Bà Lê Thanh Nhàn, 53 tuổi ở thôn Đa Giá, thị trấn Thiên Tôn (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) tự nhận mình là "tiên cô" giáng trần cứu giúp dân nghèo. Trước đây, bà từng bị bệnh tim thập tử nhất sinh, nhưng nhờ ăn chay, niệm Phật bà đã khỏi bệnh. Sau khi khỏi bệnh, bà đã làm hẳn ngôi chùa trong hang động để hành lễ chữa bệnh cho người dân.
|
Bà Nhàn giảng giải về Phật pháp cho mọi người. |
Chân dung "tiên cô"
Quê gốc của "tiên cô" chữa bệnh ở xã Gia Lập, huyện Gia Viễn. Ngày nhỏ bà khoẻ mạnh bình thường, nhưng không hiểu sao khi lấy chồng về thôn Đa Giá thì thường xuyên đau ốm. "Hơn 20 năm trước tôi bị rất nhiều bệnh, nặng nhất là bệnh tim. Nhiều hôm tôi đi làm, cơn đau tim hành hạ, ngất liên tục. Nhiều lần tôi ngất, nhờ người thân đưa cấp cứu kịp thời mới thoát khỏi cái chết. Ngày đó, dù biết tôi bị bệnh tim nặng, nhưng gia đình nghèo khó, điều trị bệnh viện một thời gian rồi về nhà. Quá tuyệt vọng, có lúc tôi nghĩ đến cái chết để giải thoát cuộc sống. Nhưng nghĩ đến chồng con, tôi lại nén chịu cơn đau để sống", bà Nhàn kể.
Nhưng rồi, cuộc đời bà Nhàn đã có nhiều thay đổi sau một giấc mơ. Trong một đêm, bà mơ thấy thần Phật nói bà lên Hà Nội sẽ gặp được "người mẹ mặt trăng", người đó sẽ chỉ bảo cho bà cách thoát khỏi sự hành hạ của bệnh tật. Khi tìm hiểu chúng tôi mới biết, người đó chính là bà Lê Thị Tâm (ngõ 78, đường Giải Phóng, Hà Nội) - người đã làm hồi sinh nhiều số phận.
|
Trước đây bà không biết viết, nhưng giờ làm thơ và thuộc nhiều kinh Phật. |
Bà Nhàn kể, cuộc gặp gỡ của bà với mẹ Tâm (bà Nhàn xem bà Tâm là mẹ nuôi) thật là duyên kỳ ngộ. Khi đó, cháu bà Nhàn bị ốm, chữa trị nhiều bệnh viện trong tỉnh không được, bà đưa lên Hà Nội chữa. Một hôm, bà tình cờ gặp một người đàn bà dáng thấp đậm, nhưng khuôn mặt thì vô cùng phúc hậu. Bà giống như người "thần Phật" đã cho gặp trong giấc mơ trước đây. Biết bà Nhàn có hoàn cảnh khó khăn, bà Tâm thương tình cho chút tiền chữa bệnh cho cháu, đồng thời giảng giải về kinh Phật, dạy cho phương pháp ngồi thiền, ăn chay, niệm Phật.
Từ đó, hằng ngày từ 3h sáng bà Nhàn ngồi thiền, tụng kinh Lăng Nghiêm, kinh Phật, kinh Pháp Hoa... Thịt cá tự nhiên bà cũng không ăn được, chỉ cần ngửi thấy mùi là buồn nôn. Bà ăn chay, niệm Phật suốt một thời gian dài, căn bệnh tim của bà khỏi dần, giờ không còn nữa. Giờ nhìn bà ít ai biết được trước đây bà từng thập tử nhất sinh vì bệnh tật. Hiện da dẻ bà hồng hào, trắng muốt và trẻ hơn nhiều so với tuổi 53 của mình. Bà bảo, đó là nhờ vào việc ăn chay, niệm Phật trong suốt mấy chục năm qua.
|
Theo bà Nhàn, hiện bà đang chữa bệnh cho khoảng 200 người. |
"Tiên cô" từng không biết viết tên mình
Ông Đinh Văn Giang - chồng bà Nhàn cho hay, trước khi ông lấy bà Nhàn, bà khoẻ mạnh bình thường, nhưng về đây sống được thời gian bà phát bệnh. Chữa nhiều nơi không khỏi, bà tìm đến phương pháp ngồi thiền, ăn chay niệm Phật. Nhờ phương pháp này mà bà khỏe mạnh, thoát khỏi bệnh tật.
