Tiền tỷ cũng không “bán” bí quyết đúc đồng...

Google News

Họ đặt thì cụ làm ở xưởng nhà mình, chứ trả thù lao tiền tỷ cụ cũng không theo họ

- Ít ai biết rằng bức tượng Bác Hồ đặt trong Bảo tàng Quân đội là do nghệ nhân Nguyễn Văn Dũng (phố Nghĩa Dũng, phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) thực hiện. Cụ Dũng năm nay đã bước sang tuổi 81, với hơn 60 năm làm nghề đúc đồng và là nghệ nhân đúc đồng cao tuổi nhất làng Ngũ Xã.

Tâm đắc nhất là tượng Bác Hồ

Ngoài bức tượng Bác Hồ ở mặt trận biên giới năm 1950, cụ Dũng còn tâm huyết với ba bức tượng khác là: Bức tượng chân dung Bác Hồ đúc cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp mang sang tặng Thủ tướng Ấn Độ. Sau khi trở về nước, Đại tướng đã cho thư ký riêng đến tặng cụ Dũng món quà vì đã đúc tượng Bác Hồ rất đẹp. Sau này, cụ Dũng còn đúc thêm hai pho tượng để đời nữa là tượng Đức Ông đặt ở chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) và bức tượng Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh.
Trong suốt hơn 60 năm làm nghề đúc đồng, cụ Dũng đã đúc hàng nghìn sản phẩm. Nhưng pho tượng cụ tâm đắc cũng chỉ tính trên đầu ngón tay.
 
"Một trong những bức tượng tôi tâm đắc nhất là bức tượng Bác Hồ. Bức tượng tôi đúc dựa trên tác phẩm của nhà điêu khắc Minh Tỉnh. Tác phẩm này khắc họa Bác Hồ ở mặt trận biên giới năm 1950 bằng thạch cao. Lúc đó Bác Hồ mặc bộ quần áo bộ đội màu xanh da trời hết sức giản dị, trên lưng Bác đeo bình tông đựng nước và một bên đeo lon đựng gạo, chân đi đôi dép cao su. Với tôi, đó là hình ảnh một vị lãnh tụ thật bình dị giữa chiến trường", cụ Dũng kể.

Lúc đầu khi được ông Tỉnh đặt vấn đề đúc bức tượng này, cụ Dũng cũng có chút lo lắng. Nhưng rồi cụ nhận lời ngay, bởi đây là vinh dự rất lớn đối với người đúc đồng như cụ. Từ lúc làm khuôn đến hoàn thành tượng chỉ mất thời gian hơn 1 tháng.
 
Tuy nhiên, trước khi bức tượng ra lò cụ Dũng không khỏi lo lắng. Cụ vẫn sợ có những sai sót. Nhưng khi đúc xong, cụ khóc vì vui sướng. Bức tượng quá đẹp. Nó giống Người từ hình dáng, tâm hồn đến khí phách. Bức tượng sau đó được đặt ở Bảo tàng Quân đội.

Cụ Dũng tâm sự: "Tôi vui vì mình đã đóng góp công sức nhỏ cho xã hội. Đời làm thợ đúc đồng của tôi đã có những tác phẩm để đời, nhiều người biết đến. Dù chết đi tôi cũng thấy mãn nguyện".

Tiền tỷ cũng không tiết lộ bí quyết

Cụ Dũng cho hay: "Nhìn các sản phầm đúc đồng thì ai cũng có thể làm, nhưng khi làm nhiều cái rất khó. Điều đó nó thể hiện người thợ tinh xảo và người thợ vụng. Sản phẩm do người thợ đúc làm ra phải toát lên được cái hồn của bức tượng. Nhìn bức tượng phải giống y như người ngoài đời, thậm chí nốt ruồi trên khuôn mặt cũng phải đúng vị trí. Cách pha chế màu cho một bức tượng cũng có công thức rất tinh vi, phải có bí quyết gia truyền".

Trước đây có người nước ngoài về làng Ngũ Xã nhờ cụ Dũng làm tượng chân dung bằng đồng. Sau khi cụ làm xong họ rất thích thú khi nhìn ngắm bức tượng đó. Họ muốn mời cụ về làm thêm những bức tượng khác cho họ nhưng cụ cương quyết từ chối.
 
Vì làm thế khác gì phô bí quyết nghề cho họ. Họ đặt thì cụ làm ở xưởng nhà mình, chứ trả thù lao tiền tỷ cụ cũng không theo họ. Cụ không thể nói bí quyết gia truyền của nghề đúc đồng cho người ngoài được.

Cụ Dũng xem lại những bức tượng mình đã làm.
Cụ Dũng xem lại những bức tượng mình đã làm.

Nấu đồng bằng gỗ lim

Cụ Dũng xuất thân trong gia đình có nghề đúc đồng truyền thống ở Ngũ Xã (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội). Con cụ Dũng là đời thứ 5 làm nghề đúc đồng.
 
"Tôi được bố kể lại, thời nhà Lê khoảng thế kỷ XVII - XVIII vua quan đã về Thuận Thành, Bắc Ninh mời những người thợ đúc đồng ở các làng nơi đây lên Kinh Đô đúc tiền. Những người thợ đó sau này thành lập nên làng đúc đồng Ngũ Xã".

Gia đình cụ Dũng có 6 chị em, cụ là người con thứ trong gia đình nhưng tính con trai cụ là cả. Vì thế, từ nhỏ cụ Dũng đã được cha chú truyền nghề đúc đồng. "Ngày nhỏ thấy cha chú làm nghề tôi cũng tập tành phụ giúp gia đình. Bố tôi lúc đó là thợ đúc giỏi trong làng, dạy cho tôi từng ly, từng tý. Lớn lên tôi cũng đi học hỏi thêm từ các xưởng khác, mở mang thêm kiến thức. Nhờ thế mà chưa đầy 20 tuổi tôi đã trở thành một người thợ giỏi", cụ Dũng kể.

Cụ Dũng bảo: "Làm nghề đúc đồng trước đây hầu hết các công đoạn đều làm thủ công, từ công đoạn làm khuôn đúc, cắt nhỏ các lá đồng để nấu. Cái khó nhất thời đó là nhiên liệu nấu đồng. Ngày đó chưa có than đá để nấu mà phải nấu bằng củi.
 
Thậm chí có đợt gia đình tôi phải mua cửa lim về nấu đồng. Tuy gỗ cửa lim đắt tiền hơn so với loại gỗ khác nhưng củi lim tỏa ra lượng nhiệt rất lớn, nấu đồng nhanh hơn nhiều củi thông thường. Thời đó gỗ lim sẵn nên dễ mua".

Nhiều bức tượng được cụ Dũng giữ gìn cẩn thận.
Nhiều bức tượng được cụ Dũng giữ gìn cẩn thận.

Vì cuộc sống kim tiền mà bỏ nghề

Cụ Dũng buồn bã nói: "Trước đây nghề đúc đồng là niềm tự hào của người dân Ngũ Xã. Thời hưng thịnh cả làng hàng trăm hộ đúc đồng. Nhiều gia đình có của ăn, của để cũng nhờ nghề. Nhưng giờ đây người làng Ngũ Xã bỏ nghề gần hết rồi. Trong làng hiện chỉ còn hai hộ còn gắn bó với nghề. Những người làm nghề bây giờ tuổi cũng đã cao, làm được vài năm nữa thôi.
 
Đến con trai tôi, tôi đã dồn tâm huyết làm nghề hơn nửa cuộc đời truyền lại nghề cho nó, nhưng nó cũng chỉ làm được thời gian rồi bỏ nghề. Bởi thu nhập hằng ngày của nghề đúc đồng không đủ chi phí cho cuộc sống. Thế hệ trẻ chuyển sang nghề khác thu nhập cao hơn".

Đã dành công sức và tâm huyết cho nghề đúc đồng hơn nửa thế kỷ, cụ Dũng thực sự đau xót khi nhìn thấy người dân quay lưng lại với nghề truyền thống của cha ông. Đường làng Ngũ Xã trước đây người thợ thường tổ chức thi đúc đồng mỗi dịp lễ, Tết, giờ đây là khu phố ẩm thực, nhộn nhịp suốt ngày đêm.

"Xưa kia những thế hệ cha ông chúng tôi là những người thợ giỏi đúc đồng ở Thuận Thành, Bắc Ninh được vua quan triều đại phong kiến mời lên Kinh Đô đúc tiền. Nhiều thế hệ dành công sức và tâm huyết để gây dựng nghề đúc đồng ở Ngũ Xã. Oái oăm thay, giờ đây thế hệ trẻ, cũng vì cuộc sống kim tiền mà bỏ nghề. Không biết làng đúc đồng Ngũ Xã rồi sẽ đi về đâu", cụ Dũng bất lực thở dài nói.

"Khi tôi nghỉ không làm nghề đúc đồng, nhiều người rất tiếc. Nghề đúc đồng đã ngấm vào máu của tôi, nhưng giờ già yếu, một mình cũng không thể kham mãi được. Giờ tôi dành thời gian nghỉ ngơi bên con cháu, làm thơ để tự thấy lòng mình được thoải mái". Cụ Nguyễn Văn Dũng
Đức Lợi
[links()]