Thực hư đắp lá chữa rắn độc cắn của lang Toàn

Google News

Có trường hợp đặc biệt bị rắn độc cắn, được bệnh viện "trả về", tìm đến thầy lang Toàn lại được chữa khỏi hoàn toàn.

- Những người mới bị rắn độc cắn đưa đến kịp thời thì việc chữa trị đơn giản hơn. Nhưng có trường hợp đặc biệt bị bệnh viện "trả về", tìm đến thầy lang Toàn lại được chữa khỏi hoàn toàn. Lang Toàn cũng tiết lộ bí quyết chữa rắn cắn của mình.

Hàng chục loại lá dùng chữa rắn cắn

"Hơn 30 năm qua, tôi đã chữa khỏi cho hàng trăm người bị rắn độc cắn. Những người tìm đến chưa bao giờ tôi để họ phải chết, hoặc phải chuyển đi bệnh viện. Các trường hợp bị rắn cắn đưa đến kịp thời 100% được cứu sống, khỏi bệnh hoàn toàn bằng việc đắp lá thuốc và dùng thêm một vài vị thuốc Bắc để dứt nọc hoàn toàn", ông Đỗ Hữu Toàn (thôn Hòa Khê Hạ, xã Bạch Hạ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội), thầy lang chữa rắn cắn chia sẻ với phóng viên.

Lang Toàn chỉ ra ưu điểm của phương pháp chữa trị rắn cắn bằng đắp lá: "Vết thương để lại dấu vết nhỏ, chỗ bị rắn cắn không bị teo. Khu vực bị hoại tử sẽ được bù đầy do sử dụng lá có tác dụng giúp sinh tế bào mới. Không cần phải thay máu, tiết kiệm được kinh phí chữa trị. Chữa bằng lá cây có tính mát và ôn hòa.

Để có thể lấy mủ, lấy nọc độc, chữa khỏi cho người bị rắn hổ mang phì cắn, bài thuốc của tôi cần sự kết hợp của 30 loại lá. Còn đối với nọc độc của rắn cạp nia cần sự kết hợp của 15 loại lá. Mỗi loại rắn có độc tính nóng, lạnh khác nhau và phụ thuộc vào mức độ nguy hiểm của vết rắn cắn mà có cách chữa cho phù hợp".

Lang Toàn cho biết: "Rắn hổ mang bành thuộc dòng rắn có độc tính nóng. Khi bị rắn cắn, vết thương có biểu hiện sưng phù to, người tấy sốt, chỗ vết cắn thường bị hoại tử. Trong thời gian 2 - 3 ngày sau khi bị rắn cắn, đưa nạn nhân đến chữa trị sẽ khỏi hoàn toàn. Phần thịt bị hoại tử cần phải cắt bỏ đi, đắp ngay bằng lá thuốc để ngăn chặn hoại tử lan rộng. Sau 2 ngày đắp lá thuốc, vết thương sẽ nảy sinh tế bào mới, sưng phù sẽ xẹp dần.

Rắn cạp nia thuộc dòng rắn có độc tính lạnh, các vết cắn không tạo mủ nhưng độc tính vào máu gây tê liệt hồng cầu. Trong vòng 30 giờ, nếu nạn nhân không được đưa đến chữa trị thì có nguy cơ mất mạng. Đặc biệt, các nạn nhân bị rắn cạp nia cắn thường bị tắc đờm nên cần phải được sơ cứu hút đờm trước khi chuyển đi chữa trị".

Ông Đỗ Hữu Toàn có kinh nghiệm lâu năm chữa trị cho người bị rắn độc cắn.
Ông Đỗ Hữu Toàn có kinh nghiệm lâu năm chữa trị cho người bị rắn độc cắn.

Bệnh viện trả về vẫn có thể chữa khỏi

Trường hợp của chị Đỗ Thị Xuyến (xã Chi Thủy, Phú Xuyên, Hà Nội) đi mò cua, không may khi đưa tay vào hang hốc bị rắn hổ mang cắn. Chị Xuyến đã được đưa đi bệnh viện nhưng không khỏi, phải quay về nhờ thầy lang Toàn chữa trị.

"Gia đình đưa tôi đi bệnh viện huyện Phú Xuyên chữa trị nhưng bệnh viện cấp huyện chỉ có khả năng sơ cứu, không chữa khỏi. Khi tôi đến nhà lang Toàn, vết rắn cắn đã bị hoại tử. Lang Toàn chữa trị cho tôi 25 ngày thì khỏi hoàn toàn", chị Xuyến kể lại.