Theo ông Giang, trước đây, bà Nhàn chưa học hết cấp 2, khi lấy chồng về đây bà xin làm công nhân Nhà máy cơ khí 1-5 Ninh Bình. Công việc ở nhà máy thì bà làm rất tốt. Tuy nhiên, khi đó bà rất đãng trí. Có hôm đi chợ mua đồ ăn về nấu nướng, nhưng không hiểu sao trả tiền cho chủ hàng xong bà lững thững đi người không về. Đến bữa ăn, chồng hỏi đồ ăn đâu bà mới nhớ ra để quên ngoài chợ.
|
Sau khi chữa bệnh cho mình, bà lập điện, xây chùa trong núi làm lễ chữa bệnh cho người dân. |
"Không hiểu sao, ngày đó bà ấy bị lú lẫn đến như vậy. Có đợt lãnh đạo nhà máy yêu cầu các công nhân làm báo cáo tổng kết, bà ấy còn không viết đúng tên mình", ông Giang kể.
Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ăn chay, niệm Phật bà trở nên rất hoạt bát, ăn nói khôn khéo hơn người. Đặc biệt, bà có thể xem bói, xem vận hạn của mỗi người. Bà vào trong tủ lấy mấy cuốn sách khoe với tôi, những tập thơ này do chính bà tự sáng tác. Bà nói rằng, đời trần không ai dạy bà cả mà do thần Phật chỉ dạy.
Bà Nhàn cho hay, sau thời gian ngồi thiền, đọc kinh tự chữa bệnh cho mình, bà đã quyết định lập điện, xây chùa lấy tên là chùa Thiên Linh Tự. Ngôi chùa bà xây dựng nằm trong lòng của ngọn núi cổ thôn Đa Giá.
|
Chùa Thiên Linh Tự được bà Nhàn xây dựng trong hang núi Đun. |
Theo chúng tôi tìm hiểu thì hang động nằm trong khoảng đất nhà bà Nhàn có từ lâu đời. Ngọn núi này có tên là núi Đun, có từ xa xưa. Thời nhà Đinh, nơi đây là cửa ngõ đón khách. Mỗi khi khách nơi xa đến vào triều đều phải xuống ngựa, qua nơi đây làm thủ tục. Sau này, nơi đây trở thành nơi thờ tự của các viên quan, tướng trong triều. Thời chiến tranh, chống Pháp, chống Mỹ hang động trở thành nơi chứa lương thực và đạn dược của quân và dân trong vùng.
"Tiên cô" Thanh Nhàn bảo, bà có sứ mệnh lập điện, lập bàn thờ, thờ các ngài thần Phật để làm lễ cứu giúp dân nghèo. Bà Nhàn cho hay, hiện nay bà đang điều trị bệnh cho khoảng 200 người - họ là "học sinh" của bà. Hằng tháng, các "học sinh" tề tựu về chùa 3 lần, làm lễ trước thần Phật và sẽ được bà giảng dạy về Phật pháp. Trong quá trình học tập, "học sinh" nào có thắc mắc gì thì "tiên cô" sẵn sàng giải thích cho họ hiểu.
"Tôi làm phúc cho mọi người thôi, nếu tôi đặt ra quy định thu tiền chắc giàu rồi. Nhiều người bảo, tôi làm thầy mấy chục năm nhưng vẫn đi chiếc xe máy cọc cạch. Tôi bảo, xưa tôi thế nào thì giờ vậy, tôi làm vì giúp cho dân chúng chứ có phải thu lợi cho mình. Nhà lầu, xe hơi làm gì, giúp đỡ cho mọi người là tôi vui rồi. Thu nhập chính của gia đình tôi hiện nay là cấy lúa và chăn nuôi. Mỗi năm gia đình tôi cũng thu nhập hàng trăm triệu đồng nhờ vào làm kinh tế", bà Nhàn kể.
Bà Nhàn cho biết, hơn 20 năm qua bà làm việc thiện mà đức Phật dẫn đường đó là hỗ trợ, giúp đỡ dân nghèo vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Gia đình nào đang yên đang lành, gặp nhiều tai họa như ốm đau, tai nạn... đến đây bà lập đàn, tụng kinh, niệm Phật làm lễ hóa giải. Bà hướng dẫn họ ăn chay, niệm Phật và đọc sách về kinh Phật. Mỗi người có một số phận khác nhau, nghiệp khác nhau. Vì thế, ốm đau bệnh tật cũng là nghiệp ở mỗi người. Nhưng nếu biết theo đạo tu hành thì cơ thể sẽ được khỏe mạnh, tinh thần sảng khoái.
PV