy mắt, nói nhỏ với chúng tôi.
"Nói không phải bẩn thỉu chứ người Pa Kô mình ngày xưa không có kem đánh răng, muối cũng không đủ ăn nói gì đến chuyện dùng muối súc miệng. Vì thế nhuộm răng đen có lợi lắm, sáng dậy hớp một ngụm nước lá rừng súc miệng, không đánh răng mà vẫn không hề bị sâu ăn răng, thế mới hay", ông Vỗ Bảo vỗ tay đánh đét vào đùi cười sảng khoái để lộ hàm răng đen tuyền như hạt na, thẳng hàng đều tắp...
 Bà Kăn Hươi, người hiếm hoi sót lại của tục cưa răng, căng tai.
Thiếu nữ căng tai làm "chết mê" trai bản…
Ngoài những hàm răng ngắn, đen bóng, người phụ nữ Pa Kô xưa kia còn có tục xâu lỗ tai, rồi đeo những trang sức cỡ bự như ngà voi, vòng bạc to, và cả những thỏi gỗ quý hiếm trên rừng già Trường Sơn để dái tai càng to càng tốt. Theo phong tục của người Pa Kô, phụ nữ có dái tai càng to, đeo trang sức càng lớn thì độ xinh đẹp, duyên dáng càng tăng lên gấp bội. Lẽ dĩ nhiên, thiếu nữ căng tai làm "chết mê" trai bản chỉ qua một cái nháy mắt.
"Năm vừa tròn 15 tuổi mẹ đã được mẹ đẻ cưa răng, xâu lỗ tai, đeo mã não. Nhờ vậy mẹ được nhiều trai bản để ý theo đuổi, mới được ông Vỗ Bảo yêu thương rủ đi sim rồi cưới nhau sống đến bây giờ", bà Kăn Hươi cười ngại ngùng.
Bà còn cho hay, khi căng tai, mẹ bà dùng một loại gai trên rừng để xâu lỗ tai. Xâu tai xong thì sẽ dùng mọt gỗ bôi vào chỗ vừa xâu để tránh nhiễm trùng. Một thời gian sau, chỗ xâu lỗ tai khô đi và bà Kăn Hươi đeo những trang sức có tiết diện to dần. Lúc đầu là những đôi khoen tai bằng vàng, bằng bạc loại nhỏ, sau đeo loại lớn hơn… cho tới khi đeo đồ trang sức bằng vàng bạc, mã não bự, khiến cho dái tai to và dài ra.
Bà Kăn Hươi nói rằng, người phụ nữ Pa Kô thế hệ mẹ của bà đã đeo trang sức cực kì nặng, kéo dái tai dài đến tận gò má, có khi gần đến vai. Bởi thế mà họ được rất nhiều đàn ông để ý đến, vì có được vẻ đẹp mang bản sắc dân tộc mình.
Những khi có đám cưới, lễ hội trong bản, bà Kăn Hươi hớn hở đem những bộ áo váy ngày xưa ra mặc, dù nó đã cũ mòn. Bà tâm sự với chúng tôi rằng, ngày nay váy dân tộc Pa Kô bán đầy ở chợ; nhưng bà thích mặc bộ váy cũ để hợp thời với đôi khuyên tai bằng bạc to tướng, nặng trĩu cùng những sợi mã não đeo ở cổ lóng lánh.
"Đám cưới bây giờ người ta thích mặc quần tây, áo sơ mi hơn mặc váy. Mình thì khác, cái gì thuộc về bản sắc của mình thì cứ giữ gìn chứ không dại gì mà theo đuổi những thứ khác lạ. Làm vậy mình không ưng cái bụng…", bà Kăn Hươi lắc đầu.
Những lúc trong gia đình có lễ cúng gì đó, con cháu đủ đầy, bà Kăn Hươi đều tự hào kể về tục cưa răng, căng tai, khoe những bộ trang phục rực rỡ truyền thống. Còn ông Vỗ Bảo thì thổi khèn bè, đánh đàn Ta Lư, say sưa hát những làn điệu truyền thống.
Nhưng, có vẻ như cái văn hóa cổ xưa ấy không còn hợp thời với lớp trẻ ngày nay. Khi cuộc sống hiện đại xâm nhập đến từng ngóc ngách của bản làng thì tiếng đàn, điều khèn của ông bị át đi bởi tiếng nhạc xập xình từ loa máy cũng giống như bộ trang phục, hàm răng đen hạt huyền lóng lánh và những lỗ tai to của bà Kăn Hươi đang lùi vào dĩ vãng.
Người Pa Kô giữa đại ngàn Trường Sơn ngày nay, những người cưa răng, nhuộm răng, căng tai như vợ chồng ông Vỗ Bảo, bà Kăn Hươi rất hiếm hoi. Nhưng suy cho cùng thì đó là quy luật của sự phát triển của cộng đồng trong thế giới hiện đại…
Theo An ninh thế giới