Trường hợp của anh Đỗ Văn Thuyết (thôn Hòa Khê Hạ, xã Bạch Hạ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) bị rắn hổ mang cắn vào mắt cá chân ngày 6/4/2012. Anh Thuyết cho biết: "Hôm đó tôi đến nhà một người quen hỏi mua rắn hổ mang về nuôi. Vốn là một thợ chuyên đi bắt rắn nên tôi chủ quan, cứ thế bước chân vào chuồng rắn hổ mang, không may vô tình dẫm chân vào một con rắn, nó ngong cổ đớp vào mắt cá chân tôi. Rất nhanh sau đó vết cắn sưng to, ít lâu sau phần thịt xung quanh vết cắn bị hoại tử, cũng may mà bạn tôi đưa ngay đến nhà lang Toàn chữa trị".

Anh Thuyết vẫn nhớ như in những ngày lang Toàn chữa trị cho mình: "Khi tôi được mọi người đưa đến nhà lang Toàn, chỗ vết cắn đã hoại tử chừng 10cm. Lang Toàn cắt phần thịt hoại tử đi rồi đắp lá thuốc cho tôi. Trong 3 ngày liên tiếp toàn bộ cơ thể tôi chỗ nào cũng đau nhức, nằm liệt giường, tôi không ăn được gì, chỉ cố nuốt ngụm nước. Đến ngày thứ 4 thì vết rắn cắn giảm sưng tấy, tôi bắt đầu ăn được ít cơm. Sau 2 tháng chữa trị tôi đã đi lại được, thêm 2 tháng nữa thì tôi khỏi hoàn toàn. Bây giờ tôi lại khỏe như voi rồi".

Anh Đỗ Văn Thuyết bị rắn hổ mang cắn vào mắt cá chân.
Anh Đỗ Văn Thuyết bị rắn hổ mang cắn vào mắt cá chân.

Cách sơ cứu khi bị rắn độc cắn

Lang Toàn cũng hướng dẫn cách sơ cứu nạn nhân bị rắn độc cắn như sau: "Các trường hợp bị rắn độc (rắn hổ mang bành, hổ đất, hổ phì, rắn cạp nia, cạp nong...) cắn cần được sơ cứu ngay. Cần khêu rộng vết rắn cắn, dùng miệng mút nọc độc nhổ đi. Ngay sau đó chuyển đi chữa trị thì chắc chắn sống.

Trong dân gian có một số phương pháp sơ cứu ban đầu như dùng phao câu gà dí vào vết rắn cắn, cách này sẽ giảm đi được khoảng 3% độc tố của nọc rắn mà không hề viêm nhiễm vết thương.

Ngoài ra, không nên garo vết rắn cắn, không nên tự ý chữa trị làm tăng thêm độc tố của rắn. Các trường hợp bị rắn cạp nia, cạp nong cắn cần phải hút đờm ngay, không được để nạn nhân tắc thở".

"Đối với người bị rắn hổ mang cắn cần kiêng các món ăn như thịt gà, thịt chó, cá chép, ba ba... Khi bị rắn cạp nia cắn thì có thể dùng một lượng nhỏ quế vì cạp nia có độc tố tính lạnh. Tuy nhiên tất cả phải tuân theo cách hướng dẫn của thầy lang", lang Toàn lưu ý.
 
 
"Khi bị rắn độc cắn cần được sơ cứu ngay. Phương pháp sơ cứu như khêu rộng vết rắn cắn, dùng miệng mút nọc độc nhổ đi. Ngay sau đó chuyển đi chữa trị thì chắc chắn sống như lang Toàn nói hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, Lang Toàn đưa ra những phương pháp sơ cứu ban đầu như dùng phao câu gà dí vào vết rắn cắn, cách này sẽ giảm đi được khoảng 3% độc tố của nọc rắn mà không hề viêm nhiễm vết thương là chưa có cơ sở.

Trong dân gian, các thầy lang hay dùng các phương pháp khác như  khi bị rắn cắn, thường lấy cây cỏ xung quanh khu vực bị rắn cắn, giã ra lấy nước uống, ăn bã cây, hoặc lấy trứng gà đục một lỗ cho vào chỗ có rắn cắn, hoặc ăn chanh để bớt độc lây truyền. Tất cả phương pháp ấy đều không đúng, bởi ăn chanh thì bị loét dạ dày, ăn lá dễ bị tắc ruột... mà không giảm bớt được độc tố. Khi bị rắn độc cắn, nạn nhân cần được đưa đến các cơ sở y tế tuyến huyện để theo dõi trường hợp liệt hô hấp trong vài tiếng, sau đó sơ cấp cứu bằng cách đưa ống nội khí quản vào đường thở. Khi đưa lên tuyến trên, phải có nhân viên y tế đi cùng theo dõi hô hấp".
BS Nguyễn Kim Sơn (Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội)
Mạnh Ninh
 
BÀI ĐỌC NHIỀU: