“Thổi hồn” vào than đá

Google News

Chúng tôi đã may mắn khi gặp được một trong số 3 hộ dân cuối cùng ở TP Hạ Long còn giữ được nghề làm tranh than đá.

- Chúng tôi biết đến nghề chế tác các sản phẩm tranh, mỹ nghệ bằng than đá qua sự giới thiệu của một cô bạn đồng nghiệp. Nhưng khi chúng tôi đến TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh hỏi về cái nghề nghệ thuật này thì nhiều người ngơ ngác, lắc đầu bảo, tranh than đá chỉ còn trong trí tưởng tượng của mỗi người dân đất mỏ...

Nhưng chúng tôi đã may mắn khi gặp được một trong số 3 hộ dân cuối cùng ở TP Hạ Long còn giữ được nghề đã tồn tại được hàng trăm năm.

Nét riêng của dân vùng mỏ

Đến vùng mỏ Quảng Ninh chúng tôi chỉ hình dung ra những hầm than đâm ngang bổ dọc dưới lòng đất, cùng những khai trường than khổng lồ chứ không hề nghĩ rằng ở một góc nhỏ của mảnh đất trùng điệp than đá lại có một nghề mà người dân gọi là mỹ nghệ than đá hoặc tranh than đá, nghề này một thời đã trở thành bản sắc văn hóa riêng biệt của người dân vùng mỏ.

Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được đến xưởng chế tác mỹ nghệ than đá của gia đình bà Phan Thị Cộng ở đường Lê Thánh Tông, TP Hạ Long, gia đình bà là một trong ba gia đình cuối cùng ở TP Hạ Long còn giữ được nghề truyền thống của cha ông để lại.

Nhìn những sản phẩm như sư tử, con trâu, bức tranh hạ long, hòn trống mái... được chế tác với những đường nét tinh tế, tỉ mỉ đủ thấy sức sáng tạo và sự dày công của người thợ chế tác than đá.

Thấy chúng tôi nhìn ngắm say mê, bà Cộng nhấc một sản phẩm lên và giới thiệu: "Sản phẩm mỹ nghệ và tranh than đá cứng như các sản phẩm đồ gốm, sứ vì thế có thể để trường tồn qua thời gian. Để sản phẩm có được độ bền cao như đồ gốm, người thợ chế tác phải dày công đi tìm phôi đá. Ở Quảng Ninh chỉ có 3 nơi là Đèo Nai, Cao Sơn, Cẩm Phả là có phôi đá cứng, than đẹp có thể làm được tranh đá".

Theo bà Cộng thì khi tìm được nơi than đá có chất lượng tốt thì phải đem cưa máy đi xẻ thành từng khối. Sau khi xẻ được phôi thì đem về xẻ nhỏ ra thành từng khối theo yêu cầu chế tác. Phôi than chất lượng cao là khối than phải đặc, đen, bằng mắt thường quan sát không thấy có những vân, mạch đứt gãy xuyên ngang, dọc qua khối than. Nếu lấy phải than kém chất lượng thì chế tác sẽ không nên, khi đẽo gọt than sẽ bị gãy, nứt...

Khi lấy than về, người thợ phải dùng những dụng cụ như dao gọt, dùi để tạo hình cho sản phẩm, khi sản phẩm đã tạo hình xong thì phải đánh giấy ráp để làm cho sản phẩm nhẵn nhụi hơn. Đánh giấy ráp xong phải đánh lại bằng vải lụa để cho sản phẩm bóng, mịn nhìn đẹp mắt. Trong quá trình chế tác thì khâu khó khăn và mất thời gian nhất là việc tạo hình và đẽo gọt những đường nét nhỏ, nếu khi đẽo, gọt mà không may làm vỡ một chi tiết nhỏ thì coi như sản phẩm hỏng, phải vứt bỏ.
 
Ví dụ, khi làm con sư tử, khó nhất là gọt bờm làm sao cho giống như thật, khi lia dao gọt qua những đường cong của bờm, không may lỡ tay cứa vỡ những chỗ khác một mảng bằng nửa móng tay thì vứt cả sản phẩm. Nếu sản phẩm bị vỡ với vết vỡ chỉ bằng que tăm, sợi chỉ thì có thể khắc phục bằng cách dán keo để cố định vết nứt, vỡ sau đó đẽo, gọt lại chỗ vừa dán keo...

