Thuê rèn đao kiếm dễ như... mua rau ở Hà Nội

Google News

Thời gian gần đây, dân anh chị thường rỉ tai nhau về làng rèn Đa Sĩ thuộc phường Kiến Hưng (quận Hà Đông, TP Hà Nội), để đặt "hàng" theo ý muốn

Thời gian gần đây, dân anh chị thường rỉ tai nhau về làng rèn Đa Sĩ thuộc phường Kiến Hưng (quận Hà Đông, TP Hà Nội), để đặt “hàng” theo ý muốn, thay vì phải mất công đi mấy trăm cây số lên các chợ cửa khẩu biên giới Lạng Sơn để sắm.

Làng rèn Đa Sĩ nằm ở cửa ngõ phía tây nam Thủ đô Hà Nội, vốn nổi tiếng với nghề làm dao, kéo từ bao đời nay. Hiện làng có tới 2/3 số hộ dân theo nghề rèn. Khắp đường làng, đâu cũng nghe tiếng búa nện vào đe chát chúa, những xe tải vào ra kìn kìn đưa hàng đi đổ buôn... Chính bởi sản phẩm rèn Đa Sĩ rất được ưa chuộng trên thị trường vì chất lượng tốt, giá cả hợp lý, nên nhiều người từ nơi khác, thậm chí cả dân xã hội đen cũng đến đặt mua.

“Kiếm Nhật” giá 1,2 triệu đồng

H., một dân anh chị có tiếng ở khu vực quận Thanh Xuân (TP Hà Nội), cho hay để có một thanh kiếm kiểu Nhật, đôi mã tấu hoặc cặp dao phớ dài cả mét cũng chẳng khó chút nào. Chỉ cần đến bất kỳ một lò rèn nào đó ở Đa Sĩ, chỉ qua cho họ thấy món đồ mình cần làm, sau đó đặt tiền, rồi chờ đến ngày nhận hàng.

Để xác thực thông tin, chúng tôi cầm theo tấm ảnh chụp thanh kiếm Nhật dài hơn 1m đút trong vỏ có nạm bạc, khắc hình nổi mấy con rồng hẳn hoi, đến Đa Sĩ “đặt hàng”. Xe vừa tới đầu làng, đã thấy rất nhiều lò rèn, cửa hàng trưng bày bán đủ loại dao cắt, dao phay, kéo, dao quắm, thuổng...

Chọn một cửa hàng to nhất, có bày bán khá nhiều loại rìu, chúng tôi bước vào bên trong. Chủ cửa hàng là người đàn ông dáng vẻ phương phi, xấp xỉ ngũ tuần, cởi mở mời chào khách. Vừa thoạt nghe qua yêu cầu của chúng tôi, ông này gật đầu lia lịa mà chẳng cần hỏi mục đích của việc đặt món hàng này làm gì.

Chỉ vào đám thợ mình trần, mồ hôi nhễ nhại, đang ra sức quai búa, ông chủ tiếp thị: “Làng nghề Đa Sĩ bắt đầu bằng việc làm nông cụ sản xuất, rồi rèn đủ thứ loại vũ khí lợi hại để chống lại kẻ thù xâm lăng, nên việc làm mấy cây đao, thanh kiếm, dao phớ... chỉ là chuyện nhỏ”. Với thanh kiếm như trong bức ảnh, ông này nói chắc nịch thợ của ông chỉ mất đúng 3 ngày để hoàn thành. Theo đó, phần lưỡi kiếm to bản tới 5 phân, vát đầu, mài trắng toàn bộ, dài đúng 1,15 m. Còn phần chuôi kiếm dài 30 cm sẽ được gia công tại các xưởng đồ mộc trong làng... Rồi ông ra giá 1,2 triệu đồng, 3 ngày sau đến lấy hàng.

Thấy tôi chê đắt hơn kiếm bán ở nhiều khu vực khác, chủ cửa hàng này cười khì: “Nếu thằng em thích làm kiếm Nhật giá chỉ độ 400.000 - 500.000 đồng thì anh cũng chiều. Nhưng khi về đem “chiến” nhau thì đừng có nói ông anh không báo trước. Cách đây vài tháng cũng có mấy thằng choai choai dùng kiếm Tàu mua ở Lạng Sơn, nhìn ngoài trông sáng loáng, nhưng mới chỉ chém vào cạnh bàn, nhẹ hơn là chém vào thân cây tươi bên đường thì đã bị quằn lưỡi và gãy đôi”. Chưa hết, theo lời người đàn ông này, khác với kiếm Tàu được làm bằng tôn, kiếm ở làng Đa Sĩ được rèn bằng thép lấy từ nhíp ô tô, sẽ cho chất lượng vượt trội, tính sát thương cao, nên dân anh chị rất ưa dùng. Cũng theo người chủ cửa hàng này, nếu khách đặt làm số lượng nhiều, giá mỗi thanh kiếm chỉ còn 1,1 triệu đồng.

 
 
Thanh kiếm kiểu Nhật được rèn với giá 1,2 triệu đồng
Thanh kiếm kiểu Nhật được rèn với giá 1,2 triệu đồng

Làm bao nhiêu cũng có

Tại một số lò rèn khác trong làng, những người chủ cũng không bận tâm xem chúng tôi đặt làm kiếm sử dụng vào mục đích gì mà chỉ chăm chăm tới số lượng đơn đặt hàng. Khi chúng tôi ngỏ lời đặt làm những loại hung khí mà công an thường thu được từ các băng nhóm tội phạm, như đao, đoản kiếm, giáo mác, dao phớ, rìu... với số lượng lớn, nhiều chủ lò rèn đều nhận lời.

Theo đó, một cây đao to bản bằng bàn tay, dài 60 cm, thêm phần chuôi cán 30 cm có giá 500.000 đồng; một cặp dao phớ dài 75 cm, chuôi dài 25 cm, có giá 650.000 đồng; một cây rìu lưỡi cũng làm bằng thép nhíp ô tô, có cán dài 50 cm, giá 150.000 đồng...

“Tôi thấy bọn thanh niên choai choai bây giờ hay đặt làm loại dao phớ, đoản đao dài từ 50 - 70 cm, vì chúng dễ cất dưới yên xe máy. Khi hỏi thì chúng bảo tôi lắm chuyện, chỉ mang theo người để phòng vệ, ra đường đỡ bị bắt nạt” - một chủ lò rèn ở Đa Sĩ cho biết.

Cũng theo chủ lò này, để tránh bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, dân anh chị hay đám thanh niên khi tới lấy hàng thường đem theo những chiếc túi đựng vợt tennis, cầu lông, túi đựng cần câu cá để chứa đao, kiếm, dao phớ... Và thời gian giao nhận hàng thường vào giữa trưa.

Nhiều loại hung khí bị Lực lượng 141 Công an Hà Nội bắt giữ
Nhiều loại hung khí bị Lực lượng 141 Công an Hà Nội bắt giữ

Khó kiểm soát

Ông Bùi Văn Bằng, Phó chủ tịch UBND phường Kiến Hưng, cho biết: “Do là làng nghề, cũng như lịch sử để lại nên toàn bộ số hộ làm rèn đều thông thạo việc sản xuất những loại vũ khí thô sơ như kiếm, đại đao, đoản đao, giáo mác, dao phớ... Nhưng cách đây khoảng 2 năm, khi mà trên địa bàn TP Hà Nội liên tục xảy ra nhiều vụ dùng hung khí để thanh toán, đòi nợ..., thì chính quyền phường đã kết hợp cùng lực lượng công an triển khai ký cam kết với các hộ làm nghề rèn không được sản xuất, buôn bán các loại vũ khí thô sơ kể trên. Nếu hộ nào bị phát hiện thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và buộc thôi hành nghề. Ngoài ra, chính quyền phường còn thường xuyên tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất, tuy nhiên cho tới nay vẫn chưa phát hiện được hộ nào vi phạm như cam kết”.

Trong khi đó, ông Hoàng Quốc Chính, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề rèn Đa Sĩ, cho hay trong tổng số 4.500 hộ dân trên toàn phường thì có đến 3.562 hộ liên quan đến nghề rèn. Nhiều hộ ở làng Đa Sĩ vẫn nhận đơn đặt hàng sản xuất những loại đao, kiếm, giáo mác… Nhưng đây là sản xuất phục vụ cho các đoàn biểu diễn nghệ thuật.

Tuy nhiên, ông Chính cũng thẳng thắn thừa nhận: “Tất cả các lò rèn ở Đa Sĩ đều được đặt trong khuôn viên của mỗi hộ gia đình nên việc kiểm tra phát hiện việc sản xuất vũ khí thô sơ theo đúng đơn đặt hàng của các đoàn nghệ thuật, quả thật là rất khó kiểm soát”. Cũng theo ông Chính, với dân làng nghề Đa Sĩ, việc làm ra những thanh đao, cây kiếm, mã tấu… là việc quá đỗi đơn giản, nên không ngoại trừ một số hộ gia đình do ham lợi nhuận nên vẫn âm thầm nhận làm. “Nói là cấm triệt để, không còn hộ nào làm vũ khí thô sơ là không có, chỉ trông chờ vào lương tâm của mỗi người thợ rèn thôi” - ông Chính chia sẻ.

Một chủ lò rèn nằm ở cuối làng Đa Sĩ “bật mí”: để tránh bị để ý, nhiều hộ ngoài đường lớn làm dao phớ, đao, kiếm bằng tôn và dùng máy để rút dài chứ không dùng đe (để tránh tiếng ồn - PV). Nhưng như vậy loại dao, kiếm này chỉ để trưng bày cho đẹp mắt. Còn để “làm việc”, thị uy đối phương thì hung khí phải rèn bằng búa nện trên đe. Hung khí được làm như vậy có đem ra chặt gỗ nghiến lưỡi cũng không bị mẻ hay quằn. “Phải nhìn vào thân con dao, thanh kiếm, nếu phát hiện những vết lõm, vết “rỗ” thì đích thị là đồ rèn bằng thép. Còn nếu thân thanh kiếm mà cứ nhẵn thín, phẳng lì, là được làm từ tôn và kéo bằng máy chứ không qua rèn, nhìn đẹp nhưng không sắc và rất dễ gãy” - chủ lò rèn này nói.

(Theo Thanh Niên)
[links()]