TP.HCM: Lò đốt “sản xuất” khí độc

Google News

Khí thải độc từ các lò nhiệt luyện tiểu thủ công nghiệp ở TP.HCM đã đến mức khiến cây lá xanh chuyển thành màu bạc.

- Khí thải độc từ các lò nhiệt luyện tiểu thủ công nghiệp ở TP.HCM đã đến mức khiến cây lá xanh chuyển thành màu bạc. Người già, trẻ em sống gần trong khu vực sản xuất bị bệnh hô hấp ho hen. Nồng độ CO cao gấp 2 lần cho phép và loại khí này làm người ta chết ngạt sau 10 - 15 phút hít phải.
 
Công nghệ nấu nhôm hoàn toàn thủ công.
Công nghệ nấu nhôm hoàn toàn thủ công.

Khí độc cao gấp 2 lần cho phép

Ngày 5/10, xuôi theo đại lộ Đông Tây, chúng tôi xuống khu tiểu thủ công nghiệp thuộc KCN Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TPHCM. Vừa tới đầu dãy nhà xưởng cơ sở đúc nhôm, bụi khói khiến mắt cay xè, khó thở vì nghẹn họng. Bà Quỳnh, chủ cơ sở cho biết, gia đình thu mua các loại vỏ hộp lon bia về nấu thành thỏi, rồi đưa vào lò lửa kéo thành dây lõi nhôm. Dù bà này khẳng định quy trình sản xuất đã được khép kín nhưng theo quan sát của chúng tôi, khói bụi từ lò đốt ở đây vẫn phun mù trời.

Trước ghi nhận trên, phòng quan trắc thuộc Phân viện Bảo hộ lao động TP.HCM đã lấy mẫu không khí, mẫu bụi và đo tiếng ồn tại khu vực sản xuất nhiệt luyện nhôm, đồng. Với 2 mẫu tại khu vực kéo sợi và khu vực hấp đều cho kết quả nồng độ CO2 vượt quá giới hạn cho phép. Tại khu vực kéo của xưởng nhôm là 1.286mg/m3, khu vực hấp đo được 1.304mg/m3, trong khi đó tiêu chuẩn vệ sinh lao động (TCVSLĐ) chỉ cho phép trong giới hạn 900mg/m3.
 
Nhiệt độ nóng trong xưởng sản xuất đều vượt quá quy định cho phép > 32 độ C. Nồng độ bụi tại khu vực xung quanh xưởng nhôm vượt 0,01mg/m3 so với quy chuẩn và độ gió của các cơ sở sản xuất đều không đạt giới hạn cho phép.

Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Liên hiệp Hội KH&KT TP.HCM, thực tế sản xuất cơ khí, đặc biệt là ở các khâu đúc, rèn, hàn, nhiệt luyện... đều có các hơi độc ảnh hưởng tới sức khoẻ con người như các chất CO, MnO, ZnO2... Trong đó, CO là chất khí được hình thành khi than cháy không triệt để. Nếu được cung cấp đủ oxy khi chúng bị đốt, chúng sẽ oxy hoá triệt để để thành CO2.
 
Còn khi than hoặc dầu cặn FO cháy trong lò mà thiếu oxy thì sẽ có CO trong khí thải thoát ra khỏi ống khói của lò hoà vào không khí. CO theo tiêu chuẩn thế giới nồng độ tối đa cho phép là 0.02 mi-li-gam/lít không khí trong khi đó Việt Nam cho ngưỡng cao gấp 2 lần. Đây là khí rất độc vì nó làm người ta chết ngạt sau 10 - 15 phút hít phải.

Ngoài CO, nếu nhiệt độ của khoang lò vượt trên 800 độ C thì sẽ hình thành khí NO. Nhiệt độ trên 1.200 độ C hoăc cao hơn nữa thì sẽ hình thành các khí NO2, N2O3 gọi chung là NOx. Đây cũng là loại khí độc.

Mặc cho khói bụi những tay thợ vẫn luôn tay làm việc trong màn khói bụi đen đặc và mùi khét.
Mặc cho khói bụi những tay thợ vẫn luôn tay làm việc trong màn khói bụi đen đặc và mùi khét.

Bê ô nhiễm chỗ này đặt sang chỗ khác

GS Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành TP.HCM cho biết, giải quyết ô nhiễm khí thải từ ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đã được cảnh báo nhưng giải quyết chưa triệt để. Chủ yếu đây là những ngành nghề mang tính gia đình, nhỏ lẻ luyện kim, rèn đúc ở các quận Tân Bình, quận 6, quận 8...
 
Vì thế, khó dời vào khu công nghiệp có hệ thống xử lý khí thải mà chỉ chuyển các cơ sở này đến khu sản xuất chung nên không thể đấu nối để cùng xử lý khí thải bài bản được. Khi đó, khí thải theo hướng gió Tây Nam thổi về ảnh hưởng toàn bộ khu vực TP.HCM. Đã có lúc khi đo đạc cho kết quả ô nhiễm nghiêm trọng, khiến cây lá xanh chuyển thành màu bạc, dân cư quanh vùng đó như trẻ em, người già sống gần trong khu vực sản xuất bị bệnh hô hấp ho hen.

Việc di dời như hiện nay cũng chỉ là hình thức bê ô nhiễm từ chỗ này đặt sang chỗ khác, công cụ sản xuất vẫn thô sơ, công nhân làm việc không có một quy tắc an toàn lao động. Đặc biệt, khi tập trung thì độ ô nhiễm còn nặng hơn vì tạo độ ô nhiễm đậm đặc. Giải pháp đầu tiên cần giải quyết ngay là thay đổi công nghệ mới thân thiện môi trường, đảm bảo sức khoẻ người lao động.

Khí thải bay cả ra đường.
Khí thải bay cả ra đường.
Trong nhiệt luyện kim loại hay bất cứ thành phần gì của nguyên liệu sản phẩm đi kèm thường là các hơi hóa chất, bụi, hơi độc. Do đó, khu nhiệt luyện phải bố trí ở cuối hướng gió và cách xa khu hộ gia đình tối thiểu 50m. Trường hợp không thể bố trì xa hơn thì phải trang bị đầy đủ thiết bị hút hơi độc. Xưởng nhiệt luyện không được đặt trên nhà tầng. Các thiết bị nhiệt luyện phải theo đúng các tiêu chuẩn quy định.
Ông Trần Thanh Hiển (Trưởng phòng Quan trắc, Phân viện Bảo hộ lao động TPHCM)
Hương Nguyên
[links()]