Vì sự tỉ mẩn, tốn nhiều công sức nên một người thợ lành nghề phải mất một tuần mới làm được một sản phẩm, còn những người thợ mới vào nghề thì có khi làm hai, ba tuần mới làm được một sản phẩm...

Một sản phẩm hoàn chỉnh nhìn bóng mịn, đẹp mắt.
Một sản phẩm hoàn chỉnh nhìn bóng mịn, đẹp mắt.

Mai một nghề hơn trăm tuổi

Lòng vòng quanh TP Hạ Long, chúng tôi gặp được ông Nguyễn Xuân Nguyên, 70 tuổi ở đường 25/4, TP Hạ Long. Theo ông Nguyên thì nghề chế tác mỹ nghệ than đá đã xuất hiện từ đầu thế kỷ XX do người Pháp du nhập vào. Ngay sau đó, Pháp đã cho mở một xưởng chuyên chế tác tranh, mỹ nghệ than đá để đem về Pháp. Khi mở xưởng chế tác tranh, người Pháp cũng đã mở một số lớp dạy nghề cho dân bản địa học rồi phục vụ cho nhu cầu của người Pháp.

Sau năm 1954 khi thực dân Pháp thua trận ở Việt Nam, những xưởng chế tác tranh than đá cũng bị giải thể. Một thời gian sau, những người thợ chế tác tranh đá quí được trở lại với nghề bằng việc tham gia vào HTX Hồng Gai chuyên chế tác tranh, mỹ nghệ than đá. Tuy nhiên, HTX hoạt động không hiệu quả, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được... Đến năm 1986, HTX Hồng Gai giải thể và những người làm nghề chế tác tranh đá quí tách riêng ra để làm ăn, gia đình nào bán nhiều thì hưởng nhiều, bán ít thì hưởng ít.

Gia đình bà Phan Thị Cộng gắn bó với nghề mỹ nghệ than đá đến nay đã quá ba đời người, bà bảo: "Gia đình tôi bám trụ cái nghề lắm truân chuyên này từ khi nó mới xuất hiện cho đến nay. Nhưng có lẽ đời con, cháu tôi sẽ không giữ được cái nghề độc hại hao công tốn sức này nữa, muốn làm nghề này phải có công cụ bảo vệ sức khỏe, như máy hút bụi, khẩu trang hoạt tính... nếu không thì nhiều người sẽ bị viêm phổi.
 
Trước đây nhiều người làm nghề phải đi rửa phổi định kỳ để tránh viêm phổi do bụi than bay vào. Chính vì thế mà lớp con cháu bây giờ chẳng ai muốn làm nghề truyền thống này nữa. Hiện gia đình chúng tôi chỉ có 6 cụ già đã 70 - 80 tuổi hầu hết các cụ là những người trong gia đình, họ hàng làm 2 tiếng mỗi ngày để duy trì nghề cũ. Các cụ ấy là những người tâm huyết với nghề, khi HTX Hồng Gai giải tán, các cụ vẫn giữ lại đồ nghề, thỉnh thoảng buồn chân, tay thì đi tìm than đá về làm và vận động con, cháu học chế tác tranh, mỹ nghệ than quyết tâm không để nghề lạc vào dĩ vãng...".

Bà Phan Thị Cộng bên một sản phẩm vừa đẽo gọt xong.
Bà Phan Thị Cộng bên một sản phẩm vừa đẽo gọt xong.
Theo bà Phan Thị Cộng thì hiện nay, mỗi sản phẩm tranh, mỹ nghệ than đá có giá trung bình khoảng 350.000đ. Khách hàng mua những sản phẩm này chủ yếu là khách du lịch vãng lai, nhưng số lượng sản phẩm được bán ra không nhiều, gia đình chỉ làm theo kiểu "cầm hơi" làm để giữ nghề và làm cho vui chứ chẳng mặn mà với việc phát triển thị trường, giới thiệu sản phẩm đến quần chúng nữa.
Quách Dương
BÀI ĐỌC NHIỀU: